Một nghị lực sống đáng nể

Chúng tôi rất tán thành với bạn Phương Thảo trên VNTB rằng “từ thiện không đúng chỗ là từ thiện ác”, và vì thế, trên BVN kỳ này xin gửi đến bạn đọc tấm gương nghị lực của chị Thảo Vân, một con người Hà Nội tuy bị liệt hai chân vẫn quyết tâm “tàn nhưng không phế”, hiện là Giám đốc Nghị Lực Sống, một trung tâm thiện nguyện của những người tàn tật cùng nhau tâm niệm vượt bằng được lên chính mình để sống xứng đáng với những giây phút còn hiện diện giữa cõi trần.

Dưới đây là bức thư của Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, Chủ tịch Quỹ khuyến học Việt Mỹ (VASF), Quỹ Khuyến khích tự lập (FESR) và Viện Việt Nam tương lai (IVNF), người chủ trì việc làm từ thiện cho những người không may cũng như những trẻ em hiếu học nhưng rất nghèo tại Việt Nam từ nhiều thập kỷ nay, tuy nhiên đấy là người ngay từ đầu đã đề xuất và theo đuổi đến cùng chủ trương không bao giờ thiện nguyện một cách ban ơn mà luôn khuyến khích tinh thần tự lập. TS Phùng Liên Đàn chính là một trong những người hỗ trợ vật chất và tinh thần cho Nghị Lực Sống duy trì hoạt động – Bauxite Việt Nam.

Kính gửi quý bạn,

Tôi xin gửi đến quý bạn một clip TEDx do một hiệp sĩ Việt Nam khuyết tật – chị Thảo Vân – hiện là Giám đốc một trung tâm thiện nguyện lấy tên là Nghị Lực Sống (NLS) tại Hà Nội. NLS dạy tiếng Anh và IT cho người khuyết tật và giúp tìm việc cho họ, thành công khoảng 30-40 người mỗi năm. Năm qua tôi có thách đố NLS với 5000 USD làm việc gấp hai, và họ đã thành công.

Clip TEDx này là lần đầu tiên chị Thảo Vân thực hiện tại Trung Tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Quý vị xem sẽ thấy cái tài và lòng tự tin vô biên của người phụ nữ khuyết tật đầy nghị lực này.

Kính,

Phùng Liên Đoàn

https://www.youtube.com/watch?v=GOcN0Mp8eQw&feature=youtu.be

Phụ lục:

Từ thiện không đúng chỗ là từ thiện ác

Phương Thảo

clip_image002

(VNTB) - Đừng để cho các cấp chính quyền quẳng hẳn gánh nặng lo cho dân nghèo sang những mạnh thường quân. Trách nhiệm ấy là của cả xã hội chứ không phải riêng ai, và chỉ có lòng từ bi thì không thể làm cho một dân tộc lớn lên được.

Chưa bao giờ việc làm từ thiện lại rộ lên nhiều như lúc này. Các nhóm thiện nguyện tự phát được lập ra để giúp đỡ người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn giờ đây cũng hoạt động tích cực trên mạng xã hội và truyền thông. Báo chí cũng thường xuyên đăng các bài báo về các hoàn cảnh thương tâm cần được giúp đỡ. Mỗi khi đọc thấy một hoàn cảnh thương tâm, một tấm ảnh không làm người xem kìm được nước mắt thì kèm theo lại là lời kêu gọi giúp đỡ các nhân vật trong bài hay trong ảnh. Nhưng việc sẵn lòng chung tay giúp đỡ vậy có phải là một biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ những hoàn cảnh éo le này?

Của cho không bằng cách cho

Con người có lòng từ thiện đã gom góp tiền dành dụm để cưu mang những mảnh đời khốn khổ. Nhưng có phải lòng từ thiện luôn đặt đúng chỗ? Những hoàn cảnh nào được lên Facebook hay lên báo thì y như rằng người ta ùn ùn đổ đến cho tiền mà đôi khi không tìm hiểu kỹ hay suy nghĩ sâu xa. Trường hợp Hào Anh là một ví dụ điển hình khi em đã không sử dụng đồng tiền đúng mục đích nên lại phải chịu đựng búa rìu của chính những người tưởng đã cưu mang em. Lẽ ra xã hội phải nghĩ đến liệu pháp tâm lý, cho em đi học để chuẩn bị một hành trang vào đời là tri thức và việc làm chứ không phải gần một tỷ tiền mặt trong tay để rồi phá đi trong nháy mắt.

Có một dạo, một đoạn phim ngắn lan truyền trên mạng về cách làm từ thiện đã làm cho những người tử tế phải phát khóc khi một vài nhân vật có tiền đã đứng ra tung tiền xuống đất cho trẻ em Sapa xông ra giành nhau nhặt. Các cháu bé trần truồng trong gió lạnh đứng chờ khách du lịch cho tiền, cho quà. Chúng không chịu đi học nữa, bởi đi học thì không có tiền. Tiền hay quà bánh có thể cho chúng được bữa ăn no, cho chúng được tấm áo nhất thời vào lúc đó, nhưng lớn lên chúng lại vẫn là những đứa bé thất học, không biết đọc biết viết mà chỉ quanh quẩn kiếm tiền sinh sống cho qua ngày, không biết đến tương lai, và rồi con cháu của chúng lại rơi vào vòng đói nghèo luẩn quẩn.

Có rất nhiều vị rộng lượng đóng góp tiền từ thiện để nấu cơm cho bệnh nhân ở các bệnh viện, bao nhiêu bữa ăn thật sự đến tay người nghèo? Bao nhiêu bữa ăn rơi vào tay những người cơ hội? Bao nhiều tiền quyên góp mua tã cho trại mồ côi mà trẻ em trong đó vẫn không được sử dụng bởi nếu sử dụng thì hình ảnh thiếu thốn thương tâm lại không còn thì làm sao có thể tiếp tục xin tiền được?

Giúp cần câu không vẫn chưa đủ

Có những người tôi biết có cách làm từ thiện bằng cách giúp đỡ chi phí học tập cho các cháu bé, với giao hẹn chỉ có đi học mới được nhận tiền hàng tháng. Nếu lỡ học nửa chừng không học nổi nữa thì số tiền tài trợ cũng sẽ bị cắt ngay lập tức và sẽ được chuyển sang cho một cháu bé khác thật sự cần đi học hơn. Tôi cũng biết những tấm lòng vàng đi khoan giếng cho bà con vùng sâu vùng xa, đi xây trường học và nhà nội trú cho trẻ em đi học. Những cách giúp đỡ ấy không chỉ dành cho trước mắt mà chuẩn bị cho tương lai lâu dài của những người được tài trợ.

Người khó khăn được giúp đỡ không đúng cách sẽ không còn cảm thấy cần thiết phải tự thân vận động cho nhiều nữa như trường hợp một anh chàng câm đánh giày và con chó mù mới đây thôi. Người có lòng tốt mủi lòng cho hoàn cảnh đáng thương nên đã ùn ùn kéo đến cho tiền. Kết quả từ thiện mang lại được gì chưa thấy rõ, nhưng điều thấy trước mắt anh ta đã không buồn đi đánh giày nữa mà chỉ ngồi nhận tiền từ thiện. Rồi sẽ có người bao nhiều từ đây lại học cách tự tạo ra vẻ tội nghiệp để đánh vào lòng trắc ẩn của đám đông trên mạng xã hội bởi kiếm tiền từ lòng hảo tâm dễ dàng hơn phải nai lưng ra lao động hơn nhiều.

Các quán ăn từ thiện với giá rẻ mọc lên khắp nơi, bán cho người nghèo hết từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Người đến ăn ai biết là người nghèo thật hay người không nghèo những cũng muốn tiết kiệm tiền. Người ta được ăn cứ việc nghĩ đã được ăn rẻ thì khỏi cần gì phấn đấu nhiều nữa cho nhọc thân vì chỉ cần có 4 nghìn là no bụng cả ngày. Bình trà đá từ thiện cũng là đáng quý, nhưng tại sao lại không tạo cho mọi người có thói quen mang theo nước để uống? Thói quen nhỏ nhưng là bước đệm cho ý thức chuẩn bị kỹ các kỹ năng sống còn độc lập mà không phải phụ thuộc vào người khác.

Đừng tạo cảnh ăn mày sự thương hại kéo dài

Đừng cho các em tiền hay hay quà bánh ngoài đường, thay vào đó là các phần thưởng khích lệ tinh thần học tập hay chỉ đơn giản là việc đến lớp đều đặn. Thay vì tạo cho các em nếp nghĩ đi ra đường ăn xin là có tiền, thì hãy làm cho các em nhận thức được đi học vừa được chữ lại vừa được no bụng lại không bị lạnh. Tiền từ thiện hãy để giúp cho người nhận đi học nghề, tư vấn và giúp đỡ họ khởi nghiệp. Tiền từ thiện hãy gom lại để xây trường học, xây nhà vệ sinh, làm thư viện, làm đường đi. Nếu không thì cho vào một quỹ tin tưởng để được giám sát là sử dụng đúng mục đích chứ không phải để phục vụ cho những kẻ tư lợi từ lòng tốt của người khác.

Tiền từ thiện giao một lần, hay các bữa cơm từ thiện chỉ giải quyết được phần ngọn mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi là thay đổi suy nghĩ để cho họ thấy nhận tiền từ thiện thường xuyên là xấu hổ, ăn mày sự thương hại của xã hội không làm cho cuộc đời của họ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn mà ngược lại. Nên chăng chỉ giúp cho họ tìm việc làm phù hợp, ổn định chỗ ở, và lo dự tính cho tương lai lâu dài để phải đứng trên đôi chân của họ đối với những người có sức lao động.

Chỉ có văn hóa tri thức mới có thể làm thay đổi được nhận thức của thế hệ trẻ. Các hoạt động từ thiện mọc lên như nấm mối sau mưa, mang tiền của đến giúp bà con dân nghèo là điều đáng trân trọng nhưng vô hình trung đã làm mờ nhạt hay nói đúng ra xóa hẳn trách nhiệm với dân của các cấp lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp. Họ không cần lo, không cần xót xa vì đã có các đoàn thiện nguyện khắp nơi lo rồi. Họ không cần phải vạch kế hoạch hay chiến lược vì đói kém đã có từ thiện lo.

Đừng cho người nghèo số tiền quá lớn để sống ỷ lại mà không hề đòi hỏi lại bất cứ một trách nhiệm nào cho xã hội từ họ. Cả xã hội cũng đừng biến những người nghèo và cơ nhỡ thành những người ăn mày thụ động chỉ vì lòng trắc ẩn không đúng chỗ và không đúng cách. Và cũng đừng để cho các cấp chính quyền quẳng hẳn gánh nặng lo cho dân nghèo sang những mạnh thường quân. Trách nhiệm ấy là của cả xã hội chứ không phải riêng ai, và chỉ có lòng từ bi thì không thể làm cho một dân tộc lớn lên được.

P.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-tu-thien-khong-ung-cho-la-tu-thien.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn