Âm nhạc của nhân gian và lời can của kẻ sĩ

Nguyễn Hiền Chi

image

 

uốn biết nước thịnh hay suy, thì phải nghe “lòng người” chứ không phải nhìn màu cờ sắc áo phô trương bên ngoài. Có thể nghe “lòng người” từ nhiều phía, trong đó tiếng lòng cất lên hồn nhiên vô tư và chân thực nhất thường là âm nhạc. Nghe âm nhạc mà biết được vận nước, biết được “thế đạo nhân tâm”. Nó cất lên từ lòng người nên không gì cấm đoán được nó.

Cổ nhân dạy, nhạc không phải chỉ là âm nhạc, nó cũng là tiếng lòng của con người. Lòng người cảm ở ngoại vật mà sinh ra thanh âm. Thanh âm tương ứng với nhau mà thành các cung bậc khác nhau. Đó cũng là cung bậc tình cảm. Thanh âm ấy thể hiện ra ở cả múa hát, chuông trống, đàn địch, thơ văn... Âm của nhạc chia làm năm bậc, hay là năm âm chính: Cung, thương, giốc, chuỷ, vũ. Lòng người do cảm xúc ngoại cảnh mà thành âm nhạc, âm nhạc lại làm cho lòng người thay đổi. Ấy là cái tương tác của nhạc và người.

Ngoại cảnh đau đớn thì lòng người thương xót, khi đó âm thanh nghe tiêu sái; ngoại cảnh tốt đẹp thì lòng người vui vẻ, khi đó âm thanh nghe êm đềm, hớn hở; ngoại cảnh đen tối thì lòng người giận dữ, âm thanh khi đó nghe dữ dội, bất yên; ngoại cảnh trang nghiêm thì lòng người chính trực, khi đó âm thanh nghe trang trọng, hùng tráng; ngoại cảnh ấm áp, yên lành thì âm thanh nghe tha thiết, dịu dàng, êm ái... Lòng người cảm điều thiện thì có thiện thanh, lòng người cảm điều ác thì có ác thanh. Thiện ác của nhạc là bởi lòng người sinh ra, rồi sau đó nó cảm lại lòng người, khiến cho lòng người đổi thay, có thiện có ác. Nhạc có tác dụng lớn như vậy nên người xưa chú ý dùng nhạc để cải hoá lòng người, cải hoá xã hội, khiến cho đạt tới sự chí thiện, chí mĩ... Người xưa cho rằng nhạc phải có thanh âm hài hoà, tao nhã, để di dưỡng tính tình... Nhạc vì thế, đều liên quan đến chính trị. Nghe âm nhạc mà biết được lòng người, biết được không khí chính trị của chế độ (cũng như xem văn học, nghệ thuật vậy). Chính trị tốt đẹp thì nhạc hay, chính trị xấu xa thì nhạc dở. Âm nhạc thời thịnh thì vui vẻ, khoan hoà, tha thiết, âm nhạc thời loạn thì buồn bực, tức tối, oán giận, sầu bi... Âm nhạc có quan hệ mật thiết đến việc giáo hoá, đến tình hình chính trị, nên người xưa rất trọng nhạc.

Tôi không phải là người sành nhạc, nhưng nghe âm thanh bây giờ, không thấy êm đềm hớn hở, trang nghiêm hùng tráng, tha thiết dịu dàng êm ái... Nó là âm thanh gì? Mong những đôi tai thẩm âm chuyên nghiệp tinh tường của chư quân chỉ giúp. Cũng nhờ chư quân hãy nghe các bài vè, các bài đồng dao trong dân gian, hay những “nhai đàm hạng ngữ”, để xem lòng người đang cất lên tiếng nhạc nào đối với thế cuộc.

*

Trong lịch sử, chúng ta thấy một hiện tượng thường xảy ra đối với kẻ sĩ, đó là “TRỊ DIỆC TIẾN, LOẠN DIỆC THOÁI”. Tức là khi đất nước thịnh trị, khi có “vua sáng” thì tích cực ra giúp đời, còn khi đất nước rối ren, loạn lạc, khi “vua tối”, thì lui về ở ẩn để “độc thiện kỳ thân”, để giữ yên thân mình. Hiện tượng cáo lão hồi hưu, ở ẩn, xa rời chính sự... là rất phổ biến. Nhìn cảnh ấy, ta biết được vận nước, ta biết được “thế đạo nhân tâm”.

Nhưng trong lịch sử, ta cũng thấy không ít kẻ sĩ chân chính thường không chỉ xuất hiện khi chế độ có “vua sáng”, khi đất nước thịnh trị, mà còn xuất hiện cả những khi đất nước rối ren, thế sự điên đảo, hôn quân bạo chúa, triều chính nghiêng ngửa, lũng đoạn, với tinh thần “TRỊ DIỆC TIẾN, LOẠN DIỆC TIẾN” (thịnh trị cũng giúp mà loạn lạc cũng giúp). Thế nên, ta biết thế nước như thế nào mỗi khi kẻ sĩ rủ nhau rời xa chính trường, mỗi khi kẻ sĩ “không thèm nói” nữa. Và ta cũng có thể biết thế nước như thế nào những khi vang lên lời can của kẻ sĩ. Kẻ sĩ “loạn diệc tiến” chính bằng những LỜI CAN GIÁN, bằng những đề xuất cải cách, những kiến nghị, những phản biện đã giúp nhiều vị vua chúa biết lắng nghe và cải sửa tránh khỏi họa diệt vong, cũng như chỉ rõ nếu u tối, bưng tai, bịt mắt nghe theo đám nịnh thần, hại kẻ trung lương, làm bừa làm ác thì sao không rơi vào thảm hại để lịch sử và muôn đời phỉ nhổ.

Trong lịch sử có thể kể ra đây nhiều ví dụ điển hình cho lời can gián của kẻ sĩ. Đó lời can gián của sư Pháp Thuận đối với vua Lê Đại Hành thế kỷ X cần phải “Vô vi cư điện các / Xứ xứ tức đao binh” (Thực hiện đường lối chính trị “vô vi” / Thì sẽ chấm dứt được nạn đao binh); lời can của nhà sư Nguyễn Thường “Can vua Lý Cao Tông không nên mê đắm âm nhạc buồn thảm (Gián Lý Cao Tông văn bi thiết chi thanh): “Âm nhạc của nước loạn nghe ai oán vì giận chính sự nước ấy sai trái. Âm nhạc của nước mất nghe bi thảm vì xót dân nước ấy khốn cùng. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, chính giáo sai lìa, dân chúng buồn khổ. Đến nay càng tệ. Thế mà ngày ngày lại nghe âm nhạc ai oán, đó chẳng phải là điềm nước mất, nước loạn hay sao?” Một người khác lại can vị “hôn quân” này “không nên xây dựng cung điện xa xỉ” (Gián Lý Cao Tông đại hưng lâu các). Ông này là vị vua thứ 7 nhà Lý. Đến vị sau là Lý Huệ Tông thì hết. Phải kể đến lời can của Chu Văn An đối với vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369) thời Mạt Trần. Thời này, chính sự bắt đầu đổ nát, gian thần lộng hành, ông dâng Thất trảm sớ đòi chém bảy tên nịnh thần, nhưng vua không nghe, bèn cáo quan trở về quê, mở trường dạy học. Hồ Nguyên Trừng trong sách Nam Ông mộng lục gọi ông là “Văn Trinh ngạnh trực” (Văn Trinh, con người cứng rắn và ngay thẳng). Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục – Tài phẩm viết: “Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”. Thời Mạt Trần có cả một “phong trào” can vua của kẻ sĩ thể hiện trong các bài phú. Mượn lối tả cảnh ngụ tình, trình bày sự việc để thể hiện ý tưởng của mình, hàng loạt kẻ sĩ thời này đã sáng tác những bài phú nhằm bày tỏ thái độ phê phán đối với tình trạng đổ đốn, nhiễu loạn của xã hội. Mạt Trần, giai cấp thống trị đi vào con đường xa hoa hưởng lạc, mâu thuẫn giữa thống trị và bị trị ngày càng gay gắt. Triều đình nhà Trần nghiêng ngửa. Lớp trí thức “loạn diệc tiến” thời này tâm niệm phải "giúp vua được như Nghiêu Thuấn" (trí quân ư Nghiêu Thuấn chi quân), nên quyết dấn thân. Thơ văn của họ nói lên cái khát vọng "phò nghiêng, đỡ lệch". Xuất phát từ việc đề cao tư tưởng "đức trị", họ đề ra yêu cầu cấp thiết của việc "tu thân" đối với đấng "thiên tử". Nhà vua phải hàng ngày tu thân sửa đức mới mong cứu vãn xã hội. Trong Thiên thu giám phú, Phạm Mại khuyên vua trau dồi đạo đức, giữ vững lễ nghĩa: "Đạo đức rộng ra phép tắc, lễ nghĩa sánh chắc đá vàng". Trong Quan Chu nhạc phú, Nguyễn Nhữ Bật khuyên vua nên dùng âm nhạc làm phương tiện để sửa đức: "Tôn cái thế trung hoà thời cổ, sửa đồi phong, nịnh hót đời suy". Trong Cần Chính lâu phú, Nguyễn Pháp can vua không nên ăn chơi xa xỉ, mà phải chăm chỉ việc triều chính: “Thanh sắc lánh xa chẳng thiết,/ Bắn săn bỏ dứt không chơi./ Cấm gấm vóc không cho là quý,/ Mặc giản đơn làm trước mọi người... Thức khuya dậy sớm,/ sử dụng hiền tài...” Họ cho rằng trách nhiệm của người cầm bút phải dùng ngòi bút cứu vãn xã hội, dù có phải chịu hy sinh, mất mát, như tấm gương sử bút Đổng Hồ nước Tấn đời Xuân Thu: “Khen điều gì không ngoài cái thiện / Truất điều gì không ngoài cái ác / Cầm thẳng bút mà ghi chép hết, / Dù mảy may chẳng dám đơn sai...” (Đổng Hồ bút phú).

Thiết nghĩ hiện nay, xã hội có nhiều biểu hiện tham nhũng hủ bại, nhiễu nhương, lòng người bất an... mà một số đã được phơi bày và phê phán công khai trên công luận. Tiếng nói phản biện can gián của các lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các bậc trí thức, đặc biệt là tiếng nói phản biện nhiều mặt của nhóm nhân sĩ trí thức “Kiến nghị phản đối khai thác Bauxite Tây Nguyên” cả trên 3000 người, là những lời can máu thịt của kẻ sĩ hiện đại mà lịch sử đòi các vị cầm quyền phải biết trân trọng, phải biết nghiêm túc lắng nghe và cải đổi.

N. H. C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn