Sẽ còn nhiều thảm hoạ lớn hơn vụ cầu Ghềnh?

TS Trần Đình Bá

clip_image001

Ảnh: Dân Trí

Chưa bao giờ tai nạn giao thông, đặc biệt là đường sắt xảy ra nghiêm trọng như hiện nay và chứa đựng nhiều nguy cơ lớn. Việc bỏ mặc đường sắt quốc gia trong sự quan liêu vô trách nhiệm cũng góp phần làm cho giao thông hiện nay rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Đã có 114 năm lịch sử, đường sắt quốc gia thời Pháp thuộc, khi dân số chỉ 20 triệu thì việc đi chung của tàu hỏa và ô tô trên một cây cầu hẹp và khổ ĐS 1 mét là chuyện bình thường. Nhưng nay dân số gần 90 triệu dân, mà tàu hỏa và ôtô vẫn lưu thông trên một làn đường như ở cầu Ghềnh, cầu Tam Bạc (Hải Phòng), cầu Phố Lu (Lào Cai), cầu Phú Lương (Hải Dương), cầu khu Tháp Chàm (Bình Thuận)... những cây cầu có từ thời Pháp xây dựng thì thật khó chấp nhận được.

Điều đó, cho thấy sự trì trệ bảo thủ của Bộ GTVT và Tổng Công ty ĐSVN, khi mà từ 1986 đến nay các ngành, các lĩnh vực đều đã thực sự đổi mới. Hệ thống đường sắt quốc gia, có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị - kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh đang bị "bỏ rơi" trong sự quan liêu, lực bất tòng tâm với nhiều lý do, nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Thân phận con đường sắt quốc gia

Hệ thống 3200 km ĐS quốc gia là một tài sản khổng lồ về vật chất. Còn về lịch sử, văn hóa, sức mạnh phòng thủ của nó là vô giá, được luật pháp quan tâm bảo vệ bằng một bộ luật quan trọng mà trách nhiệm hành pháp thuộc về Bộ GTVT. Thế nhưng, hiện nay đường sắt quốc gia đang xuống cấp rệu rã.

Kể từ sau khi có Luật ĐSVN 2005, mọi người dân kỳ vọng vào ngành giao thông vận tải là chủ lực sẽ phải được cải thiện không ngừng để phục vụ đời sống nhân dân. Vậy nhưng hệ thống ĐS quốc gia sau 5 năm vẫn không có gì cải thiện, trái lại ngày càng bị xâm hại và mất an toàn nghiêm trọng.

Hàng ngàn con đường bộ cắt ngang ĐS quốc gia mà cơ quan chủ quản không có một biện pháp gì để điều chỉnh, thay đổi. Sự xung đột quyền lợi giao thông giữa các phương tiện đường bộ và đường sắt quốc gia vẫn luôn diễn ra. Tại nhiều thành phố lớn, ĐS quốc gia cắt ngang với đường bộ mà không hề có lấy những cầu vượt để bảo vệ tính mạng người dân.

Không biển báo, không rào chắn, nhiều điểm giao cắt ĐS quốc gia nằm giữa khu dân cư đông đúc, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Theo báo cáo của ngành ĐS, 10 tháng đầu năm 2009 cả nước xảy ra 431 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 166 người, bị thương 319 người. Hiện, cả nước có gần 6.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và ĐS, trong đó có hơn 4.500 điểm giao cắt dân sinh, nhiều điểm không có rào chắn, biển báo. Riêng 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng có trên 4.200 điểm vi phạm với diện tích bị lấn chiếm gần 1,5 triệu m2.

Tại những giờ cao điểm ở các thành phố lớn, nhân viên gác chắn không đủ sức ngăn nổi dòng người và phương tiện ào ào băng qua đường. Tai nạn giao thông ở cầu Ghềnh sẽ không thể dừng lại, nếu còn tiếp tục tồn tại những cây cầu đi chung đường bộ và ĐS, và đường ngang khi dân số và phương tiện giao thông tư nhân phát triển không ngừng.

Khi Luật ĐSVN bị bộ chủ quản lãng quên

Là cơ quan giúp Quốc hội dự thảo Luật ĐSVN để thông qua, Bộ GTVT và Tổng công ty ĐSVN cũng là nơi thực thi và tuyên truyền hướng dẫn cho toàn dân chấp hành luật ĐSVN. Vậy mà sau 5 năm thực thi (2006-2011), ĐS quốc gia đã không được quan tâm mở rộng, hiện đại hóa, mà ngược lại còn xuống cấp, tụt hậu thua xa cả vận tải đường sông, vì thị phần ngày càng giảm - dưới 5%.

Hàng ngàn con đường bộ cắt ngang ĐS quốc gia mà cơ quan chủ quản không có một biện pháp gì để điều chỉnh, thay đổi. Sự xung đột quyền lợi giao thông giữa các phương tiện đường bộ và đường sắt quốc gia vẫn luôn diễn ra. Tại nhiều thành phố lớn, ĐS quốc gia cắt ngang với đường bộ mà không hề có lấy những cầu vượt để bảo vệ tính mạng người dân.

Không biển báo, không rào chắn, nhiều điểm giao cắt ĐS quốc gia nằm giữa khu dân cư đông đúc, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Theo báo cáo của ngành ĐS, 10 tháng đầu năm 2009 cả nước xảy ra 431 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 166 người, bị thương 319 người. Hiện, cả nước có gần 6.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và ĐS, trong đó có hơn 4.500 điểm giao cắt dân sinh, nhiều điểm không có rào chắn, biển báo. Riêng 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng có trên 4.200 điểm vi phạm với diện tích bị lấn chiếm gần 1,5 triệu m2.

 

Giữa thời kỳ phát triển của khoa học công nghệ mà hệ thống giao thông tín hiệu dẫn đường ĐS quốc gia lạc hậu, thua xa cả những tàu cá của ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ thì thật không thể hiểu nổi. Giữa lúc chúng ta đã phóng thành công vệ tinh VINASAT, các ngành kinh tế - kỹ thuật đều ứng dụng công nghệ GPS định vị toàn cầu, công nghệ viễn thông, tin học 3G phủ sóng toàn quốc, quan sát điều hành từ xa trên màn hình vi tính, vậy mà thiết bị dẫn đường và hệ thống điều hành quản lý ĐS quốc gia còn thủ công, lạc hậu khó tưởng tượng.

Thật hổ thẹn khi một ngành vận tải chủ lực hiện đại, quan trọng bậc nhất lại sử dụng hệ thống dẫn đường bằng đèn tín hiệu ĐS cỗ lỗ sĩ có từ thời Pháp thuộc. Các lái tàu thụ động quan sát trong tầm nhìn xa không quá 300 mét, khi tốc độ trên 70 km/h thì làm sao tránh được thảm họa trên hành trình dài từ Bắc đến Nam.

Thật ngạc nhiên là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... hàng chục năm trôi qua mà các tuyến đường bộ băng qua ĐS không có gì cải thiện, chưa hề thấy có xây thêm một chiếc cầu vượt mới nào. Cứ mỗi lần có tàu đi qua là các trục đường bộ quan trọng tại các nơi này ùn tắc giao thông kéo dài nhiều giờ, lãng phí thời gian, nhiên liệu rất lớn.

Tại sao Viện Quy hoạch Bộ GTVT không quan tâm đến việc thiết kế lắp đặt cho các cầu đường bộ qua ĐS, mặc dù việc làm này là điều quá đơn giản, và nó mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn. Trên thế giới, ĐS quốc gia đi vào các trung tâm thành phố lớn, đông dân là chuyện bình thường. Họ giải quyết bằng việc xây cầu vượt và rào chắn để đảm bảo an toàn và lưu thông thông suốt cho đường bộ lâu dài. Vậy mà hàng chục năm nay Viện Quy hoạch GTVT đã không làm được cái điều tưởng chừng quá đơn giản đó.

Chưa có nơi nào trên thế giới, thảm họa quốc gia về giao thông giữa ĐS và đường bộ hàng ngày xảy ra như ở Việt Nam: Tàu hỏa tông xe chở đám cưới, tàu hỏa tông xe cựu chiến binh đi du lịch, tàu hỏa tông xe tải, tàu hỏa tông vào xe gắn máy, tàu hỏa tông vào xe công nông, tàu hỏa tông ô tô chở khách làm chết hàng chục người... Đó là những thực trạng đầy nhức nhối thể hiện sự bất lực, vô trách nhiệm của Bộ GTVT trước bổn phận thực thi Luật ĐSVN, thiệt hại tính mạng người dân, và tài sản nhà nước, tư nhân là rất lớn.

Làm gì để ngăn chặn "thảm họa" quốc gia?

Có thể nói chưa bao giờ tai nạn giao thông, đặc biệt là ĐS xẩy ra nghiêm trọng như hiện nay và chứa đựng nhiều nguy cơ lớn. Việc bỏ mặc ĐS quốc gia trong sự quan liêu vô trách nhiệm cũng góp phần làm cho giao thông hiện nay rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Tại Nhật Bản, sau thảm họa lật tàu tháng 12/2005 làm chết 4 người, bị thương 33 người, Chủ tịch Tập đoàn ĐS quốc gia này đã phải lập tức từ chức. Tại Scotland tháng 12/2010, Bộ trưởng Giao thông Vận tải xin từ chức do những quyết định sai lầm khi đối phó với bão tuyết giữa mùa đông khắc nghiệt khiến hàng trăm ô tô bị mắc kẹt.

Còn ở Việt Nam, các tai nạn giao thông, đặc biệt là giao thông ĐS ngày càng nghiêm trọng như vụ lật cả một đoàn tàu ở Yên Bái, vụ tàu hỏa tông ô tô ở Quảng Trị, Phan Thiết làm chết và bị thương hàng chục người và nhiều vụ lớn khác... Các quan chức quản lý ngành vẫn bình chân như vại.

Bỏ mặc ĐS quốc gia trong rệu rã xuống cấp, trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng để đi tìm giá trị ảo trong siêu dự án ĐSCT 56 tỷ USD là trách nhiệm nặng nề của Bộ GTVT. Đó có thể coi là sự bất lực của những người quản lý Nhà nước về mạng ĐS quốc gia.

T. Đ. B.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn