Trung Quốc: Quan hệ thân hữu ở địa phương suy yếu dưới thời Tập Cận Bình

Cuộc thanh trừng mở rộng của Tập Cận Bình làm suy yếu mạng lưới thân hữu ở địa phương.

Trần Bình Thản 


Càng có nhiều vụ bắt bớ và xét xử tham nhũng ở địa phương thì các bí thư thành ủy càng ít bổ nhiệm người thuộc phe cánh của mình hơn.

Đó là kết quả nghiên cứu trong bài báo có tên “The Decline of Factions: The Impact of a Broad Purge on Political Decision Making in China” của học giả Zeren Li (Đại học Yale, Mỹ) và Melanie Manion (Đại học Duke, Mỹ) [1]. Bài báo khoa học này được đăng năm 2023 trên tạp chí British Journal of Political Science của Nhà xuất bản Đại học Cambridge (Anh).

Ngay sau khi nắm giữ chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 2012, Tập Cận Bình bắt đầu cuộc đại thanh trừng trên toàn quốc vào đầu năm 2013. 

Bốn đặc điểm cơ bản của cuộc thanh trừng 

Các nhà nghiên cứu chỉ ra mấy đặc điểm nổi trội của cuộc thanh trừng của ĐCSTQ diễn ra dưới thời Tập Cận Bình.

Thứ nhất, cuộc thanh trừng này diễn ra trên quy mô rộng lớn nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Tính đến năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã điều tra và xử phạt đến 1,5 triệu đảng viên. Đây là con số lớn nhất trong mọi cuộc thanh trừng trong lịch sử đảng này.

Thứ hai, ĐCSTQ đã tập trung hoạt động chống tham nhũng vào một cơ quan là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trước đó, các đảng bộ cấp thành ủy vẫn có quyền hạn nhất định trong ủy ban chống tham nhũng tại địa phương mình. Bí thư thành ủy có quyền điều tra cấp dưới hay ấn định hình phạt. 

Với mô hình tập trung hóa, các lãnh đạo đảng địa phương hầu như không có nhiều quyền hạn để bảo vệ được “quân” của mình.   

Thứ ba, cuộc thanh trừng mở rộng này tiếp nối và tăng cường các nguyên tắc đảng ở Liên Xô dưới thời Lenin, trong đó tham nhũng được coi là vấn đề tổ chức, gắn chặt với vấn đề phe nhóm. 

Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nạn phe nhóm là hình thức tệ hại nhất trong các tội tham nhũng. Báo chí hay diễn văn ở cấp trung ương thường kịch liệt lên án nạn quan chức địa phương muốn dựng “vương quốc riêng”. 

Thứ tư, cuộc thanh trừng mở rộng lần này bao gồm nhiều hình thức trừng phạt. 

Bước đầu tiên là xử lý trong đảng, trong đó các ban đảng điều tra tham nhũng, bắt giữ, thẩm vấn, và xử phạt. Đặc biệt, các tội trạng không chỉ bao gồm tham nhũng trực tiếp, mà còn có các hành vi thông đồng, lập phe nhóm/băng đảng. Sau đó, cơ quan đảng chuyển hồ sơ sang cho tòa kết án, thu giữ tài sản, phạt tù hoặc xử tử hình. 

Theo thông báo chính thức, có 1,41 triệu đảng viên bị điều tra từ năm 2012 đến giữa năm 2017. Trong đó, đại đa số bị xử trong nội bộ đảng, nặng nhất là bị trai trừ. Chỉ có 5.400 người bị kết án hình sự. 

Cuộc thanh trừng làm suy yếu mạng lưới thân hữu địa phương

Nghiên cứu của Li và Manion chỉ tập trung vào nhóm cán bộ đảng cấp thành ủy nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Tổ chức Trung ương. Nhóm này vốn được phân quyền lớn trong việc bổ nhiệm quan chức đảng ở các cấp thấp hơn. Đồng thời, họ cũng có vai trò đáng kể trong việc kêu gọi đầu tư và liên kết làm ăn với giới doanh nhân ở địa phương. 

Cấp trung ương đảng có đặt ra các tiêu chuẩn về bổ nhiệm cán bộ để cấp thành ủy thực hiện. Theo đó, việc bổ nhiệm cán bộ phải dựa trên thành tích làm việc, không phải dựa trên quan hệ cá nhân. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được là các mối quan hệ thân hữu cá nhân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mạng lưới bổ nhiệm và quyền lực của Trung Quốc. 

Nhóm nghiên cứu thu thập thông tin của 667 người từng giữ chức bí thư thành ủy tại 333 địa khu trong khoảng thời gian 5 năm từ 2013 đến 2017. Địa khu là đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, trên cấp huyện, nay gần như đã được thay bằng các thành phố trực thuộc tỉnh. Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là mức độ bổ nhiệm hay bãi nhiệm ở cấp thành ủy phụ thuộc như thế nào vào mức độ thanh trừng diễn ra tại địa phương đó. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở những nơi càng có nhiều vụ bắt và xử lý, bí thư thành ủy càng ít bổ nhiệm phe cánh thân hữu của mình. 

Nói cách khác, trong bối cảnh Ban Chấp hành Trung ương càng kiểm soát và bắt giữ gắt gao, hàng quan chức đảng cấp dưới càng ít dám đưa người của mình vào hệ thống, thay vào đó phải bổ nhiệm những người vòng ngoài. 

Suy rộng ra, việc liên kết giữa những người nắm chức vụ bên đảng và giới tài phiệt kinh doanh cũng bị đặt trong trạng thái bất ổn. Điều này cũng tạo ra hiệu ứng là giới tài phiệt sẽ phải xem xét lại xem những quan chức đảng nào là đủ mạnh hay đáng tin cậy để bảo trợ họ về dài hạn.

Bài viết trước đã lý giải về nguy cơ lớn nhất đối với các chế độ độc tài là đảo chính từ bên trong [2]. Điều này khiến cho nhóm cầm quyền luôn phải đề cao cảnh giác các phe nhóm khác. 

Đối với trường hợp Trung Quốc hiện nay, cuộc thanh trừng mở rộng của Tập Cận Bình đã làm cho toàn bộ hệ thống quan chức run sợ, làm suy yếu liên kết giữa các nhóm thân hữu ở địa phương. Điều này đóng góp cho mục tiêu cuối cùng là giúp phe cầm quyền giảm bớt nguy cơ đảo chính.

T.B.T

Nguồn: Luatkhoa.com

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn