Tàn dư xô viết (Phần 2)

Nguyễn Xuân Thọ

14-4-2023

Nhật Nguyệt Minh

Không rõ vì lý do gì, từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, rất nhiều ý kiến, từ trong nước lẫn ngoài nước, đều so sánh hoặc là liên hệ với hoàn cảnh của Việt Nam với Trung Quốc bây giờ. Đọc bài viết của tác giả thì càng thấy sự liên hệ đấy có lý do của nó.

Bình Thế Nguyễn

Bài viết này làm em nhớ tới những người vẫn tin là TQ ko dám đánh VN năm 1979 . Và cả trong vụ Hải Dương 981, Hải Dương Địa Chất 8 2019. Một số người, họ vẫn [giữ] niềm tin rằng "rắc rối do cấp dưới làm chứ không phải là chủ trương của Lãnh đạo TQ".

Trong các nước thuộc Liên-Xô cũ thì Ukraine có nền kinh tế hùng mạnh nhất, có thể tự sản xuất từ tiểu liên AK47 đến tên lửa, xe tăng và cả máy bay. Đất nước 45 triệu dân từng sở hữu bom hạt nhân cho đến năm 1994 nên về lý thuyết, có đủ tiềm năng khôi phục lại vũ khí này.

Ukraine với diện tích bao la, hơn 600.000km², với nền nông nghiệp trù phú nhất Châu Âu chính là hậu phương hoàn hảo cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Nền giáo dục phát triển ở đây đào tạo ra lực lượng tin học đông đảo hàng đầu Châu Âu v.v…

Bên cạnh đó Ukraine còn được cả một liên minh quốc tế hùng hậu tiếp viện về vật chất, từ liều thuốc kháng sinh, bông băng quân y đến tên lửa HIMARS, xe tăng LEOPARD. Hơn 30.000 binh sỹ Ukraine đã và đang được huấn luyện ở các nước NATO. Hàng ngày, hàng giờ họ được tình báo phương Tây cung cấp các loại thông tin quan trọng.

Kể từ 2008, quân đội Ukraine đã bắt đầu tìm cách thoát Nga và chuyển theo hướng NATO. Binh pháp phương Tây đề cao quyền tự do của các sỹ quan tại chỗ, giảm bớt sụ phụ thuộc quan liêu vào cấp trên và coi trọng sinh mạng binh lính. Do vậy, quân đội Ukraine tác chiến khác hẳn Nga. Họ thường hoạt động theo nhóm nhỏ, cơ động nhanh. Họ áp dụng kỹ thuật cao: các phần mềm thu thập tọa độ của quân Nga do dân cung cấp qua Internet, kết hợp với thông tin vệ tinh, các phần mềm điều khiển drone (máy bay không người lái) do Ukraine tự tạo. Họ chủ yếu sử dụng các loại đạn thông minh với hiệu quả cao. Chiến thuật của họ là lấy yếu đánh mạnh và bảo toàn lực lượng.

Cũng vì những yếu tố trên mà số tử vong của Ukraine chỉ bằng 1/3 của Nga [1]. Ở Bakhmut tỷ lệ này theo bộ Tổng tham mưu Ukraine là 1/5 (chưa được kiểm chứng).

Sau một năm, cục diện chiến tranh đang tiến đến thế quân bình. Ở Đông Ukraine hai bên có quân số tương đương nhau. Ukraine mỗi ngày bắn 7.000 đạn đại bác thông minh, tuy ít nhưng hiệu quả hơn 21.000 viên đạn (đa số là mù) của Nga bắn sang. Nga có nhiều phi cơ hơn, nhưng không còn làm chủ được bầu trời nữa, trong khi Kyiv sắp nhận thêm gần trăm máy bay MIG-29. Các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp đã hạ 60% đến 70% số tên lửa và drone tự sát của Nga.

Từ bốn tháng nay, mặt trận không hề nhúc nhích, chỉ giằng co. Hai bên đều dọa sẽ phản công.

Đây chính là cuộc chiến tranh đầu tiên giữa hai quốc gia đại công nghiệp kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ 2. Hệ thống Internet-Starlink lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Đây cũng là nước đầu tiên thành lập lực lượng tấn công bằng drone. Quân Ukraine kết hợp drone với các loại tên lửa thông minh để tìm và diệt hàng ngàn xe đã khiến xe tăng mất đi vai trò quyết định trên chiến trường. Điều này đã thay đổi cơ bản chiến thuật dùng tăng trên toàn cầu.

Ukraine với tiềm lực về công nghệ và con người đang cung cấp cho nhân loại nhiều nhận thức mới về chiến tranh hiện đại. Họ không còn là David chống lại Goliath.

Một quân đội vài trăm ngàn quân, tổ chức thông minh, tinh nhuệ như vậy, chiến đấu ngay trên đất nước mình, được nhân dân đùm bọc, được quốc tế hậu thuẫn tại sao lại không đánh bại được quân Nga to xác nhưng thảm hại như đã nêu trong bài trước?

Câu trả lời là: Gánh nặng xô viết cũng ăn mòn sức sống của quân đội và xã hội Ukraine đến mức mà vài năm cải cách chưa cải thiện được hết.

Sau khi tách ra khỏi Liên-Xô 1991, Ukraine ngủ quên mất 20 năm không gột rửa các tàn dư xô-viết. Giới tinh hoa Ukraine thậm chí còn học tập Nga trong các mô hình kinh tế, xã hội. Cách hoạt động của các đại tư bản Oligarch Ukraine giống y như như bên Nga (Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng mang các kinh nghiệm này từ Ukraine về xây dựng Vincom).

Nguy hiểm nhất là Kyiv đã để cho Nga lũng đoạn không chỉ kinh tế mà cả về chính trị, quân sự và an ninh. Sau vụ Maidan, Nga đã cử đặc nhiệm sang cứu Tổng thống Yanukovich. Từ đó họ không chỉ có Yanukovich là con bài trong tay, mà còn rất nhiều kẻ phò Nga như tỷ phú Viktor Medvedchuk [Hình 2] [2]. Sau này họ chấp nhận đổi ông ta lấy hàng trăm tù binh Ukraine ở Mariupol. Trong quân đội và mật vụ còn rất nhiều chỉ huy cấp cao có tình cảm với Nga. Vì thế Ukraine đã mất Crimea và một phần Donbas một cách lãng nhách.

Từ 2014 Ukraine đã nằm trong tình trạng chiến tranh với Nga ở Donbas. Nhưng Kyiv không khởi động nền kinh tế thời chiến. Chỉ sau ngày 24.2.2022, các nhà máy công nghiệp quốc phòng mới mở hết công suất hoạt động, nhưng đã quá muộn. Nguồn thép từ Mariupol đã bị Nga cắt đứt, nguồn năng lượng bị phá hoại.

Vì quá tin vào tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em nên mặc dù Mỹ đã cảnh báo về một cuộc xâm lăng của Nga trong tháng 2.2022, Ukraine vẫn không có hành động thích đáng.

Nếu như Ukraine có quân đội mạnh như hôm nay, chờ đón chặn các mũi tiến công của Nga từ biên giới, họ sẽ không mất nhiều đất ngay trong 2 tuần đầu để rồi cho đến nay mới lấy lại được một phần nhỏ với cái giá quá đắt. Để lấy lại được các khu vực đó, quân Ukraine không thể áp dụng phi pháo hủy diệt như Nga. Một phần vì không có phương tiện, nhưng quan trọng hơn vì đó là quê hương của chính họ, người thân của họ còn ở đó.

Điều này giải thích tại sao trong vòng vài tuần đầu Nga chiếm khoảng 80.000 km². Cộng với Crimea và vùng Donbas trước đó, tổng diện tích Nga chiếm là 120.000 km². Trong khi Ukraine chiến đấu suốt cả năm qua chỉ giải phóng được 20.000km².

Người ta thường thơ mộng hóa cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của người Ukraine mà quên mất những vụ tham nhũng trên xương máu đồng bào của bọn quan chức Ukraine. Tổng thống Zelenskiy đã bắt giam và cách chức nhiều kẻ sâu mọt như vậy. Phương Tây không tin tưởng Ukraine 100% trong các vấn đề cơ mật vì không biết xung quanh Zelenskiy ai là gián điệp của Nga.

Đó là cái giá của gánh nặng xô-viết. Gần một thế kỷ với những khái niệm “Nước Nga xô-viết” (Báo Sovetskaya Rossiya) hay “Nước Ukraina xô-viết” (Tàu thủy Sovetskaya Ukraina) đã để lại trong tiềm thức nhân dân, bất kể nói tiếng Nga hay tiếng Ukraine hoài niệm về “Con người xô-viết”. Họ không nhất thiết phải thân Nga, nhưng ví dụ: lối tư duy kiểu Homo Sovieticus [3] còn lại trong các cấp chỉ huy quân đội Ukraine đang mâu thuẫn với lứa sỹ quan trẻ, những người vốn là trí thức, doanh nhân mới nhập ngũ sau tháng 2.2022. Việc này gây giảm sút đáng kể sức chiến đấu của quân đội Ukraine.

Lối suy nghĩ và hành động kiểu Homo Sovieticus này đã giúp quân Nga nhẹ nhàng chiếm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Saporischschja hôm 04.03.2022 [Hình 1], chỉ sau 10 ngày hành quân. Thất bại này đã đưa Ukraine vào một tình thế hiểm nghèo. Với 6 lò phản ứng có tổng công suất 5.700MW, đây lẽ ra phải là một nguồn cung cấp điện lực dồi dào cho đất nước trong thời chiến. Nay nó trở thành một kho chứa vũ khí quan trọng của Nga, vì họ biết pháo binh Ukraine không dám bắn vào đây.

Nhưng nguy hiểm nhất là các nhân viên điều hành Ukraine bị bắt làm con tin, trong điều kiện bị ép về tâm lý có thể gây lỗi bất cứ lúc nào. Hơn nữa, các đường điện cao thế ra vào nhà máy bị phá hỏng, khiến cho việc duy trì nguồn làm nguội các thanh hạt nhân bị đe dọa. Quả bom hạt nhân đang treo lơ lửng trên đầu dân tộc Ukraine.

Đêm 19.10.2022, một lực lượng gồm 600 biệt kích Ukraine, được trang bị súng máy hạng nặng, súng phóng lựu MK-19 và súng chống tăng, bí mật đi trên 30 thuyền bọc thép cao tốc vượt sông Dniepr. Họ tính đổ bộ sang bờ đông trên một tuyến rộng 4,8km nhằm chiếm lại nhà máy điện. Nhưng quân Nga ở đây cố thủ quyết liệt, điều cả xe tăng ra bờ sông bắn vào thuyền. Súng chống tăng lắp trên thuyền bồng bềnh không phát huy tác dụng nên đa số thuyền không vào bờ được. Chỉ một nhóm nhỏ biệt kích lên được bờ, tấn công quân Nga 3 giờ liền bên lề thị trấn Enerhodar. Rạng sáng, thấy tình thế bất lợi, sỹ quan chỉ huy ra lệnh rút quân về bên kia sông. [4]

Cuộc tập kích thất bại này chính là một ví dụ về bi kịch mà Ukraine đang trải qua: Nhẹ dạ để mất rồi, lấy lại rất khó. Một cuộc tập kích tầm cỡ này nhưng chuẩn bị không tốt, thiếu yếu tố bất ngờ khiến địch quân phản công có hiệu quả (hoặc có thể bị lộ vì những Homo Sovieticus).

Điều tích cực duy nhất là chỉ huy biết tiếc máu của lính, kịp thời thu quân, không cố đấm ăn xôi sử dụng phi pháo, tránh một thảm họa hạt nhân.

Còn nhiều lắm, những tàn dư xô-viết đang cản đường người Ukraine. Âu cũng là những bài học cho Việt Nam trước sự ràng buộc về ý thức hệ với Trung Quốc và trước việc đề cao mẫu người chung: Con người XHCN.

N.X.T.

------

[1] Theo Bộ Quốc phòng Mỹ thì 45.000 lính Nga bị chết, so với 17.000 lính Ukraine.

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Viktor_Medvedchuk

[3] Lối sống xô-viết, văn hóa xô-viết, khoa học xô- viết v.v… là các khái niệm được tuyên truyền ở Liên Xô, vẫn tác dụng trong thời kỳ hậu xô-viết. Nào là báo mang tên “Nước Nga Xô-viết”, tàu thủy mang tên “Nước Ukraina xô-viết“. Tất cả những điều đó tạo ra mô hình “Con người xô viết“ mà nhà văn Alexander Sinowjew gọi bằng tiếng Latin là Homo Sovieticus.

[4] https://www.thetimes.co.uk/.../ukrainian-zaporizhzhia...

Nguồn: FB Tho Nguyen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn