Năm 2005: Thư góp ý Dự thảo bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về Luật Phòng chống Tham nhũng

Dương Trung Quốc 

Hai tuần túi bụi đến độ trên facebook chỉ kịp viết đủ 3 bài TT&VH vào sáng thứ Hai của 3 tuần liên tục. Trong 2 tuần mà có tới 3 chuyến bay vào SG, Bến Tre và Cần Thơ; 3 chuyến đi hội thảo ở Quảng Ninh, Yên Tử; 2 cuộc hội thảo tại Hải Phòng, 2 lần xuống Kiến Thụy theo dõi dự án làm 100 Rồng của Thy Phù điêu; 2 lần kết hợp từ SG vào Bến Lức (Long An) để chăm sóc đàn heo chuyển chuồng và 1 ngày họp Hội đồng Di sản QG thông qua 29 Bảo vật QG…

Hôm lên Yên Tử (12-12-2023) dự khánh thành Cung Trúc Lâm, hô thần nhập tượng bức Phật Ngọc Trần Nhân Tông và kỷ niệm 715 năm Ngài nhập Niết bàn, ngẫu nhiên gặp Cụ Nguyễn Văn An, CTQH khóa XI. Nhắc lại chuyện cũ, Cụ xác nhận rằng hồi đó Cụ thường gửi dự thảo những văn kiện của mình (bài báo, diễn văn) cho tôi (người ngoài Đảng) và cụ Hòa thượng Thích Chân Thiện (ở Huế và đã quá cố) đọc trước để lấy ý kiến. Đi nước ngoài, gặp câu hỏi "nhạy cảm" (của bà con Việt kiều) Cụ thường "đùn" cho tôi với lý do: "là người của Bộ Chính trị, Chủ tịch QH cũng sẽ phải trả lời như văn kiện, nghị quyết thôi, bà con lại bảo không có gì mới, nay để đại biểu ngoài Đảng trả lời thì hợp hơn(!?)".

Gặp Cụ ở Yên Tử về, tôi lục trong ổ nhớ có một bài trả lời của tôi sau khi đọc dự thảo bài diễn văn Chủ tịch sẽ đọc sau khi QH thông qua Luật Phòng Chống Tham nhũng (2005). QH khóa XI (2002-2007) mà Cụ An chủ trì có sứ mệnh là khởi thảo và thông qua 2 luật quan trọng là Phòng chống Tham nhũng và Luật Đất đai. Trước lúc chia tay, tôi hỏi Cụ rằng nếu tìm một "từ khóa" về CT QH khóa XI thì đó là từ nào? Cụ ngẫm nghĩ rồi nhất trí với tôi từ đó là "LỖI HỆ THỐNG". Cụ nói vì câu ấy mà bị rầy rà lắm, nhưng "bây giờ thì rõ rồi!" và nói thêm rằng "còn với tôi, ngày ngày chỉ có đi bơi và chơi golf để khắc phục cái lỗi hệ thống của tuổi già thôi?". 

Nhắc lại chuyện 18 năm trước, tôi đưa lên FB bức thư đề ngày 7-11-2005 để nhớ lại một thời mãi mãi là… ấu trĩ! 

Kính thưa Chủ tịch,

Tôi đã đọc bản dự thảo bài phát biểu của CT và tôi hoàn toàn tâm đắc với cách nêu vấn đề của CT khi đặt ra câu hỏi "chúng ta quyết tâm đến đâu?".

1. Nhưng "chúng ta" là ai?

Đương nhiên là toàn xã hội. Không thể nghi ngờ lòng quyết tâm của toàn dân. Dân hiểu rằng người bị hại vì tham nhũng trước hết và cuối cùng chính là nhân dân. Vậy thì cái quyết định đối với cuộc chiến chống tham nhũng này lại chính là những đối tượng có khả năng (hay có điều kiện) tham nhũng. Trong cơ chế chính trị của nước ta hiện tại, những người nắm quyền lực để có thể sử dụng quyền lực nhằm mưu tư lợi (một cách hiểu đơn giản về tham nhũng) chỉ có thể là đội ngũ công chức, thu hẹp hơn chính là đội ngũ các đảng viên trong hệ thống công chức nắm giữ quyền lực (bởi lẽ đơn giản, không là đảng viên khó có thể nắm được chức vụ quan trọng). Như vậy quyết tâm của bộ máy Đảng và Nhà nước sẽ là quyết định. Nói cách khác, nếu coi tham nhũng là một dịch bệnh thì khu vực khu trú dễ dàng được xác định. Đó là một lợi thế trong đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta. Do vậy trong phát biểu của mình, CT xác định "chúng ta đây... trước hết và trên hết là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước chúng ta" và coi đó là "khâu có vị trí và vai trò quyết định nhất" là hoàn toàn chính xác. 

2. Ở Việt Nam, về lý thuyết thì chống tham nhũng dễ hơn nhưng thực tế thì lại khó hơn so với ở các nước khác.

Lý do thứ nhất cho sự dễ hơn, như đã trình bày ở trên, là đối tượng dễ xác định để tập trung đấu tranh cũng như phát huy nội lực để đấu tranh. 

Lý do thứ hai bắt nguồn từ một đặc điểm lịch sử của xã hi nước ta. Đặc điểm đó là: ở VN không hình thành một tầng lớp hữu sản thế tập. Tâm lý bình quân trong xã hội, chính sách quân điền ở các xã thôn, quan điểm khinh tài của nhà nho (thành phần chủ yếu của bộ máy quan lại), chính sách ức thương của nhà nước, sự hạn chế trong phát triển kinh tế thị trường, v.v. khiến cho trong xã hội truyền thống của nước ta về căn bản không hình thành tầng lớp quý tộc, đại địa chủ, đại gia... nói chung là tầng lớp hữu sản cha truyền con nối (giàu không ba họ, khó không ba đời). Thời thuộc địa, nền kinh tế tư bản chủ nghiã có tạo ra một tầng lớp hữu sản lớn, nhưng cuối cùng đều bị chính thực dân chèn ép và cách mạng tiêu diệt (về tài sản). Các cuộc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” của chúng ta đã làm những công việc cuối cùng để giải quyết tận gốc sự phát triển tầng lớp hữu sản lớn.

Chính vì thế, chỉ có công cuộc Đổi Mới, với mục tiêu phấn đấu “Dân giàu nước mạnh” xã hội Việt Nam mới hình thành tầng lớp hữu sản theo đúng nghĩa. Do vậy lịch sử tài sản của các tầng lớp công chức, đảng viên tương đối rõ ràng và đơn giản, nó chỉ hình thành trong vài ba thập kỷ gần đây. Bởi vì tầng lớp ấy không có lý do thừa kế tài sản lớn của các thế hệ trước để giải thích nguồn gốc tài sản của mình. Nhất là, với chính sách cán bộ của chúng ta thì hầu hết tầng lớp cán bộ, đảng viên ở nước ta đều có nguồn gốc xuất thân không thể từ những thành phần hữu sản lớn của xã hội. Chỉ cần làm tốt khâu giám sát tài sản, các cơ quan có trách nhiệm đủ thấy được những tài sản có nguồn gốc liên quan đến tham nhũng hay không. 

Nhưng trên thực tế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta có những khó khăn so với các nước khác là do thiếu các chế tài pháp lý và công cụ quản lý tài chính để kiểm soát tài sản và nguồn gốc tài sản. Tuy vấn đề tài sản chỉ là cái ngọn (hệ quả) của tham nhũng, trong khi cái gốc cần ngăn chặn là những hành vi cụ thể, nhưng việc giám sát tài sản lại vẫn là cách tiếp cận khả thi nhất. Nhưng đây lại cũng là vấn đề rất nhạy cảm mà sự triển khai thiếu thận trọng sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được một khi tổ chức thực hiện tràn lan. 

Bộ luật của chúng ta lại bộc lộ một lỗ hổng rất lớn về tính khả thi của nó. Bởi lẽ, một mặt, ai cũng thấy rằng một trong những nguyên nhân rất quan trọng là hệ thống lương bổng của chúng ta quá thấp và nhiều bất hợp lý. Việc cải tiến hệ thống lương bảo đảm cho bộ máy công chức có thể thực thi trách nhiệm và giữ được sự trong sạch của mình là một điều kiện trong một chừng mực nào đó phải coi là mang tính chất tiên quyết. Ngay từ xa xưa, bên cạnh hệ thống lương, bổng còn có khoản tiền “dưỡng liêm”. Bộ Luật của chúng ta không đặt vấn đề này như một giải pháp hỗ trợ cho cuộc đấu tranh phòng - chống tham nhũng. Nó làm cho Luật trở nên duy ý chí. Bộ Luật phòng chống tham nhũng cũng không đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm kiểm soát được các nguồn thu nhập tài chính, theo một lộ trình phù hợp với thực tiễn nước ta. Không đề cập tới 2 vấn đề này, người dân và kể cả cán bộ nghi ngờ tính hiệu quả lâu dài của luật này. 

3. Nhưng, phải coi ý chí là một nhân tố rất quan trọng. 

Bài phát biểu của CT nói rất nhiều về vấn đề này. Nhưng không thể không nêu lên một sự thật là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta đồng nhất với cuộc đấu tranh bảo vệ chế độ mà hạt nhân chính là bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Phải coi thái độ dung túng và thờ ơ với cuộc đấu tranh chống tham nhũng như là một trong những biểu hiện của nguy cơ “diễn biến hoà bình”. Và trong cuộc đấu tranh này, ngoài những chế tài pháp luật thực thi trên nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân, không nể nang, thỏa hiệp, v.v. điều mà CT đã nêu trong bài phát biểu của mình, thì rất cần thiết phải nhắc đến một nguyên tắc rất phù hợp với tâm lý và ý thức của dân ta. 

Đó là tính gương mẫu của cấp trên, của đảng viên. Đã có quan điểm được đưa ra trên báo chí là phải chăng nên triển khai luật theo nguyên tắc từ trên xuống. Ví như việc khai báo tài sản nên bắt đầu từ những chức vụ cao nhất, các cơ quan tổ chức cao nhất (trong đó có Quốc hội) trở xuống. Sự gương mẫu của trên sẽ có tác động dây chuyền và mạnh mẽ xuống cả hệ thống và gây niềm tin tưởng trong dân. Chúng ta có thuận lợi là lòng dân luôn tin vào biểu tượng CT Hồ Chí Minh thì hạt nhân tạo nên lòng tin ấy chính là tính gương mẫu của người đứng đầu. Ở thời nào người ta cũng nhắc đến cái nguyên lý “thượng chính thì hạ yên” và ngược lại, "thượng bất chính thì hạ tắc loạn". Tôi mong rằng trong bài phát biểu của CT nên đề cập tới nguyên lý trên và nếu có thể đưa ra lời kêu gọi sự gương mẫu cần thiết ấy, trước tiên là của các thành viên QH (vì trong đó cũng bao gồm nhiều thành viên của Đảng, Chính phủ và bộ máy hành pháp các cấp).

4. Cuối cùng là vấn đề cơ chế bộ máy chỉ đạo.

Tôi chưa biết là văn bản cuối cùng của Luật được thông qua có còn giữ quan điểm trao cho Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Uỷ ban Chỉ đạo chống tham nhũng như dự thảo hay không, nhưng tôi cũng muốn nhắc lại lý do mà CT đã nêu lên khi thảo luận. Nếu như CT cho rằng việc giao cho Thủ tướng chức trách này là phù hợp với Hiến pháp 1992, thì cũng có thể đưa ra lập luận rằng: Sau 13 năm thực thi Hiến Pháp 1992, đến thời điểm này (2005) cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn không có hiệu quả, thậm chí như chính nhận định chung của chúng ta là nó đã trở thành “quốc nạn” thì chỉ có 2 cách đánh giá thực tiễn đáng buồn ấy. Hoặc là Hiến pháp bất cập khi trao trách nhiệm chống tham nhũng cho Thủ tướng. Hoặc là Thủ tướng (qua các đời người đứng đầu chính phủ) đã không thực thi Hiến pháp. Với cách đánh giá đầu thì chúng ta phải nghiên cứu để sửa Hiến pháp (đương nhiên là một đại sự). Với cách đánh giá sau, thì Thủ tướng phải kiểm điểm về việc không thực thi Hiến pháp!

Do vậy, theo tôi, vai trò thực sự quyết định cho cuộc đấu tranh này là thuộc về Đảng cầm quyền. Chỉ cần Đảng thực thi với quyết tâm cao của một tổ chức chính trị và có tính chiến đấu cũng như trách nhiệm đối với Tổ quốc và Nhân dân là đủ. Nhưng vì cuộc đấu tranh này trực tiếp liên quan đến bộ máy Nhà nước nên việc lập pháp và giám sát của Quốc hội cũng như việc vận hành bộ máy Tư pháp của Nhà nước đều là quan trọng và phương thức huy động sự tham gia của toàn dân trên cơ sở phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong thể chế chính trị lấy hạt nhân là Mặt trận Tổ quốc VN cũng mang ý nghĩa quyết định vào thắng lợi cuối cùng. 

Vì đặt vấn đề vai trò quan trọng và quyết định của đảng cầm quyền nên, bài phát biểu của CT cần thể hiện rõ hơn nữa quyết tâm của Đảng, trách nhiệm của Đảng, và sự sống còn của Đảng gắn với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ai cũng biết rằng, CTQH đồng thời cũng là một thành viên trong Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng. Chất lượng bài phát biểu của CT sẽ tuỳ thuộc vào tính thuyết phục để nhân dân tin tưởng vào tính thực thi và hiệu quả của bộ Luật này. Niềm tin của nhân dân luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, vì trên thực tế niềm tin này đang bị tổn hại. Cũng vì thế, tôi phải thành thật nói đến nỗi lo lắng của mình nếu như lần này chúng ta thông qua hai bộ Luật nâng cấp từ hai Pháp lệnh sau 7 năm thực thi không hiệu quả, lại bị vô hiệu hoá một lần nữa. Vì sau Luật chỉ còn Hiến pháp. 

Tóm lại, về bài phát biểu của CT sau khi thông qua hai Luật trên, tôi nhận thấy CT đã đề cập được đúng vào vấn đề quan trọng nhất là quyết tâm và xác định vị trí của Đảng và Nhà nước cũng như của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh để thực thi 2 bộ luật này. Nhưng tôi thấy tính thuyết phục còn tuỳ thuộc vào ý thức trách nhiệm của Đảng cầm quyền đối với thực trạng, đối với việc lãnh đạo chưa hiệu quả được thể hiện như một sự kiểm điểm nghiêm túc và chân thực. Tôi muốn nhắc đến một ý niệm mà Bác Hồ đã nêu ra khi dân tộc ta đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946): Quyết tâm muốn trở thành đồng tâm thì phải có tín tâm. Tức là một niềm tin thực sự. Theo nhận thức của tôi, vào thời điểm này, trong nhân dân sự hoài nghi vào hai bộ Luật mà bài phát biểu của CT đề cập tới vẫn nhiều hơn là một niềm tin tưởng. Nhân dân đang chờ đợi vào việc làm nhiều hơn là lời nói. Cho nên bài phát biểu của CT càng được dư luận quan tâm.

Theo thiển ý của tôi, bài phát biểu của CT nên làm rõ hơn trách nhiệm và vai trò của Đảng trong cuộc đấu tranh này. CT cũng nên nhấn mạnh hơn về vai trò giám sát của nhân dân, hệ thống cơ quan đại diện do dân cử (trong đó có đại biểu QH), các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị và hệ thống truyền thông trong cuộc đấu tranh này. Kẻo người dân cho rằng triển khai những luật này chỉ là công việc của “trên”, người dân chỉ là “người quan sát”. Khi người dân thờ ơ là biểu hiện của nguy cơ đã đến.

Xin trình bày một vài suy nghĩ của mình để CT tham khảo. Xin cảm ơn.

7.11.2005

D.T.Q.

Nguồn: FB Dương Trung Quốc

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn