Điện hạt nhân ở Việt Nam, làm hay không?

Tô Văn Trường

Trong buổi trả lời trực tuyến trên truyền hình vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân mặc dù đã thể hiện rõ quan điểm là xây dựng điện hạt nhân nhưng với trọng trách của mình, chắc chắn sau khi rời diễn đàn, ông Bộ trưởng và nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vẫn muốn nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến phản biện từ công luận về vấn đề rất hệ trọng liên quan đến bài toán điện hạt nhân.

Luồng ý kiến ủng hộ xây dựng điện hạt nhân

Đối với kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện, đúng là trước tiên cần quan tâm đến Tổng sơ đồ. Chúng ta xây dựng các dự án phát triển ngành điện cho vài chục năm sau, nhưng không hề có dữ liệu dự đoán một cách đáng tin cậy của các ngành sử dụng mà cứ lấy phương hướng của các ngành khác nhân với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến hàng năm để cho ra con số tổng công suất cần đạt được, có nghĩa là không có số liệu điện năng tiêu thụ bình quân cho mỗi sản phẩm qui đổi của từng nhóm hàng trong rổ hàng hóa! Nhìn lại Tổng sơ đồ điện 6 đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng phụ tải quá cao (17 - 20 - 22%/năm). Từ mức dự báo tăng trưởng này dẫn tới khối lượng đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện quá lớn và méo mó. Tổng sơ đồ điện 7 (phương án cơ sở) đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 14,1%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 13%/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 7,8%/năm. Dự báo này so với Tổng sơ đồ điện 6 đã điều chỉnh giảm rất nhiều, tuy nhiên, duờng như vẫn còn thiên cao (thực tế tăng trưởng 2011/2010 và Qúy I năm 2012 chỉ ở mức 9 - 10%). Các Tổng sơ đồ điện nói trên đều có hạng mục "Điện hạt nhân" ở giai đoạn sau 2020.

Chúng ta có bài học đắt giá, nhiều năm trước đây, các nhà khoa học đã cảnh báo việc khai thác than, xuất khẩu ồ ạt, bất chấp hậu quả dẫn đến ngày nay đã phải tính tới nhập khẩu than. Các Trung tâm nhiệt điện chạy than có công suất rất lớn (cỡ 2000-4000MW/trung tâm) nằm rải rác từ Bắc vào Nam (Vũng Áng, Quảng Trạch, Vân Phong, Vĩnh Tân, Long Phú, Duyên Hải, Kiên Giang,...) và phần lớn số này được xác định sử dụng nguồn than nhập khẩu. Tuy nhiên, đến giờ phút này theo như tôi biết thì việc xúc tiến nhập khẩu than gần như không có tiến triển. Như vậy, nếu không có nguồn nhiên liệu thì chẳng lấy đâu ra công suất của các trung tâm nhiệt điện này cho dù có được đầu tư xây dựng!

Trong Tổng sơ đồ điện 7 còn đề cập đến Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (Bình Thuận) công suất ~ 4000 MW, sử dụng nguồn khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), tiến độ vận hành 2018-2019 (trước điện hạt nhân). Tổng mức đầu tư khoảng 4,4 tỷ USD, giá điện năm 2030 sản xuất từ LNG ~ 15,7 UScent/kWh. Mức giá này có thể nói là rất cao nếu so với giá bán bình quân đến tận hộ tiêu thụ hiện nay khoảng 6,5cent/kWh. Khả năng nhập khẩu điện từ nước ngoài (Việt Nam đầu tư nhà máy thủy điện và kết nối vào hệ thống điện quốc gia), nhất là từ Lào và Campuchia còn tồn tại nhiều yếu tố bất định.

Như vậy, điện hạt nhân là một phương án cần thiết để tăng khả năng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh các nguồn điện thay thế (than, LNG, điện nhập khẩu) đều đang rất mờ.

Luồng ý kiến nói không với điện hạt nhân

Không tán thành làm điện hạt nhân ở Việt Nam là điều dễ hiểu. Sau sự cố Chernobyl–Ukraina (1986) và Fukushima-Nhật Bản (2011) nhiều nước không xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân, thậm chí còn lập lịch trình đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân dù ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế. Vì sao, các nước có tiềm năng kinh tế, công nghệ và dân trí cao, nói không với điện hạt nhân, trong khi Việt Nam lại quyết tâm chính trị “đi tắt, đón đầu” xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân thí điểm ở Ninh Thuận chỉ đem lại chừng 4000 MW chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sơ đồ điện nhưng nguy cơ thảm họa khó lường. “Đi tắt đón đầu”, chính là phải nói “KHÔNG” với xây dựng điện hạt nhân vì “lợi bất cập hại” để rồi các thế hệ lại phải lo âu, đối phó, sống trong khắc khoải.

Khối lượng uranium cũng rất giới hạn và ngày càng đắt, khi xử lý chôn phế liệu hạt nhân cũng rất nguy hiểm, tốn kém. An ninh của các nhà máy điện hạt nhân phụ thuộc vào công nghệ, nguồn nhân lực, và các rủi ro thiên tai không lường trước. Theo thống kê, trên thế giới phần lớn các sự cố xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân là do lỗi của các nhân viên điều hành. Chúng ta còn thiếu rất nhiều các chuyên gia am hiểu về điện hạt nhân nên rủi ro càng lớn. Việt Nam đất hẹp, người đông, không có kinh nghiệm ứng phó, nếu sự cố nhà máy điện hạt nhân xảy ra, không phải chỉ là thảm họa khủng khiếp lâu dài mà có thể xóa sổ cả quốc gia.

Bài học kinh nghiệm của nước ngoài.

Người bạn, đang ở Nhật Bản cho tôi biết một bộ phim nói về tinh thần tự chủ của người Nhật, điển hình là 500 cư dân trên đảo Iwaishima rất đáng suy ngẫm. http://www.uplink.co.jp/factory/log/004073.php. Dân cư ở đây đã sống gần như tự cung, tự cấp, không phụ thuộc bên ngoài (như những con ong) trong 1000 năm nay. Nhưng chính phủ Nhật muốn xây lò hạt nhân gần đấy. Vì có thể ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh, và ảnh hưởng đến chính họ (dù chỉ là 500 người so với dân số 130 triệu của Nhật) họ phản đối quyết liệt trong gần 30 năm và đã thành công. Bộ phim không chỉ nói đến khía cạnh "cứng đầu" của ý chí tự chủ đó, nó còn giới thiệu những lý luận và biện pháp cho sự tự chủ.

Thực sự, đã có 1 thành phố 5000 dân ở Thụy Điển (Övertorneå) tự chủ được về năng lượng và những thứ cần thiết khác trong cuộc sống! Câu chuyện rút ra là muốn tự chủ, trước hết phải độc lập về năng lượng. Điều đó có nghĩa là khi nào còn dùng than đá, dầu mỏ, nhiên liệu hạt nhân (nguồn hữu hạn) thì sẽ còn bị hiếp đáp và đe dọa chiến tranh. Thụy Điển đã thực hiện chính sách trước hết cho tự do hóa thị trường năng lượng. Nhiều người dân thành phố này suy nghĩ rằng sử dụng xăng dầu là tiếp tay cho chiến tranh, ngay cả chiến tranh ở nước khác! Quan niệm rất đơn giản nhưng quan trọng, giúp họ chuyển sang ủng hộ cho năng lượng sạch. Và năng lượng sạch có thị trường! Từ khái niệm đó, nhiều biện pháp đã được đưa ra để sử dụng năng lượng hiệu quả (giảm lượng CẦU không cần thiết hay phí phạm)! Một chiến lược gia nói rằng thay vì "đẻ" thêm vấn đề, tại sao không giải quyết cái gốc của vấn đề là tiêu thụ điện đang bị lãng phí! Vì thế đã có những thiết kế để tiết kiệm năng lượng ở trường học, bệnh viện tới 90%!!! Nhiệt thải ra cũng được tái sử dụng để hâm nóng nước và cho chạy quanh nhà thay cho lò sưởi (dùng điện). Một trang trại nuôi bò cũng cung cấp đủ phân, gỗ mục để làm biogas và tự chủ điện tại đó, thậm chí còn bán được điện ra xung quanh. Đương nhiên, để thay đổi thì 5000 người trong thành phố đó phải hiểu biết, cố gắng hết sức để tìm ra tiếng nói chung. Nhưng họ đã làm được và bây giờ mô hình ấy đã bắt đầu nhân rộng tại Thụy Điển. Người dân còn đang ủng hộ cả những thực phẩm mà quá trình chế biến không liên quan đến xăng dầu!

Nhật Bản đang đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, trong khi lượng dầu dự trữ hiện tại rất hạn chế. Có nghĩa là nếu chiến tranh dầu mỏ xảy ra, Nhật bị de dọa trước! Nhiều giáo sư ở Thụy Điển lẫn Nhật Bản đều nói Nhật có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo để tự chủ 100%. Tuy nhiên, tư duy "năng lượng = điện = hạt nhân" đã bám rễ quá sâu trong suốt 60 năm nay, cho đến nay, Nhật Bản bắt đầu nhận ra vấn đề và đang phát triển mạnh điện gió, điện mặt trời, điện sóng biển, điện sinh học (biogas), điện địa nhiệt (Nhật là đất nước của núi lửa)... cũng đang được chú trọng.

Thế giới ngày càng tiến tới đồng thuận là phải tiết kiệm năng lượng, và phát triển năng lượng tái tạo như gió, nắng, thủy triều, và đẩy mạnh nghiên cứu địa nhiệt, v.v. Trên công luận, mới đăng tải bài nói chuyện trước gần 1000 người, của Giáo sư Koide Hiroaki, phòng thí nghiệm lò phản ứng nguyên tử, Đại học Kyoto cũng là một trong những học giả dẫn dắt phong trào xóa bỏ điện hạt nhân tại Nhật rất khách quan, thuyết phục.

Thái Lan có kế hoạch sử dụng điện hạt nhân sau năm 2022 nhưng do sự cố điện hạt nhân Fukushima, cho đến nay họ thận trọng vẫn chưa quyết định lựa chọn công nghệ điện hạt nhân của nước nào. Philippines còn đi trước chúng ta về kỹ thuật điện hạt nhân nhưng nay cũng đã từ bỏ kế hoạch sử dụng nguồn năng lượng nguy hiểm này. Nước Đức trong năm 2011 sản xuất ra 5% lượng điện hạt nhân trên toàn thế giới, đang từ bỏ loại năng lượng này. Năm 2010, năng lượng nguyên tử chiếm đến 30% tổng sản lượng điện quốc gia của Nhật Bản và nay, tuy không nói lời đọan tuyệt với điện hạt nhân nhưng cũng đã tuyên bố dừng các dự án xây dựng mới và kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động.

Các giải pháp khắc phục việc thiếu nguồn điện

Để khắc phục câu chuyện "thiếu điện" cần có cách tiếp cận mới theo hướng bền vững mà trong đó TIẾT KIỆM ĐIỆN là công việc cần ưu tiên. Cả nước có trên 20 triệu hộ, giả thiết mỗi hộ vào lúc cao điểm tắt bớt 1 đèn công suất 50w thì có thể giảm được tới 1000MW công suất phát điện. Cũng như chúng ta thiếu nước để tưới lúa là căn cứ vào ước mơ biến Việt Nam thành "nồi cơm" của thế giới. Tại sao lại phải tự hào để trở thành "xưởng luyện thép của thế giới", "nồi cơm của thế giới", "mỏ cung cấp khoáng sản thô cho thế giới"? Nhật Bản từ bỏ điện hạt nhân, nhìn những công chức ngồi làm việc với computer và quạt phụ bằng quạt tay quả thật, có thể "học" được. Hãy bắt đầu từ việc tắt bớt những ngọn đèn quảng cáo rực rỡ của mấy chốn thị thành, chỉ bật bật máy lạnh sau chừng 11 giờ trưa và cũng chỉ để nhiệt độ yêu cầu không thấp hơn 26 độ. Loại bỏ công nghệ tiêu tốn điện năng liên quan đến thép và xi măng, và nâng cấp hệ thống dây truyền tải, phân phối điện. Chắc chắn, chúng ta thừa sức tiết kiệm được 4000 MW công suất để mà từ chối điện hạt nhân? Trong khi đó, các nước tiên tiến sẽ rất nhanh chóng phát triển những công nghệ mới cho năng lượng sạch và các nước nghèo không có điều kiện nghiên cứu/ phát minh sẽ được hưởng lợi.

Hiệu suất sử dụng điện năng lâu nay rất thấp, lãng phí. Cần tập trung nguồn lực, và công nghệ để nâng cao hiệu suất sẽ bớt gánh nặng rất nhiều cho bài toán nguồn điện. Cần có chính sách ưu tiên thị trường hóa về nguồn cung và truyền tải điện. Xót xa nhất là hiệu quả của việc dùng điện còn quá thấp trong khi mỗi kWh sản xuất ra là chúng ta lại mất đi một phần nguồn năng lượng sơ cấp không thể tái tạo (than, khí mà nếu sử dụng tiết kiệm sẽ để lại được nhiều hơn cho tương lai) và kèm theo đó là tăng thêm ô nhiễm môi trường. Nhân đây, xin nói rõ hơn khái niệm "tổn thất điện năng", thực ra nói "tổn thất" chưa phải là thật chuẩn về mặt kỹ thuật bởi vì hiểu một cách đơn giản, truyền tải điện cũng tương tự như cấp nước. Từ nơi phát đến nơi nhận đương nhiên bị hao tổn kỹ thuật (cấp điện áp càng thấp thì tổn hao càng lớn). Lượng tổn hao này chỉ có thể hạn chế bớt nếu như có hạ tầng truyền tải mạnh (ví dụ như cấp nước bằng đường ống thay vì kênh, cống) chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn. Ngoài tổn thất kỹ thuật còn một loại tổn thất nữa là "thương mại" mà chủ yếu ở đây là ăn cắp điện. Cái này thì có thể đưa về đến zero nếu như vừa tăng cuờng công tác tuyên truyền giáo dục, vừa quản lý chặt và có chế tài xử lý mạnh.

Có thể thấy rất rõ là do giá điện Việt Nam rẻ nên các ngành xi măng, đặc biệt là thép phát triển mạnh vượt cả quy hoạch đã đuợc phê duyệt. Nhiều nhà đầu tư thép tận dụng năng lượng, nhân công rẻ của Việt Nam, nhập dây chuyền sản xuất lạc hậu (tiêu thụ điện năng lớn), nhập phôi, gia công tại Việt Nam rồi xuất khẩu sản phẩm. Như vậy họ đang xuất khẩu chính nguồn năng lượng của Việt Nam và thu về lợi nhuận cho riêng họ. Một nhà máy thép công suất 1,2 triệu tấn/năm có thể tiêu thụ tới cỡ trăm MW điện (tương đương với công suất tiêu thụ của cả một tỉnh như Phú Yên). Trong trường hợp này, phần thiệt đơn, thiệt kép rõ ràng là thuộc về Việt Nam.

Thay cho lời kết

Các thành viên trong Chính phủ Việt Nam, chắc nhiều người không muốn chấp nhận việc hiểm nguy khó lường và giải pháp sử dụng điện hạt nhân như tình thế bắt buộc. Nhân dân cho rằng Chính phủ chưa làm hết cách trong điều hành quản lý đất nước. Chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều nếu khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên hiện có một cách tiết kiệm và hiệu quả. Đã đến lúc Đảng và Nhà nước phải huy động sức mạnh toàn dân trong công cuộc dựng xây đất nước. Phải tập hợp gần như toàn lực của trí thức Việt Nam trong nước và trên thế giới tập trung vào việc giải quyết những vấn đề nan giải của dân tộc.

Việt Nam có cả nắng, cả gió, cả sóng, cả rừng, ruộng và cả... phân. Việt Nam, hoàn toàn có thể làm được từ các bài học kinh nghiệm của nước ngoài. Ngoài các giải pháp trước mắt là tiết kiệm, cần phải rà soát lại Tổng sơ đồ điện, kể cả danh mục ưu tiên, chất lượng đầu tư (thủy điện sông Tranh 2 là ví dụ điển hình) đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế, lược bỏ dần các xuởng thép, xưởng xi-măng (công nghệ thấp, tiêu thụ quá nhiều điện). Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, các giải pháp về Quản lý nhu cầu (DSM) hay “lưới điện thông minh” (Smart Grid) cũng cần được sớm nghiên cứu và áp dụng rộng rãi cho hệ thống điện Việt Nam, thì chắc chắn chưa cần phải dùng đến điện hạt nhân.

Trong lịch sử hình thành và phát triển loài người, không thể có một nhóm người nào có thể đứng ra bảo đảm cho sự tồn vong của một dân tộc khác. Nên hiểu rằng sự cố điện hạt nhân nếu xảy ra ở nước ta sẽ kinh hoàng đến mức độ nào thì có lẽ ít ra những người có trách nhiệm quản lý, điều hành phát triển đất nước cũng phải thận trọng như người Đức, người Nhật!

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn