Các nguồn tin và ý kiến trái ngược về chiến cuộc Libya

BÌNH MINH ODYSSEY

Lê Phú Khải

Tháng Ba năm 2011

Homer sống lại

Đứng bên bờ Địa Trung Hải

Ngắm “Bình Minh” (1)

****

Thế kỷ mới đã mở đầu như thế

Achilles (2) vẫn “Chạy nhanh như gió”…

Không kẻ nào tắm máu được Tự Do

Cờ đỏ vẫn “Bay quanh tóc bạc Bác Hồ” (3).

****

Tôi lại viết bài thơ

Từ bờ Nam Sông Hậu

Gửi người anh em từ bờ bắc Sông Nin

Hãy bỏ giùm tôi lá phiếu đến tương lai,

Tương lai của chúng mình.

Cà Mau

03/2011

Chú thích :

(1) Odyssey: bản anh hùng ca Hy Lạp của Homer (810 – 730? Trước CN). “Bình minh Odyssey” là tên chiến dịch tấn công Libya của Mỹ, dùng hỏa tiễn đánh phá các căn cứ quân sự tàn sát dân thường nổi dậy đòi dân chủ của Đại tá độc tại Gadahfi.

(2) Achilles: nhân vật trong anh hùng ca Ilyad của Homer.

(3) Thơ Ta đi tới của Tố Hữu.

1. TT Obama: Ông Gadhafi phải ra đi

clip_image001

Ông nói có những giai đoạn khác nhau trong sứ mạng này và thế giới Ả Rập sẽ “tuyệt đối” tham gia. Hình: AP

Tổng Thống Barack Obama nói rằng chính sách của Hoa Kỳ là nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi “phải ra đi”, nhưng đó không phải là mục đích của chiến dịch quân sự.

Lên tiếng tại Santiago, Chile hôm thứ Hai, ông Obama khẳng định rằng quân đội Mỹ yểm trợ cho nhiệm quyền của quốc tế chú trọng vào mối đe dọa nhân đạo tại Libya.

Ông nói có những giai đoạn khác nhau trong sứ mạng này và thế giới Ả Rập sẽ “tuyệt đối” tham gia.

Ông Obama nói rằng ngoài các nỗ lực quân sự Mỹ còn có nhiều công cụ để hỗ trợ cho chính sách của Hoa Kỳ hầu cô lập ông Gadhafi, trong đó có phong tỏa tài sản và thúc đẩy các biện pháp chế tài.

Ông Obama nói rằng tình hình đang diễn biến ngay tại chỗ ở Libya, và Hoa Kỳ đang theo dõi sát các diễn biến này. Ông nói rằng giai đoạn đầu tiên của sứ mạng - hủy diệt lực lượng phòng không của Libya - đã hoàn tất.

Tổng thống Obama đã nói như vậy trong một cuộc họp báo với nhà lãnh đạo Chile, Tổng thống Sebastian Pinera, tại Santiago.

Nguồn: voanews.com

2. Libya: Quân của Gaddafi bị đánh bật khỏi Benghazi

Trà My

Quân đội Libya đã bị đánh bật ra khỏi thành phố Benghazi, căn cứ địa của quân nổi dậy ở quốc gia Bắc Phi.

Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ngày 21/3 đã bị đẩy ra xa thành phố Benghazi do quân nổi dậy kiểm soát 100km sau khi các vụ không kích của phương Tây đã phá hủy nhiều xe bọc thép của lực lượng này.

clip_image003

Lực lượng trên đã bị đẩy lùi về thị trấn Ajdabiya, phía Nam thành phố Benghazi, bỏ lại hàng chục xác xe tăng trên đường. Lực lượng của ông Gaddafi thỉnh thoảng nã pháo vào quân nổi dậy khi quân nổi dậy theo sau lực lượng của ông Gaddafi và tập trung thành nhóm hàng trăm người cách thị trấn Ajdabiya khoảng 3-4 km.

Trong khi đó, một người phát ngôn của quân nổi dậy cho biết, các lực lượng của ông Gaddafi đang sử dụng thường dân ở các thị trấn gần thành phố Misrata làm lá chắn sống. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác minh và hiện chưa có bình luận gì từ phía các quan chức Chính phủ Libya.

Hiện các quốc gia như Canada, Đan Mạch và Italia đã triển khai xong các máy bay chiến đấu như F-16, Eurofighter và Typhoon để hỗ trợ liên minh trong chiến dịch tấn công Libya.

T.M (Tổng hợp)

Nguồn: bee.net.vn

3. “Bình minh Odyssey” và những bóng ma vật vờ

Bạch Dương

Khác với trường hợp Ai Cập và Tunisia - nơi làn sóng biểu tình chống chính phủ cũng vừa quét qua - với Libya, kịch bản chiến tranh với sự can thiệp từ bên ngoài có thể đã được lên kế hoạch từ đầu.

Khi cả thế giới còn chưa hết bàng hoàng trước đống đổ nát của trận siêu động đất kèm theo sóng thần gây ra khủng hoảng an toàn hạt nhân tại Nhật Bản, lại phải chứng kiến máy bay, tên lửa của Pháp khai hỏa, rồi Mỹ và Anh hỗ trợ chống Libya. Sau hơn một tháng bị xáo trộn vì các cuộc biểu tình, giờ đây Libya lại rung chuyển vì sự can thiệp quân sự từ bên ngoài trong một chiến dịch mang tên "Bình minh Odyssey". Bất đồng nội bộ một quốc gia giờ có thêm sự can thiệp của các lực lượng quân đội nước ngoài, nạn nhân đầu tiên và nặng nề nhất luôn là nhân dân nước sở tại, nạn nhân thứ hai là đất nước trước nguy cơ bị chia rẽ, nếu nghiêm trọng hơn, toàn khu vực cũng khó tránh khỏi tác động xấu, và trong trường hợp tệ nhất sẽ là gánh nặng khủng khiếp đối với nền kinh tế toàn cầu.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Libya bùng phát từ ngày 15/2 nhằm phản đối chính phủ vì bất bình với nạn thất nghiệp, giá cả leo thang, tình trạng tham nhũng, và đòi nhà lãnh đạo Moammer Kadhafi từ chức sau hơn 4 thập niên cầm quyền. Làn sóng biểu tình đã biến thành nội chiến khi lực lượng nổi dậy sử dụng vũ khí, buộc phe chính phủ phải đáp trả bằng các biện pháp quân sự.

clip_image004

Khác với trường hợp Ai Cập và Tunisia - nơi làn sóng biểu tình chống chính phủ cũng vừa quét qua - với Libya, kịch bản chiến tranh với sự can thiệp từ bên ngoài có thể đã được lên kế hoạch từ đầu. Mục tiêu lâu dài của phương Tây, dù không được nói ra nhưng ai cũng hiểu, đó là sự thay đổi chế độ ở Libya, với mong muốn chiếm đóng các mỏ dầu ở vị trí chiến lược của nước này. Libya đang trở thành một Iraq thứ hai. Nhưng lần này, kế hoạch tấn công đã được khéo léo hợp thức hóa bằng việc thuyết phục cộng đồng quốc tế, mà đại diện là Hội đồng Bảo an LHQ, thông qua nghị quyết 1973 áp đặt vùng cấm bay trên không phận Libya và cho phép các hành động quân sự khác trong trường hợp cần thiết. Ai có thể chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó, và rằng sự can thiệp này ban đầu chỉ là áp đặt vùng cấm bay sẽ không kết thúc bằng các chiến dịch tấn công trên bộ - hành động bị coi là xâm lược và chiếm đóng Libya? Nên nhớ rằng sự chiếm đóng ở Iraq và Afghanistan đã trở thành trọng tâm cuộc chiến, thay đổi chế độ chỉ đơn thuần là hành động mở màn.

Súng đã nổ và máu đã chảy. Với Libya, mọi lo lắng đang hướng về phía những người dân thường vô tội nay bị kẹt giữa hai làn đạn. Phe của ông Kadhafi tuyên bố đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích kéo dài, và nếu không bên nào giành chiến thắng mang tính quyết định, đất nước Libya khi đó đứng trước nguy cơ bị chia cắt làm hai, giữa phần phía Tây do quân chính phủ kiểm soát với phần phía Đông do lực lượng nổi dậy chiếm dưới sự yểm hộ của các lực lượng quốc tế. Nhưng các đợt không kích của quân đồng minh có lẽ cũng không tránh khỏi việc tàn sát nhầm cả vào lực lượng nổi dậy mà họ nói là bảo vệ. Việc này có thể khiến lực lượng này đổi ý, đứng về phía quân chính phủ để đối phó với các thế lực quân sự phương Tây. Như vậy, cuộc chiến này sẽ có thể kéo dài, và cùng với nó là một chuỗi nguy cơ đặt ra đối với chính các quốc gia tham chiến, với khu vực Trung Đông, Bắc Phi cũng như với toàn thế giới.

Các chuyên gia ước tính chiến dịch không kích toàn diện này sẽ ngốn tới 150 triệu USD mỗi tuần của liên quân. Trong bối cảnh các nước châu Âu đang gặp khủng hoảng hoặc đang phải thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi phí quốc phòng, mức chi tiêu quá lớn cho việc tham chiến ở nước ngoài như vậy sẽ đẩy châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng chính trị. Phương Tây sẽ rất khó duy trì quyết tâm trong cuộc chiến này. Đó là chưa kể tới dư luận của thế giới Arập đang chuyển hướng, quay sang phản đối phương Tây, cáo buộc rằng các cuọc không kích của liên quân đã vượt ngoài cái gọi là khu vực cấm bay, và giết hại nhiều người dân vô tội. Cuộc chiến sẽ không còn đơn giản là giữa Mỹ và liên quân với Libya mà đang dần trở thành cuộc đối đầu giữa phương Tây và thế giới Arập. Hẳn là Mỹ đã không khôn ngoan khi tham chiến cùng lúc tại ba quốc gia Arập là Iraq, Afghanistan và Libya.

Các tác động đối với nền kinh tế toàn cầu chắc chắn cũng sẽ không hề nhỏ khi giới đầu tư trên thế giới ngày càng lo lắng bởi quốc gia đang bị xâm lược là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ tư châu lục này. Những lo lắng của giới đầu tư sẽ đẩy giá dầu và giá vàng thế giới tiếp tục tăng vọt, tạo ra những gánh nặng khủng khiếp cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang chập choạng vượt qua khủng hoảng tài chính.

Chiến tranh, dù được lý giải thế nào, vẫn là kịch bản không đáng có cho mọi mâu thuẫn, xung đột.

B.D

Nguồn: Tuanvietnam

4. Tướng công an nói về tình hình Libya

Nguyễn Thu Hòa

clip_image005

(VOV) - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an): "Cuộc chiến này là đẫm máu, về mặt đạo lý là phi nghĩa"

Tại sao Anh, Pháp, Mỹ lại tấn công Libya vào thời điểm này? Đằng sau hành động tấn công này là gì và tương lai của Libya sẽ như thế nào? PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) phân tích.

PV: Xin Thiếu tướng phân tích, tại sao phương Tây lại tấn công Libya vào thời điểm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thật ra Mỹ, Pháp, phương tây nói chung tấn công Libya vào thời điểm này là việc đã được họ chờ đợi nhiều chục năm nay. Ông Gaddafi làm Tổng thống Libya từ năm 1969 và ông ta thực thi một chính sách đối ngoại quay lưng lại với Mỹ, phương Tây. Dưới quan điểm của Mỹ, phương Tây Gaddafi là một cái gai trên bờ biển Địa Trung Hải và Trung Đông Bắc Phi. Lâu nay Mỹ và Tây Âu chưa có cớ nào để loại bỏ ông Gaddafi cả.

Khi một bộ phận dân chúng nổi dậy chống ông Gaddafi, Mỹ và phương Tây không bỏ lỡ cơ hội này và bằng mọi cách để có Nghị quyết 1973 của Liên Hợp Quốc. Và đây là giải pháp cuối cùng mà Mỹ thực ra đã chuẩn bị từ lâu rồi.

Thái độ của Mỹ, phương Tây đối với Gaddafi khác hẳn với ông Bennani ở Tunisia, khác hẳn với thái độ của ông Mubarak ở Ai Cập. Có những người đã làm bức tường sống để bảo vệ Gaddafi. Điều này có nghĩa một bộ phận không nhỏ ủng hộ ông Gaddafi.

PV: Theo ông, bản chất quyết định tấn công Libya mà ba nước chủ chốt là Anh, Pháp và Mỹ tiến hành là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mục tiêu thứ nhất là bằng mọi cách loại bỏ Gaddafi và chính quyền của ông ta; thứ hai là tiến tới xây dựng một nhà nước sau Gaddafi, một nhà nước chắc chắn là nằm trong quỹ đạo thân Mỹ, phương Tây để tạo nên một bàn cờ mới ở Bắc Phi, Trung Đông. Đấy là mục tiêu lâu dài. Trước mắt không có giải pháp nào khác ngoài quân sự. Điều này báo hiệu một cuộc chiến tranh hết sức đẫm máu và ác liệt.

PV: Ông có thể giải thích tại sao một số nước quan trọng khác như Nga, Trung Quốc và Đức lại không tham gia chiến dịch này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Can thiệp vào Libya bằng quân sự là hoàn toàn không đúng đắn. Điều này tạo một tiền lệ xấu để Mỹ có thể can thiệp vào nước khác. Can thiệp vào Libya lần này cơ bản giống việc can thiệp vào Serbia vào năm 1999 và năm 2003 ở Iraq. Đây là việc trái với đường lối của Trung Quốc và Nga. Nhưng trong tình thế hiện nay, Nga và Trung Quốc chỉ còn cách bỏ phiếu trắng mà thôi.

PV: Như ông vừa nói, tại Libya sẽ xảy ra một cuộc chiến đẫm máu và nhà lãnh đạo Libya đã tuyên bố là sẽ chiến đấu đến cùng. Vậy theo ông hậu quả chính trị của cuộc tấn công này là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể dự báo rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng việc loại bỏ Gaddafi. Loại bỏ Gaddafi là một việc không khó nhưng việc gây dựng một nhà nước Libya để lấy được lòng dân và nằm trong một mối quan hệ với thế giới ổn định thì còn lâu lắm. Giống như Mỹ loại bỏ Sadam Hussein thì không khó gì cả nhưng tạo một đất nước Iraq ổn định thì còn lâu. Nếu nói rằng dân Libya được hưởng trọn vẹn lợi ích sau cuộc chiến này thì không có. Bản thân người dân Libya cũng phải chịu đòn trong cuộc chiến này.

PV: Xin cảm ơn PGS TS Thiếu tướng Lê Văn Cương với những phân tích vừa rồi./.

N.T.H (thực hiện)

Nguồn: vovnews.vn

5. Tên lửa bắn trúng nơi ở của ông Gaddafi

Thiên Ân

Ngày 21-3, kênh truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) đưa tin Khamis Gaddafi, con trai của nhà lãnh đạo Gaddafi, đã chết trong bệnh viện ở thủ đô Tripoli sau khi bị thương do chiến đấu ở căn cứ quân sự Bab al-Aziziya (phía nam Tripoli) hôm 19-3.

Đợt hai chiến dịch tấn công Libya của liên quân bắt đầu vào rạng sáng 20-3 và kéo dài đến tận sáng sớm 21-3. Máy bay tiếp tục không kích hệ thống phòng không, căn cứ không quân và căn cứ bộ binh của Libya.

2 giờ 30 theo giờ địa phương, tàu ngầm và tàu chiến Anh bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào TP Tajura cách Tripoli 10 km. Máy bay Pháp ném bom xuống căn cứ không quân ở Tajura. Sau đó, tên lửa hành trình Tomahawk chuyển hướng bắn vào thủ đô Tripoli.

Hôm trước, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen tuyên bố đã vô hiệu hóa mạng lưới phòng không Libya. Tuy nhiên, sau khi một đợt tên lửa rơi xuống Tripoli, lực lượng phòng không của quân đội chính phủ Libya đã phản công. Lưới đạn phòng không sáng rực bầu trời. Tiếng súng phòng không kéo dài trong 10 phút.

LIBYA/

Tòa nhà bốn tầng nơi nhà lãnh đạo Gaddafi ở tại thủ đô Tripoli bị tên lửa phá sập ngày 20-3. Ảnh: DAILY MAIL

Một quả tên lửa hành trình Tomahawk đã rơi trúng tòa nhà bốn tầng của nhà lãnh đạo Gaddafitrong căn cứ quân sự Bab al-Aziziya. Không rõ ông Gaddafi có mặt trong đó hay không. Một phần ba tòa nhà sụp đổ. Vỏ tên lửa vương vãi khắp nơi.

Khoảng 300 người ủng hộ ông Gaddafi đã tập trung tại căn cứ vào thời điểm tên lửa rơi trúng tòa nhà. Chưa rõ dân thường có thương vong hay không. Ông Gaddafi đã không xuất hiện công khai từ sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 1973 về Libya. Hiện không rõ ông ở đâu.

64 người chết và 150 người bị thương trong chiến dịch tấn công Libya của liên quân trong hai ngày 19 và 20-3 theo số liệu của Bộ Y tế Libya.

Chính phủ Libya đã đưa các phóng viên nước ngoài tới chứng kiến hiện trường. Người phát ngôn chính phủ Libya đã tố cáo liên quân tấn công man rợ bất chấp tính mạng của hàng trăm dân thường tại đây.

Về phần Mỹ, trong ngày 20-3, máy bay ném bom tàng hình B-2 và các loại máy bay F-16, F-15, Harrier đã tiến hành không kích ở Libya. Máy bay EA-18G Growlers của Mỹ đã phá mạng lưới radar của Libya.

Trong ngày, máy bay Anh và Pháp tiếp tục không kích ở TP Benghazi. Tổng cộng có 70 xe tăng và xe quân sự của quân Chính phủ Libya trên đường tiến vào Benghazi đã bị phá hủy. Pháp cho biết đã điều động 15 máy bay chiến đấu và máy bay thám sát tham gia đợt hai chiến dịch và không gặp kháng cự nào. Bốn máy bay F-16 của Đan Mạch cũng tham gia rải bom Libya trong ngày 20-3.

9 giờ tối theo giờ địa phương ngày 20-3, Chính phủ Libya tuyên bố ngừng bắn lần thứ hai để đáp ứng lời kêu gọi của Liên minh châu Phi. Mọi đơn vị quân đội đều được chỉ đạo thực hiện lệnh ngừng bắn.

- Qatar đã điều động bốn máy bay chiến đấu đến Libya. Sáu máy bay phản lực CF-18 và 140 phi công của Canada cũng tham gia chiến dịch. Pháp đặt tên cho chiến dịch là Gió Harmattan (gió khô và nóng mang đầy bụi thổi từ sa mạc vào bờ biển châu Phi từ tháng 12 đến tháng 2).

- Phụ trách điều phối chiến dịch tấn công Libya là một tướng tham mưu trưởng của Mỹ. Bộ chỉ huy điều phối đặt tại Stuttgart (Đức), phụ trách giữ liên lạc giữa Northwood (Anh) với Bộ chỉ huy phòng không và các chiến dịch không quân của Pháp trên núi Verdun (Pháp).

Phe nổi dậy tái chiếm các vị trí đã mất

Ngày 21-3, hãng tin Al-Jazeera (Qatar) đưa tin tại Tripoli, quân đội Chính phủ đã giao tranh với phe nổi dậy. Ở TP Zintan, quân Chính phủ tiếp tục tấn công ngày thứ hai. Trong khi đó, được liên quân giúp sức tiêu diệt xe pháo của quân Chính phủ, phe nổi dậy bắt đầu tăng cường giành giật trở lại các vị trí chiến đấu đã mất. Đêm 20-3, phe nổi dậy đã chiếm lại được một phần TP Ajdabiya và tiến về Tripoli.

clip_image007

Phe nổi dậy reo hò ở TP Benghazi ngày 21-3. Ảnh: REUTERS

Ngày 20-3, phe nổi dậy ở TP Benghazi đã đổ ra đường ăn mừng liên quân tấn công quân Chính phủ. Hàng trăm tay súng đã tụ tập nhảy múa và bắn chỉ thiên bên xác xe tăng và xe quân sự cháy đen của quân Chính phủ. Nhiều người hí hửng cảm ơn Anh, Pháp, Mỹ đã giúp họ và mong liên quân gia tăng quy mô tấn công để nhanh chóng tiêu diệt quân đội Chính phủ.

Một số thành viên Hội đồng Dân tộc Libya (cơ quan đầu não của phe nổi dậy) lo ngại liên quân không đủ kiên nhẫn tấn công lâu dài cho đến khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị triệt hạ. Hội đồng Dân tộc Libya xác định chỉ muốn liên quân hỗ trợ bằng không kích chứ không đưa quân vào Libya vì không muốn Libya trở thành Iraq thứ hai.

(Theo Daily Mail, Reuters, Xinhua)

T. (Theo Daily Mail, Reuters, Xinhua)

Nguồn: Phapluattp.vn

6. Thủ đô Libya bị bắn phá trong đêm thứ ba

clip_image008

Chính phủ Libya cho hay thêm nhiều thường dân thiệt mạng trong cuộc oanh tạc đã kéo sang đêm thứ ba của liên quân nhằm tăng cường lệnh cấm bay của LHQ.

Các vụ nổ và bắn pháo phòng không vang lên gần đại bản doanh của Đại tá Muammar Gaddafi ở thủ đô Tripoli.

Chiến sự tiếp tục giữa quân đội Chính phủ và phe nổi dậy, tuy trước đó hai bên đã có thỏa thuận ngừng bắn.

Ở phía Đông đất nước, binh lính trung thành với Gaddafi đã đẩy lùi phiến quân khỏi thị trấn Ajdabiya.

Quân nổi dậy tại thành phố lớn thứ ba đất nước là Misrata nói với BBC rằng họ đang bị quân đội Chính phủ tấn công.

Trong khi đó Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng chuyển giao vai trò lãnh đạo tại Libya nhằm bảo đảm các nước cùng chia sẻ trách nhiệm thực thi Nghị quyết LHQ.

Ông cũng nói Mỹ muốn thấy Đại tá Gaddafi bị lật đổ, nhưng chiến dịch hiện thời có mục tiêu là bảo vệ dân thường.

Bị bao vây

Phóng viên BBC Allan Little có mặt tại Tripoli nói bầu trời thành phố sáng rực pháo phòng không trong đêm thứ Hai.

Phóng viên của chúng tôi nghe thấy tiếng nổ lớn ở rất gần, và một số tiếng nổ nhỏ hơn sau đó. Hãng thông tấn AFP thì cho hay đã có nổ gần tòa dinh thự của Đại tá Gaddafi ở Bab al-Aziziya.

Truyền hình Libya loan tin rằng thủ đô đang bị "những kẻ thù Thánh chiến ném bom" và một số địa điểm đã bị tấn công.

"Những cuộc tấn công này sẽ không làm cho nhân dân Libya khiếp sự."

Người phát ngôn cho chính phủ, Moussa Ibrahim, nói tại một cuộc họp báp rằng thị trấn miền nam Sebha đã bị tấn công hôm thứ Hai.

Ông nói liên quân cũng tấn công một cảng cá nhỏ có tên Vùng 27, gần Tripoli.

Nhân chứng nói với hãng AFP rằng căn cứ hải quân Libya ở Bussetta, cách Tripoli khoảng 10km về phía đông, đã bị ném bom.

Kênh truyền hình al-Jazeera thì loan tải rằng các trạm radar tại hai căn cứ không quân phía đông Benghazi cũng bị đánh phá.

Ông Ibrahim nói trong cuộc không kích hôm thứ Hai nhiều dân thường đã chết hoặc bị thương, nhất là tại cảng Sirte.

Ông cũng nói quân Chính phủ đã chiếm thành phố Misrata, nhưng phe đối lập bác bỏ điều này.

Về phía Đông, binh lính trung thành với Đại tá Gaddafi đã huy động xe tăng đẩy lùi cuộc tiến công của phe nổi dậy bên ngoài Ajdabiya.

Trong khi đó Tổng thống Obama nói Nato sẽ đóng vai trò điều phối chiến dịch ở Libya, nhưng trong nội bộ tổ chức này vẫn còn nhiều chia rẽ. Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Nato nắm quyền lãnh đạo.

Trách nhiệm

Ông Obama, phát biểu trong chuyến thăm Chile, nói rằng một khi các mục tiêu ban đầu đã đạt được thì sẽ có quá trình chuyển giao vai trò trong việc thiết lập vùng cấm bay, và quá trình này sẽ diễn ra "trong một vài ngày chứ không phải một vài tuần".

Ông Obama nói Mỹ sẽ chỉ là "một trong số các đối tác".

Ông nói: "Rõ ràng là tình hình đang biến chuyển tại hiện trường, nên việc chuyển giao diễn ra nhanh hay chậm tùy theo khuyến cáo của các chỉ huy quân đội khi hoàn thành chiến dịch".

clip_image009

Ông Obama nói Mỹ sẽ sớm chuyển giao vai trò lãnh đạo

Ông nói trong quá khứ Mỹ đã từng hành động "đơn phương, không có sự trợ giúp đầy đủ của quốc tế" và cuối cùng phải gánh vác trách nhiệm một mình.

Ông tổng thống cũng nói Nato sẽ đóng vai trò điều phối, nhưng ông nhường cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu quân đội Mỹ Mike Mullen giải thích về quá trình này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates trong chuyến thăm Nga cũng nói Mỹ sẽ giảm dần sự tham gia trong hoạt động của liên quân.

Thế nhưng sau một cuộc họp ở Brussels, Nato tỏ ra chưa khắc phục được bất đồng nội bộ về vấn đề này.

Để chuyển giao chiến dịch cho Nato kiểm soát đòi hỏi sự chuẩn thuận của toàn bộ 28 thành viên.

Phóng viên BBC Chris Morris tại Brussels nói Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tỏ ra ngần ngại trước việc Nato lãnh quyền chỉ huy. Pháp cũng không mấy mặn mà.

Phóng viên của chúng tôi nói có thể nguyên nhân chính là các nước này sợ sẽ bị các quốc gia Ả-rập chỉ trích.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nói các nước Ả rập không muốn chiến dịch hoàn toàn nằm trong tay của Nato, nhưng ông trông đợi Nato sẽ nhận vai trò phụ trợ trong một vài ngày tới.

Thủ tướng Anh David Cameron thì nói rằng chiến dịch ở Libya sẽ có lợi nếu như bộ máy đã được kiểm nghiệm của Nato giành quyền chủ động.

Nguồn: bbc.co.uk

7. Thêm nhiều nước tham gia chiến dịch lập vùng cấm bay

clip_image010

Các quốc gia tây phương tham gia một liên minh để thực thi lệnh của Liên Hiệp Quốc thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Hình: AP

Súng phòng không nhả đạn lên bầu trời thủ đô Tripoli của Libya, với ít nhất một vụ nổ làm rung chuyển thành phố trong lúc có thêm nhiều quốc gia Tây phương tham gia một liên minh để thực thi lệnh của Liên Hiệp Quốc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya.

Người ta nghe thấy tiếng súng phòng không và vụ nổ tại Tripoli sau khi màn đêm buông xuống hôm thứ Hai. Truyền hình nhà nước Libya loan tin thủ đô lại bị một vụ tấn công mới từ các chiến đấu cơ của liên minh.

Trước đó Tư lệnh Bộ chỉ huy của Hoa Kỳ phụ trách châu Phi cho biết máy bay chiến đấu của liên minh đã thực hiện thêm các vụ tuần phòng trên không phận Libya trong ngày, với 7 quốc gia tham gia vào chiến dịch cùng với Hoa Kỳ.

Lên tiếng từ tổng hành dinh đặt tại nước Đức, tướng Carter Ham cho hay những quốc gia khác gồm Bỉ, Anh, Canada, Đan mạch, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Ông nói trọng tâm của chiến dịch này, bắt đầu bằng các cuộc không kích hôm thứ Bảy và Chủ nhật, giờ đây đã chuyển sang việc mở rộng khu vực cấm bay từ miền Đông Libya sang tới Tripoli ở miền tây. 

Nguồn: voanews.com

8. Không lực của Libya bị tê liệt

Nguyễn Đan

(NLĐO)- Đài truyền hình Libya ngày 21-3 đưa tin nhiều khu vực tại thủ đô Tripoli đã trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công mới của "những kẻ thù thập tự chinh", nhất là các sân bay.

Ông Mussa Ibrahim, phát ngôn viên của Chính phủ Libya, cho biết liên quân do Mỹ, Anh và Pháp chỉ huy đã đánh phá thị trấn miền Nam Sebha, thành trì của bộ lạc Guededfa của ông Gaddafi.

"Kể từ ngày 19-3, kẻ thù đã mở các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa vào Tripoli, Zuwarah, Misrata, Sirte và Sebha, trong đó đặc biệt chú trọng vào các sân bay. Hôm nay (21-3), Sebha đã bị tấn công" - ông Ibrahim nói.

clip_image011

Một con đường của Libya bị huỷ diệt sau cuộc tấn công của liên minh

Cũng theo ông Ibrahim, các cuộc tấn công này đã gây thương vong lớn cho dân thường, nhất là tại sân bay dân sự Sirte, thành phố quê hương của ông Gaddafi, nằm cách Tripoli 360 km về phía Đông.

Tối 21-3, các nhân chứng cho biết căn cứ hải quân Bussetta của Libya, cách Tripoli khoảng 10 km về phía Đông, đã bị đánh phá. Những cột lửa tại Bussetta có thể được nhìn thấy từ xa.

clip_image012

Xe của lực lượng trung thành của ông Gaddafi bị cháy sau đòn không kích

Ông Carter Ham, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Châu Phi của Mỹ, cho biết trong 24 giờ qua, quân Anh và Mỹ đã bắn 12 tên lửa Tomahawk vào các sở chỉ huy và kiểm soát của Libya. Một cơ sở tên lửa và một vị trí phòng không của Libya cũng bị đánh phá trong các cuộc tấn công này.

Các cuộc không kích đã thành công trong việc ngăn chặn lực lượng bộ binh ủng hộ ông Gaddafi tiến đánh Benghazi.

Cũng theo ông Ham, liên quân không hợp tác trực tiếp với lực lượng nổi dậy tại Libya nhưng các máy bay của Libya hiện đã không thể cất cánh.

clip_image013

Tên lửa của chính phủ Libya đáp trả đòn không kích của lực lượng liên minh

Trước thông tin cho rằng ông Gaddafi là mục tiêu chính của các cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21-3 nói rằng chính sách của Mỹ là ông Gaddafi “phải ra đi", song đó không phải là mục đích của chiến dịch quân sự.

Ông Obama nói: "Mục tiêu lúc đầu của chúng tôi là loại bỏ các hệ thống phòng không của Libya để vùng cấm bay có thể áp đặt hiệu quả và máy bay liên quân không bị đe dọa khi duy trì vùng cấm bay. Mục tiêu tiếp theo là bảo đảm các hoạt động nhân đạo".

Ông Obama cũng cho biết thêm NATO sẽ tham gia chiến dịch với chức năng phối hợp và thế giới Ả Rập sẽ “tuyệt đối tham gia".

Cùng ngày 21-3, Hội đồng Bảo an LHQ bác yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Libya nhằm chấm dứt chiến dịch tấn công của liên quân mà Libya gọi là "hành động xâm lược quân sự" của Pháp - Mỹ.

Trước đó, Ngoại trưởng Libya Musa Kousa gửi thư lên HĐBA LHQ cáo buộc về một "âm mưu từ bên ngoài đang nhằm vào Libya". Trong bức thư này, ông Kousa đã cáo buộc Pháp và Mỹ ném bom nhiều khu vực dân sự, vi phạm Hiến chương LHQ và kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm chấm dứt hành động xâm lược trên.

N. Đ (Theo Reuters, AFP)

Nguồn: nld.com.vn

9. Con trai chết, Gaddafi "mất tích"

Hoài Linh

Lãnh đạo Libya Gaddafi vừa hứng chịu tổn thất nặng nề về mặt riêng tư khi một trong các con trai thiệt mạng trong sứ mệnh liều chết bằng máy bay vào doanh trại của ông.

clip_image014

Khamis Gaddafi, 27 tuổi, chỉ huy Lữ đoàn Khamis tấn công vào các khu vực của quân nổi dậy, được cho là đã thiệt mạng vào tối 19/3. Một phi công của không lực Libya đã lao máy bay vào khu Bab al-Aziziya ở Tripoli trong một cuộc tấn công cảm tử, đài truyền hình Algeria đưa tin theo một thông tin chưa được khẳng định của tổ chức truyền thông chống Gaddafi.

Khamis được cho là chết vì bỏng ở bệnh viện. Chính quyền Libya phủ nhận thông tin này và cho hay, Khamis thiệt mạng ở doanh trại Bab al-Aziziya, khu vực bị tên lửa hành trình của liên quân bắn tối 20/3.

clip_image015

Lực lượng trung thành với Gaddafi đã chụp ảnh những mảnh của tên lửa bắn trúng tòa nhà trên. Hiện không rõ Đại tá Gaddafi ở đâu sau khi trung tâm chỉ huy của ông này bị trúng đạn.

Truyền hình quốc gia Libya cho biết, có 64 người thiệt mạng trong các vụ tấn công cuối tuần trước, gây rạn nứt nghiêm trọng giữa phương Tây và thế giới Ả rập. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho hay, không kích không gây thiệt hại cho dân thường. Tuy nhiên, việc này làm lộ những rạn nứt giữa Anh và Mỹ khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói việc tiêu diệt Gaddafi là không sáng suốt trong khi Anh cho rằng cần hành động.

H.L (Theo Mail) 

Nguồn: Vietnamnet.vn

10. Gia đình Kadhafi cai trị Libya

Lê Phước

clip_image016

Kadfafi. Reuters

Thông tin về chế độ gia đình trị của Kadhafi, tuần san L’Express cho biết, 7 người con trai của ông Kadhafi đều giữ vị trí trọng yếu trong kinh tế và trong bộ máy an ninh. Trong đó, có hai người ít được biết đến, nhưng lại được giao trọng trách quan trọng trong lực lượng bảo vệ chế độ.

Phương Tây đã chính thức can thiệp quân sự vào Libya với lí do là bảo vệ thường dân và không ngừng gây sức ép buộc Đại tá Kadhafi từ bỏ quyền lực. Thông tin về chế độ gia đình trị của Kadhafi, tuần san L’Express cho biết, 7 người con trai của ông Kadhafi đều giữ vị trí trọng yếu trong kinh tế và trong bộ máy an ninh. Trong đó, có hai người ít được biết đến, nhưng lại được giao trọng trách quan trọng trong lực lượng bảo vệ chế độ.

Hai người mà L’Express đề cập đến đó là Muatassim và Khamis, hai nhân vật hầu như không có tiếng tăm gì ở phương Tây. Họ không được như người anh thứ là Seif al-Islam, người thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và được xem là «thái tử» của chế độ Kadhafi. Thế nhưng, hai người này lại nắm giữ vị trí quyết định cho sự sống còn của chế độ.

Muatassim năm nay 35 tuổi. Kể từ năm 2007, người này được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Libya. Ở tuổi 29, nhưng Khamis đã là Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 32. Theo các chuyên gia quân sự, đây là lữ đoàn hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất và trung thành nhất của chế độ. Nếu có điều bất trắc xảy ra, lữ đoàn này sẽ chiến đấu bảo vệ Tripoli và Syrtre, hai pháo đài của chế độ Kadhafi.

Lòng tham không đáy

Muatassim và Khamis đều nằm trong số 6 quan chức Libya bị nhắm đến bởi các lệnh trừng phạt của chính quyền Obama và của Liên Hiệp Quốc. Họ cũng nằm trong danh sách đen của Tòa án hình sự quốc tế.

Theo tiết lộ của Wikileaks, Muatassim đã từng yêu cầu một tập đoàn dầu khí quốc gia hỗ trợ 1 tỷ euro để thành lập một lực lượng cận vệ riêng. Tháng 4 năm 2009, Muatassim được Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, tiếp đón tại Washington. Anh ta còn được tháp tùng cha mình đi công du khắp nơi, từ Matxcơva, Roma đến New York, thậm chí còn tham dự một cuộc họp ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhờ sự sủng ái này, Muatassim được xem là đối thủ số một của Seif al-Islam trong việc kế vị «ngai vàng».

Trong cuộc chiến giành ngôi báu thầm lặng này, Muatassim vừa có mặt mạnh vừa có điểm yếu. Lợi thế là anh ta được sự ưu ái của các Tù trưởng bảo thủ, những người không thích ý định cải cách của Seif al-Islam. Mặt yếu là Muatassim có cuộc sống vô độ và hoang phí.

L’Express nhận xét, có một đặc tính mà anh em nhà Kadhafi đều có, đó là lòng tham không đáy. Họ tranh nhau kiếm tiền, từ lĩnh vực dầu khí đến ngành điện thoại. Xung đột giữa anh em nhà Kadhafi vì thế cũng thường xảy ra.

L.P

Nguồn: Viet.rfi.fr

11. Medvedev hục hặc với Putin vì Libya

VietnamDefence - TT Nga D. Medevedev nói những phát biểu của Thủ tướng Nga Putin về Libya là không thể chấp nhận.

Ông Medvedev coi phát biểu về “cuộc thập tự chinh” liên quan đến tình hình Libya là không thể chấp nhận..

clip_image017

Thủ tướng Nga Vladimir Putin và TT Nga Dmitry Medvedev (AFP)

Trước đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã so sánh chiến dịch quân sự của phương Tây ở Libya với cuộc thập tự chinh và chỉ trích nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ về Libya.

Ông Medvedev nhấn mạnh, Moskva không coi nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ là sai lầm, chính vì thế mà Nga đã không sử dụng quyền phủ quyết khi bỏ phiếu. “Nếu hôm nay “tự đấm ngực” mà nói rằng, chúng ta đã không hiểu điều chúng ta đã làm thì sẽ là không đúng, chúng ta đã làm việc đó một cách có ý thức”, Tổng thống Nga nói.

Ông Medvedev cũng nói rằng, Nga sẽ không tham vào bất cứ chiến dịch nào chống Libya. Moskva sẵn sàng làm trung gian đàm phán hòa bình về Libya, nhưng hiện thời chẳng có ai ở Libya để mà đàm phán chính thức.

Khi nói về các sự kiện ở Libya, ông Medevedev nói chúng xảy ra là vì những tội ác của ban lãnh đạo nước này chống lại chính nhân dân mình.

Nguồn: Vietnamdefence.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn