Tàn dư xô viết (Phần 1)

Nguyễn Xuân Thọ

13-4-2023

Người Nga theo đạo chính thống (Orthodox), thờ chúa Jesus nên ngày 16.4 tới đây cũng kỷ niệm ngày chúa phục sinh (theo lịch Sa hoàng cũ). Thời còn Liên Xô, nhà nước không thích cho dân đi đạo nên người ta nghĩ ra đủ các ngày kỷ niệm trong tháng 4 để hướng xã hội vào các ngày lễ đó.

Nào là ngày “Du hành Vũ trụ”, “Ngày truyền thống Công An”, “Ngày thành lập Công Đoàn”, “Ngày danh dự quân nhân” rồi còn ngày sinh Lenin nữa chứ. Ngày du hành vũ trụ còn có các loại bánh kẹo quốc doanh có in hình phi công Gagarin đẹp trai đang tủm tỉm cười. TV phát các chương trình nhảy múa ca nhạc liên miên. Nhưng dân chúng không quan tâm đến những buổi hòa nhạc bất tận đó. Họ tìm đến các nhà thờ, thắp nến, làm bánh lễ phục sinh và tưởng nhớ thánh Jesus, dù ông không xuống trái đất bằng tàu vũ trụ.

Thời đó nhà nước và giáo hội nhìn nhau bằng cặp mắt ác cảm.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhà nước Nga thay đổi thái độ với đạo chính thống. Bỗng nhiên các vị cựu đảng viên cộng sản rồi cả tân cộng sản, các nhà tư tưởng quốc gia, các vị từ tổng thống đến thủ tướng đều đi nhà thờ, thắp nến và cầu nguyện. Họ nhìn chúa bằng nét mặt buồn buồn, cứ như là họ đang sám hối vì từng lầm lỡ đóng đinh chúa lên thánh giá.

Ngày nay nhà thờ và nhà nước lại thống nhất trong mọi việc. Đây không phải là sự thay đổi về quan hệ giữa nhà nước và giáo hội, mà là sự kế thừa một di sản xô-viết: sự tráo trở và độc ác.

Tráo trở vì Nhà nước giả vờ yêu Giáo hội để lấy lòng dân và Giáo hội cũng làm như vậy. Độc ác khi mà Giáo hội và Nhà nước cùng hùa nhau xua quân sang bắn giết nhân dân Ukraine cùng chính thống giáo. Trong dịp lễ chúa giáng sinh vừa qua quân đội Nga không ngừng bắn, vẫn ném bom, phóng hỏa tiễn tàn sát người Ukraine, trong khi các Cha kéo ra trận địa ban phước lành cho các pháo thủ. Trong ngày chúa phục sinh tới đây sự ác độc nấp danh chúa này sẽ tiếp tục xảy ra.

Chuẩn tướng quân đội Đức Gert Gawellek [Hình 2] cũng đánh giá về di sản xô-viết như vậy.

Năm 1987, viên sỹ quan Đông Đức này được cử sang Học viên quân sự Frunze ở Moskva để đào tạo thành lực lượng kế cận. Học viện này mang tên vị nguyên soái khét tiếng trong cuộc nội chiến Nga (1917-1922). Frunze là lò đào tạo ra các tướng lĩnh cao cấp của Hồng quân Liên Xô và quân đội các nước XHCN. Đây không phải là trường võ bị bình thường, mà là nơi nghiên cứu và đào tạo về chiến lược và học thuyết quân sự. Đáng kể nhất trong số học viên là Nguyên soái Georgie Schukow, anh hùng của Đại chiến thế giới 2, người đã khiến binh sỹ dưới quyền khiếp sợ khi ông ra lệnh cho hàng chục ngàn quân phải vượt qua bãi mìn của Đức trong trận chiếm cao điểm Seelower để vào Berlin. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” chính là đây. [1]

Chàng thanh niên Đức Gert Gawellek với truyền thống võ quan Phổ và lý lịch đảng đỏ chót rất vinh dự được vào Frunze. Trong số 4.800 sỹ quan Đông Đức được đào tạo ở Liên Xô, chỉ ai ưu tú nhất mới được vào học viện này. Giáo viên là các tướng lĩnh đã dày dạn khói súng từ chiến tranh Triều Tiên và sau này là từ Afghanistan trở về. Khi đó Gert coi các lý thuyết về “Bão lửa” của Liên Xô là ưu việt, sẽ nhận chìm các sư đoàn NATO thù địch.

Năm 1990 Gert tốt nghiệp với tấm bằng đỏ mà từ nó, anh có thể lên đến cấp tướng ở quê nhà. Anh về Berlin vào lúc nhà nước XHCN đang bị xóa bỏ cùng bức tường. Quân đội Nhân dân Quốc gia CHDC Đức (NVA) đang chuẩn bị sát nhập vào quân đội Tây Đức (Bundeswehr), thành viên của kẻ thù NATO. Vốn gắn bó với binh nghiệp nên Gert lo sợ sẽ bị đào thải. Nhưng anh tiếp tục được ở lại quân đội. Nước Đức thống nhất cần kiến thức và sự chuyên nghiệp ở anh chứ không cần lý lịch. Gert Gawellek không phải là sỹ quan cấp tướng duy nhất của Bundeswehr xuất thân từ quân đội cộng sản.

Năm 2001 Gert là sỹ quan Đức lứa đầu tiên sang chiến đấu ở Afghanistan. Về nước anh từng chỉ huy các lữ đoàn tinh nhuệ, từng là sỹ quan quân báo chuyên phân tích tình hình trong bộ tổng tham mưu. Năm 2015 anh được tiến cử làm tùy viên quân sự Đức tại Nga. Nhưng tình báo Nga biết lý lịch của anh nên từ chối. Năm 2022 anh về hưu với hàm Chuẩn tướng. Chiến tranh Ukraine xảy ra, chính phủ mời anh làm chuyên gia cao cấp để phân tích tình hình chiến sự ở mặt trận. Giờ đây, viên sỹ quan văn võ toàn tài, biết tiếng Nga và hiểu quân đội Nga như lòng bàn tay hàng ngày vào mạng lấy tin, xem hình ảnh để đưa ra các nhận định.

Chứng kiến những hình ảnh lính Nga chặt đầu, chặt tay, cắt tiết hoặc thiến sống tù binh Ukraine anh bỗng nhận thấy sự nhẹ dạ trước kia của mình. Hồi học ở Frunze, anh chỉ hơi lạnh gáy khi thấy người Nga rất sùng bạo lực, hở tý là đánh nhau, là rút dao. Giờ anh hiểu ra đó là tiềm năng ẩn chứa trong xã hội lâu nay.

Những sự thật anh thu thập được từ chiến trường: Bất chấp sinh mạng lính, cách đối xử tàn tệ với cấp dưới, cách sử dụng vô tội vạ phi, pháo, bom, mìn, xe tăng, kể cả các loại vũ khí “bẩn” như bom bi, bom phốt pho, bom khí, khiến anh kết luận chiến thuật của Nga là “Lấy thịt đè người”. Anh nói: Bộ Binh Nga về thực chất chỉ là pháo và xe tăng.

Không chỉ Gert nhìn ra các dấu ấn văn hóa xô viết, lối sống xô viết trong quân đội Nga hiện nay. Tình báo Anh có một báo cáo riêng về nạn nghiện rượu trong quân đội Nga [2]. Trong số gần 170.000 binh lính bị chết và bị thương ở mặt trận, một tỷ lệ không nhỏ là do con ma men. Bên cạnh việc làm mất đi sức chiến đấu của quân đội, nó còn tạo ra vô số sự cố về chỉ huy, thậm chí bắn nhầm vào quân mình. Đã có những binh sỹ chết vì cảm lạnh trong chiến hào sau khi say rượu.

Câu chuyện của Margarita, một nữ y tá Nga đang loan tải trên mạng [3] chỉ nói lên phần nhọn của tảng băng về nạn bạo hành trong quân đội Nga nói chung và nạn xâm hại tình dục đối với nữ binh sỹ nói riêng. Theo Margarita thì ¼ số nữ quân nhân bị ép uổng về tình dục và chỉ số ít trong họ dám nói ra điều này [Hình 3].

Còn việc binh sỹ nam bi đánh đập, hành hạ, thậm chí bị bắn chết nếu không tuân lệnh là điều cơm bữa. Con số lính Nga bị thương, bị chết bỏ lại trên mặt trận có thể lên đến hàng ngàn. Một phụ nữ Nga ở Kherson kể lại rằng: Một buổi tối tháng bảy 2022 chị phát hiện ra mùi hôi thối nồng nặc quyện với mùi lốp xe cháy. Thì ra quân Nga đang xếp xác của binh sỹ xen vào các lớp lốp cao su rồi đổ xăng đốt.

Nhận ra bản chất man rợ ở đó, người phụ nữ chất phác nói ngay: Khi chúng đốt xác lính của chúng, tôi hiểu ngay là chúng sẽ thua cuộc chiến này! [4]

Hình ảnh của quân đội Nga hiện nay bên cạnh những cơn bão lửa bằng bom và pháo binh hủy diệt, là một bộ máy nghiền thịt không biết tiếc sinh mạng, là một đội quân kém về tổ chức, lạc hậu về tác chiến, tha hóa về đạo đức và bệ rạc về kỷ luật.

Với cái gánh nặng xô viết đó trên lưng, Nga không thể thắng được cuộc chiến ở Ukraine.

Nga muốn thôn tính Ukraine vì nghĩ đây là mắt xích yếu nhất trong vành đai các nước lân bang đang ngả theo phương tây. Các nước Baltic và Bắc Âu tuy nhỏ nhưng có cái vỏ cứng là truyền thống văn hóa và nền dân chủ lâu đời. Cuộc chiến tranh Phần-Lan 1939-1941 và sức kháng cự liên tục của người dân Estonia, Latvia, Lithuania (Litva) trong suốt thời kỳ Liên Xô chiếm đóng đã để lại ấn tượng. Trong khi đó việc thôn tính Crimea năm 2014 không tốn một viên đạn, rồi việc mau chóng chiếm đóng một phần vùng Donbas khiến Putin mơ đến một cuộc hành quân với thế chẻ tre.

Nhưng không ngờ chỉ 8 năm sau, Ukraine đã thay đổi và bỗng trở thành kẻ khắc tinh của Nga.

(Còn tiếp)

----

[1]https://www.msn.com/.../der-mann-der-den.../ar-AA193bIa

[2]https://www.msn.com/.../alkohol-f%C3%BCr-hohe.../ar-AA19nneh

[3]https://www.t-online.de/.../russische-offiziere-zwingen...

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/9337856216232368

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn