Cánh đồng vàng đã mất: Bán lúa non trên cánh đồng trăm triệu

Nam Hải

 

Gia cảnh của bà Gián rất đáng thương.

 

(Dân Việt) - Những mảnh ruộng màu mỡ biến mất, người dân Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đương đầu với một tương lai mù mịt. Hướng tạo việc làm mới được vẽ lên bằng những ý tưởng lãng mạn, không thực tế.

Mua mù, bán bốc

"Hiện anh trai tôi có 5 suất đất thuộc khu dịch vụ Chiêm Mai, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên cần bán. Mỗi suất 40m2, giá bán 230 triệu đồng/suất (không thương lượng)".

Thông tin ấy đã xuất hiện đầy trên mạng thông tin nhadat24h.net. Nhưng quả thực nếu hỏi nhà đầu tư này xem vị trí cụ thể của miếng đất ở đâu tại khu Chiêm Mai thì có lẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời. Đơn giản là những chủ nhân đầu tiên của món hàng, những nông dân ở Xuân Quan còn chưa biết là miếng ấy ở đâu, mặt mũi thế nào.

Mỗi hộ dân tại Xuân Quan được dự án dành cho trên dưới 40m2 đất liền kề khu đô thị Ecopark để làm khu dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều hộ vì nhiều lý do đã phải bán đất non với giá 1 - 2 triệu đồng/m2. Riêng Đội 1, Xuân Quan đã có trên 20 gia đình phải bán miếng đất - cần câu cơm cuối cùng khi mất toàn bộ đất canh tác khi chưa biết hình thù mảnh đất ấy ra sao.

Ông Phạm Phú Chu -trưởng thôn lắc đầu: "Họ đến nhờ tôi ký giấy làm chứng bán đất dịch vụ, người mua cũng mua bừa, người bán cũng bán bừa, gọi là mua mù, bán bốc".

Lý do của việc bán "lúa non" này cũng đơn giản như việc bán lúa non thật: Bí tiền. Người tiên phong cho phong trào bán "lúa non" này là gia đình bà Nguyễn Thị Gián, gia đình này cũng bị thiệt thòi nhất vì giá đất lúc đó rất rẻ.

Chúng tôi đến nhà bà Gián đúng vào lúc cô con gái út Đặng Thị Hoà vừa đi chữa bệnh về. Tháng nào cũng thế, chị phải làm một hành trình khôi hài: Từ nhà ra thị trấn Văn Giang lấy một cái giấy, cầm giấy lên thành phố Hưng Yên lấy thêm cái giấy nữa (mất khoảng hơn trăm km), sau đó vòng về Hà Nội chữa bệnh dù từ nhà chị đến Hà Nội chỉ 13 km. Cái này là thủ tục bắt buộc để được bảo hiểm y tế.

Chị bảo: "Bệnh của tôi, hết tiền là chết". Cả tiền đền bù và tiền bán đất dịch vụ được gần 200 triệu đồng nhưng hiện nay hỏi đến số tiền ấy, bà Gián bảo: "Hết rồi! Nhà có 8 người, nhận tiền đền bù, tiền bán đất đã mấy năm nay, công ăn việc làm không có, con gái út của tôi lại ốm đau liên tục. Mảnh ruộng, cơ nghiệp của cả nhà tiêu được có 3 năm là hết sạch, không biết những năm tới sống bằng gì, hết ruộng, hết bãi, muốn đi làm thuê cho các chủ vườn cũng không được nữa".

Việc mở ra hướng kinh tế mới là làm dịch vụ tại khu đô thị cho người dân được các nông dân tại đây nhận định "là trò dỗ trẻ con".

Đơn giản vì chúng tôi là nông dân

Việc gia đình bà Gián buộc phải bán đất dịch vụ còn có thêm một lý do nữa: Đó là bà sợ khi khu đô thị hoàn thiện thì bà không biết lấy đâu ra tiền để nộp cho cái gọi là "Đóng góp đầu tư hạ tầng kỹ thuật". Hiện tại con số này vẫn chưa được công bố chính thức, chính vì vậy nhiều hộ dân nghi ngờ tính chân thực của việc dành cho dân mất đất khu dịch vụ liền kề.

Trước hướng kinh tế mới mà chính quyền và nhà đầu tư vẽ lên cho những người dân Xuân Quan, ông Phạm Phú Chủ thẳng thắn: "Cho chúng tôi làm dịch vụ là viển vông. Đơn giản vì chúng tôi là nông dân".

Một sào Bắc Bộ đất thu hồi được giao 10m2 đất dịch vụ. Mức đất nhỏ nhất cho 1 gia đình là 40m2. Một suất liệt sĩ được giao 20m2. Các hộ được diện tích hơn 100m2 phải nhận 2 - 3 vị trí khác nhau, phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Với ý tưởng là những hộ dân ở đây sau khi mất đất sẽ chuyển sang buôn bán các đồ nhu yếu phẩm phục vụ cho khu đô thị để sinh sống, có lẽ chính quyền và nhà đầu tư đã quên rằng:

Ecopark sẽ là khu đô thị hiện đại bậc nhất với hệ thống siêu thị cung cấp hàng đầy đủ, thuận tiện và nhanh chóng. Sẽ chẳng còn mấy chỗ cho việc buôn thúng bán mẹt, nhỏ lẻ như tưởng tượng. Đến lúc ấy, ngay việc vào khu đô thị hiện đại này để làm những công việc phổ thông cũng cần một trình độ, sức khoẻ nhất định. Ngay điều đơn giản ấy, những nông dân Xuân Quan cũng khó đáp ứng nổi.

Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng không thể giúp gì cho cánh đồng này, vị trí đắc địa không thể giúp gì cho cánh đồng này. Những nghệ nhân, những "bàn tay vàng", những bằng khen cho người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng không giúp gì được cánh đồng này... Vĩnh biệt cánh đồng trăm triệu.

N. H.

Nguồn: danviet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn