Nhìn sâu thực chất việc Trung Quốc thắng thầu 90% các dự án ở Việt Nam

clip_image002

Nhiệt điện Hải Phòng cũng do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm

“Đừng đổ lỗi cho việc nhà thầu Trung Quốc đã bỏ giá quá rẻ! Góc khuất của câu chuyện doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị “ra rìa, đói việc” ngay trên đại công trường nước mình, theo nhiều độc giả VNR500, có một phần lớn nằm ở những ông chủ đầu tư trong nước”.

BVN xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài sau đây trên Diễn đàn VNR500 của VietnamNet, cho thấy sự cố tình chọn nhà thầu TQ của các chủ đầu tư VN, mà các chủ đầu tư ấy đều là các vị lãnh đạo quyền cao chức trọng, những Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cả. Có nghĩa là chính Nhà nước, hay các “nhóm lợi ích” của Nhà nước thì cũng thế, chịu trách nhiệm việc mời những nhà thầu gian dối, trình độ kỹ thuật kém cỏi, và chây bửa về tiến độ thực hiện... vào phá nát mạng lưới công nghệ mới bắt đầu khởi dựng ở Việt Nam. Vừa nhận sự ủy thác lớn lao trước bàn dân về quy trình công nghiệp hóa đất nước lại vừa làm đến đâu phá đến đấy thì còn đổ lỗi cho ai.

Kinh nghiệm cay đắng đã làm dân ta trắng mắt từ những thập kỷ 90 thế kỷ trước với việc chấp nhận Trung Quốc đầu tư công nghiệp mía đường, tơ tằm rồi xi măng lò đứng... nhưng các vị cầm chịch ở trên thì có cay đắng chút nào đâu vì đằng sau những phi vụ làm ăn đổ hỏng như thế là lợi lộc hái ra tiền cả đấy. Hãy nghe bạn N.T.T cung cấp những thông tin quý giá: “Hiện nay các hãng, tập đoàn lớn và có uy tín trên thế giới như Siemens, Alstom, GE, các tập đoàn khác của Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Mỹ… do sức ép của Chính phủ họ, đã đều thực hiện các chính sách “3C” (bao gồm các từ: Clear, Clean, Convince) nhằm trong sạch nội bộ, chống vi phạm pháp luật như hối lộ, móc ngoặc với khách hàng trái pháp luật, không minh bạch, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh… Vì vậy các khoản “lót tay”, các phần trăm “lại quả” cực kỳ hậu hĩnh dọn đường, kèm theo các chuyến đi “công tác khảo sát nghiên cứu…” nước ngoài như đế vương dành cho các vị chóp bu trong chủ đầu tư và các quan chức có thế lực chi phối… khó mà còn được diễn ra như trước đây nữa. Do đó, các vị này luôn luôn hướng tới các nhà thầu “dễ dàng” về các nguyên tắc tài chính như: hóa đơn cỡ nào cũng xuất được theo ý chủ đầu tư, chứng từ ghi thế nào cũng được, “đính kèm” vào phạm vi cung cấp chính của hợp đồng chính đủ mọi thứ kèm theo béo bở cho các vị. Vậy thì còn cách nào tốt hơn là “đi” với các nhà thầu Trung Quốc? Hậu quả: do phần “lót tay”, “lại quả” quá hào phóng (có thể tới 15 - 20% giá trị hợp đồng), và để trúng thầu thì tổng giá chào đã giảm thấp tới đáng ngờ, thì tất nhiên là “tiền nào của ấy”, các nhà thầu Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị và dịch vụ tầm cỡ “công xã” ở Trung Quốc cho ta, chứ thực ra thiết bị và dịch vụ kỹ thuật các tập đoàn mạnh và có uy tín ở Trung Quốc đâu đến nỗi tệ như những thứ họ cấp cho chúng ta. Mặt khác, do “phía quân ta” đã lỡ cắn phải mồi của họ rồi thì “há miệng mắc quai” đành chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy. Tìm mọi cách che đậy, cho qua, miễn làm sao nghiệm thu bàn giao được công trình, còn thì hậu quả sau này thì nhiệm kỳ sau, hoặc đời con cháu người khác gánh…”.

Chính vì thế, trong số các thư gửi đến VietNamNet, có lá thư của bạn Tom Gon đề nghị rằng: “Chỉ còn một cách duy nhất để thắng nhà thầu Trung Quốc: về phía chủ đầu tư, hãy bầu chọn các vị Giám đốc liêm chính và yêu nước, không ăn hối lộ và không phải là tham quan”. Xem chừng đây là ý tưởng không bao giờ thực hiện được bạn ạ. Cũng vậy, ngay chính bạn N.T.T sau khi đã phanh phui sự thật một cách thẳng thắn, cũng lại đưa ra một biện pháp mà chúng tôi thấy không khả thi chút nào. Bạn ấy nói: “Đã đến lúc Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chấn chỉnh những việc làm vụ lợi, chỉ vì lợi ích cá nhân mà làm nghèo đất nước bằng những cách phi pháp như nêu trên”. Vì sao một lời đề nghị lên Chính phủ mà lại không khả thi ư? Các bạn cứ thử hỏi người đứng đầu cơ quan Nhà nước mà xem vì sao chứ chúng tôi... khó nói lắm.

Bauxite Việt Nam

 

Bài 1

Chuyện Trung Quốc thắng thầu: Góc khuất không nằm ở giá rẻ

Phạm Huyền

Buồn và đau xót! Đó là cảm xúc của hàng trăm độc giả đã bày tỏ với Diễn đàn VNR500 sau bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam với tựa đề “Ra rìa, đói việc khi Trung Quốc trúng thầu” đăng hôm 5/8/2010. Đằng sau sự rẻ đắt ấy, nhiều độc giả đã bức xúc “chất vấn” các chủ đầu tư Việt Nam để mong được cắt nghĩa những nghịch lý đang hiện hữu ở câu chuyện này.

Tại chủ đầu tư Việt Nam “dễ tính”!

Xin được dẫn lời của độc giả Mai Anh, email maianh…@walla.com để mở đầu cho nhận định mang tính "ước đoán" trên.

“Đừng đổ lỗi cho việc các DN Trung Quốc bỏ thầu thấp! Nếu "anh" (chủ đầu tư Việt Nam) quy định chủng loại, chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế và thậm chí có thể bắt buộc chọn lựa theo các điều kiện an toàn, thì đố ai dám mua đắt bán rẻ cho "anh", dẫu có được Chính phủ hỗ trợ.

“Nếu "anh" quy định và kiểm soát chất lượng công trình bằng cách thuê tư vấn quốc tế, dễ gì nhà thầu Trung Quốc trúng? Nếu "anh" quy định về sử dụng nhân công làm sao họ ồ ạt đưa lao động phổ thông qua làm việc?”

Với những lập luận này, độc giả Mai Anh thẳng thắn rằng: “Đằng sau những câu chuyện "trúng thầu" của Trung Quốc, cũng cần xem lại tại sao trước và sau một cuộc đấu thầu, các đoàn "tham quan học hỏi" của chủ thầu nước ta lại ra vào liên tục ở nước họ đến thế? Có thực chất đó là các chuyến đi học tập hay tìm hiểu công nghệ?”.

“Đắt hay rẻ, tốt hay xấu có một phần cũng từ các cuộc đi lại, thăm viếng ấy”, Mai Anh viết đầy ẩn ý.

Trùng quan điểm của bạn Mai Anh, Thạc sĩ Ngô Quí Nhâm, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội, email  quy…@gmail.com phân tích: “Việt Nam là một thành viên của WTO nên việc dùng các quy định hành chính để ngăn cản các công ty Trung Quốc bỏ giá thấp là không thể.

Nhưng nếu đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn và có cơ chế thực hiện, kiểm tra nghiêm ngặt, điều kiện bảo hành chặt chẽ, và đặc biệt là siết chặt các quy định về sử dụng lao động trong các công trình này thì liệu các công ty Trung Quốc có dám hạ giá đấu thầu xuống thấp không?”.

“Tôi đã trăn trở rất nhiều và thật đau đớn là số tiền của người dân, của DN Việt Nam bỏ ra rất nhiều mà không tạo ra công ăn việc làm cho người Việt. Tôi nghĩ, Chính phủ và các chủ đầu tư cần phải hành động, đừng để các DN trong nước phá sản rồi mới lo giải cứu”, Thạc sĩ Ngô Quí Nhâm chia sẻ.

Có không ít những tiếng thở dài khi chia sẻ với VNR500: "Sao không nghe nói về phạt hợp đồng? Có lẽ chúng ta ngại phạt chăng? Thỏa thuận sòng phẳng, phạt sòng phẳng, sao ta không dám làm?” độc giả Trần Ngọc Hà, email ha...1968@gmail.com thắc mắc.

Hay như một câu bình luận ngắn gọn nhưng đầy day dứt của Thái Trần, email  onthai...@yahoo.com: "Điều này chẳng có gì là lạ của các ông DN nhà nước. Mua cho tập thể thì mua hàng rẻ còn mua cho nhà mình thì mua đồ xịn. Đằng sau sự mua rẻ và đắt này là cả một vấn đề!”.

Bạn đọc Trần Kiên, email evergreen...@gmail.com thẳng thắn đúc kết: “Một phần lỗi trong câu chuyện này, cũng chính do những người có trách nhiệm, có quyền quyết định trong những dự án!

“Những cuộc đấu thầu của chúng ta không chịu vận dụng những quy định để hạn chế bớt khả năng Trung Quốc thắng thầu, hoặc cũng không ngoại trừ chính họ đã bị chi phối bởi vấn đề lợi ích cá nhân được đặt lên trước. Điều này, có lẽ nhà quản lý đều biết cả?!”.

Nổi khổ của “người trong cuộc”

Xin nói rõ hơn, “người trong cuộc” ở đây không phải là các TGĐ, Chủ tịch HĐQT của các Tập đoàn, Tổng công ty mà là cán bộ, Kỹ sư Việt Nam đang làm việc hàng ngày với các nhà thầu Trung Quốc.

clip_image003

Nhiệt điện Phả Lại có sự tham gia của Licogi - Việt Nam

Ông Phạm Văn Mạc, ở Cà Mau, email: vanmac...@vnn.vn chua xót kể với VNR500 về những ấm ức khi phải "nhận mấy thứ trúng thầu bị bắt phải nhận về và... để xó".
Ông chia sẻ: "Tôi đã có "vinh dự" bắt phải đi xét thầu! Thật nực cười khi không có quyền chọn nhà cung cấp mà chỉ được đưa ra tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn thì ai đưa ra cũng đúng như vậy, nhưng khác nhau nhiều về kết cấu và chất lượng sản phẩm. Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì chả ai mua những "của nợ" đó!

"Thế nhưng, nếu có ý kiến phản đối hoặc không đồng tình thì lãnh đạo sẽ bảo "không được phát ngôn bừa bãi”.

“Rõ ràng nhà thầu sai sót mà người mua lại phải chịu thiệt thòi thì vô lý quá. Ai dám nói ra?”, ông Phạm Văn Mạc bức xúc.
Còn đây là câu chuyện của bạn Vũ Minh Ngọc gửi từ email: vuminhngoc…@gmail.com: “Tôi đang công tác tại một nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc trúng thầu. Tại đây, chính mắt tôi nhìn thấy các thiết bị do Trung Quốc lắp ráp là rất kém, toàn thiết bị kém chất lượng nếu không muốn nói là đồ thải của đất nước họ. Khi đi vào vận hành thì sự cố liên tục. Tôi thực sự lo ngại về các dự án do đối tác nước này trúng thầu”.

Trong câu chuyện này, “nếu có dấu hiệu chính quyền địa phương lơ là hay bao che nhà thầu Trung Quốc kém mà vẫn trúng thầu, thì DN Việt Nam nên kiện chính quyền”, bạn Tùng, email tvd...@gmail.com nêu ý kiến.

Bởi, theo bạn đọc này, “yếu tố giá cả chỉ nên chiếm 20-30% tổng số điểm chấm thầu. Giá xây dựng ban đầu chỉ là một phần không lớn của tổng giá thực sự của một công trình trong suốt 30 năm hay 50 năm đời sống của công trình đó. Đừng vì cái lợi trước mắt mà nguy hại cho cả nền kinh tế sau này" .

Và bởi, “chấp nhận giá bỏ thầu rẻ của Trung Quốc để rồi thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài, chất lượng kém, lao động và các doanh nghiệp trong nước không được tham gia thì gói thầu ấy còn có giá "đắt" hơn nhiều so với các nước G7!”, độc giả Trần Huy, email  huy...@yahoo.com.vn so sánh.

Một tổng kết xác đáng và ngắn gọn nhất mà VNR500 nhận được từ nick name “Tom gon" email  tomm..@yahoo.com: “Chỉ còn một cách duy nhất để thắng nhà thầu Trung Quốc: về phía chủ đầu tư, hãy bầu chọn các vị Giám đốc liêm chính và yêu nước, không ăn hối lộ và không phải là tham quan”.

Còn phía doanh nghiệp nhà thầu Việt Nam, phải làm ăn uy tín.

Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp có dự án đấu thầu là, tại sao cứ chọn giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc khi biết là, dự án sẽ khó hoàn thành tốt? Vậy nên nhớ câu thành ngữ “tiền nào của nấy”, rốt cục, bí kíp giá rẻ của Trung Quốc e rằng, sẽ còn đắt hơn nhiều lần!

PH

Nguồn: http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=977

Bài 2

Không thể "dĩ hòa vi quí" với nhà thầu Trung Quốc

Thiện Văn


(VNR500) - Nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chậm tiến độ tới 1-2 năm, nhưng vì thói quen cả nể, dĩ hòa vi quý hoặc vì nhiều lý do khác, mà chủ đầu tư Việt Nam ít khi “phạt được” nhà thầu, Kỹ sư Trương Văn Thiện* (Thiện Văn) chia sẻ với VNR500.



Không chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu

Qua các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể nhận thấy đa số các công trình năng lượng do Trung Quốc làm tổng thầu EPC đều chậm tiến độ từ 1 đến 2 năm và chất lượng thiết bị nhà máy không cao.

clip_image004

Thiết bị lò hơi ở nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: quangninh.gov.vn

Nguyên nhân thường được quy cho nhà thầu Trung Quốc, nhưng thực tế các chủ đầu tư cũng có phần lớn trách nhiệm. Chính vì vậy mà khi việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu không đạt được như yêu cầu đề ra, ít có chủ đầu tư nào muốn công khai thông tin cũng như có các biện pháp xử lý quyết liệt theo pháp luật và theo quy định của hợp đồng. Vậy đâu là trách nhiệm của các chủ đầu tư?

Công tác lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư không chặt chẽ từ khâu chuẩn bị đầu bài chọn thầu (hồ sơ mời thầu EPC). Thông thường, các hồ sơ mời thầu EPC được lập dựa trên hồ sơ thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật, trong khi các hồ sơ thiết kế này có chất lượng không cao. 
Nhiều nội dung yêu cầu kỹ thuật không cụ thể để mở nhiều phương án cho nhà thầu chọn. Ví dụ như, hồ sơ không nêu cụ thể các tiêu chuẩn, quy phạm bắt buộc áp dụng cho thiết kế và chế tạo thiết bị, cho thiết kế và thi công xây dựng, cũng không yêu cầu “đã qua kinh nghiệm vận hành” đối với loại thiết bị nhà máy được lựa chọn (số giờ vận hành thực tế, tính năng kỹ thuật), không yêu cầu về độ khả dụng và độ tin cậy của nhà máy; không liệt kê cụ thể các vật tư thiết bị lắp đặt cho nhà máy mà trong nước đã sản xuất được v.v.
Về năng lực, kinh nghiệm cần có của nhà thầu, hồ sơ mời thầu EPC của chủ đầu tư Việt Nam thường chỉ đưa ra các yêu cầu chung chung, không nêu cụ thể nhà thầu đã phải thực hiện bao nhiêu công trình có công nghệ và quy mô tương tự; không yêu cầu kê khai về kết quả thực hiện các dự án đó (về chất lượng, tiến độ, chi phí), về hiệu quả vận hành của các nhà máy sau khi nhà thầu hoàn thành xây dựng. 
Chính các yêu cầu kỹ thuật từ phía chủ đầu tư không cụ thể và rõ ràng như nêu trên và các tiêu chí đánh giá kỹ thuật không chi tiết đã dẫn đến kết quả: công tác đánh giá năng lực kỹ thuật của các nhà dự thầu không hợp lý, một số nhà thầu yếu kém vẫn đạt điểm yêu cầu kỹ thuật.
Về mặt đánh giá giá chào, việc chọn nhà thầu có giá chào EPC thấp nhất (sau khi quy đổi về cùng một mặt bằng đánh giá) là không hợp lý vì đối với các công trình năng lượng, chi phí vận hành và bảo trì nhà máy cũng đóng vai trò quyết định trong việc xác định hiệu quả đầu tư của dự án.
Hiện nay, ở các công trình trên thế giới và một vài công trình năng lượng ở Việt Nam đã áp dụng cách đánh giá giá trên cơ sở đánh giá tổng hợp giá chào EPC và chi phí vận hành và bảo trì qua toàn bộ vòng đời của nhà máy. 
Với cách đánh giá này, nhà thầu chào giá EPC cao hơn nhưng có tính năng thiết bị tốt hơn, chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn vẫn có khả năng trúng thầu và như vậy, giúp chủ đầu tư chọn được nhà thầu đem lại hiệu quả cao nhất.
Một bất cập hiện nay là quy định pháp luật hiện hành cấm nêu cụ thể nguồn gốc xuất xứ hàng hóa`, thiết bị trong hồ sơ mời thầu, trong khi đó dự toán giá gói thầu lại phải được lập trên cơ sở hồ sơ thiết kế và thiết bị phải được xác định rõ nguồn gốc xuất xứ. 
Quy định này vô hình trung đánh đồng về mặt giá của các thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc với các thiết bị từ các nước G7, dẫn đến lợi thế rất lớn cho các nhà thầu Trung Quốc khi tham gia đấu thầu.
Bên cạnh đó, mặt soạn thảo hợp đồng cũng không chặt chẽ. Trong hồ sơ mời thầu có đưa ra dự thảo hợp đồng EPC do chủ đầu tư soạn nhưng thường thiếu nhất quán giữa các điều khoản và chưa dự tính đến việc xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. 
Trong giai đoạn thương thảo hợp đồng, với các nhà thầu Trung Quốc, họ thường rất dễ dàng đàm phán. Họ chấp nhận hầu hết các điều kiện, điều khoản chủ đầu tư đưa ra nhưng thực tế sau đó, khi thực hiện hợp đồng lại không tuân thủ.
Không mạnh tay với các nhà thầu vi phạm hợp đồng

Các nhà thầu Trung Quốc sau khi trúng thầu và ký hợp đồng không thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản hợp đồng đã cam kết. 
Qua kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, hợp tác với nhà thầu Trung Quốc, nhận thấy các nhà thầu Trung Quốc thường có 9 loại vi phạm hợp đồng phổ biến. Có thể liệt kê như sau: 
1- Không thực hiện đúng cam kết liên danh với nhà thầu có năng lực hoặc các nhà thầu phụ đã được kê khai trong hồ sơ dự thầu;
2- Điều động các nhân sự chủ chốt không đáp ứng yêu cầu của hợp đồng về kỹ năng tiếng Anh, về năng lực quản lý dự án. Các nhân sự này làm việc với chủ đầu tư phải thông qua phiên dịch Trung - Anh hoặc Trung - Việt;
3- Thay đổi tiêu chuẩn về thiết kế, vật liệu, chế tạo sang áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc;
4- Thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị sang Trung Quốc;
5- Không tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, đăng ký tạm trú, sử dụng lao động phổ thông Trung Quốc;
6- Yếu kém trong công tác quản lý dự án, quản lý thiết kế, quản lý nhà thầu phụ, tổ chức thi công và công tác quản lý chất lượng công trình;
7- Yếu kém trong công tác lập, theo dõi, quản lý tiến độ dự án;
8- Yếu kém trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường;
9- Từ bỏ trách nhiệm bảo hành.
Tuy nhiên, với các vi phạm hợp đồng nêu trên của nhà thầu, các chủ đầu tư Việt Nam lại thường không xử lý cương quyết. 
Một số chủ đầu tư thường có tư tưởng đã “đâm lao thì phải theo lao”, khi đã lỡ chọn nhà thầu Trung Quốc, thường tìm cách chấp nhận hoặc ngầm chấp nhận các thay đổi được nhà thầu đề xuất do sức ép phải đảm bảo tiến độ. 

clip_image006

Công trường Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1. Ảnh: quangninh.gov.vn

Một số chủ đầu tư khác có ý định để nhà thầu thực hiện xong sẽ phạt vi phạm hợp đồng. 
Đáng tiếc là, hầu như chưa có dự án nào chủ đầu tư phạt được nhà thầu Trung Quốc vì hai bên thường quy trách nhiệm cho nhau, hoặc mức phạt theo hợp đồng thường hạn chế và không tương xứng với mức độ thiệt hại của chủ đầu tư, chẳng hạn giới hạn mức phạt tối đa thông thường ở các hợp đồng là 10-15% giá trị hợp đồng, chỉ tương ứng với mức phạt từ 5 đến 10 tháng chậm tiến độ, trong khi có dự án nhà thầu Trung Quốc chậm đến hơn 2 năm. 
Đó là chưa kể đến các thiệt hại của chủ đầu tư khi đưa công trình vào sử dụng, nhà máy không vận hành được đúng công suất, hiệu suất thiết kế hoặc vận hành không ổn định (gặp nhiều sự cố thiết bị).   
Mặc dù, theo pháp luật và theo quy định hợp đồng chủ đầu tư có quyền và các công cụ mạnh để xử lý vi phạm hợp đồng như: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; phạt vi phạm; bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng. 
Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường không xử lý “mạnh tay” dứt khoát với các vi phạm của nhà thầu do tính cả nể, “dĩ hòa vi quý”, không muốn xảy ra tranh chấp và do mức hiểu biết hạn chế về luật và tập quán quốc tế nên không sẵn sàng cho công tác kiện tụng, giải quyết tranh chấp.  
Cần lập danh sách đen các nhà thầu “dính phốt”.
Không nên tiếp tục "bắt tay" với các nhà thầu đã "dính lỗi"

Với các thách thức khi lựa chọn nhà thầu EPC Trung Quốc như nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu nên chăng tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm các công trình năng lượng quan trọng do các nhà thầu EPC Trung Quốc thực hiện.
Từ đó, cần phải đưa vào “danh sách đen” tên các nhà thầu Trung Quốc, sau khi trúng thầu, không thực hiện đúng cam kết hợp đồng ở các công trình đã và đang thực hiện và không cho phép các nhà thầu này tham dự đấu thầu các công trình khác ở Việt Nam.
Các cơ quan cũng cần cơ chế định kỳ giám sát đầu tư và yêu cầu các chủ đầu tư các công trình năng lượng quan trọng báo cáo đầy đủ, trung thực tình hình thực hiện đầu tư xây dựng và các vướng mắc, tranh chấp trong quá trình thực hiện. 
Nhà nước nên cho phép các chủ đầu tư được nêu yêu cầu nguồn gốc xuất xứ thiết bị trong hồ sơ mời thầu, có thể theo hướng nêu xuất xứ từ một nhóm các nước có trình độ tương đương về công nghiệp chế tạo thiết bị.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các nhà thầu EPC Việt Nam mạnh về thực lực và đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài. Hiện nay, đa số các nhà thầu EPC Việt Nam thường phân chia gói thầu EPC thành một số gói thầu phụ và chỉ việc quản lý các nhà thầu phụ của các gói EPC con.
Đối với chủ đầu tư các dự án, cần lập các hồ sơ mời thầu EPC chặt chẽ, có yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, kèm theo các hồ sơ, tài liệu chứng minh và đưa vào tiêu chí đánh giá kỹ thuật.
Chủ đầu tư cần làm rõ các nội dung hồ sơ dự thầu của các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu Trung Quốc: cụ thể hóa các cam kết của nhà thầu trong quá trình thương thảo hợp đồng thành các điều khoản, tài liệu của hợp đồng, quy định nghiêm ngặt về các chế tài đối với các vi phạm hợp đồng trong tài liệu hợp đồng.
Và đồng thời, chủ đầu tư phải buộc nhà thầu thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản cam kết tại hợp đồng trên. Trường hợp nhà thầu tiếp tục vi phạm, cần kiên quyết tiến hành hủy hợp đồng để chọn thầu lại và chấp nhận tiến độ dự án bị ảnh hưởng) và báo cáo cho cơ quan chức năng để đưa nhà thầu vi phạm vào danh sách đen.
Đối với các hợp đồng EPC quốc tế, chủ đầu tư cần có đơn vị tư vấn luật hỗ trợ trong các công tác soạn thảo hợp đồng, đàm phán hợp đồng và định kỳ hỗ trợ chủ đầu tư rà soát, kiểm tra việc thực hiện và tuân thủ hợp đồng của nhà thầu, để chuẩn bị tốt và sẵn sàng khi các tranh chấp hợp đồng được đưa ra phân xử theo luật và tập quán quốc tế.  

* Kỹ sư Trương Văn Thiện có 15 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn, giám sát và triển khai các dự án ngành năng lượng và hiện là Phó Trưởng ban Quản lý dự án của một công trình trọng điểm quốc gia.

VT

Nguồn: http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=928

Bài 3

Còn "góc khuất" nào trong việc Trung Quốc thắng thầu?

N.T.T

Với góc nhìn của một người từng lăn lộn với công tác đấu thầu nhiều dự án EPC có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc, độc giả N.T.T đã bổ sung thêm một số lý do về việc tại sao Trung Quốc lại dễ thắng thầu như vậy. VNR500 trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Tôi nhận thấy ý kiến của bạn Thiện Văn (Không thể "dĩ hòa vi quý" với nhà thầu Trung Quốc) đánh giá về các dự án điện EPC của các nhà thầu Trung Quốc tương đối đầy đủ, xác đáng. Ngoài ra, tôi cũng đọc kỹ các ý kiến của các thành viên khác trong diễn đàn đã trao đổi rất sâu sắc các mối quan tâm lo ngại về vấn đề này, với điểm tương đồng là đều xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của mỗi công dân với đất nước.

clip_image003[1]

Nhiệt điện Phả Lại có sự tham gia của Licogi - Việt Nam

Cũng từ sự đồng cảm đó và xuất phát từ thực tế đã từng lăn lộn với công tác đấu thầu nhiều dự án EPC có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc, tôi xin bổ sung một vài vấn đề dưới đây:

Ý kiến cho rằng quy chế đấu thầu hiện nay của Chính phủ làm cho nhà thầu chào giá rẻ trúng thầu là không chính xác, vì các lý do sau đây:

• Điều 24 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 10 năm 2009 đã quy định khi lập hồ sơ mời thầu (HSMT) cũng như khi đánh giá thầu các gói thầu: “Mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật được quy định tùy theo tính chất của từng gói thầu nhưng phải bảo đảm không thấp hơn 70% tổng số điểm về mặt kỹ thuật; đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao không thấp hơn 80%”…

• Điều trên đã quy định mức tối thiểu của đánh giá về kỹ thuật gói thầu “phải bảo đảm không thấp hơn 70%, hay không thấp hơn 80%”, chứ không quy định mức trần là bao nhiêu, mà mức này dành quyền cho chủ đầu tư quyết định phụ thuộc vào tính chất gói thầu.

• Khi mở thầu, chủ đầu tư sẽ chỉ mở thầu phần kỹ thuật trước, nếu nhà thầu không đủ điểm tối thiểu quy định đánh giá phần kỹ thuật trong HSMT, thì chủ đầu tư đã có quyền loại nhà thầu đó ra khỏi cuộc đấu thầu, chứ không cần (thực ra là “không được”) mở phong bì (bao thư) chào tài chính/giá gói thầu của họ ra.

Vậy thì trong thực tế tại sao hầu như các chủ đầu tư đã từng lăn lộn trong lĩnh vực xây dựng, vận hành, sửa chữa các công trình điện nói riêng, các công trình công nghiệp nói chung đều biết chất lượng thiết bị và xây lắp của các nhà thầu Trung Quốc rất đáng lo âu…

Nhưng cuối cùng rồi các nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục thắng thầu các gói thầu EPC không phải chỉ là các công trình điện, mà còn nhiều công trình loại khác trên khắp đất nước ta. Qua nghiên cứu và thực tế, tôi và rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã nhận ra rằng, ngoài 9 nguyên nhân bạn Thiện Văn đã nêu, còn có 2 nguyên nhân có tính gốc rễ như sau:

1- Khi chủ đầu tư lập thiết kế cơ sở, thậm chí ngay cả khi chủ đầu tư lập thiết kế kỹ thuật (theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP ban hành ngày 16 tháng  12  năm 2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thì ta gọi đây là thiết kế “bước 1” và “bước 2”), vì mục đích muốn dự án khả thi về mặt tài chính để được phê duyệt…, chủ đầu tư đã tự “gọt, đẽo, bóp, ép,…” các nội dung chi phí của dự án, để sao cho có tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán đạt mức “mong muốn” của chủ đầu tư.

Cách làm này tương đối phổ biến, mà anh em có kinh nghiệm trong nghề thường nói với nhau đây là cách làm kiểu “tự giương lên cái bẫy rồi tự chui vào” hoặc “tự tay cầm dao cắt thịt của mình”. Cách làm này thường xảy ra khi các vị lãnh đạo cao nhất của chủ đầu tư là những “chuyên gia” phi kinh tế - kỹ thuật, mà chỉ mong muốn có thành tích…, họ đã bị nhiễm “bệnh tư duy nhiệm kỳ”. Với tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán bị làm thấp đi như vậy, thì còn cách nào hơn là phải “đi” với các nhà thầu Trung Quốc?

2 - Hiện nay các hãng, tập đoàn lớn và có uy tín trên thế giới như Siemens, Alstom, GE, các tập đoàn khác của Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Mỹ… do sức ép của Chính phủ họ, đã đều thực hiện các chính sách “3C” (bao gồm các từ: Clear, Clean, Convince) nhằm trong sạch nội bộ, chống vi phạm pháp luật như hối lộ, móc ngoặc với khách hàng trái pháp luật, không minh bạch, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh…

Vì vậy các khoản “lót tay”, các phần trăm “lại quả” cực kỳ hậu hĩnh dọn đường, kèm theo các chuyến đi “công tác khảo sát nghiên cứu…” nước ngoài như đế vương dành cho các vị chóp bu trong chủ đầu tư và các quan chức có thế lực chi phối… khó mà còn được diễn ra như trước đây nữa.

Do đó, các vị này luôn luôn hướng tới các nhà thầu “dễ dàng” về các nguyên tắc tài chính như: hóa đơn cỡ nào cũng xuất được theo ý chủ đầu tư, chứng từ ghi thế nào cũng được, “đính kèm” vào phạm vi cung cấp chính của hợp đồng chính đủ mọi thứ kèm theo béo bở cho các vị. Vậy thì còn cách nào tốt hơn là “đi” với các nhà thầu Trung Quốc?

Hậu quả: do phần “lót tay”, “lại quả” quá hào phóng (có thể tới 15 - 20% giá trị hợp đồng), và để trúng thầu thì tổng giá chào đã giảm thấp tới đáng ngờ, thì tất nhiên là “tiền nào của ấy”, các nhà thầu Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị và dịch vụ tầm cỡ “công xã” ở Trung Quốc cho ta, chứ thực ra thiết bị và dịch vụ kỹ thuật các tập đoàn mạnh và có uy tín ở Trung Quốc đâu đến nỗi tệ như những thứ họ cấp cho chúng ta. Mặt khác, do “phía quân ta” đã lỡ cắn phải mồi của họ rồi thì “há miệng mắc quai” đành chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy. Tìm mọi cách che đậy, cho qua, miễn làm sao nghiệm thu bàn giao được công trình, còn thì hậu quả sau này thì nhiệm kỳ sau, hoặc đời con cháu người khác gánh…

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Rõ ràng, cả hai nguyên nhân nêu trên cho thấy gốc rễ của vấn đề là ở phía chủ đầu tư, hoặc do chính chủ đầu tư (Việt Nam) cố ý gây ra.

Vấn đề các doanh nghiệp trong nước bị gạt ra rìa khi nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC cũng chính do chủ đầu tư gây ra. Ai cũng biết quy chế đấu thầu hiện nay của Việt Nam cho phép quy định rõ trong HSMT phần việc nào giao cho nhà thầu nước ngoài, phần việc nào phải thực hiện trong nước bởi các DN Việt Nam.

Thậm chí có thể đưa các yêu cầu này thành điều kiện tiên quyết trong HSMT, mà nếu nhà thầu không đáp ứng thì hồ sơ dự thầu của họ sẽ bị loại bỏ, không xem xét đánh giá nữa. Vậy thì rõ ràng lỗi tại ai trong việc chúng ta không “phát huy nội lực” được những phần việc mà các DN Việt Nam ta có thể thực hiện rất tốt???

Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật để đề ra các biện pháp hiệu quả, hiệu lực xử lý tận “gốc rễ” của vấn đề. Đã đến lúc Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chấn chỉnh những việc làm vụ lợi, chỉ vì lợi ích cá nhân mà làm nghèo đất nước bằng những cách phi pháp như nêu trên.

Vấn đề nguyên tắc ở chỗ không phải chúng ta bài xích nhà thầu Trung Quốc, mà chúng ta kiên quyết chống lại những tiêu cực, gian lận, phi pháp trong phương pháp thực hiện của họ; còn những nhà thầu Trung Quốc làm ăn chân chính, bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá cả hợp lý thì vẫn sẽ được hoan nghênh!

Nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt, các vấn đề tiêu cực nêu trên vẫn sẽ tồn tại, thậm chí xu hướng còn tiếp tục mạnh mẽ hơn, mà hậu quả của chúng thì khôn lường, có thể xuất hiện ngay, hoặc “nhiệm kỳ sau”, hoặc đời con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu dài dài những hậu quả này!

Nguồn: VNR500

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn