Ngành hàng không, du lịch: Hãy kìm hãm bớt “sự sung sướng”

Nguyễn Đình Ấm

Tổng kết sản xuất - kinh doanh năm 2016, GDP của Việt Nam (VN) chỉ tăng trưởng 6, 25% thấp hơn năm 2015 (6, 68%) không đạt kế hoạch 6, 7%, thế nhưng ngành hàng không, du lịch lại có sự tăng trưởng đột biến. Năm 2016 thị trường hàng không Việt Nam (HKVN) đạt 52, 2 triệu hành khách, tăng 29% so với năm 2015, ngành du lịch đạt 62 triệu lượt khách nội địa, 10 triệu khách quốc tế, tăng 25%!

Lạ vì tăng trưởng đột biến

Đây là điều lạ, bởi vì sự phát triển của hai ngành này luôn phản ánh trạng thái kinh tế cũng như mức sống của người dân của một quốc gia. Bởi, nếu thu nhập của người dân thấp tức tiền bạc không nhiều thì tất nhiên việc đi chơi bời, nghỉ ngơi sẽ giảm thế sao ngành du lịch lại tăng trưởng khủng khiếp như vậy?

Với ngành hàng không thì càng lạ. Chi phí vận tải hàng không chủ yếu bằng ngoại tệ: máy bay, phụ tùng, phần lớn nhiên liệu, hạ tầng,… đều bằng ngoại tệ tất nhiên giá vé phải cao mà giá vé cao mà dân thu nhập thấp thì thị trường hàng không sao có thể phát triển kỷ lục đến 29% như vậy? Đó là chưa nói ngành hàng không kinh doanh vẫn khó khăn dù giá nhiên liệu có giảm nhưng đồng VN đang mất giá, khi chi phí chủ yếu ngoại tệ nhưng vé máy bay bán bằng tiền đồng.

Việc tăng trưởng đột biến của hai ngành này tất nhiên làm mọi người rất vui mừng, sung sướng. Các nhà lãnh đạo, bộ, ngành, doanh nghiệp,… tỏ ra hân hoan tột độ. Việc chào đón hành khách thứ 10 triệu, 9.999.999 và 10.000.001 ở Phú Quốc (điểm du lịch mà các đoàn tổ chức sự kiện này chắc rất ưa chuộng) toàn khách Tây Âu hết sức linh đình, chu đáo.

Với nhiều người trong ngành HKVN thì chẳng lạ những vị khách thứ nọ, kia chủ yếu được ấn định từ trước trên lịch bay và danh sách hành khách. Những khách này được chọn làm sao để mang tính khoa trương nhất. Thế nhưng, trong nỗi mừng chung kia các quan chức trách nhiệm có thấy băn khoăn gì không?

Đó là sự tăng trưởng giả tạo, không bền vững.

Tăng trưởng do yếu tố Trung Quốc

Khách Trung Quốc (TQ) tràn sang VN du lịch, làm ăn và những gì nữa tăng đột biến. Năm 2016 khách TQ qua chỉ riêng cửa khẩu Móng Cái trung bình 10.000 người/ngày, cả năm là 1, 6 triệu lượt. Đầu năm nay con số ấy còn gấp đôi. Vậy tất cả các cửa khẩu đường bộ, đường không là bao nhiêu?

Vậy khách TQ có phải là nguồn khách mang yếu tố ổn định không?

Hãy xem đầu năm 2014 khi xẩy ra vụ giàn khoan dầu Hải Dương 981 xâm phạm biển đông VN, dân ta phản đối, nhiều khách sạn từ chối phục vụ khách TQ nên nhiều tour du lịch TQ bị hủy làm cho phần lớn khách sạn, những chuyến bay trống vắng… Theo dư luận ở ngành HKVN thì thời kỳ đó những chuyến bay Airbus A320, A321 150, 180 ghế nhưng chỉ hơn chục khách vì lịch bay đã xếp trước đó cả tháng, nhiều tháng. Nhiều khách sạn cũng trống khách.

Do quá ít khách nên nếu các hãng HK cứ bay thì lỗ quá lớn, lại ô nhiễm môi trường, nên hãng HK phải chờ đợi dồn chuyến để đỡ lãng phí nên chuyến bay bị chậm, hủy tăng đột biến. Các hãng HK làm như vậy là đúng, miễn là thông báo công khai với hành khách để họ thể hiện lòng yêu nước, chia sẻ với DN, nhà nước và bồi thường theo quy định cho những hành khách lỡ công việc. Thế nhưng, lãnh đạo Bộ GTVT khi đó lại “đổ tội” cho Cục HKVN (là cơ quan quản lý nhà nước không liên quan nhiều đến việc kinh doanh, chậm, hủy chuyến) và yêu cầu đi thị sát, “đốc thúc” các hãng HK về chuyện này (?)… Dịp Đại hội Đảng Cộng sản 12, TQ đưa 46 chuyến bay A320 bay “loạn xạ” trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh của VN gây tình trạng cực kỳ nguy hiểm cũng diễn ra tình trạng tương tự. Liệu TQ có còn “dở trò” gì nữa không?

Và yếu tố phi kinh tế?

Do cạnh tranh giữa các hãng HKVN (chủ yếu giữa Vietnam Airlines-VNA và Vietjet Air-VJA)) mang lại nhiều lợi ích cho hành khách nhưng cũng dẫn đến những bất thường không có lợi.

Những năm trước đây VNA mua, thuê một đội bay khá hợp lý: các máy bay Boeing 777 động cơ Roll Royce bay đường dài (nay đang thay bằng B787, A350), A321 bay đường bay trung bình đi Đông Bắc Á, các máy bay A320 bay đường bay trung bình ngắn (Bắc Nam và trong khu vực), đội ATR72 bay đường ngắn. Việc khai thác các đường bay ngắn (Hà Nội-Điện Biên Phủ, Pleicu, Sài Gòn-Phú Quốc, Côn Đảo, Rạch Giá, v.v…) bằng máy bay ATR 72 là rất hợp lý tiết kiệm, tối ưu. Thế nhưng thời gian gần đây việc VJA đưa toàn máy bay A320 vào bay mạng nội địa ngắn nên ATR 72 không thể cạnh tranh (vì A320 bay nhanh và ổn định, tiện nghi hơn) dẫn đến những chiếc ATR 72-500 hiện đại trở nên thừa, rất lãng phí… Hiện VNA cũng đang thừa máy bay nhưng lại thiếu nhân viên kỹ thuật trình độ cao do kế hoạch chiến lược xây dựng từ những năm trước không lường được cuộc cạnh tranh hiện tại.

Năm 2016 các hãng HKVN cạnh tranh bán tới 15 triệu vé máy bay giá rẻ, cực rẻ cũng tăng sản lượng khách một cách giả tạo. Thông thường, các hãng HK thường dành ra một số lượng vé giá rẻ, cực rẻ nhất định chủ yếu để bán cho những khách bay vào mùa, thời gian thấp điểm nhằm lấp các ghế trống, tăng hiệu quả kinh doanh, phần quan trọng để quảng cáo (thông thưởng chỉ khoảng 12% số khách mua được vé cực giá rẻ trong số quảng cáo) là chủ yếu. Thế nhưng, thời gian qua trước khi các hãng HK tham gia thị trường chứng khoán lại tuyên bố mua số máy bay khổng lồ, bán ồ ạt vé giá rẻ đến không tưởng như vậy có phản ánh đúng năng lực, môi trường phát triển hay không? Bởi năm 2016 thị trường hàng không du lịch có sự tăng trưởng tự nhiên nhưng sự phát triển đột biến như thế là nhất thời không bền vững, ẩn chứa nhiều nguy hiểm nếu các nhà đầu tư, hoạch định chính sách không nhận thức được điều đó.

Như vậy, liệu các hãng HK có bán được mãi lượng giá rẻ lớn như vậy trong khi chi phí vận tải HK rất lớn?

Vừa đây các hãng HKVN bắt đầu tăng giá vé là không có gì lạ. Phải chăng các nhà đầu tư đã vét hết số cổ phiếu với giá cao hơn giá trị thực rồi?

Hãy kìm bớt “sự sung sướng”

Hiện nay ngành du lịch, hàng không nhiều nước trong khu vực liên quan thị trường TQ như Philipine, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật, VN, Thái Lan,… đều bị TQ “nắm gáy”. Với VN thì quá rõ rồi, thương nhân TQ liên tục mua với giá “trên trời” loại hàng hóa nào đó để dân VN cắm đầu sản xuất ồ ạt rồi họ đột nhiên không mua nữa dẫn đến thiệt hại khủng khiếp phải bán rẻ cho họ hoặc hủy bỏ. Với ngành du lịch, hàng không nếu thấy khách tăng đột biến dẫn đến mua sắm, đầu tư thật nhiều phương tiện hạ tầng, máy bay, khách sạn, nhà nghỉ,… để tiếp đón đến khi nào họ lệnh cho công dân của họ không đến nước nọ, nước kia nữa là “chết mất ngáp”. Hiện tại, Đà Nẵng thừa mứa khách sạn (từ bình dân đến hai, ba sao), đã buộc nhiều chủ bán “tháo chạy”. Ngành du lịch, hàng không Hàn Quốc đang lao đao vì TQ lệnh cho công dân của họ không đi du lịch Hàn để phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là bài học nhãn tiền cho tất cả các nước dựa thị trường TQ.

Việc ngành du lịch năm qua đón số khách kỷ lục là đáng mừng nhưng tỷ lệ khách TQ rất cao tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Với những khách sạn cao cấp 4-5 sao họ rất sợ khách TQ vì khi có khách TQ thì khách các nước khác thường “vào rồi… quay ra”. Đặc biệt, nguồn khách chủ yếu ấy liên hệ chặt chẽ với chính trị, quan hệ giữa nước bị xâm lược với kẻ đi xâm lược.

Vì vậy không chỉ các ngành kinh tế khác liên qua TQ mà đặc biệt ngành hàng không, du lịch hãy “kìm hãm bớt sự sung sướng” của mình lại mà suy tính, có hành động hợp lý khi kinh doanh thị trường khách Trung Quốc.

N.Đ.A.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn