“Đường sắt cao tốc - Bài tẩy đã ngửa” và bài học không chỉ với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng!

Nguyễn Hữu Quý

clip_image002

 

Chợ cửu vạn ở Hà Nội đang chờ người đến thuê để kiếm sống hàng ngày...

 

Thực ra, không phải đợi đến sáng ngày 25/01/2011 trên trang mạng Bauxite Việt Nam đăng bài “Đường sắt cao tốc – Bài tẩy đã ngửa” của tác giả Nguyễn Trung, vạch rõ bản chất “con bài tẩy” Đường sắt cao tốc (ĐSCT) kia là của ai, ai “đạo diễn” phía sau nó, làm cho ai, và vì ai, mà đã từ lâu, ngay từ lúc dự án ĐSCT nóng lên tại diễn đàn Quốc hội (QH) năm 2010 vừa rồi, mọi người VN đều biết rằng… “mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh”.

Nếu như năm ngoái tại kỳ họp QH còn “úp úp, mở mở”, thì vừa rồi “con bài tẩy” đã được lật ngửa để công khai với gần 90 triệu dân VN; và như tác giả Nguyễn Trung đã cảnh báo: Chờ xem vì sao người ta quyết phải làm cho được ĐSCT. Vì sao và vì ai? Nhưng dứt khoát là không vì 85 triệu người Việt Nam là điều chắc chắn”.

Việc “Bài tẩy đã lật ngửa” cho thấy “quyền” của kẻ ra chủ trương và “thế” của người (phải) thực hiện.

Hậu quả của dự án ĐSCT, mà nếu như nó được triển khai, thì như tác giả Nguyễn Trung nhận định sẽ là “...gây nợ cho Việt Nam 100–200–300 năm” cũng như khiến “Việt Nam lệ thuộc vào Trung Cộng 100–200–300 năm”.

clip_image004

Những người lao động chất phác đội mũ cối, nón lá... là những khách hàng tiềm năng, sẽ đi tàu cao tốc trong tương lai tại Việt Nam?

Sau ĐH XI vừa rồi, mặc dù được BCHTW khoá X giới thiệu, nhưng ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã không trúng cử vào BCHTW khoá XI, âu cũng là một điều gì đó động viên nhân dân ta, rằng ĐH XI cũng còn rất nhiều người đang vì dân, vì nước.

Rõ ràng, đây là bài học không chỉ riêng cho ông Hồ Nghĩa Dũng, mà còn dành cho những ai đang còn mơ và tin vào một thế lực nào đó để hòng giữ cho cái ghế của mình.

clip_image006

Giải pháp nào để ĐSCT đi qua miền Trung thường xuyên bị bão lụt, thiên tai... trong khi tiền đầu tư là những khoản vay?

Phần sau đây, người viết muốn nêu lên một vấn đề, là một khi mọi sự tính toán không xuất phát từ lòng dân, thì phẩm giá và danh dự của dân tộc Việt Nam sẽ bị mất mát nghiêm trọng trong con mắt của bạn bè quốc tế, một sự mất mát mà không có tiền bạc nào có thể đổi được.

Thực tiễn đã cho thấy, từ những việc làm của lãnh đạo VN trong các năm qua, có thể nói, dân tộc VN đang làm cho cả thế giới nghi ngờ về sự thiện chí của mình, có thể, từ một đất nước từng là “lương tri của thời đại” như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày nào, thì rất có thể, hôm nay VN sẽ trở thành một dân tộc khó hiểu, sẽ dần được sánh ngang với Bắc Triều Tiên!

clip_image007

Tàu cao tốc Việt Nam - một viễn cảnh xa vời

- Sự kiện “Thụy Điển đóng cửa Đại sứ quán tại Việt Nam” [1] vào ngày 22/12/2010 với lý do là… thiếu kinh phí (?!), nhưng đồng thời “Thụy Điển thành lập Đại sứ quán ở Campuchia” được RFA [2] đưa tin vào ngày 11/01/2011, tức là chưa đến một tháng sau đó, làm tất cả những ai còn lòng tự trọng dân tộc Việt không khỏi nhói lòng!

- Việc VN không tham gia lễ trao giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba người TQ (tổ chức vào tối ngày 10/12/2010 tại thủ đô Oslo – Na Uy), được xem như là điểm khởi đầu cho “sự suy thoái niềm tin” đối với dân tộc VN trong sự nhìn nhận của bạn bè quốc tế. Phải chăng, ngoài những nỗ lực giúp nước ta chống tham nhũng trong những năm qua nhưng không được như mong muốn, thì đây là luận điểm cuối cùng để Thụy Điển quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại nước ta vào 10 ngày sau đó?

- Hiện tại, Nhật Bản đang giúp ta “Tái khởi động nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc” [3]. Người Nhật sẽ nghĩ gì khi “...việc lựa chọn đối tác vẫn còn bỏ ngỏ. Sau khi có báo cáo đầu tư rồi, chúng ta sẽ xem xét quốc gia nào, doanh nghiệp nào, nhà thầu nào đáp ứng tốt nhất điều kiện mình đề ra sẽ lựa chọn. Dự án này rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã có thể hợp tác để làm hết. Thế thì phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu. Còn bây giờ Nhật đang giúp mình trong việc chuẩn bị dự án”; Trung Quốc cũng không loại trừ. Vì trong đấy có nhiều dự án lắm, có thể nhiều nhà thầu của nhiều quốc gia cùng tham gia”, như lời ông Hồ Nghĩa Dũng? Nếu như ta nhớ lại một quan điểm “cứ thằng nào rẻ là ta chơi”... thì chắc chắn rằng, “mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh” (?!). Và khi đó, người Nhật (giúp VN lập dự án bằng vốn không hoàn lại) sẽ là kẻ đứng ngoài cuộc trong trò chơi “trốn tìm” của người VN?

- Nếu như ta nhớ lại, một trong những thắng lợi ngoại giao của VN năm 2010 là tổ chức các sự kiện nhân VN là nước Chủ tịch ASEAN, trong đó đáng nhớ nhất là Ngoại trưởng Mỹ đã 2 lần có mặt tại VN trong cùng một năm, với tuyên bố “Mỹ khẳng định lợi ích quốc gia tại Biển Đông, Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng giải pháp đa phương... ”, từ đó làm cho TQ gặp phải hàng loạt sai lầm và đặc biệt phải vội “cải chính” lại việc xem “Biển đông là lợi ích cốt lõi”... Nhưng lạ thay, cũng chỉ vài tháng sau đó, trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có bài “Ngăn chặn âm mưu “tự diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước thềm Đại hội Đảng” [4], trong đó có những đoạn: “...Sau khi Tổng thống mới Barack Obama trúng cử, chính phủ Mỹ đã có những điều chỉnh và các bước đi tích cực trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không thay đổi mục tiêu chống phá cách mạng nước ta...”; tiếp nữa là: “...Hơn thế, bằng chiêu thức tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, chính quyền mới của Obama đang đưa “diễn biến hòa bình” vào sâu hơn trong nội bộ ta, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tự diễn biến, trong đó chú trọng đến tự diễn biến trong lĩnh vực tư tưởng và lý luận”.

Bằng cách viết, lối hành văn và đặc biệt là nội dung, mà chỉ đáng để dùng khi tuyên truyền tại các chi bộ Đảng ở nông thôn vùng sâu, vùng xa học tập (nhưng chưa chắc đã đã ổn), qua bài này ta thấy, với một cách nhìn rất ấu trĩ, thậm chí rất nông cạn về nhãn quan chính trị, chơi với bạn nhưng nhìn bạn bè qua một cái kính màu đen, không thật lòng. Hoặc chỉ có thể là xem các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như những “đồ bãi hoang chim ỉa” thì mới viết ra những điều như vậy, trong một tờ báo như vậy (?!); trong khi mọi người VN ta đều biết rằng, việc Mỹ trở lại châu Á đang là một lợi thế rất lớn không chỉ cho nước ta, mà cho tất cả các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông với TQ.

Ở một góc nhìn khác, trong khi “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, thế nhưng, bằng cái nhìn như đã nêu trên, cho thấy một tầm nhìn yếu kém không chỉ của người viết mà của cả một đường lối chiến lược.

Chỉ cần những vấn đề như đã nêu trên, và cho dù không cần đến tầm nhìn của một người chuyên phân tích về chính trị, thời sự, cũng cho thấy rằng, Việt Nam hôm nay đang là một đất nước không đáng tin cậy. Đây là một nỗi buồn (rất khó tả) dành cho mọi người VN chân chính.

Có thể nói, cùng với những “Lỗi hệ thống” mà báo chí đã nói rất nhiều, thì việc Việt Nam hôm nay đang dần để mất niềm tin từ các nước và cộng đồng quốc tế như đã đề cập trên, là một nguy cơ mà đất nước ta sẽ phải trả những giá rất đắt trong tương lai.

25.01.2011

N. H. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Tài liệu tham khảo:

[1] http://phapluattp.vn/20101224122249956p0c1013/thuy-dien-dong-cua-dai-su-quan-tai-viet-nam.htm

[2] http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/sweden-to-set-up-embassy-in-cambodia-to-strengthen-friendship-cooperation-01112011185938.html

[3] http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/08/3BA1FDF7/

[4] http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.cpv.org.vn/Ngan-chan-am-muu-tu-dien-bien-hoa-binh-tren-linh-vuc-tu-tuong-ly-luan-truoc-them-Dai-hoi-Dang/5216938.epi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn