Mối đe dọa lớn nhất đối với Châu Âu không phải Nga hay Trung Quốc!

Phúc Lai GB

17-2-2025

1. Người Nga có sợ Trump không?

Sau cuộc gọi của Trump cho Putin, có lẽ đây cũng là một cú huých gây tác động lớn lên chiến tranh. Tôi sẽ xin đi sâu vào vấn đề này ở một lúc khác. Liên quan đến hành động này của Trump, truyền thông thế giới đưa tin về cuộc điện đàm của Trumpp với Tổng thống Nga và Ukraine với nội dung nổi bật: “Đây là một chiến thắng lớn cho Putin – ông ấy thậm chí không cần phải chiến đấu.”

Sau đó, xuất hiện trên mạng bài viết ngắn của một KOL người Việt nào đó, có giật tít: “Trump đã tính toán sai – người Nga sợ Trum… nhưng người Ukraine thì không!” và nó được chia sẻ khá rộng rãi. Theo tôi, bản thân cái tít này đã cần phải được xem xét lại. Tôi nói như vậy cũng có nghĩa tôi không muốn đi sâu vào nội dung của bài, nhìn chung nó là một bài viết tốt. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì có thể nói rằng, người Nga chưa bao giờ sợ Trump cả. Tại sao tôi lại nói như vậy? – vẫn mệnh đề muôn thuở: cần phải biết nước Nga và người Nga như thế nào.

Cần có cái nhìn xuyên suốt xem người Nga nghĩ gì về cuộc chiến tranh này và lý do tại sao nó kéo dài đến như vậy. Hầu hết người Nga đều cho rằng cuộc chiến tranh này là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra, là điều đương nhiên… và người ta thản nhiên về điều đó, nếu có vấn đề gì ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình, thì đó là việc của người khác nếu xét về khía cạnh hy sinh xương máu, còn với gia đình mình thì chỉ là sự suy giảm một chút về thu nhập. Chấm hết.

Tại sao “hy sinh xương máu” lại là “việc của người khác?” – vì điều này đã ghi trong Hiến pháp Liên bang Nga: những người cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, chỉ là những người ký hợp đồng (đánh thuê!) cho Chính phủ và Bộ Sân khấu và Trình diễn Nga. Vì vậy, nếu có mất mạng thì đó là do người đó muốn như vậy. Đất nước không có chiến tranh (theo giải thích của Putin) nên không có tổng động viên, chẳng có gì đáng ngại cả. Vì thế nếu có đến cả triệu “kiện hàng 200,” cũng không phải là vấn đề với người dân nước này.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” bị kéo dài như hiện nay, là do Ukraine không chịu thua, và nguyên nhân chủ yếu của sự bướng bỉnh này là “Mỹ cùng phương Tây hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine.” Cứ dừng cái hỗ trợ này, “rút ống thở” là Ukraine cũng chết ngắc. Cuộc sống của người dân Nga khó khăn như hiện nay, là do lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây.

Tất cả đều đổ dồn về một giải pháp duy nhất, được tuyên truyền ra rả chủ yếu từ những nguồn truyền thông bẩn nhắm vào lượng dân chúng “đọc tin ngắn hạn”, là mọi thứ sẽ được giải quyết khi Trump lên ngôi Tổng thống Hoa Kỳ. Thứ nhất, ông ta sẽ cắt viện trợ cho Ukraine. Thứ hai, ông ta sẽ dỡ bỏ cấm vận với Nga. Không cần bất cứ điều kiện nào cả! Lan truyền đủ các thứ tin tức, thậm chí… huyền thoại rằng Putin có thể dắt mũi Trump như dắt chó đi dạo. Chính nước Nga và người Nga chứ không phải dân nào khác, tin rằng Trump ngồi được vào ghế Tổng thống Hoa Kỳ cả hai nhiệm kỳ, là nhờ có Putin và bộ máy tình báo của hắn.

Với người Nga, gần như không có khả năng Trump quay lưng phản bội Putin. Và rõ ràng là Trump cuối cùng đã láu táu gọi điện cho Putin, đem lại sự hỉ hả trong người Nga nói chung và bọ tuyên truyền viên của Kẩm-linh nói riêng. Vì thế tôi không cho rằng người Nga sợ Trump. Họ chưa bao giờ sợ, và sẽ không bao giờ sợ.

2. Lại viết tiếp về vấn đề hậu cần của Nga trên chiến trường Ukraine – lý giải trong quan hệ với trận đánh Pokrovsk

Nôm na là… vận tải, cụ thể hơn tí nữa là về vận tải đường sắt. Mới đây có một tổng kết về #The_Battle_of_Pokrovsk (hình đính kèm thứ nhất) trong đó có liệt kê một số “thành tích” hết sức tầm cỡ của Bộ Sân khấu và Trình diễn Nga, xin quý vị quá bộ nhấn chuột để xem. Tính từ khi Nga chiếm được Avdiivka đến nay tròn 1 năm (khoảng ngày 15/2/2024), Nga đã tiến được 55 ki-lô-mét trên hướng Avdiivka – Pokrovsk và đến nay vẫn chưa chiếm được thị trấn này.

Trong những ngày qua chúng nỗ lực tiến qua đường ô tô P-0406 nhằm cắt đứt hậu cần phía tây nam của thị trấn và cố gắng mở rộng mũi tấn công này về phía đông bắc, để tiếp cận phía nam Pokrovsk. Nhưng đến sáng sớm hôm nay (16/2/2025) thì lại có tin bộ đội Ukraine phản công chiếm lại làng Pishchane cách Pokrovsk khoảng 5 ki-lô-mét về phía tây nam (https://maps.app.goo.gl/q7AA9bK8vns3LNcJ9) – xin quý vị xem bản đồ thứ hai đính kèm.

Câu chuyện này xuất phát từ việc tôi có một trao đổi với một chuyên gia quân sự, đặt vấn đề quan tâm đến hệ thống hậu cần huyết mạch chính của Nga. Nó có những điểm chính như sau:

+ Trong năm đầu của cuộc chiến, Nga dùng chủ yếu tuyến hậu cần Belgorod – Kupyansk để vận tải. Tuyến này còn có nhánh đường sắt Belgorod sang Ukraine qua Vovchansk, mà hiện nay đang diễn ra chiến sự thâm nhập của quân Nga vào đây – thuộc tỉnh Kharkiv. Vì ở quá gần khu vực do quân Ukraine kiểm soát, Nga không dùng được vì vậy tuyến đường sắt chính được dùng là Belgorod – Kupyansk như tôi vừa viết. Sau khi chiến dịch mùa thu năm 2022 thành công, quân Ukraine chiếm lại được Kupyansk và vùng khá rộng xung quanh thành phố này, đặc biệt ở thành phố Izyum ở phía nam. Tôi đã đánh giá thành công này là quan trọng, vì nó thủ tiêu khả năng thành công của kế hoạch đánh chiếm toàn bộ vùng Donbas của Ukraine, cụ thể hơn là chiếm cặp 2 thành phố Kramatorsk – Slovyansk. Đồng thời việc áp sát của quân Ukraine về phía đông đến địa giới hành chính hai tỉnh Kharkiv – Luhansk cùng với các thứ pháo tầm xa, làm cho tuyến đường sắt Valuyki – Starobilsk – Luhansk bị đe dọa nghiêm trọng, vì vậy việc sử dụng nó cho các chiến dịch lớn của Nga là khó khăn. Tôi đính kèm bài 1 bản đồ ghép (hình thứ ba). Nửa bên trái thể hiện tuyến đường sắt này, tôi đánh số 0 vì coi như nó không còn sử dụng được nữa. Nửa bên phải của bản đồ ghép, vẫn là số 0 nhưng nó được vẽ màu đen.

+ Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, bọn Nga được cho là sử dụng tuyến đường sắt thứ hai, trên bản đồ ghép này tôi đánh số 1. Tuyến đường này trước năm 2014 nó chạy vòng ra ngoài lãnh thổ Ukraine, (đường xanh) nhưng khoảng năm 2016 nó được thi công một đoạn chạy thẳng cắt luôn qua lãnh thổ vùng Luhansk của Ukraine, tôi vẽ đoạn gạch đứt nét màu đỏ. Đoạn đường trọng yếu này được tạm xác định điểm đầu và cuối quan trọng là Liski – Millerovo, là một phần của hai hệ thống Đường sắt Tây Nam và Bắc Kavkaz của Nga. Tuyến vận tải hậu cần này có trọng điểm gần mặt trận hết sức quan trọng là ga đường sắt Krasna Mohyla (https://maps.app.goo.gl/VzNZaBD6gWzh5gRCA) thuộc tỉnh Luhansk. Nó đóng vai trò cung cấp hậu cần cho toàn bộ đoạn mặt trận thành phố Donetsk. Từ chiến tuyến đến đầu mối đường sắt này khoảng 150 ki-lô-mét đường chim bay, nên tàu hỏa của Nga có thể chạy được đến đó, dỡ hàng xuống và chuyển vào mặt trận bằng xe tải. Ngoài ra, cũng từ Millerovo, hàng hóa được chuyển theo đường sắt đến thành phố Luhansk và đến đầu mối đường sắt Rodakove để vào mặt trận. Đây là tuyến phục vụ đoạn mặt trận từ Bakhmut xuống Horlivka và phía bắc thành phố Donetsk. Vì tuyến vận tải này gần chiến tuyến nên hậu cần của quân Nga sẽ khó khăn hơn.

+ Từ khoảng cuối hè năm 2024 đến mùa thu năm này, được cho là Nga đã hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường sắt Rostov trên sông Đông – Mariupol, trên nửa bên phải bản đồ ghép tôi đánh số 2. Vì thế chúng ta thấy trận đánh #The_Battle_of_Pokrovsk diễn biến thay đổi, Nga tấn công mạnh hẳn lên nhờ hậu cần dồi dào hơn trước. Đặc biệt sau khi chiếm được Vuhledar, đã thấy nhúc nhắc có những hoạt động tích cực ở khu vực Melitopol, nhưng chưa mạnh. Mục đích xây dựng tuyến đường sắt này là nhằm thay thế cho cầu Kerch vốn đã suy giảm năng lực vận tải đường sắt.

Những thông tin này cho thấy, Nga phụ thuộc vận tải đường sắt đến cỡ như thế nào, nhất là trong mùa đông khi vận tải đường bộ là hết sức khó khăn. Đồng thời nó cũng cho thấy, mặc dù đã có những thành công rất lớn trong việc khôi phục và xây dựng mới hệ thống đường sắt, nhưng các thành công của Nga trên chiến trường vẫn rất hạn chế về mục đích chính của chúng: diện tích, sau đó là các chỉ số về tiến độ và khả năng tiết kiệm nguồn lực.

3. Một bài báo rất hay về sự cạn kiệt vũ khí của… Liên Xô được bác Hnb Tran dịch và tôi post lại ở đây:

https://www.facebook.com/phuclaigb/posts/pfbid027zgURNDK7ZdEdtitupqfV2BEEDh6MHSr5fjpo7YsQTksi8A2Ch59fasLZayUYNLpl

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

Theo một số tổ chức phân tích quốc tế, đến giữa năm 2024 Nga còn khá nhiều xe tăng. Cụ thể, chúng còn 700 xe tăng thuộc loại khá, 1.846 xe tăng kém chất lượng và 1.111 xe tăng rất tệ; trong tổng số 3.657 xe tăng tồn kho của Nga.

Đối với các loại xe tăng cụ thể: 1.167 xe tăng T-62, 1.042 xe tăng T-72A/Ural, 499 xe tăng T-64, 418 xe tăng T-72B, 260 xe tăng T-80B/BV, 216 xe tăng T-55, 55 xe tăng T-80U/UD và 0 xe tăng T-90.

Trong số này, chủng loại xe tăng T-80B chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm xuống chỉ còn hơn 20% so với số lượng trước chiến tranh là 1.207 xe. Thực tế là, xe tăng chiến đấu chủ lực được cho là “tiên tiến nhất” – xe tăng T-90 – đã nhanh chóng được đưa vào tham chiến. Trước khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu, Nga có 112 xe tăng loại T-90 này trong kho dự trữ. Đến giữa năm 2023, số lượng của chúng giảm xuống còn 89. Đến giữa năm 2024 thì… không còn một chiếc nào trong kho. Tất cả chúng đều đã được đưa ra mặt trận và có những căn cứ cho rằng người Ukraine đã đốt hết chúng. Tổ chức Oryx đã đưa tin rằng 117 chiếc T-90M – đã bị đốt.

Trong khi các chuyên gia nước ngoài cho rằng, mẫu xe xịn nhất trong các dòng xe tăng Nga là T-90 vì nó cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công nghiệp quốc phòng nước này, nhưng tôi lại nghĩ khác. Nếu đem so sánh số liệu về T-80 và T-90 còn lại, thì chúng ta sẽ thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. T-90 được thiết kế để xung trận kèm với bộ binh trong lý thuyết về binh chủng hợp thành, trong khi T-80 được thiết kế với yêu cầu cao hơn: tốc độ, tính cơ động… với mục đích chống tăng – “tăng đấu tăng.” Nó sẽ được sử dụng để thọc sâu bằng tốc độ vào hậu phương của kẻ địch, nhắm vào các mục tiêu như nhóm, cụm… thiết bị nặng, nhất là lực lượng thiết giáp của đối phương để đánh quỵ khả năng khắc phục tình hình tiền tuyến trong trường hợp phía trước mặt trận của đối thủ đang có tấn công hoặc nghi binh của nhóm lực lượng chính. Do vậy, T-80 có đặc điểm tiêu tốn nhiên liệu hơn, thời gian hoạt động ngắn hơn nhưng yêu cầu kỹ chiến thuật cao hơn nhiều. Chúng thường được trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm hoặc các Sư đoàn xe tăng mang danh hiệu Cận vệ, là các đơn vị thiện chiến nhất của Lục quân Liên bang Nga.

Với xe tăng T-90 thì khác: nó là phiên bản nâng cấp của T-72, nên thực chất nó là dòng xe tăng “quốc dân” phục vụ nhu cầu… đại trà hóa xe tăng trong quân đội. Ngoài ra, nó còn là sản phẩm “đệm” trong giai đoạn giao thời của ngành xe tăng Nga đang phân vân giữa ngã ba đường: đi tiếp lên với các sản phẩm thế hệ mới, như T-14 hay quay sang những sản phẩm khác đòi hỏi kết tinh những công nghệ khác, như xe tăng nhẹ tốc độ cao, hỏa lực mạnh nhưng có khả năng tự bảo vệ tốt: có drone riêng, được hỗ trợ comunication từ từng người lính bộ binh và vệ tinh quân sự?

Với người Ukraine, họ nhìn nhận lại hơi khác một chút. Họ cho rằng, nếu Nga cứ tiếp tục nỗ lực sản xuất T-90 như hiện nay, cứ được cái xe tăng mới nào xuất xưởng lại cho nó ra chiến trường ngay, thì chẳng đáng sợ. Loại xe tăng tốt nhất của Nga trên chiến trường Ukraine, không phải là T-80, càng không phải là T-90 mà là… T-72, xét ra loại xe tăng này còn “quốc dân” hơn nhiều so với T-90. Hiện nay có một điều may mắn là phần lớn xe tăng T-72 tồn kho của Nga thuộc loại… rất tệ, nghĩa là khó có khả năng phục hồi. Nếu cho Nga thời gian, họ sẽ có thể thành công trong nhiệm vụ này, nhất là trong điều kiện lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoặc dỡ bỏ một phần.

4. Nhận xét và kết luận

4.1. Tiếp tục mạch dậy sóng về hành động của Trump.

+ Ông ta có kế hoạch gì để hai bên ngừng bắn và lập lại hòa bình? Theo tôi, ông ta chẳng có kế hoạch gì cả, mà hành động hú họa.

+ Tại sao ông ta lại hành động như vậy? Vì ông ta đánh giá sai tình hình.

- Thứ nhất. Tin vào truyền thông bẩn, Trump cho rằng Ukraine quá yếu và “rút ống thở” lúc nào, Ukraine của #Zelenskyi sẽ lăn ra chết lúc ấy. Với đặc điểm của kẻ ái kỷ bệnh hoạn kèm thêm cả kiêu ngạo, lão ta nghĩ rằng chỉ cần ép Ukraine là đủ, người Ukraine sẽ khiếp nhược mà đầu hàng ngay lập tức.

- Thứ hai, xuất phát từ câu cuối của ý thứ nhất, Trump hoàn toàn không có khái niệm gì về tính độc lập quật cường, yêu tự do và đặc biệt là mong muốn có được “hộ chiếu dân tộc” của nhân dân Ukraine, vì vậy lão ta trở nên coi thường, không chú ý đến yếu tố này, mà đáng tiếc cho cả lão ta lẫn Putin, đây chính là nhân tố quyết định đến việc hàng hay không hàng, đánh tiếp hay không đánh tiếp từ phía người Ukraine.

- Thứ ba. Tin vào truyền thông bẩn, Trump cho rằng Nga của Putin vẫn còn đủ mạnh để có thể đi đến một tác động quyết định đến chiến cuộc. Người ngu ngốc thường hay tin vào những yếu tố kiểu như “Nga là một đất nước vĩ đại” (diện tích lớn thôi mà!) “dân Nga là một dân tộc vừa nhân hậu vừa kiên cường…” (trên đây tôi đã phân tích: đang thờ ơ đó!). Vì vậy Trump sẽ đặt xuất phát điểm cho mình, là bộ máy quân sự Nga còn đủ sức mạnh (điều này cũng rất dễ bị mắc lừa về những câu chuyện xung quanh sức mạnh hạt nhân Nga) và kinh tế Nga vẫn còn khả năng cầm cự vài năm nữa. Tương quan với ý này, là Trump đánh giá sai năng lực của Ukraine, và nó cũng lại liên quan đến ý thứ nhất, là đánh giá sai về Ukraine.

- Thứ tư. Uất ức quá lâu về một điều… khá đúng: châu Âu đã trì trệ trong suốt mấy chục năm qua; và về một điều không đúng: trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine lần này, nước Mỹ đã gánh vác quá nhiều trong khi châu Âu thì chỉ tí ti.

+ Vấn đề của Trump là gì?

Trong bài trước tôi viết: lão này sẽ bí, vì không hiểu hết tình hình, và khi ra quyết định sẽ không thu được kết quả. Và kết quả thì chúng ta đã thấy rồi: châu Âu dậy sóng cả trên chính trường lẫn dư luận công chúng, thậm chí cả trong nội bộ nước Mỹ cũng chưa chắc đã yên. Vấn đề của Trump lúc này thể hiện đúng cá tính của ông ta: mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất. Hiện tại, ông ta đang yêu cầu châu Âu phải tăng mức độ hỗ trợ Ukraine, nhưng lại không cho châu Âu chỗ trên bàn đàm phán. Chưa hết, độ ngạo mạn còn tăng thêm đến mức đỉnh điểm:

#Trích: Tin tức chính từ cuộc trò chuyện (giữa Trump và Putin) – tuyên bố của Trumpp rằng ông đã đồng ý với Putin về việc bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán giải quyết “ngay lập tức” – đã bị lu mờ một phần bởi một chi tiết quan trọng: Kyiv, quốc gia có các điều kiện bị từ chối, sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán này, ít nhất là vào lúc này. Cuộc gặp đầu tiên giữa Trumpp và Putin (có thể diễn ra tại Ả Rập Xê Út) sẽ là cuộc gặp riêng, không có Volodymyr Zelenskyi, Trumpp nói với các phóng viên sau đó. Điều này có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc mà chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ trước đây Joe Biden đã cam kết: “Không thảo luận về Ukraine mà không có Ukraine”, #hết_trích, nguồn Le Monde.

Như vậy, vấn đề đầu tiên của Trump là đang mất phương hướng, hoặc chính xác hơn là chẳng có phương hướng gì cả: không biết bắt đầu từ đâu, đi đường nào, kết thúc lộ trình ở đâu. Thế mới có cái mâu thuẫn trên đây trong thái độ với châu Âu. Hậu quả của hành động ngu ngốc và bồng bột đó, có vẻ đang dẫn tới một sai lầm lớn hơn: càng tỏ vẻ ta đây đại ca, rủ nhau hẹn gặp với một tên lưu manh cộm cán khác là Putin, nhưng lại không cho Ukraine tham gia (cấm luôn cả châu Âu) – lão ta hoàn toàn không nghĩ rằng những quyết định dạng này (1) là không có ý nghĩa gì, không bắt buộc được ai và (2) có thể dẫn tới những hậu quả lớn hơn.

4.2. Cụ thể hơn một chút.

Trên đây tôi liệt kê một số sai lầm của Trump khi đánh giá tình hình. Thực chất nói “đánh giá tình hình” với Trump có khi còn sang quá. Ông này thì không đánh giá cái gì cả, tôi đã viết trước đây rồi: dạng người này sẽ không nghe báo cáo, đặc biệt là nghe các báo cáo không hay ho, các tin không vui… vì thế chỉ phù hợp nghe tin… TikTok, dù ông ta đã có lần định cấm nền tảng này (nhưng có thông tin cho rằng vì ông ta bực khi bị chế giễu trên chính nền tảng này). Vì là người hời hợt, nên Trump hoặc không biết, hoặc bỏ qua (hoặc cả hai ý) về một số yếu tố chết người đối với Putin có thể dẫn tới kết thúc chiến tranh:

Thứ nhất. Ukraine ngày càng tự chủ về vũ khí và năng lực sản xuất quốc phòng nói chung. Có những thông tin cho biết phần lớn những yêu cầu cơ bản cho quân đội, thậm chí cả vũ khí cá nhân và đạn dược cho nó, Ukraine đã cơ bản tự chủ được, hoặc tiến tới tự chủ hoàn toàn trong thời gian ngắn sắp tới. Có nguồn phân tích cho biết: trong năm nay hoặc chỉ giữa năm nay, họ có thể tự chủ hoàn toàn. Về vũ khí nặng, các dự án của Rheinmetall là ví dụ điển hình, sẽ phát triển mạnh trong năm nay đưa lực lượng vũ trang Ukraine dần tiến tới tự chủ về vũ khí nặng. Tốc độ chuyển giao máy bay chiến đấu cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025, với thái độ của Macron mấy ngày qua chúng ta sẽ không nghi ngờ rằng cùng với số F-16 đã giao, lượng Mirage-2000 sẽ nhanh chóng tiến tới tương đương và sẽ là vấn đề nghiêm trọng đối với quân đội Nga.

Thứ hai. Ukraine ngày càng phục hồi về kinh tế: xuất khẩu vượt mức trước chiến tranh. Làm chủ được các tuyến đường biển vùng tây và nam biển Đen. Yếu tố này liên quan đến việc đưa Hạm đội biển Đen Nga về số không về năng lực tàu nổi, chỉ còn có mỗi… tàu chìm và một ít đơn vị thủy quân lục chiến. Trong năm 2025 kinh tế Ukraine được dự báo sẽ còn tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. “Thỏa thuận ngũ cốc” vốn dựa trên khả năng phong tỏa biển Đen của Nga, vĩnh viễn sẽ là dĩ vãng.

Thứ ba. Trump không hề nhận thấy nếu cộng lại, hỗ trợ riêng lẻ của nhiều nước châu Âu và cả cộng đồng EU cho Ukraine, đã vượt Hoa Kỳ. Trong trường hợp Trump cắt viện trợ cho Ukraine, chỉ cần những nước hiện nay đang có hỗ trợ tăng mức lên vài chục % là đủ.

Thứ tư. Trump không thể biết và không nhận thấy được mức độ kiệt quệ của quân đội Nga trên chiến trường, do đó càng không thể biết được năng lực sản xuất quốc phòng của nước này như thế nào. Không chỉ thế, Trump cũng mù tịt luôn về việc, chính cái thứ Nga sẵn nhất trên chiến trường là “bia thịt” cũng đang rất khó khăn để có được từng hợp đồng chiến đấu.

4.3. Dự đoán tình hình sẽ diễn biến tới đâu

+ Về phần liên minh Trump – Putin, căn cứ trên những dữ kiện hú họa và sai lầm trên đây, như tôi đã phân tích rằng, Trump thì bí về giải pháp còn Putin thì thực sự bế tắc về mọi chuyện, do vậy cái gọi là “kế hoạch hòa bình” của Trump (trong ngoặc kép, gọi thế cho nó sang mồm) sẽ chẳng đi đến đâu, cho dù các phái đoàn của Trump có hì hục bay sang gặp Kẩm-linh và thậm chí sau đó gặp nhau ở A-rập Xê-út, cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì không có sự tham gia của EU và đặc biệt là Ukraine. Như tôi đã phân tích: phải có cách nào để ép được Ukraine đầu hàng. Đây là một nhiệm vụ hóc búa với Trump: về kinh tế, năm nay Ukraine sẽ đỡ khó khăn hơn. Về quân sự, năm nay Ukraine sẽ càng khá hơn về năng lực sản xuất. Về ý chí dân chúng, họ hy vọng nhưng không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của Hoa Kỳ, do vậy sẽ không có cách để đánh quỵ người Ukraine về tư tưởng. Trump sẽ thất bại, nhưng điều này chưa phải là đã hết.

+ Về phần Liên Âu, với thái độ hiện nay của chính quyền Trump và bản thân ông ta, không có cách nào khác phải trước hết, duy trì mức hỗ trợ hiện nay cho Ukraine, chứ không để nó suy giảm. Điều còn thiếu đáng kể của Liên Âu là một thể chế mới thống nhất hơn và hiệu quả hơn so với trước đây. Điểm khó nhất của họ chính là cơ chế của Liên Âu luôn cho phép một số thành viên quyền phá bĩnh các đợt viện trợ cho Ukraine. Điểm khó nhì là vấn đề của chính NATO, khi mà còn Hoa Kỳ làm ông kẹ bên trong cái khối mà về bản chất nó đã chết ặc ặc từ rất lâu rồi.

Do đó, tuyên bố của Tổng thống Zelenskyi về việc “đã đến lúc thành lập quân đội chung của châu Âu” – là ý tưởng khả thi, nhưng không phải bây giờ, nó có thể được thực hiện sau chiến tranh. Một liên minh quân sự mới chắc chắn sẽ được hình thành ngoài NATO, cho châu Âu và để thay thế NATO nếu như ông Trump an toàn ngồi được đến hết nhiệm kỳ của mình và tiếp tục phá hoại các thể chế vốn có. Ý tưởng này là cực kỳ hay vì nó thay thế cho ý tưởng “Ukraine gia nhập NATO” đang bị phá hoại bởi Trump và luôn là cái cớ của Putin khi ra điều kiện. Nếu như đặt tất cả vào trong cùng một câu chuyện, sẽ thấy các yếu tố song hành: (1) Trump bắt tay với Putin sẽ thỏa thuận đủ thứ mà bây giờ đã trở thành nhảm nhí như cắt đất của Ukraine cho Nga, NATO không được kết nạp Ukraine… (2) Ukraine và châu Âu bị gạt ra ngoài (3) chiến tranh của Ukraine là vấn đề của EU và EU phải tự giải quyết => tất cả dẫn đến một kết cục tất yếu là Trump và Putin lôi nhau… tự cô lập mình.

Có vẻ như Zelenskyi bắt đầu tìm ra lời giải cho bài toán “giải pháp bảo đảm an ninh cho Ukraine,” nhưng ở đây là sự sát cánh của châu Âu bên cạnh sức mạnh của quân đội Ukraine, nếu như vậy NATO sẽ bị vứt vào sọt rác. Để đi đến chỗ đó, có thể phải có thêm cú huých sau hành động điên rồ (nhưng có thể hữu ích) này của Trump. Chẳng hạn, nguy cơ lớn nhất là Nga phục hồi được và tấn công mạnh để tiếp cận được đến biên giới với NATO hiện nay – để đạt được điều này chúng phải được bỏ cấm vận và có thời gian để mở rộng đầu tư sản xuất quốc phòng, vì vậy có thể các nước châu Âu chưa cảm thấy vấn đề gì vì nó không thể xảy ra trong vòng 2 đến 3 năm tới. Tuy nhiên với các nước ở gần Ukraine – Nga – Belarus thường sẽ có những nhãn quan khác về địa chính trị và bản chất của nước Nga, gần nhất là Ba Lan, các nước Baltic và Phần Lan. Nếu xét nguy cơ gần, những nước có chung đường biên giới với Ukraine (1) với Nga (2) với liên minh Nga – Belarus (3) tiếp giáp với biển Đen (4) sẽ cảm thấy có mối đe dọa trực tiếp nếu Ukraine thua trận. Đây có thể là những nước sẽ tăng cường hỗ trợ Ukraine sớm nhất và mạnh mẽ nhất để chiến tranh kết thúc trong thời gian ngắn – với mục tiêu là trong năm nay.

Tôi cho rằng có thể sẽ hình thành được những liên minh nhỏ hơn xung quanh Ukraine và chỉ trong thời gian ngắn sắp tới. Cũng chưa biết những nỗ lực của Macron có đi được đến đâu hay không, khi anh ta cố tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Paris vào ngày mai, nhưng đây sẽ là một cơ hội rất lớn để có một bước tháo gỡ tình hình.

4.4. Liên quan đến tình hình chiến trường

Tạm hình dung có 3 kịch bản ứng với phía Ukraine sẽ là 3 mức độ:

+ Mức độ 1. Ukraine vẫn cầm cự như đang cầm cự, và Nga vẫn sẽ tấn công như hiện tại. Phụ thuộc vào khả năng kiếm được nòng pháo, phục hồi xe tăng, sản xuất đạn pháo và cuối cùng là tuyển mộ bia thịt… quân Nga có thể tiến thêm được một số chục ki-lô-mét trong năm nay nhưng trên một số hướng hạn chế. Không có đột biến về chiến lược trên chiến trường. Đây là kịch bản kéo dài chiến tranh, nhưng cũng chỉ đến cuối năm, vì tốc độ sụp đổ kinh tế Nga được đánh giá là nhanh hơn tiến độ bỏ các lệnh cấm vận. Đây là kịch bản dễ diễn ra, vì nó phù hợp với thực trạng của cả hai bên, và nó cũng phù hợp luôn với… “kế hoạch hòa bình” của Trump (kế hoạch bế tắc chứ).

+ Mức độ 2. Ukraine vẫn cầm cự như đang cầm cự, và Nga vẫn sẽ tấn công như hiện tại nhưng đuối dần và dừng hẳn ở một số hướng. Ukraine tăng cường tấn công tầm xa vào các mục tiêu bên trong nước Nga mà đáng tiếc rằng, quá trình này thì những trò bàn soạn vớ vẩn của Trump với Putin, không ngăn được. Tần suất, mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công sẽ ngày càng gia tăng. Đoạn về kinh tế Nga vẫn copy nguyên đoạn trên đây xuống. Đây là kịch bản dễ diễn ra nhất, vì thực tế nó đang diễn ra rồi.

+ Mức độ 3. Ukraine vẫn cầm cự như đang cầm cự, và Nga vẫn sẽ tấn công như hiện tại nhưng đuối dần và dừng hẳn ở một số hướng. Ukraine tăng cường tấn công tầm xa vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Căn cứ vào năng lực của hai bên, Ukraine có thể sẽ có hành động quân sự – nói thẳng là TẤN CÔNG trên một số hướng nhất định nhưng trọng yếu. Hành động quân sự kiểu này trước đây tôi đã từng hi vọng vì nó đem lại bước ngoặt có thể là nhỏ về quân sự, nhưng lại có tác động lớn về chính trị, khi mà uy tín của Putin xuống gần số không, quân đội kiệt quệ và kinh tế suy thoái. Tuy nhiên với cú điện thoại nguy hại của Trump cho Putin, khả năng này (bước ngoặt chính trị) cũng gần như bị thủ tiêu. Do vậy mức độ 3 hay kịch bản 3 này, tôi cho rằng có thể có khả năng xảy ra nhưng khá thấp, người Ukraine sẽ không liều lĩnh đến như vậy. Nhân tiện tôi có đọc về dự đoán của anh nào đó cho rằng đã đến lúc người Ukraine phải tấn công – đây là điều ai ủng hộ họ cũng mong muốn nhưng tôi cho rằng lúc này không thực tế. Ukraine đang thiếu xe tăng và máy bay thì rất ít, nên không tổ chức được những đợt tấn công như vậy.

4.5. Kết luận

Trước đây tôi đã viết: đã có những điều bị bỏ lỡ, ví dụ kế hoạch hòa bình của Zelenskyi trình bày cho ông Biden, mà ông ấy tuy kiên định nhưng không đủ mạnh mẽ. Nếu ông ấy mạnh dạn hơn, chỉ cần cho phép người Ukraine sử dụng ATACMS bắn nát cái đường tàu số 1 của Nga, thì Nga đã vỡ trận từ trước tháng 11/2024, và Putin thì hết đời – từ đó còn có thể mở đường cho thắng lợi của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ trong bầu cử. Nay thì đã tan thành mây khói.

Ơ thế mà Trump trong khi chỉ trích Biden, lại đi đến giải pháp phá hoại. Tại sao chúng ta lại gọi là PHÁ HOẠI – dù nó có thể kết thúc chiến tranh sớm (cứ cho là sẽ đúng như lão mong muốn đi)? Vì lão này không hiểu bản chất của Nga Putin, nếu cho cái chủ nghĩa Đại Nga tàn bạo này thỏa mãn, nó sẽ đòi ăn thêm, vì vậy nó sẽ quay trở lại xâm lược Ukraine một lần nữa.

Một giải pháp phá hoại khác của Trump, là thay vì thúc đẩy, vực dậy NATO, thì lão ta đơn giản là phá tan nó ra, trong khi vốn dĩ nó đã xây dựng nên những cơ chế rất tốt. Chẳng qua là NATO bị mất động lực từ ngay sau năm 1991 với sự tan rã của Liên Xô, và bây giờ mới thực sự bị đặt vào tình huống nguy cấp. Chúng ta thì nhìn thấy trong cái tiêu cực, có điểm tích cực nhưng rõ ràng không thể hành động bằng cách phá hoại như vậy được, vì cần phải tính đến những rủi ro có thể gặp phải.

Người bình tĩnh nhất hiện tại, là Zelenskyi. Có vẻ họ đã lường trước tình huống rồi. Bình tĩnh từ chối luôn yêu cầu về khoáng sản của chính quyền Trump. Đừng bao giờ nên nghĩ là nước lớn có thể bắt nạt được nước nhỏ. Người mà Ukraine đang hàm ơn hiện nay là chính quyền Biden của đảng Dân chủ, chưa phải là Trump.

Kẻ lo lắng nhất hiện nay, hoặc là Putin, hoặc là hắn cùng bộ sậu của hắn, chứ huênh hoang là chỉ ngoài mồm. Thằng ăn mày thì biết rõ cái bị của mình có gì, và lúc này thì chúng đã cảm thấy ngay cả Trump cũng không cắn vỡ được cái vỏ hồ đào Ukraine. Tác dụng duy nhất cho đến lúc này là mua thêm được chút thời gian cho Putin, thể hiện ở cái thăm dò chết tiệt chúng mới thực hiện: uy tín của Putin tăng nhanh trong lòng dân chúng Nga. Pha tăng này sẽ cần có thời gian mới đi xuống được, nhưng cũng phải vài tháng với “kế hoạch hòa bình Trump” thể hiện dần ra là sẽ bất lực thậm chí thất bại.

Kẻ vừa bình tĩnh, vừa cơ hội là… Tập Cận Bình. Ông ta cử Vương Nghị đến Munich, trước sự bối rối của châu Âu và thái độ củ chuối của Hoa Kỳ, ông ta thay mặt Đại Lục tuyên bố: thích thì anh đây chơi tới bến. Vả rơi răng thày trò Vance – Trump rơi xuống sàn lộp bộp.

Zelenskyi sẽ tìm cách thúc giục hơn nữa đối với các nước châu Âu, và không loại trừ các thành viên khác của châu lục như Pháp, Anh, Ba Lan… sẽ nhiệt tình với quá trình này, nhưng chắc chắn sẽ đảm bảo được hỗ trợ cho Ukraine tối thiểu tới hết năm 2025. Vì vậy Kịch bản 3 hay Mức độ 3 trên đây, có thể vẫn xảy ra nhưng cần phải căn cứ vào mức độ đi xuống về uy tín của Putin trong dân chúng Nga, tới một mức độ thất vọng nào đó… thậm chí nếu lạc quan hơn, có thể hy vọng vào một sự đổ vỡ lớn trong nội bộ nước này, đầu tiên về tư tưởng xã hội, sau đó dẫn đến những biến cố chính trị. Quá trình này sẽ diễn ra ngoài khả năng tác động của Trump, mà cái quân vô tích sự đó thì làm được cái gì chứ!

Sẽ có những điều Trump không thể cứu được Putin, hoặc muốn cứu phải mất hàng năm – như cứu kinh tế Nga mất cả năm để bỏ cấm vận (còn cãi nhau chết thôi ở quốc hội Hoa Kỳ giữa Lưỡng đảng), chờ các doanh nghiệp nước ngoài quay về Nga cũng cả năm mới đầy đủ… phục hồi sản xuất quốc phòng và sức mạnh quân đội Nga cũng phải vài năm…

Có một điểm khá thú vị cho phép chúng ta mơ mộng lãng mạn một chút: lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát-xít năm nay, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến hôm đó; và Putin thì đã rất tin vào một cú ngừng bắn, hay thậm chí hiệp ước hòa bình không chừng… trước hôm đó. Thế, nếu khoảng giữa tháng Tư vẫn “không đâu vào đâu” thì sao? Dân chúng Nga có thất vọng không? Bọn Oligarch Nga có tức giận với Putin không? Nếu tất cả cùng rơi đúng vào một thời điểm, kể cả cái Kịch bản 3 trên đây, thì sao nhỉ?

Như một đại gia phá sản nói: những điều diễn ra với anh ta lúc đầu, tất cả đều từ từ, nhưng đến một lúc nào đó, tất cả đều đồng loạt diễn ra trong cùng một thời gian ngắn. Cuộc chiến này sẽ kết thúc trong năm nay với kịch bản phá sản nói trên, nhưng thất bại của Putin, và của Trump là không thể tránh khỏi.

Thằng Vance nó bảo: “MỐI ĐE DỌA LỚN NHẤT ĐỐI VỚI CHÂU ÂU KHÔNG PHẢI NGA HAY TRUNG QUỐC!” – bây giờ chúng ta có thể nói: “MỐI ĐE DỌA LỚN NHẤT ĐỐI VỚI CHÂU ÂU KHÔNG PHẢI NGA HAY TRUNG QUỐC MÀ LÀ NƯỚC MỸ CỦA TRUMP!”

Nguồn: FB Phúc Lai GB

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn