‘Tổng diễn tập tự phát’ ở Bắc Giang cảnh báo điều gì?

(Viết sau khi đọc bài “Sẽ là nguy cơ nếu quyền lực không được kiểm soát” trên trang boxitvn.blogspot.com)

Trần Minh Thảo

BVN nhận được bài viết này và cảm nhận được tất cả tâm huyết mà người viết muốn gửi gắm, nhằm giúp đất nước tránh khỏi những kịch bản tồi tệ trong một tương lai xa hay gần. Đúng hay sai chúng tôi chưa dám đoan quyết, chỉ xin trân trọng công bố để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Bauxite Việt Nam

1/ Quân tử khôn? ‘Đảng nhận lỗi’ là cách hiểu có thiện chí của xã hội trước sự ‘nói đi nói lại’ của Đảng về vụ anh Nguyễn Văn Khương chết trong trụ sở công an ở huyện Tân Yên, Bắc giang (TTXVN ‘nói đi’: “Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết.” và TTXVN ‘nói lại’: “Ngay chiều 4/8, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam (có phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) để điều tra đối với Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, theo điều 97 Bộ luật hình sự” - theo blog Gốc Sậy ). Tại sao đảng cai trị lại ‘quân tử khôn’ như vậy? Phải chăng vụ người dân chết trong cơ quan công an Bắc giang và các nơi khác trong cả nước là do quyền lực cai trị không được kiểm soát, không được giám sát nên có kiểu hành xử rất tùy tiện, tàn ác với người dân ‘phạm luật’ hay còn gì nữa?

Nhưng rõ ràng dù có ‘quân tử khôn’ thì xã hội vẫn nhận ra quyền lực cai trị đã không thành thực với dân, với chính mình cả khi ‘nói đi’ lẫn khi ‘nói lại’, trước sau không như một (tiền hậu bất nhất). Hay như một số đảng viên cao tuổi nói, nhiều người trong nhóm cầm quyền tự gọi là Đảng Cộng sản Việt nam hiện nay đã phản bội lý tưởng của cuộc cách mạng do Hồ Chí Minh khởi xướng (RFA tiếng Việt phỏng vấn ông Nguyễn khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh triết - Đến lúc cần "người tử tế" làm quan chức cao cấp và đảng viên). Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Khương và rất nhiều cái chết khác, những oan trái khác trong cả nước liên quan đến ‘công cụ sắc bén’ của Đảng là gì? Câu hỏi này đụng chạm đến nhiều ‘vấn đề’ trong đó có vấn đề bao trùm: quan hệ xã hội kiểu chủ tớ, chính trị chuyên chính, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển bền vững, quyền làm chủ đất nước của người dân, có cả vấn đề quan hệ Việt-Trung... Khi trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, người thân của nạn nhân Nguyễn Văn Khương đã bộc bạch: đông người tham gia là vì bị ức chế lâu ngày mà không chỉ với cảnh sát giao thông.

Để có câu giải đáp thỏa đáng, thử lược lại các cuộc ‘tổng diễn tập’ có chủ trương (của Đảng) hoặc ‘tự phát’ (của dân) trong thời gian qua.

2/ Các cuộc tổng diễn tập của hai phía.

Mấy năm nay các công cụ chuyên chính của Đảng (công an, quân đội…) được đầu tư trang bị, khí tài hiện đại và thường xuyên diễn tập chống bạo loạn phản cách mạng trong cả nước từ cơ sở trở lên. Những diễn biến, hậu quả của ‘chống bạo loạn’, ‘chống khủng bố’ thời gian gần đây cho thấy việc tăng cường trang thiết bị, vũ khí cho lực lượng vũ trang, bán vũ trang, tổng diễn tập… là nhắm vào nhân dân nghèo khổ (cả thị dân và nông dân) do bị áp bức xã hội lâu ngày, giai dẳng mà tự phát tụ tập đứng lên đòi quyền lợi. Những trường hợp bị bắn, bị đánh đến chết trong các cuộc tụ tập đông người đòi quyền lợi hay tại các cơ quan công quyền hay trên đường phố… cho thấy ‘chống bạo loạn’ chính là chống các cuộc đòi quyền lợi chính đáng của người dân (bị khoác cho cái áo ‘thế lực thù địch lợi dụng, xúi giục’, ‘phần tử quá khích’, ‘âm mưu diễn biến hòa bình’, hoặc không có tội thì tạo ra tội…). Có lẽ ngày trước chính quyền đô hộ Pháp bắn giết dân trong các cuộc xuống đường đòi giảm thuế má hay vụ được gọi là Xô-viết Nghệ An … cũng có cùng cách ‘buộc tội’ người dân nhưng với ngôn từ khác?

Trên quan điểm đấu tranh cách mạng thì không chỉ quyền lực cai trị ‘tổng diễn tập’ vì tự thấy ‘trống lưng’, phần tử ‘phản cách mạng’ ngày càng táo tợn mà nhân dân nghèo khổ, bị tước đoạt nhiều quyền lợi căn bản, thiết cốt… cũng ‘tổng diện tập tự phát’ do vì thấy ‘chẳng còn gì để mất’; vụ ‘bạo loạn’ ở Bắc Gang là một dẫn chứng. Hàng ngàn người dân ở Bắc Giang đưa quan tài anh Khương đi khiếu kiện cũng là một cuộc tổng diển tập tự phát đòi công lý và quyền lợi như các cuộc tổng diễn tập tự phát khác trong cả nước (vụ bắn chết 2 người, có một trẻ em ở Thanh Hóa, hay vụ bỏ tù 6 người dân ở Đồng Nai với tội phá hoại trong vụ liên quan đến quy hoạch đất đai và xâm phạm mồ mả tổ tiên người dân… chẳng hạn). Thứ tâm trạng ‘chết là cùng’, ‘tù tội cũng chẳng sao’ của người dân có làm đảng cai trị bận tâm? Thực ra ở cả hai phía cai tri và bị trị đều hành xử theo phương châm “mạnh được yếu thua”, không còn luật lệ, kỷ cương gì nữa.

Đó là tình thế mà những người Mác-xít vẫn gọi là đêm trước…

Để không lâm vào tình thế ‘hôm sau của cuộc cách mạng’ thì đảng cai trị nên làm gì? Tiếp tục ‘thả lỏng’ con quái vật công cụ bạo lực cách mạng, triệt hạ ‘bọn phản động’ và ‘phần tử quá khích’, ‘lợi dụng dân chủ’ làm ‘diễn biến hòa bình’, ‘bạo loạn lật đổ’? Hay thực sự cầu thị nhìn nhận rõ tình hình bê bối và khẩn trương đang diễn ra, nắm đúng nguyên nhân then chốt và chủ động ‘đổi mới’ một lần nữa?

Các cuộc tổng diễn tập cách mạng của Đảng, Nhà nước và các cuộc tổng diễn tập tự phát ‘phản cách mạng’(!?) của người dân bị áp bức thì cái nào là nguyên nhân của cái nào? Chắc chắn là, theo lý luận của Đảng và Nhà nước, do bị các phần tử xấu trong và ngoài nước lợi dụng, xúi bẩy nên người dân kém giác ngộ cách mạng mới có những hành vi quá khích, gây rối, chống phá chính quyền cách mạng. Như vậy, việc người dân đứng lên đòi quyền lợi là nguyên nhân của hành vi trấn áp phản cách mạng của Đảng. Đảng tổng diễn tập chống bạo loạn là do người dân có tư tưởng, hành vi bạo loạn. Về phía người dân thì thế nào? Vì không học hành, bằng cấp gì đáng giá nên lập luận của họ là: con giun xéo lắm cũng quằn, tức nước vỡ bờ, chết vinh hơn sống nhục... Các cuộc khởi nghĩa, cách mạng, hay bắn giết nhân dân - như vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc - xưa nay đều có cùng kịch bản như vậy. Kết cục của các cuộc tổng diễn tập từ hai phía là gì? Tôi tin những ai còn đầu óc tỉnh táo và trái tim còn đỏ máu trong đảng cai trị đã nhìn thấy trước được.

Chỗ cần lưu ý là, ở đây, đảng cai trị đã tự đặt mình về một phía trong hai loại hình “tổng diễn tập” đã nói, nên không thể đứng trên các sự kiện, làm trọng tài phán xét đúng sai. Đảng cai trị là một bên hoặc chính là nguyên nhân phát sinh các sự kiện, biến cố ấy do đường lối, chính sách, chủ trương, công tác cán bộ… có nhiều sai trái, có người nói là phản động, hại nước, hại dân. Công cụ sắc bén là một bộ phận của Đảng, là tay chân của Đảng. Cái đầu cứ đổ tội cho cái tay thì người dân không phục. Phải có người của Đảng đứng ra nhận trách nhiệm và chịu tội với dân, không thể cứ phủi tay đổ vấy cho người khác.

3/ Kiểm soát, giám sát và thay thế.

Trước nguy cơ sụp đổ cận kề, quyền lực cai trị độc tài, tàn ác nào cũng cố sức tìm chỗ đựa bên ngoài, khi thì phía này khi thì phía kia và đưa ra những lập luận áp đặt rất kỳ dị: ‘nhân quyền kiểu Việt Nam’, ‘dân chủ một đảng cũng ưu việt’, tiếp tục chống ‘âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch’ và tăng cường đàn áp dân nghèo bị áp bức đang sống lây lất qua ngày...

Quyền lực cai trị quay như chong chóng, việc đúng không quyết, việc sai không bỏ, dùng dằng nước đôi trong chính sách, đường lối đối nội, đối ngoại như hiện nay thì phải chăng vì lo sợ các ‘thế lực thù địch phản cách mạng’- là người dân Việt Nam bị áp bức, bị lăng nhục, bị tước đoạt đến nỗi ‘không còn gì để mất’? Xét cách làm trong thực tế thì hình như không còn một cách giải thích nào khác cho các kịch bản đã được thực thi.

Từ phía khác trong quyền lực cai trị - là cơ hội duy nhất để quyền lực cai trị và đất nước không phải lâm vào cảnh tan hoang của ‘hôm sau của cuộc cách mạng’- đã có những lời nói, việc làm cho thấy có một bộ phận đảng viên, cán bộ còn có ý chí, ý thức, nhân cách chính trị. Đó là những người đang đòi hỏi phải xây dựng một Hiến pháp mới, đòi hỏi phải kiểm soát gắt gao ‘con quái vật’ quyền lực chính trị đang sổng chuồng, hành động, nói năng luông tuồng không phân được đúng sai, trái phải; đòi phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đòi hỏi phải bảo vệ tính mạng, tài sản, hạnh phúc của người dân...

Tuy thế, theo tôi nghĩ, chỉ kiểm soát quyền lực cai trị không thôi là cần thiết nhưng chưa đủ. Trong một quốc gia dân chủ cần một Hiến pháp dân chủ và một chính quyền (còn gọi là Nhà nước) dân chủ, văn minh. Một chính quyền dân chủ, văn minh là một chính quyền phải được kiểm soát, phải được giám sát và quan trọng là thường xuyên hoặc định kỳ bị thay thế, được làm mới từ trong ra ngoài.

Đó là thành quả đấu tranh với ‘con quái vật nhà nước’ hàng nghìn năm của cả loài người. Dân chủ có đối lập là thành quả xương máu của nhân loại trong hàng nghìn năm đấu tranh, không phải là âm mưu diễn biến hòa bình của ai cả.

(Một ông Phó thủ tướng nói trên diễn đàn Quốc hội, đại ý trừng trị sai trái thì không có người thay thế. Dư luận xã hội thì nói: đảng cai trị không có người thay thế nhưng xã hội Việt Nam thì có sẵn người thay thế. Dư luận xã hội nói đúng nhưng lại phạm vảo tội ‘khi quân phạm thượng, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ’).

Lời cuối dành cho vụ anh Nguyễn thế Nghiệp, Thiếu úy công an làm chết người ở Bắc Giang. Nghĩ cho cùng anh ta cũng chỉ là nạn nhân - được ‘tôn vinh’ là công cụ sắc bén - của cái cơ chế ‘còn đảng, còn công an - còn công an, còn đảng’ anh ta tự thấy mình có quyền nắm trong tay mạng sống người khác, cộng thêm trình độ quá thấp kém về nhiều mặt - ở đây chú ý đến mặt phẩm chất người - của hầu hết cán bộ viên chức do Đảng đào tạo mà anh ta chỉ là một trong số đó (hiện tượng bằng dỏm là chứng cớ rõ nhất) đã khiến anh ta trở thành kẻ giết người như một bản năng thú tính. Thời trước, khi vua Lê-chúa Trịnh sụp đổ, nông dân các làng ở Bắc Bộ tìm bắt và giết chết những ai nói giọng Thanh Nghệ . Thủ phạm làm cho nhân dân Bắc Hà điêu linh, thống khổ là chế độ vua Lê chúa Trịnh, đám kiêu binh Thanh Nghệ càn rỡ giết người không ghê tay thực ra chỉ là công cụ, một loại công cụ thất học mà thôi, thật là oan khiên.

Ở tầm cao của Nhà nước, đảng cai trị phải chịu trách nhiệm về những cái chết oan khuất, nỗi thống khổ của người dân hay ‘công cụ sắc bén’ phải nhận thay nỗi căm hận của người dân? Đổ vấy trách nhiệm cho tay chân – là công cụ thì lãnh đạo của quyền lực cai trị có còn nhân cách, nhân tính? Bộ máy cai trị thiếu nhân cách, ít nhân tính hay ‘thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình’ là nguyên nhân của các cuộc ‘tổng diễn tập tự phát’ của người dân trong cả nước?

Thiết tưởng những người còn lý trí tỉnh táo nhất trong Đảng hãy kịp thời nhìn nhận thời cuộc thật sáng suốt để tránh một viễn ảnh mà những ai có lương tri đều lường thấy với tất cả lo lắng.

TMT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn