Viết ngắn về cuộc chiến tranh của Pudog [Putin] – Ngày 13-2-2025

Phúc Lai GB

13-2-2025

Hay là: bình luận khách quan về những hành xử của Trump trong vài ngày qua (tất nhiên là trong bối cảnh của chiến tranh của Pudog, những chuyện khác không phải là đề tài quan tâm của tôi). Hai hành động chủ yếu, cụ thể hơn là một cú điện thoại và một phát biểu:

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth ngày 12 tháng 2 tuyên bố sẽ là phi thực tế nếu muốn phục hồi biên giới lãnh thổ của Ukraine như trước năm 2014 và rằng chính quyền Trump không xem tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là một phần của giải pháp cho cuộc chiến khơi mào bởi Nga xâm lược (nguồn VOA)

Gần như đồng thời, Donald Trump gọi dây nói cho Zelenskyi và Pudog. Trump ngày 12/2 loan báo ông và Tổng thống Nga đã nhất trí trong một cuộc điện đàm rằng sẽ “ngay lập tức” bắt đầu đàm phán với Tổng thống Ukraine để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm. (nguồn VOA)

Phúc Lai bình:

Tôi sẽ xin đi vào phần tiêu cực trước.

1. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng, những gì tay Pete Hegseth nói chính là ý của Trump, dù sau đó có tin ông Trump nói: “Tôi không nói như thế, tôi ủng hộ Ukraine.” Bản thân tôi (lão xe ôm kiêm buôn vòng bi) không rút lại ý kiến của mình về Trump: ông ta là người theo chủ nghĩa vô liêm sỉ. Điều đó có nghĩa là ông ta sẽ không có khái niệm gì về những thứ như ý thức dân tộc, hay tinh thần độc lập, tự do… của nhân dân các dân tộc khác. Loại người như thế này coi nhân dân các nước khác, mà thậm chí cả dân của mình cũng như cỏ rác cả.

Nếu ông ta có ý thức về dân chủ, về nguyện vọng độc lập và tự do của các dân tộc khác, thì đã không phải lằng nhằng với chuyện “liệu ông ta có ủng hộ Ukraine hay không”. Ở đây, ông ta sinh ra và lớn lên ở một nước dân chủ, với nền dân chủ nổi tiếng được xây dựng 250 năm trưởng thành và phát triển nhưng lại có tư tưởng của một tên vừa du côn, vừa mất dạy, đế quốc và không kém phần phát-xít. Vì vậy ông ta mới có những hành xử lằng nhằng, phát ngôn tiền hậu bất nhất như vậy. Và rõ ràng ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: chọn toàn những thổ tả gì ấy vào chính quyền. Từ hôm nọ đến nay, chưa thấy có bộ mặt nào ra hồn, tệ nhất là Musk, hành xử như thằng ăn cướp. Chưa bao giờ thế giới lại có những giai đoạn đáng chán như thế này.

Về hậu quả của một cú gọi điện, một cú phát ngôn của thày trò nhà Trump chỉ trong hôm qua, thiển nghĩ quý vị không cần phải cân nhắc nhiều, nó quá hại. Chiều nay ngồi nói chuyện với anh em cùng ủng hộ Ukraine, tôi nói: ngu như chưa từng ngu. Bản thân với Pudog, hắn đang bị cô lập trong chính đất nước của mình, với nội bộ lũ tay chân lâu la của mình vì cuộc chiến bế tắc và đất nước bị tàn phá. Ra vẻ ta đây “tay chơi lão luyện” nhưng hóa ra ngu ngốc, tự nhiên đi gọi điện cho con chó ghẻ bị ruồng bỏ kia, thế là tất cả đổ xuống sông xuống biển hết.

Đang yên đang lành, Trump giúp Pudog chứng minh được rằng hắn đúng: “Cứ Trump lên là mọi việc OK hết” ở đây Trump còn luồn cúi khi gọi trước cho Pudog. Nói xin lỗi các bác vừa ủng hộ Ukraine vừa pro-Trump, không có cái ngu nào hơn như thế.

Có lẽ tôi là người thiệt thòi nhiều nhất trong chuyện này, vì thôi theo lý thuyết “cần lật đổ Pudog”, coi như lý thuyết này vứt xuống cống rãnh hết cả. Tất nhiên người cùng thiệt thòi với tôi thì còn nhiều: Budanov, thậm chí cả Zelenskyi.

Thôi không nói nữa. Tôi sẽ chuyển sang mục tiếp theo: tính tích cực của những hành xử của Trump và đồng bọn.

2. Đau đớn nhất là câu “sẽ là phi thực tế nếu muốn phục hồi biên giới lãnh thổ của Ukraine như trước năm 2014” phải không quý vị?

Và câu đau đớn nhì, là “chính quyền Trump không xem tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là một phần của giải pháp cho cuộc chiến khơi mào bởi Nga xâm lược.”

2.2. Hôm qua ngay khi hai câu phát biểu này được tung lên mạng, đã có người gửi cho tôi đề nghị tôi bình luận. Tôi có nói với bạn ấy: đúng quá rồi còn gì. Tôi chưa bao giờ cho rằng người Ukraine đủ lực để đánh một trận đuổi sạch bách bọn Nga về nước, mà cần có đòn hỗn hợp, chẳng hạn đòn quân sự phải đánh hiểm, đánh bất ngờ nhưng với mục tiêu được xác định thật có ý nghĩa, chẳng hạn một cú đánh thông ra biển Azov, làm cho cái hành lang trên bộ của Nga nối Donbas với Crimea bị chặt đứt làm đôi. Tất nhiên đây là một mong muốn lãng mạn, nhưng không hẳn là không thể thực hiện được. Ngoài ra những cú đánh tầm xa nện vào trung tâm nước Nga, thì bây giờ chúng đang diễn ra rồi và theo chúng ta đã nhận xét: rõ ràng là chưa đến pha ác liệt nhất. Bây giờ người Ukraine mới chỉ sử dụng UAV – drone tầm xa thôi. Cũng có thể là những hành động quyết liệt sẽ diễn ra cùng một thời điểm nào đó thuận lợi.

Đòn quân sự sẽ được kết hợp với đòn chính trị, tức là cùng với sự suy kiệt của quân đội Nga trên chiến trường, kinh tế lao đao… sẽ dẫn tới biến cố bên trong cung đình của Pudog. Từ đó, nội bộ chúng sẽ cố tìm ra một giải pháp chính trị: tìm người thay thế để đàm phán. Chuyện này dựa trên yếu tố: kéo dài chiến tranh là không thể đối với Nga. Tiếc rằng với cú điện thoại của Trump, khả năng lật đổ trở nên rất thấp.

Từ đề xuất trên đây, nếu như không có cú điện thoại thì tôi cho rằng căn cứ vào tình hình chiến trường, cũng như năng lực tiếp tục chiến tranh của hai bên mà sẽ có những định hình nhất định trên bàn đàm phán, chẳng hạn đường giới tuyến được xác định đến đâu, về 1991 hay trước 24/2/2022… hoặc nếu Ukraine yếu hơn, có thể là giới tuyến hiện nay và đổi chác thêm Kursk lấy một khu vực nào đó, nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn.

Như vậy, với phát ngôn của Pete Hegseth thì chúng ta thấy, lập trường của Hoa Kỳ, tức là của Trump đã rất rõ: không có chuyện đưa về giới tuyến 1991 (hay trước 2014, hai điều này là như nhau). Nghe thì đau đớn, nhưng chúng ta hãy cùng nhớ lại: đã từng có lúc nguy nan quá hồi 2022, tất cả cũng đã từng nghĩ đến làm thế nào đạt được một giải pháp “giới tuyến tháng Hai 2022, cho Nga giữ vùng Donbas đã chiếm được để Ukraine xây dựng lại trong hòa bình, hướng tới châu Âu.” Nôm na là, đó cũng là một chiến thắng cho Ukraine vì đòi lại được những khu vực như thế này từ tay quân Ng@ chiếm trong tháng đầu chiến tranh: phía bắc Kyiv, tỉnh Sumy, phần lớn tỉnh Kharkiv, một ít ở Luhansk (trận chiếm lại Lyman), chiếm lại được thành phố Kherson và vùng tả ngạn sông Dnipro của tỉnh Kherson. Crimea sẽ nằm trong vùng bị Nga chiếm. Phương án này có điểm đáng chú ý là các thành phố Mykolaiv và Odesa vẫn của Ukraine, và Ukraine vẫn là quốc gia có biển. Trước đó Pudog đã có kế hoạch biến Ukraine thành quốc gia không có biển.

2.3. Về câu nói đau đớn nhì, là “chính quyền Trump không xem tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là một phần của giải pháp cho cuộc chiến khơi mào bởi Nga xâm lược” – chuyện này tôi cũng đã cùng quý vị xem xét nhiều lần rồi.

Thực tế, việc vào NATO với Ukraine hồi chưa có chiến tranh thì rất có ý nghĩa, nhưng lại là chuyện xa vời không khả thi, nên bây giờ khi Ukraine đang có chiến tranh rồi, không được phép được kết nạp thì chẳng cần đặt ra làm gì. Còn nếu đây là một nội dung của hiệp ước hòa bình, với một NATO có châu Âu chết não về quân sự, một nước Mỹ có Tổng thống điên loạn như Trump, nếu cần bán đứng luôn cả đồng minh thì, xin lỗi nhé, em không ham.

Ấy nhưng điều này lại có mặt tích cực của nó. Đến đây chúng ta nhận thấy, trò mèo này của thày trò Trump là để nhắm đến… châu Âu trước tiên – nói chính xác là GÂY SỨC ÉP LÊN CHÂU ÂU, dù châu Âu đã đóng góp cho cuộc chiến này rất nhiều, chẳng kém Hoa Kỳ bao nhiêu. Và Trump như vậy thể hiện rõ ràng quan điểm của mình: đây là việc riêng của châu Âu.

Đương nhiên, nếu mất đi sự ủng hộ của Hoa Kỳ, thì khó khăn bội phần, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, cái khó lại ló ra cái khôn. Nếu như chúng ta cứ lải nhải nói về “30 năm đại tàn phá công nghiệp Nga” (copyright Igor Girkin) thì châu Âu cũng nào có hơn gì. Tôi nhớ năm ngoái tôi đã dịch bài báo nói về việc, mãi mà nền sản xuất quốc phòng của châu Âu không thể khởi động lên được, trong khi nhà máy của Nga tuy máy móc cũ gỉ, lộ cộ nhưng đã chạy ầm ầm. Đến nay châu Âu mới chỉ chi tiền với số lượng vũ khí có lẽ, theo Trump là ít hơn Mỹ. Loại như thế thì dù cho chi nhiều hơn, vẫn cứ coi như là ít.

Cũng không nên trách châu Âu. Từng ấy năm, bao nhiêu nhỉ, gần 80 năm được sống trong hòa bình, hơn 30 năm không còn hiểm họa Liên Xô, NATO đáng nhẽ ra phải được khai tử từ lâu, nay chỉ còn là tổ chức đúng là chết não. Nếu so sánh từng hạng mục bộ binh, xe tăng, tên lửa, máy bay giữa một bên là Nga, một bên là châu Âu thì Nga thừa ăn tươi nuốt sống châu Âu, chẳng qua là còn cái ĐIỀU 5 của Minh Ước và còn Hoa Kỳ ở đó, thì Pudog hắn chưa dám làm thôi.

Chẳng còn cách nào khác, châu Âu sẽ phải kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa bộ máy sản xuất quốc phòng của mình, trước mắt để hỗ trợ Ukraine, sau đó để tái vũ trang. Đây là điều không thể tránh khỏi.

3. Tạm tổng kết

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Tôi thì thấy câu chuyện này tính tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Trump như vậy là đã ngửa bài, hóa ra “nghệ thuật đàm phán” của lão là như vậy, bullshit. Nhưng điều đó cũng giúp chúng ta làm rõ được nhiều điều, còn hơn là suốt ngày ấm với ớ, úp với mở. Chiều nay anh bạn Tran Duy Long nói với tôi: liệu có phải là hỏa mù của Trump không? Tôi bảo, chắc là không phải đâu, mà cần hiểu đây là điểm xuất phát của Trump thì đúng hơn. Lão ta bắt đầu từ đó.

Đây nhé, ông ta đưa ra cái giá cao nhất với Ukraine: ở đây là ĐẤT ĐAI, và NATO. Mục tiêu thì rõ rồi: nhắm vào đồng minh châu Âu, chứ không hẳn là “ép Ukraine” như nhiều người đang nghĩ như vậy. Tương ứng với nó, đây là cái giá thấp nhất với Pudog. Nghe thì ngon như ăn ớt với Pudog. Thật vậy không? Có thể, nếu cả hai thực thể là châu Âu (hoặc một vài nước chủ chốt ở châu Âu) cùng Ukraine buông xuôi luôn, coi như đầu hàng luôn, thì quả là quá sướng với Pudog, hắn cứ thế hưởng lợi thôi. Muốn đạt được như vậy thì thường đi kèm với việc phải thay thế chính quyền Zelenskyi bằng một chính quyền khác thân Nga. Trong trường hợp đó, coi như quá trình sáp nhập Ukraine vào Nga sẽ bắt đầu, và trước sau thì xe tăng Nga sẽ áp sát biên giới NATO, ở đây là Romania, Ba Lan, 3 nước Baltic. Moldova trước sau cũng “về với đất mẹ.”

Đương nhiên, đây là một điều khó chấp nhận với châu Âu và Ukraine, hoặc ít nhất có những nước này chắc chắn sẽ không chấp nhận: Ba Lan, 3 nước Baltic, có thể thêm Phần Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Trong trường hợp Ukraine với chính quyền hiện nay sụp đổ và kịch bản trên xảy ra, chắc chắn là các nước Ba Lan, 3 nước Baltic và Phần Lan sẽ thấy lạnh sống lưng đầu tiên. Riêng với Vương quốc Anh, thái độ của họ là rõ ràng vì vậy chúng ta sẽ thấy có họ trong liên minh với Ukraine.

Vì vậy, gần như chắc chắn là Trump sẽ ép được châu Âu, hoặc ít ra là các nước vừa liệt kê trên đây có hành động, vì với họ việc Nga kéo nhau đến sát sườn, là an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Bây giờ đã là thời năm 2025, tức là sau khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra được 3 năm, không ai còn nghi ngờ gì dã tâm của Pudog nữa.

Do vậy, trước hết là Munich tuần này – ngày mai thứ Sáu Zelenskyi sẽ gặp JD Vance (phó Tổng thống Hoa Kỳ) tại hội nghị An ninh Munich. Sau đó có thể sẽ là Ramstein, mà lần này Vương quốc Anh là chủ trì. Vũ khí cho Ukraine từ Mỹ sẽ dừng, trong khi sản xuất của châu Âu vẫn chưa bắt được vào guồng thì phải xì tiền ra mua từ kho của Hoa Kỳ. Với Trump, tất cả quy ra tiền hết.

Nhưng nhỡ mà cái thể chế đó nó không hình thành được thì sao? Nhưng tại sao nó lại không hình thành được cơ chứ? Nếu có trường hợp này, chỉ là khi Trump bắt tay hẳn với Pudog, nghĩa là chuyển sang đứng chung một chiến hào với hắn: bỏ cấm vận, thậm chí bật đèn xanh cho Trung Quốc hỗ trợ Pudog thoải mái, mua máy móc thiết bị phục hồi sản xuất, mua linh kiện lắp drone UAV công khai… Như thế thì rõ ràng không phải là lạnh sống lưng với mấy nước trên đây nữa, mà cả châu Âu ốm nặng, kể cả Hung-gia-lợi của Orban lẫn Slovakia của Fico cũng chưa chắc đã yên. Nếu phương án này xảy ra, thì câu chuyện sẽ quay lại với hình dung của tôi trước đây đã được đề cập một lần: sự tan vỡ của NATO hiện tại và hình thành một NATO mới, một NATO châu Âu không có Hoa Kỳ, nhưng Ukraine sẽ là hạt nhân, nòng cốt của liên minh mới.

Đây sẽ là một đòn chí mạng vào chiến lược địa chính trị của Hoa Kỳ, và châu Âu thì sẽ không biết dựa vào ai để có được sự bảo vệ trước mối đe dọa về quân sự từ Nga, chắc chắn là sẽ phải tự dựa vào bản thân mình. Coi như Hoa Kỳ sẽ mất châu Âu vĩnh viễn, không còn chỗ đứng, không còn tiếng nói, không còn sức mạnh ở châu lục này. Nếu để cho trường hợp này xảy ra, Trump không còn là ngu nữa, mà là đại ngu, thậm ngu. Nhưng chưa có những căn cứ cho rằng ông ta đã thỏa hiệp với Pudog như vậy.

Vậy tại sao tôi lại cho rằng, Trump đưa ra giá như vậy là cao nhất với Pudog? Vì ông ta vẫn tuyên bố không bỏ rơi Ukraine, hay mới nhất là ủng hộ Ukraine. Nếu có giá nào cao hơn so với “lãnh thổ tức biên giới 2/2022” và “không NATO với Ukraine” thì chỉ còn có giá là… thủ tiêu chính quyền Zelenskyi, thay thế bằng một chính quyền khác thân Nga và coi như dâng toàn bộ Ukraine cho Nga. Chẳng nhẽ Trump lại ngu đến cỡ không nhận ra được tình thế này?

Nhưng chúng ta thì vẫn phải tính đến phương án đó. Lại nhìn lại tháng Hai năm 2022, khoảng 2 tuần sau chiến tranh. Đã có lúc người Ukraine tính đến phương án đưa chính quyền chạy lên Karpat làm căn cứ kháng chiến, nghĩa là mất gần hết đất nước. Sau đó lúc Pudog chuẩn bị cho Phase 2 của cuộc chiến, quyết tâm chiếm hết Donbas, khi đó phần lớn tỉnh Kharkiv (còn mỗi thành phố Kharkiv là chưa chiếm được) nằm dưới sự kiểm soát của Nga, đặc biệt là các thành phố Izyum, Kherson… chúng ta lại tính đến phương án một nước Ukraine còn một nửa, chia đôi ở sông Dnipro, phía đông sẽ bị Nga chiếm… thậm chí vì còn có thành phố Kherson như một bàn đạp, có thể chiếm luôn được Mykolaiv và Odesa nữa…

Bây giờ thì cũng lại phải tính đến phương án đó. Chiều nay ngồi cà phê với anh Hải từ bên đó về, tôi lặp lại câu hỏi đã từng hỏi khi cuộc chiến diễn ra ngay ngày đầu tiên: “Liệu người Ukraine có đầu hàng không?” – và hỏi các anh: Vinh Nguyen ở Kharkiv, anh Quang ở Kyiv, anh Thành cũng ở Kyiv và vài anh chị nữa. Tất cả đều chung câu trả lời: “KHÔNG BAO GIỜ!” Tôi nói: vậy thì Nga không bao giờ thắng được.

Và như anh Hải nói: từ 2014 nội chiến, mà an ninh đất nước Ukraine tuyệt vời, không trộm cắp cướp giật gì. Khi chính quyền Kyiv phát súng cho nhân dân, những người dân thành phố đi nhận kìn kìn, rồi khi thu lại thì không thiếu một khẩu. Chưa thấy bất cứ một vụ cướp bóc nào tranh thủ tình trạng chiến tranh.

Theo quý vị nếu như vậy, thì người Ukraine có cam chịu cái giá mà Trump đưa ra không? Không bao giờ. Hiện nay Ukraine còn chưa tổng động viên, hóa ra vẫn còn dư địa rất lớn cho tình huống xấu nhất, và chắc chắn nếu Ukraine tổng động viên thì tác động xã hội sẽ không như Nga Pudog tổng động viên.

Do vậy, đúng như bác Nguyen Thanh Trung vừa hỏi tôi: chắc là trước mắt sẽ đánh nhau tiếp? – Thật đáng tiếc là phải trả lời đúng như vậy. Từ mai sẽ có các cuộc họp, hội nghị… và dần dần cơ chế sẽ rõ ràng hơn, nhưng lập trường của các bên cũng sẽ bộc lộ, và những phân tích của tôi trên đây, tôi nghĩ là logic: không dễ để ép người Ukraine đầu hàng, và châu Âu cũng sẽ trở nên tích cực hơn nhiều lần.

Dự đoán: Trump muốn kết thúc sớm, thì sẽ có kết thúc sớm, nhưng theo kiểu ép nhau đầu hàng là sẽ khó… vì vậy khả năng cao sẽ phải có một giai đoạn rất nóng của chiến tranh (Mirage 2000 vẫn chuyển thêm, và cả xe tăng, xe bọc thép đạn pháo nữa…) nhưng giai đoạn này diễn ra nhanh thôi. Sau đó là đàm phán, Nga sẽ phải lùi đến một tầm nào đó, chẳng hạn như ở giữa giới tuyến hiện nay với giới tuyến 2/2022… tôi chưa hình dung ra được, nhưng sẽ không có chuyện Nga tiến thêm được nữa. Ukraine có thể đổi Kursk lấy một chỗ nào đó, thành phố Mariupol với nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn. Crimea sẽ là nội dung bàn đi bàn lại nhiều lần…

Một trong những nội dung được quan tâm, là việc bỏ lệnh cấm vận. Đương nhiên câu chuyện xung quanh nó sẽ phải là: Nga cứ ngừng bắn đi thì bỏ một phần, rút về giới tuyến lập lại hòa bình, thì bỏ nốt. Trong thời gian chưa bàn được cái gì ra hồn, thì chẳng bỏ cái gì hết, dễ đâu mà bỏ như thế: trước khi bàn giao chính quyền ông Biden đã gài được cho cuộc chiến tình thế bỏ cấm vận cũng phải đem ra lưỡng viện bàn hết hơi, có khi phải cả năm mới xong chuyện bỏ một phần nào đó. Mà đến lúc đó thì Pudog chết cụ nó rồi.

Chiều nay tôi nói với anh em rằng, à chính xác là HỎI: ơ thế sao người Ukraine có 880.000 quân mà phải rải rác khắp đất nước như thế, đối diện với 600.000 quân Nga họ chỉ có 250.000 quân thôi mà? Bây giờ Nga có khả năng nhảy dù tập kích sâu vào nội địa Ukraine hay không – Làm gì còn, sức mấy!

Vậy 630.000 quân kia dùng để làm gì? Giữ phía tây đất nước thì cần 200.000, 300.000 quân chứ mấy… Tôi thì vẫn mong lý thuyết lật đổ của tôi đứng vững là như thế. Miễn là người Ukraine hành động đủ quyết liệt, và châu Âu thì cũng mạnh mẽ hơn nữa. Hóa ra Trump ngu ngốc nhưng lão ta cũng có cái lý của mình, cần công bằng với lão là như vậy.

P.L.GB.

Nguồn: FB Phúc Lai GB

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn