CHÍNH CÁC EM LÀ NHỮNG NGƯỜI TRẢ NỢ

Thảo Gạo (facebook)

Xin được nói luôn là bài viết này là để phản biện lại bài báo “Đừng dung dưỡng ‘văn hóa chửi’ trong đầu những đứa trẻ” của Khánh Hưng, báo Thanh Niên online.

Trước tiên tôi đồng ý rằng đang có một bộ phận không nhỏ những đứa trẻ bị cuốn vào thứ “văn hóa chửi” của người lớn, nhưng không phải cậu bé 14t này, hoặc ít nhất là không phải những gì chúng ta thấy trong đoạn clip đang tràn lan trên mạng kia. Điều cậu bé ấy làm là nói ra suy nghĩ cá nhân với giọng nói RÕ RÀNG VÀ GAY GẮT. Đó không phải chửi, đừng nhầm lẫn. Từ “thối nát”là một từ hàm ý phê phán, tiêu cực, nhưng không phải một từ bậy, càng không độc quyền xuất hiện trong các cuộc chửi bới.

Thứ hai thì lưu ý tác giả bài báo rằng ông không phải là người thân của cậu bé, càng không ở vào hoàn cảnh của cậu bé thì không thể khẳng định được là cậu bị “nhồi sọ” thông qua đoạn clip dài hơn hai phút rưỡi. Như vậy là vô cùng võ đoán. Hoặc giả như ông bảo lưu ý kiến của mình, thì hãy cho phép tôi hàm hồ tin rằng, ông cũng chỉ là một nạn nhân đầy khiếm khuyết bị “nhồi sọ”.

Thứ ba, có lẽ ông nhầm lẫn mối quan hệ nhân quả khi nói: “Giáo dục tệ hại có lẽ bắt đầu từ những đám đông luôn nghĩ tới mặt xấu của nền giáo dục”. Giáo dục tệ hại – đồng ý; có một đám luôn nghĩ tới mặt xấu – đồng ý. Nhưng một đám luôn nghĩ tới mặt xấu không thể nào là nguyên nhân bắt đầu của giáo dục tệ hại. Bản thân nó phải tệ hại trước thì mới khiến người ta nghĩ xấu về nó được. Hay ý ông là nó có đôi ba chỗ xấu, nhưng vì người ta nghĩ xấu nó nhiều quá nên thành ra nó tệ hại? Hoặc nó tốt đẹp quá nên người ta ghen ghét, người ta nghĩ xấu chăng?

Là một nhà báo, chắc ông biết rất rõ một trong ba chức năng chính của báo chí là giám sát, nói toạc ra là tìm thấy chỗ sai, lên tiếng để người ta có thể cải thiện theo hướng tốt lên. Cho nên ông đừng đòi hỏi một đám nào đấy đừng nghĩ xấu, nói xấu giáo dục, khi mà giáo dục có quá nhiều điều xấu. Trời ơi, người ta kêu thế còn chưa ăn ai.

Thêm một ý nữa, ông nói: “Chuyện nền giáo dục của một quốc gia không phải là chuyện của một ông này, ông kia”. Ông đang làm tôi sợ rồi đấy, tôi không tin là bộ trưởng, thứ trưởng nghĩ như ông đâu. Nhưng mà họ nghĩ như thế thật thì kinh khủng đến thế nào. Thử tưởng tượng, mỗi ngày bộ trưởng của chúng ta thức dậy, soi gương, huýt sáo và tự bảo “Chuyện nền giáo dục ra sao không phải là chuyện của mình”. Đến tối trước khi đi ngủ, ông ta lại nghĩ: “Chuyện nền giáo dục ra sao không phải là chuyện của mình”. Xin khẳng định lại, chuyện nền giáo dục ra sao, nhất định phải là chuyện lớn nhất của một ông bộ trưởng Giáo dục. Chúng tôi cần, nền giáo dục này cần, đất nước này cần một ông bộ trưởng biết nhìn vào gương nhận lỗi mỗi khi sai lầm gì đó xảy ra, chứ không phải là một ông bộ trưởng mắt liến láo, ngó nghiêng tìm kiếm thứ gì ngoài cửa sổ để đổ trách nhiệm.

Ông viện dẫn các ví dụ cho lập luận kiểu đổ lỗi của mình rằng: “Ta than con cháu mình học đại học ra thất nghiệp mà vẫn tìm mọi cách cho con học đại học. Ta kêu nạn học thêm tràn lan nhưng vẫn bắt con đi học thêm ở nhà thầy. Ta ghét nạn chạy điểm những vẫn âm thầm cho thầy phong bì dầy”. Thì hãy đọc lại những gì ông viết ra, ông có nghĩ rằng đó là bi kịch không? Còn gì bi kịch bằng biết rằng lựa chọn của mình rất dở nhưng không còn lựa chọn nào khác. Cám lợn rất khó ăn nhưng đành phải ăn thôi, vì nếu không ăn thì chết đói. Có ông nhắc nhở khiến cho tôi cảm thấy tuyệt vọng quá chừng.

Còn thì ở góc độ một công dân có ích, ông hoàn toàn có thể cảm thấy có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà, tôi cũng vậy. Tôi sẽ thể hiện trách nhiệm của mình thông qua vai trò giám sát. Ông thì sao?

Thôi dông dài đủ rồi, quay trở lại chuyện cậu bé Vũ Thạch Tường Minh. Trong đoạn clip hai phút rưỡi đó, cậu bé chỉ kịp nói lên nhận xét của mình, chưa đủ thời gian để diễn giải vì sao cậu lại có nhận xét như vậy. Mà đã là nhận xét chủ quan thì không có đúng với sai, giống như người ta nói “tôi thấy cơm ngon hơn phở”, ai có thể chứng minh điều ngược lại với người đó chứ. Nhưng câu nói đó có thể khiến cho nhiều người nhìn lại, tranh luận về thực trạng đang diễn ra, điều đó tốt mà.

Mà tôi không hiểu tại sao 14t lại là vấn đề lớn ở đây? 10t chưa cho các em nói về môi trường, 12t chưa cho các em bàn về y tế, 14t chưa được phép đề cập đến nền giáo dục thì bao giờ? Bao giờ là thích hợp khi 10, 15 năm tới thôi, chính các em là trụ cột đất nước này, trên vai của các em mang một món hồi môn là khoản nợ công khổng lồ của những thế hệ trước để lại?

T.G

Nguồn: https://www.facebook.com/thao.gao/posts/1068055096545964

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn