Lại nói việc Nhà nước đừng làm thay doanh nghiệp!

Huỳnh Thế Du

clip_image004

 

Chuyên gia tài chính Huỳnh Thế Du.Ảnh SGTT

 

"Sau những thất bại của việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, chính phủ Hàn Quốc và Đài Loan đã giảm dần vai trò trực tiếp của nhà nước trong các hoạt động kinh tế mà chỉ tập trung vào việc ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh".

LTS: Nhà nước can thiệp vào thị trường, làm thay vai trò của doanh nghiệp. Trong khi, lẽ ra, Nhà nước chỉ nên làm những việc mà doanh nghiệp và người dân không làm được (ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh...). Vấn đề không mới, những dẫn chứng trong bài cũng không mới. Nhưng điều đáng nói là câu chuyên cũ vẫn chưa có lời giải mới. Bee giới thiệu bài viết của chuyên gia tài chính Huỳnh Thế Du.

Để trở thành một nước phát triển, bất kỳ quốc gia nào cũng phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong một thời gian dài, nếu không nói là liên tục.

Để đạt được điều này cách thức mà nhiều nước đã chọn là: mặc nhiên giao vai trò lo đầu tàu kinh tế cho Nhà nước. Cụ thể là: Nhà nước tham gia tích cực vào các hoạt động kinh doanh, nhất là việc tạo lập ra các ngành công nghiệp mới hay các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn ( DNNN được ví như những quả đấm thép hay mũi nhọn của nền kinh tế...).

Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của nhiều nước chỉ ra rằng, chiến lược này khó đem lại thành công.

Việt Nam: Nhà nước làm thay thị trường dễ bị trục trặc

Nếu nhìn lại những gì đã xảy ra ở Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước đến nay sẽ thấy một điều rất đáng ngạc nhiên là vào những giai đoạn Nhà nước tìm cách cởi trói, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế khác bỏ vốn làm ăn thì dẫn đến tăng trưởng kinh tế cao.

Ngược lại,  rất khó tìm được những chương trình, hay những ngành nghề mà Nhà nước đầu tư trực tiếp gặt hái được thành công, trong khi nhà nước đứng ra làm thay thị trường thì lại gặp trục trặc.

Trong giai đoạn 1975-1985, nền kinh tế đã bị đình đốn và rơi vào khủng khoảng sau một thập kỷ áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch - Nhà nước làm thay thị trường. Tuy nhiên, ngay ở giai đoạn này, các hoạt động kinh tế trở nên năng động ở những nơi mà những quy định hay giám sát của Nhà nước được nới lỏng hay “làm lơ”. Khoán ở Hải Phòng, bù giá vào lương ở Long An, xuất khẩu hàng đổi hàng ở TP.HCM là những thí dụ sinh động nhất.

Sự tương phản giữa nới lỏng và tăng cường tham gia hay thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước được thể hiện rất rõ. Những làn gió mới của Nghị quyết trung ương 6 Khóa IV, Nghị định 25 hay khoán 100 đã làm hồi sinh các hoạt động kinh tế thì những chính sách thắt chặt để tránh “chệch hướng” sau đó đã làm sản xuất thêm đình đốn. Kết quả là nền kinh tế nước ta đã rơi vào cuộc khủng khoảng nghiêm trọng.

clip_image005

Nhà nước đang tái cơ cấu tập đoàn Vinashin. Ảnh DV

Thành tựu thứ hai có thể kể đến là chính sách trả ruộng về tay người dân từ Khoán 100 đến Khoán 10. Kết quả của chính sách này không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng thiếu đói mà nhiều ngành nông lâm nghiệp thủy sản có thế mạnh được phát huy để trở thành nước xuất khẩu dẫn đầu về gạo, cà phê, hồ tiêu.... Rõ ràng việc cải cách các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp đã đem lại những kết quả bất ngờ.

Kế tiếp là những kết quả đạt được trong hoạt động thương mại và đầu tư trong giai đoạn từ cuối thập niên 1980 đến năm 1997-1998, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực. Khi mà nguồn lực nhà nước bị cạn kiệt do nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác đã đem lại những kết quả hết sức ngoạn mục.

Có lẽ ngoạn mục nhất chính là Luật doanh nghiệp năm 2000 và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2001. Luật doanh nghiệp là cơ sở đến khoảng nửa triệu doanh nghiệp dân doanh ra đời và trở thành trụ cột quan trọng, nếu không nói là nhất, ở hai khía cạnh nòng cốt là cỗ máy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ mà tiếp đó là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2006 là những bước cải thiện môi trường kinh doanh và thương mại đáng kể nhất và đưa Việt Nam hội nhập rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong hơn 20 năm qua, đầu tư nhà nước chiếm một tỷ phần không nhỏ trong tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng kết quả của những khoản chi này theo hai hướng khác nhau.

Đối với các khoản chi cho an sinh xã hội như giáo dục, y tế … còn nhiều điều phải bàn nhưng nhìn chung chúng vẫn mang lại những kết quả nhất định. Hơn thế, nếu Nhà nước không chi tiêu cho các khoản này thì chẳng ai có thể đảm đương được. Đây là việc Nhà nước phải làm.

Ngược lại, đối với những khoản đầu tư khổng lồ vào các ngành mũi nhọn, kinh tế trọng điểm như mía đường, xi măng, sắt thép, đóng tàu, chế tạo ô tô … dường như đã không đem lại kết quả như mong đợi.

Hơn thế, những rắc rối của việc Nhà nước tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế đã bộc lộ trong thời gian gần đây.

Các nước Đông Á đang giảm vai trò trực tiếp của Nhà nước trong kinh tế

Ngày nay nhiều người vẫn thường nhắc đến với sự ngưỡng mộ về khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong một thời gian dài để dẫn đến sự thần kỳ Đông Á của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của các nước này là vai trò của Nhà nước. Tuy nhiên, không giống như điều mà nhiều người lầm tưởng và nhiều nước đã phải gánh chịu hậu quả là việc đã cho rằng Nhà nước đã tham gia rất tích cực trong các hoạt động kinh tế.

Thực ra, sau những thất bại của việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, chính phủ các nước nêu trên đã giảm dần vai trò trực tiếp của nhà nước trong các hoạt động kinh tế mà chỉ tập trung vào việc ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh. Hàn Quốc và Đài Loan là hai ví dụ điển hình nhất.

Trong gian đoạn phát triển đầu tiên vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, cả hai nước đã đi theo hướng tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước, nhưng không thành công. Với việc chuyển hướng vào việc khuyến khích và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân đã đem lại thành công cho hai nền kinh tế này. Kết quả đến giờ này ai cũng thấy là hiện nay trụ cột của cả hai nền kinh tế này chính là các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và có sức cạnh tranh toàn cầu.

Mong muốn có được sự thành công như các nước Đông Á, nhiều nước Asean đã có những chính sách tương tự. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đã thất bại với mô hình can thiệt của Nhà nước cùng với việc theo đuổi chính sách cố định tỷ giá đồng tiền thiếu thực tế. Hậu quả là sau cuộc khủng hoảng năm 1997-1998, các nước Asean (trừ Singapore) mãi vẫn không thể hồi phục.

Nhà nước chỉ nên ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh

Thực ra, bản chất không hiệu quả của việc Nhà nước tham gia vào các hoạt động kinh doanh là vấn đề động cơ và mâu thuẫn lợi ích. Đối với các doanh nghiệp dân doanh, mục tiêu duy nhất của chủ sở hữu là lợi nhuận, gia tăng giá trị doanh nghiệp, mong muốn doanh nghiệp của mình lớn mà mạnh hơn. Ngược lại, nhiều khi, đối với những người điều hành doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu của họ là vị trí cao hơn. Do vậy, nguồn lực thường được sử dụng để đánh bóng tên tuổi, có lợi cho việc thăng tiến trong ngắn hạn hơn là vì mục tiêu giá trị dài hạn của doanh nghiệp.

Tóm lại, với những giới hạn về nguồn lực và khả năng của mình, để đạt được mục tiêu trở thành một nước phát triển, Nhà nước chỉ cần làm tốt nhiệm vụ ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu hai điều này được thực hiện thì kết quả tất yếu của nó sẽ là tăng trưởng cao và ổn định.

Bằng không, nếu cứ quá chú tâm vào tăng trưởng thông qua chính sách đầu tư công, thì bất ổn vĩ mô và tăng trưởng thấp là điều khó tránh khỏi.

H. T. D.

Nguồn: Bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn