Tranh chấp Biển Đông và Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản

Duy Ái

clip_image001

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton (trái) và Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba

Nhật Bản hồi gần đây đã tăng cường sự hợp tác với các nước Đông Nam Á về những vấn đề liên quan tới Biển Đông, nơi đang có nhiều căng thẳng vì vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Các nhà phân tích cho rằng Tokyo lo ngại Trung Quốc sẽ hung hãn hơn trong vụ tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku nếu Bắc Kinh đạt được mục tiêu khống chế Biển Đông thông qua việc dọa nạt và chèn ép các nước nhỏ yếu ở Đông Nam Á.

Hôm thứ tư (11-07-2012) vừa qua, tại hội nghị cấp cao của Diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra ở Phnom Penh, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã thảo luận với các vị tương nhiệm của 10 nước thành viên ASEAN về những mối căng thẳng hồi gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.

Ông Genba cũng loan báo việc Nhật Bản định đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN để bàn về việc tăng cường hợp tác an ninh biển vào năm tới, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày đôi bên thiết lập quan hệ.

Hãng thông tấn Kyodo trích lời một giới chức Nhật Bản nói rằng ý kiến của ông Genba đã nhận được sự ủng hộ các vị bộ trưởng ngoại giao Đông Nam Á.

Hạ tuần tháng 5 vừa qua, 3 chiến hạm của Nhật Bản đã ghé thăm Philippines sau khi Tokyo loan báo sẽ cung cấp cho Manila 10 chiếc tàu tuần tra theo hình thức viện trợ phát triển chính thức và 2 chiếc tàu tuần tra khác theo hình thức viện trợ không hoàn lại.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã cam kết tăng cường sự hợp tác giữa Lực lượng tuần duyên Nhật với các lực lượng tương nhiệm của các quốc gia vùng Đông Nam Á.

Và hồi đầu tháng 7, trong khi tiếp kiến Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng tích cực ủng hộ chiến lược “quay lại Á châu” của Hoa Kỳ nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong lúc sự gia tăng sức mạnh quân sự rất nhanh chóng của Trung Quốc đang làm cho nhiều nước trong khu vực cảm thấy lo ngại.

Những động thái mới của giới lãnh đạo Nhật Bản về vấn đề Biển Đông đã được thực hiện trong lúc Tokyo có một vụ xích mích nghiêm trọng với Bắc Kinh liên quan tới quần đảo Senkaku, là những hòn đảo không người ở hiện do Nhật kiểm soát, và phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài và cũng tuyên bố có chủ quyền.

Báo chí Hồng Kông hồi đầu tháng này trích lời các nhà quan sát nói rằng Nhật Bản đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và tình hình ở Biển Đông Trung Hoa hiện nay không khác gì mấy so với thời kỳ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894, còn được gọi là Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất.

Mặc dù hai chính phủ ở Bắc Kinh và Tokyo nhiều lần khẳng định không để cho các mối quan hệ song phương bị tổn hại bởi vụ tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư Đài, các giới chức và học giả Trung Quốc hồi gần đây đã không ngớt cổ võ cho việc sử dụng vũ lực để giải quyết vụ tranh chấp này.

Tại một cuộc hội thảo ở thành phố Hải Khẩu hôm thứ ba vừa qua, ông Tôn Thư Hiền, Bí thư đảng ủy của Tổng đội Hải giám Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc nên “đánh” Nhật Bản nếu Tokyo “dám” đưa dân đến cư ngụ ở Điếu Ngư Đài hoặc xây dựng những cơ sở vĩnh viễn trên quần đảo này.

Ông Tôn Thư Hiền cũng lên tiếng hô hào cho việc “đánh nhau” với Việt Nam và Philippines để đạt mục tiêu mà ông gọi là “đánh một trận có thể giữ được bình an mười năm.”

Một ngày trước đó, Thiếu tướng La Viện của quân đội Trung Quốc, trong một bài viết đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo, cũng đã đề nghị thiết lập một khu vực diễn tập quân sự gần Điếu Ngư Đài hoặc dùng quần đảo này làm nơi tập bắn của các lực lượng không quân và pháo binh Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu chiến lược thuộc phe diều hâu Trung Quốc này nói rằng đã tới lúc Trung Quốc nên hành động để xác lập ở Điếu Ngư Đài điều mà ông gọi là “sự hiện diện quân sự, chấp hành pháp luật, pháp lý, hành chánh, kinh tế và dư luận.”

Nhật Bản lâu nay vẫn quan tâm nhiều tới tình hình Biển Đông vì họ e rằng những mối căng thẳng âm ỉ trong khu vực này có thể làm bùng ra một cuộc chiến tranh qui mô lớn, làm gián đoạn lưu thông của tuyến đường hàng hải mà Nhật Bản dùng để nhập khẩu 90% số lượng dầu thô mà họ cần có và để xuất khẩu một số lượng lớn hàng hóa của họ sang các nước Đông Nam Á và Âu châu.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự can dự tích cực của Tokyo trong vấn đề Biển Đông phản ánh những mối lo ngại liên quan tới vụ tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc ở Biển Đông Trung hoa. 

Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 9 tháng 7, Tiến sĩ Ian Storey, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng giới hữu trách Nhật Bản đang lo ngại là nếu Bắc Kinh đạt được mục tiêu chế ngự vùng biển ở Đông Nam Á thông qua những hành động dọa nạt thì Trung Quốc sẽ sử dụng một chiến thuật in hệt như vậy ở Biển Đông Trung Hoa.

Giáo sư Storey nói rằng Nhật Bản cũng lo ngại là những qui phạm pháp lý hiện có, như Công ước Luật Biển năm 1982, sẽ bị thương tổn nếu Trung Quốc dụ dỗ hoặc ép buộc các nước láng giềng ở Đông Nam Á chấp nhận những luận cứ mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền và “những quyền lợi lịch sử” ở Biển Đông.

Nhật Bản e rằng sự chấp nhận như vậy sẽ làm suy yếu tuyên bố đòi chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku, nếu Bắc Kinh quyết định sử dụng những luận cứ tương tự.

Theo nhận định của ông Storey, chính phủ ở Tokyo cũng lo ngại là Bắc Kinh có thể nghĩ rằng vì những hành vi hung hãn của họ đạt được kết quả trong vụ tranh chấp với các nước Đông Nam Á cho nên cũng sẽ đạt được kết quả trong vụ tranh chấp với Nhật Bản, và như vậy, thái độ hiếu chiến của Trung Quốc sẽ làm bùng ra một vụ khủng hoảng quân sự và ngoại giao nghiêm trọng trong mối quan hệ Trung-Nhật.

Sự căng thẳng vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và với Nhật Bản làm nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một vụ xung đột quân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì Philippines và Nhật Bản đều là đồng minh có hiệp ước của Mỹ.

Tuy nhiên, trong lúc căn cứ pháp lý để Hoa Kỳ bảo vệ Philippines trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bãi cạn Scarborough vẫn chưa có kết luận dứt khoát, chính phủ ở Washington mới đây đã tái khẳng định là Hoa Kỳ có bổn phận trợ giúp Nhật Bản trong trường hợp quần đảo Senkaku bị tấn công.

Tháng 10 năm 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh Hỗ tương Mỹ-Nhật năm 1960.

Thứ hai vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cũng đưa ra một phát biểu tương tự. Bà Nuland nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Senkaku vì “quần đảo này nằm dưới sự quản hạt của chính phủ Nhật kể từ khi được Mỹ chuyển giao trong khuôn khổ của việc chuyển giao Okinawa năm 1972.” 

D. A.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn