Nhiễm độc biển Việt Nam: Im lặng ‘‘khó hiểu’’ của ngành y

Trọng Thành

clip_image002

Nạn cá chết miền Trung để lại nhiều chấn thương tâm lý. Trong ảnh, một cuộc biểu tình tại Hà Nội tháng 5/2016 phản đối tình trạng biển miền Trung nhiễm độc. (Reuters)

Đã hai tháng kể từ khi cá chết hàng loạt được phát hiện tại Hà Tĩnh, đầu tháng 4/2016, hơn một tháng sau khi chính quyền hứa hẹn sẽ công bố nguyên nhân gây ra một thảm họa sinh thái, được coi là chưa từng có tại 4 tỉnh miền Trung, và có thể đối với toàn Việt Nam. Trong lúc chính quyền kêu gọi dân chúng trở lại du lịch vui chơi, tắm biển Quảng Bình và nhiều nơi khác, thì tại tỉnh láng giềng Hà Tĩnh - trung tâm của thảm họa cá chết -, nỗi lo nhiễm độc tiếp tục ám ảnh người dân. Ngành y tế Việt Nam có trách nhiệm gì trong việc tình trạng lo sợ nhiễm độc kéo dài tại khu vực biển miền Trung?

Một thực tế rất tương phản đang diễn ra. Trong lúc trên các phương tiện truyền thông chính thống, vắng vẻ tin bài về nhiễm độc biển miền Trung(1), thì trên các mạng xã hội, thỉnh thoảng lại xuất hiện các tin, và cả clip về nhiễm độc hải sản gây tử vong tại khu vực này. Cùng lúc với việc tại một số tỉnh miền Trung, cụ thể là Hà Tĩnh, chính quyền cho mở rộng mạng lưới bán hải sản “an toàn”, thì cũng có nhiều trường hợp hải sản người dân đánh bắt về không bán được. Nỗi lo nhiễm độc bao trùm đời sống cư dân nhiều vùng quê biển, càng làm tăng thêm tình cảm bế tắc hiện nay, khi rất nhiều ngư dân phải chấp nhận cảnh gác lưới, buông chèo. Trong tình trạng chính quyền không đưa ra thời hạn công bố thông tin chính thức về nguyên nhân cá chết, và nhiều nhân chứng tại chỗ ghi nhận việc dân cư mắc các chứng bệnh giống như ngộ độc do tiếp xúc với hải sản, thì câu hỏi về độ an toàn của nước biển và hải sản tại khu vực ven bờ tiếp tục ám ảnh không chỉ người dân tại khu vực này.

Vừa nhớ, vừa sợ biển

Về vấn đề này, Tạp chí Xã hội của RFI xin chuyển tới quý vị những chia sẻ của các nhân chứng tại chỗ và phần nhận định của bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên (Sydney, Úc) và bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ ngành dịch tễ học (Hà Nội). Bác sĩ Trần Tuấn cũng là người phụ trách Liên minh Y tế Vì dân (EBHPD).

Trước hết, mời quý vị đến với khu vực thôn Đông Yên, cách khu vực nhà máy Formosa chừng một cây số về phía nam, qua tiếng nói của ông Mai Cường Quang (một cư dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh):

Bây giờ, nếu người ta có đi biển, thì thứ nhất là tâm lý lo sợ: Lo sợ bị nhiễm độc, cơ thể bị tiếp xúc với nước cũng gây lo sợ. Cách đây hai ngày, có hai người đi đánh mực về, họ đi cho vui. Đánh được con mực về, rất là thèm, con mực rất tươi. Hai anh em xẻ thịt ra, luộc lên rồi chuẩn bị nhắm. Nhưng ruột của nó đem cho gà ăn, gà chết ngay tại chỗ. Một người khác đi đánh bắt được một con cá mú, cỡ dăm ba lạng. Thấy thèm, kho định ăn, nhưng kho lên con cá đổi màu, sợ không dám ăn. Đem ra bỏ cho gà ăn, gà cũng chết. Người trong làng ở đây, người ta kể như thế. Tâm lý người ta rất sợ chuyện đó (…)”.

Thầy giáo Lê Quốc Châu, người chủ trương quỹ từ thiện Áo Tơi, chia sẻ cảm nghĩ của ông về vấn đề này với một góc nhìn khác:

Hiện nay, tôi cũng chưa thấy một người nào bị nhiễm độc, thấy mọi người cũng bình an thôi. Nhưng yếu tố tâm lý, tác động tâm lý thì rất lớn. Tức là người ta sợ bị nhiễm độc này nọ nhiều hơn là thực tế bị nhiễm độc. Hôm vào trong Mỹ Lợi, bà con cũng đánh cá về, nhưng không thấy bất cứ một ai mua cả. Còn thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi họ vẫn đánh cua ghẹ về, và một số nhà họ vẫn ăn (…)”.

Nhiều triệu chứng giống như ngộ độc

Xơ Hoài, làm việc tại một trạm xá của Cộng đoàn Mến Thánh giá Hướng Phương, tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cho biết tình trạng sức khỏe rất đáng ngại của nhiều người dân trong vùng, đến điều trị hàng ngày tại đây:

Từ một tháng nay, trong làng họ đến chỗ chúng tôi rất đông. Mỗi ngày khoảng 50 người đến truyền dịch (nước muối sinh lý). Các triệu chứng phổ biến là: tức ngực, khó thở, đau bụng, đi ngoài, đau đầu, rồi tay chân mệt mỏi. Nói chung họ không có cảm giác là vui vẻ gì cả. Tội nghiệp lắm!

Trong thời gian qua, khi thấy họ như vậy, tôi khuyên họ đi khám bệnh viện đi. Đi khám về họ bảo bệnh viện xét nghiệm rồi nói không có chuyện chi cả.

Ở đây có trường hợp rất nặng nữa là có một người khi đang đi lễ tại nhà thờ, thì bị xỉu. Một người đàn ông trai tráng. Đưa đến bệnh viện cấp cứu, thấy yếu quá nên chuyển vào Sài Gòn. Hiện tại đã gần một tháng rồi. Ba trường hợp nữa cũng đi khám (bệnh viện Sài Gòn). Đây là những người có điều kiện. Bệnh viện cho xét nghiệm, nói những người này ăn cá bị nhiễm độc (…)” (cũng theo xơ Hoài, hầu như gia đình nào tại khu vực này cũng có người mắc các triệu chứng nói trên).

Về phản ứng của ngành y tế trong vụ biển miền Trung nhiễm độc, bác sĩ Trần Tuấn nhận xét:

Hiện nay, trên phương tiện thông tin đại chúng, về mặt chính thức của nhà nước, chưa có thông điệp rõ ràng về việc: Liệu có hay không tình trạng cá biển nhiễm độc tại khu vực này. Và nếu có thì căn nguyên ở đâu. Chúng tôi thấy rằng, chưa cần bàn tới căn nguyên, thì ít nhất phải khẳng định được là có bị nhiễm độc hay không. Bởi vì, thực sự nếu trả lời có bị nhiễm độc, thì có thể toàn bộ khu vực có nguy cơ nhiễm độc cá như vậy thì phải coi là khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy thì, về mặt y tế, các biện pháp dự phòng phải được thực hiện, phải khoanh vùng nguy cơ bị dịch, và thực hiện các biện pháp giúp cho tránh tiếp xúc với các nguồn độc chất.

Cho đến nay, chúng ta thấy rõ ràng là chưa có những biện pháp như thế. Tiếng nói của các cơ quan y tế, kể cả các hội. Sự im lặng này chúng tôi thấy là tương đối khó hiểu.

Quả thực là chúng tôi là những người làm ngành y, cũng làm y tế dự phòng. Cho đến nay cũng không thể hiểu nổi, tại sao có một tình trạng im lặng mà chúng tôi cho rằng bất thường như thế này. Bởi vì ngành y là ngành lấy chăm sóc sức khỏe của người dân làm trọng. Mục tiêu chính là làm sao có thể để đảm bảo cho người dân tránh được nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cụ thể tại một khu vực đã có hiện tượng cá chết nhiều như vậy, diễn ra trong một thời gian dài như vậy”.

Không thể đợi công bố căn nguyên cá chết!

Xử lý cuộc khủng hoảng môi sinh tại miền Trung về phương diện y tế có nhất thiết phải chờ đến khi có kết quả điều tra chính thức về nguyên nhân cá chết hay không, bác sĩ Trần Tuấn giải thích:

Tôi nghĩ rằng nếu có tâm lý chờ đợi, cho đến khi tìm ra căn nguyên ngộ độc rồi mới bắt tay vào hành động, thì đây là một tâm lý không đúng với tinh thần khoa học dự phòng. Khi đã có hiện tượng cá chết và cá là một nguồn thực phẩm trực tiếp với người dân tại khu vực đó, cũng như nó có thể lan rộng ra, mà phải đợi đến khi tìm ra căn nguyên thì đã quá muộn.

Ít nhất chúng ta phải theo dõi tình trạng sức khỏe của cư dân trong vùng, để xem xét xem liệu có tình trạng sức khỏe bất thường xảy ra hay không. Những trường hợp có khả năng liên quan đến tình trạng cá chết hay không. Như vậy, riêng về mặt lâm sàng, điều này hoàn toàn cho phép chúng ta có thể theo dõi các đối tượng trong khu vực, để từ đó có các chỉ định mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân”.

Bác sĩ Trần Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến những gì mà ngành y có thể làm được trước một cuộc khủng hoảng môi sinh như tại khu vực ven biển miền Trung hiện nay:

Tôi nghĩ là sự im lặng này là một sự im lặng rất khó hiểu. Sự im lặng của Bộ Y tế, cũng như hệ thống y tế đối với người dân đã là khó hiểu rồi. Điều thứ hai là lương tâm của người thầy thuốc, bác sĩ, thể hiện thông qua các nghiệp đoàn của mình, như Tổng hội Y học, Hội Y tế Công cộng, rồi Hội Y tế Dự phòng, Hội Y học Dự phòng… Đấy là những hội mà tôi cho rằng trực tiếp liên quan.

Cá nhân tôi, tôi thấy, có thể là về mặt chính quyền, về mặt chính trị, có những vấn đề mà họ phải xem xét, phải nhìn nhận thế này thế kia; nhưng ít nhất, về mặt khoa học, về mặt chăm sóc sức khỏe, thì tôi chắc rằng không ai có thể ngăn cấm họ vào làm việc với người dân, để rồi khoanh khu vực lại, xác định vùng có nguy cơ, rồi tổ chức thiết lập việc theo dõi sức khỏe để giám sát xem có tình trạng bất thường gì xảy ra không, để nhanh chóng có các biện pháp dự phòng, ngăn ngừa các nguy cơ tiếp xúc, đánh giá các hiện tượng bất thường xảy ra với người dân vùng đó, kể từ vấn đề thực phẩm, cho đến nước uống, và các nguy cơ khác. Trong lúc tình trạng nguyên nhân chưa rõ ràng, thì mình phải xem một cách rộng rãi. Ngoài từ biển ra, còn vấn đề đất, không khí. Về mặt trách nhiệm, chúng ta không thể làm ngơ ở một khu vực xảy ra một thảm họa môi sinh như vậy, mà căn nguyên chưa được làm rõ”.

Về tình hình tại Kỳ Anh, chúng tôi đã gặp bác sĩ Phan Thị Xuân Liễu, giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện, qua điện thoại, nhưng không được hồi đáp. Về tình hình nhiễm độc do ăn cá biển, bác sĩ Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đề nghị chúng tôi liên lạc với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (xem thêm phần giải thích của bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên bên dưới). Về phần mình, giáo sư Lê Vũ Anh, chủ tịch Hội Y tế Công cộng, giải thích hội của ông hiện đã quá tải, vì nhiều việc trầm trọng hơn, nên không thể quan tâm đến vấn đề này.

***

Bộ Y Tế đã im lặng, im lặng trước tình trạng môi sinh ven biển, cũng như im lặng trước cảnh ngộ nhiều ngư dân có các triệu chứng giống như nhiễm độc. Im lặng, bất chấp nỗi lo ngại rất lớn của nhiều người. Nỗi lo ngại không được làm sáng tỏ, không được giải tỏa, có thể trở nên trầm trọng hơn, và tiếp tục lan rộng trong xã hội. Những lo âu thái quá có thể biến thành chấn thương tâm lý, một thứ ngộ độc tinh thần, gây tác hại nặng nề đến sức khỏe.

Thực ra, xét trên một phương diện khác, Bộ Y tế đã không hề im lặng. Kể từ đầu tháng 5/2016 đến nay, Bộ bắt đầu lên tiếng theo đúng chủ trương: Biển về cơ bản là sạch…, bất chấp nhiều hiểm họa tiềm tàng ở khu vực ven bờ(2). Sau khi chính quyền thừa nhận thảm họa vào cuối tháng 4, và chỉ ít ngày sau khi báo chí ngừng đưa tin rộng rãi, đến ngày 10/05, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia của Bộ Y tế đã nhanh chóng xác nhận 139 mẫu hải sản “an toàn” của bốn tỉnh miền Trung(3). Vấn đề xét nghiệm độ nhiễm độc của hải sản “gần bờ” như vậy dường như đã bị bỏ lơ, trong khi các mẫu cá chết đã được thu thập trước thời điểm lấy các mẫu hải sản sống.

Thảm họa cá chết chưa từng có và nguy cơ nhiễm độc đối với người dân ven biển miền Trung - đang có xu hướng bị dìm vào quên lãng - rõ ràng đặt ra trước công luận, vấn đề trách nhiệm của những người làm chuyên môn, những người làm nghề y tại Việt Nam. Trách nhiệm của giới cầm quyền cấp cao đã bị nhiều chỉ trích hay lên án trong công luận. Bác sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh đến trách nhiệm của ngành y tế nói chung, của Bộ Y tế, cũng như phía các hiệp hội nhà nước. Nhưng mặt khác, riêng về phía địa phương, nhiều nhân chứng ngay tại tỉnh Hà Tĩnh - tâm điểm của thảm họa cá chết - cho thấy, chính quyền các cấp cũng đã có nhiều áp lực không chính thức để buộc những người làm việc trong hệ thống phải im tiếng trước nỗi lo, nỗi khổ, nỗi đau của các ngư dân đồng hương.

Thảm họa môi sinh chưa từng có đối với Việt Nam này cũng đặt các mạng lưới xã hội dân sự non trẻ, đang khát khao khẳng định tính độc lập của mình, trước một thách thức: Trong những điều kiện ít thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng ở một vị thế tự do hơn nhiều về tinh thần, liệu họ có thể làm gì để giúp đỡ có hiệu quả cho rất nhiều người dân biển đang không chỉ đau khổ vì bệnh tật, mà còn đang rất cô đơn, bối rối, hoang mang về mặt tinh thần?

RFI xin chân thành cảm ơn xơ Hoài, các ông Mai Cường Quang, Lê Quốc Châu cùng các bác sĩ Trần Tuấn, Nguyễn Đình Nguyên đã dành thời gian cho chương trình Tạp chí Xã hội tuần này về cuộc khủng hoảng nhiễm độc biển miền Trung.

__________

(1) Dư luận đặc biệt chú ý đến hiện tượng một số bài viết liên quan đến thảm nạn tại miền Trung bị gỡ bỏ, ví dụ như bài “Lời than thở của các loài cá”, đăng trên ấn phẩm Thế giới tiếp thị (ấn phẩm đồng thời bị đình bản), hay bài “Kiểm tra Formosa: đụng đâu sai đó” trên Tuổi Trẻ. Hay thông tin về việc báo Tuổi trẻ Cười buộc phải thay trang bìa đả kích Formosa, với lời thoại của rùa vàng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”.

(2) Một số nhân chứng địa phương cho biết, nhiều hoạt động phổ biến kiến thức trong cộng đồng về phòng, chống độc từ biển đã bị đình hoãn, trong khi chờ đợi kết quả chính thức về nguyên nhân cá chết.

(3) Đa số các hải sản được thông báo an toàn là đánh bắt ngoài khơi, xa hơn 20 hải lý. Như vậy, một số nhỏ đánh bắt ven bờ vẫn được coi là an toàn. Hải sản ven bờ an toàn hay không an toàn? Thông tin chính thống nhiều mâu thuẫn, và không rõ ràng, xung quanh vấn đề này cũng có thể làm tăng thêm hoài nghi.

***

Bệnh nghi do ngộ độc tại Hà Tĩnh: Y tế cộng đồng hay vấn đề cá nhân?

(Phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên)

RFI: Một bệnh như thế nào có thể được coi là vấn đề của y tế cộng đồng?

Nguyễn Đình Nguyên: Hiện tượng thứ nhất, trong một vùng, nếu chỉ có một vài người mắc thì không phải là vấn đề cộng đồng. Hiện tượng thứ hai, nếu có cả một làng bị cúm, nhưng là bệnh tái đi tái lại hàng năm, thì cũng không phải là vấn đề của một cộng đồng lớn.

Để được coi là một vấn đề cộng đồng, thứ nhất là phải là bệnh mới phát, hoặc là trong dạng cảnh báo có thể là một dịch, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Một số bệnh khác, như nhiễm trùng dạng không phổ biến, chỉ cần ba người thuộc một quần thể khép kín bị mắc, là có thể coi là vấn đề cộng đồng. Có thể cuối cùng, đây cũng chỉ là một bệnh bình thường, nhưng thoạt tiên phải đặt vấn đề này trong lĩnh vực y tế cộng đồng, chứ không phải chỉ là vấn đề của một cá nhân hay của một gia đình.

RFI: Trong lĩnh vực y tế công cộng, tồn nghi về nhiễm độc do ăn cá tại Vũng Áng thuộc trách nhiệm của ngành an toàn thực phẩm hay y tế dự phòng?

Nguyễn Đình Nguyên: Thực phẩm không an toàn gây tác hại trên phạm vi rộng thì bên an toàn thực phẩm phải chịu trách nhiệm, bởi vì đây là thực phẩm đã được cho lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, trường hợp cá chết Vũng Áng (hay cá đánh bắt tại Vũng Áng, trực tiếp tiêu thụ sau đó) chưa phải là cá đưa vào thị trường. Nếu xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt là yếu tố tự nhiên, người sử dụng ăn con cá chết (hoặc nghi vấn bị nhiễm độc tố) tại Vũng Áng, thì việc này không thuộc ngành an toàn thực phẩm, mà là thuộc về lĩnh vực sức khỏe - môi trường. Kể cả việc người dân không nghe khuyến cáo mà ăn cá, ngành y tế vẫn phải có trách nhiệm.

RFI: Kinh nghiệm của Úc hay một số nước khác xử lý ra sao một khủng hoảng có ảnh hưởng tâm lý nặng nề như trường hợp nghi vấn nhiễm độc tại Vũng Áng?

Nguyễn Đình Nguyên: Nếu đây là một vấn nạn xảy ra tại Úc, và mang tính cộng đồng, thì cần phải tính đến mấy yếu tố sau. Thứ nhất là với con người, thứ hai là tới môi trường. Trên con người, cũng như cộng đồng đều có ba vấn đề. Thứ nhất là sức khỏe hiện tại, thứ hai là sức khỏe tâm thần, tâm lý và thứ ba là xã hội. Về bệnh, mình phải quan tâm điều trị bệnh người ta mắc phải.

Về mặt tâm lý, phải xem xem, nếu bệnh lý, bệnh dịch đó đủ gây sang chấn tâm lý, thì lập tức họ có các đội, gọi là “đường dây nóng”. Ngành y tế cộng đồng, dịch tễ học sẽ làm việc với các đội chuyên viên tâm lý, hoặc các bác sĩ tâm thần, để làm công việc úy lạo cho người bệnh, hoặc những nạn nhân gián tiếp, hoặc trực tiếp.

Thứ ba là về sức khỏe xã hội, ví dụ như khi cả một cộng đồng bị ảnh hưởng do dịch, tức là nếu phải đóng cửa một nhà máy, một vùng du lịch,… thì đồng thời phải có biện pháp để nhanh chóng ổn định tình hình đời sống cho cả một xã hội. (…)

RFI: Trong trường hợp như tại Vũng Áng, trước mắt khi hệ thống y tế nhà nước để mặc người dân tự lo, thì người dân nên làm như thế nào?

Nguyễn Đình Nguyên: Đây là một vấn đề nan giải với tình hình Việt Nam. Vì tôi biết người dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, không khá giả gì, chưa kể vấn đề bây giờ không có đánh bắt, thu nhập gì.

Bên cạnh đó, khó khăn thứ nhất là họ không có hướng dẫn phải đi làm cụ thể những gì, làm như thế nào, làm ở đâu. Phải có người biết chuyên môn đứng ra xem xét. Không phải mình muốn làm gì là được. Đầu tiên phải đặt ra giả thuyết. Căn cứ trên các triệu chứng, đặt giả thuyết xem nghi bệnh nhân bị gì. (…) Ví dụ, nếu tôi là người làm y tế, tôi phải chọn ra năm nghi vấn, ưu tiên xếp thứ tự từ một đến năm. Lúc đó, có điều kiện ít thì làm ít, điều kiện nhiều thì làm nhiều.

RFI: Tại trạm xá Vũng Áng, được nghe nói có một vài bệnh nhân, đi tới Sài Gòn để xét nghiệm, và được biết là nhiễm độc chì. Bác sĩ nghĩ gì về chuyện này?

Nguyễn Đình Nguyên: Đây là một thông tin rất thú vị. Nguồn nhiễm độc chì ở đâu nhiều nhất. Tôi nghĩ là từ công nghiệp. Mình không có kết luận từ trước, nhưng rõ ràng có một mối liên quan giữa việc nhiễm độc chì và nguồn chất thải công nghiệp. Giả định là từ đây cho đến khi đưa ra được câu trả lời “không”, (thì vẫn) phải đặt vấn đề nghi ngờ và phải đi điều tra.

Vào tháng 2/2015, tôi được đọc báo trong nước, ở vùng Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Hà Tĩnh, cũng có hiện tượng cá chết vào dịp Tết. Vào thời điểm đó, những người làm tài nguyên môi trường, theo tôi nhớ, đã phát hiện được lượng chì trong nước cao gấp 10 lần so với hàm lượng cho phép. Sau đó, chuyện này bị lãng quên. Như vậy phải xem xét vấn đề chất thải công nghiệp.

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160601-nhiem-doc-bien-mien-trung-viet-nam-su-im-lang-‘‘kho-hieu’’-cua-nganh-y

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn