Mất sách ở Viện Hán Nôm: Có cổ vật liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa

BBC tiếng Việt

13 tháng 4 2023

121 quyển sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được xem là kho báu của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đã bị phát hiện mất cắp vào giữa tháng Ba. Trong khi hàng trăm quyển khác hư hỏng không thể phục hồi.

Việt âm thi tập

Chụp lại hình ảnh: Việt âm thi tập, bản in năm 1729 là một trong 121 quyển sách quý bị mất. NGUỒN HÌNH ẢNH: NGUYEN XUAN DIEN

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết những cuốn sách đã mất là các cổ vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, và đều có tuổi đời từ một trăm năm tuổi trở lên.

Đây là vụ mất sách với số lượng lớn chưa từng xảy ra tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong 53 năm qua, kể từ ngày thành lập.

Vụ việc đã gây sự bức xúc lớn trong giới sử học vì di sản Hán Nôm là những tài liệu không thể thay thế được như 'Việt âm thi tập', bản in năm 1729, hay 'Hoàng Việt địa dư chí' có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

'Kho báu của văn hóa dân tộc'

Viện nghiên cứu Hán Nôm

Chụp lại hình ảnh: Mỗi cuốn sách bị mất tại Viện Hán nôm được để trong một hộp giấy rất cứng, bên ngoài có dán mã vạch. NGUỒN HÌNH ẢNH: NGUYEN XUAN DIEN

Kho sách cổ Hán Nôm được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giữ gìn, bảo quản và Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực tiếp được giao quản lý.

Tiến sĩ Xuân Diện cho biết trong số sách mất có bao gồm:

– Bốn cuốn Toàn Việt thi lục 全越詩錄 thuộc ba bộ sách khác nhau. Toàn Việt thi lục là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua; hoàn thành năm Mậu Tý (1768), dâng lên vua Lê Hiển Tông ngự lãm, nhưng chưa được khắc in. Với quy mô đồ sộ 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), đến nay bộ sách Toàn Việt thi lục chưa từng được biên dịch, công bố toàn bộ. Là sách viết tay, bộ sách là kho báu của nền văn hoá dân tộc Việt Nam, đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học. Toàn Việt thi lục là một tài liệu hết sức quý để nghiên cứu văn hiến Việt Nam.

 Toàn Việt thi lục chuyển tải thông điệp, hồn cốt, tình tự, khí phách, tiếng lòng của cổ nhân tới hậu thế.

– Một cuốn sách cổ vô cùng quý giá khác cũng bị mất. Đó là Việt âm thi tập 越 音 詩 集 (Tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt), là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do Nhà sử học Phan Phu Tiên (1370 -1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bản sách này mang ký hiệu kho là A.1925 là bản in, độc bản (không có bản thứ 2) và có tuổi đời là 293 năm. Đây chính là bản in năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Từ điển Văn học Việt Nam - Bộ Mới đặt riêng một mục từ là “Việt âm thi tập”, khẳng định thi tập này: "Đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn con người Việt Nam... Ngày nay, có thể nói hầu như thơ ca của số lớn nhà văn ở thời đại Lý - Trần và đầu đời Lê còn giữ lại được, không bị mất đi, cũng là nhờ Việt âm thi tập".

– Sách Nam Việt thần kỳ hội lục 南 越 神 祈 會 錄, A.761 vừa mất là bản viết tay, độc bản. Sách được soạn theo lệnh Vua Gia Long, có lai lịch sắc phong bài vị 1269 vị thần được thờ phụng ở Miền Bắc.

– Sách Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志 (A.1475) bản viết tay. Tác giả là nhà bác học Phan Huy Chú. Sách về Địa lý Việt Nam thời Nguyễn, gồm các trấn Thuận Hoá (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi), Biên Hoà, Hà Tiên, Phiên An, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Quảng Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá và Nghệ An. Mỗi trấn đều có ghi vị trí, giới hạn thổ sản dân sinh, núi sông, danh thắng, phong tục, di tích, số phủ, châu, huyện của từng trấn, tên đất thay đổi qua các đời... Thơ đề vịnh ở các nơi danh thắng hoặc di tích lịch sử như bến Chương Dương, động Từ Thức, núi Tuyết Sơn... Bản sách này liên quan trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

"Những cuốn sách đã mất là các cổ vật được các thế hệ ông cha lưu truyền gửi lại hậu thế, là một phần ký ức văn hóa và lịch sử dân tộc Việt Nam", Tiến sĩ Xuân Diện nhận định.

'Thông thạo kho sách'

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí bên cạnh tài liệu 'Khải đồng thuyết ước'

Chụp lại hình ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí bên cạnh tài liệu 'Khải đồng thuyết ước' vào năm 2014, là tập sách giáo khoa triều Nguyễn dạy về Trường Sa, Hoàng Sa. NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Mỗi cuốn sách bị mất tại Viện Hán nôm được để trong một hộp giấy rất cứng, bên ngoài có dán mã vạch.

Theo nhận định ban đầu của của Tiến sĩ Xuân Diện thì "Kẻ gian rất thông thạo kho sách, biết rõ vị trí của các cuốn sách này. Kẻ gian lấy sách cổ, bỏ lại các hộp giấy này tại hiện trường, tại vị trí cũ nên rất khó phát hiện vì hiện trường ít xáo trộn".

Theo VOV, "Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và đang tổ chức các biện pháp để xử lý vấn đề một cách công khai, minh bạch, với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan".

Liên quan đến hàng trăm cuốn sách cổ bị hư nát ở nhiều cấp độ khác nhau, hơn một trăm cuốn đã nát vụn không thể phục chế được, ông Diện cho biết ông "vô cùng đau xót".

"Giữ được đến giờ này qua bao nhiêu cuộc chiến tranh binh lửa, biết bao mồ hôi xương máu cha ông đã đổ xuống để kho sách được giữ gìn cho đến hôm nay. Đồng thời, biết bao tiền của công sức của cả người Pháp. Kho sách được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là vốn tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trao lại và người Việt đã đổ ra để bảo quản an toàn đến nay", ông cho biết.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn