Bài toán môi trường cho hồ bùn đỏ Tây Nguyên: chưa giải được

Luật gia Trần Đình Thu

image  Tôi trước đây đã tốt nghiệp hệ chính quy ngành Địa chất thuộc Khoa Địa lý – Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Huế vào năm 1989; thời kỳ làm báo từ 1995 – 2000 có viết về mảng xử lý chất thải. Tuy nay chuyển qua làm văn nghệ, đã lâu không làm chuyên môn địa chất nữa, nhưng có thể tranh luận được những vấn đề tổng quát. Tôi đã viết một bài trên báo chính thống nhưng chưa đăng được. Vì vậy qua web site bác Trần Nhương, tôi xin trao đổi ở góc độ an toàn cho môi trường với mục đích là đóng góp tiếng nói phản biện với dự án bauxite Tây Nguyên.

1. CHỐNG ĐỘNG ĐẤT 9 ĐỘ RICHTER – MỘT SỰ NGỤY BIỆN 

Vừa, qua khi dư luận xôn xao về sự cố bùn đỏ Hungary, có lẽ để trấn an dư luận nên chính phủ yêu cầu Bộ Công thương phải đặt vấn đề nâng độ an toàn thiết kế của các hồ chưa bùn đỏ lên cao.  Yêu cầu của chính phủ là chính đáng, thể hiện sự quan tâm đến môi trường.
Theo thông tin trước đó, các hồ này đã được thiết kế chống động đất ở mức độ 7 độ Richter. Khi chính phủ yêu cầu, lãnh đạo Bộ Công thương sau mấy ngày đã tuyên bố đã nâng thiết kế từ 7 độ lên 9 độ Richter. Tôi thấy có có 2 điều cần nói lại với quý lãnh đạo Bộ Công thương như sau:

a/ Thiết kế chống động đất cấp lớn, không phải muốn nâng là nâng cái ào như nâng nền nhà từ 7 tấc lên 9 tấc. Nó đòi hỏi một sự tính toán cẩn thận, tỷ mỉ, với sự cộng tác của nhiều chuyên gia về địa chất công trình, xây dựng, kiến trúc, sức bền vật liệu… và đặc biệt phải đỏi hỏi thời gian khá dài mới làm xong. Chính phủ mới yêu cầu bữa trước bữa sau đã làm xong thì, một là anh thần thánh, hai là anh nói cuội.

 

b/ Khi lãnh đạo Bộ Công thương tuyên bố chúng tôi đã nâng lên cấp 9, tôi cho rằng đó là một phát biểu dối trá. Trong thang độ Richter, cấp 9 là cấp kinh hoàng, mức độ của nó là gây ra thảm họa trên một vùng rộng lớn hàng trăm ki lô mét vuông (cấp 10 dẫn đến ngày tận thế, hủy diệt toàn cầu). Nó có thể làm sụp núi, biến dạng địa hình, mặt đất nứt toác ra. Với cấp này, hầu như không có công trình nhân tạo nào tồn tại nổi. Làm sao quý vị có thể thiết kế kháng động đất cấp 9 chỉ trong mấy ngày?

Tôi điểm lại vài trận động đất lớn để quý lãnh đạo Bộ thấy rõ:
+ Trận động đất mạnh 9,2 độ Richter ngày 26/12/2004, làm rung chuyển đáy biển Ấn Độ Dương, tạo ra sức mạnh tương đương 23.000 quả bom nguyên tử. Nó tạo ra với những con sóng khổng lồ cao 15 m, tràn vào bờ biển của 11 nước trong đó Thái Lan bị thiệt hại nặng nề mà hẳn quý vị còn nhớ. Con số thiệt mạng chính thức được báo cáo là gần 227.900 người. Đây là do xảy ra ở dưới đáy sâu đại dương, nếu xảy ra trên cạn thì không thể tưởng tượng nổi.
+ Trận động đất mạnh chỉ mới 7,8 độ Richter năm 1920 tại Haiyuan, Ninh Hạ, Trung Quốc mà đã làm các con sông đổi dòng chảy và một loạt núi sụp đổ. Sự tàn phá xảy ra đồng loạt trên 7 tỉnh Trung Quốc. Ước tính 200.000 người thiệt mạng.

Như vậy để quý lãnh đạo Bộ Công thương hình dung ra mức độ của động đất theo các cấp. Tôi xin hỏi, tác giả nào hứa thiết kế chống động đất 9 độ Richter với lãnh đạo Bộ Công thương, có dám đứng ra công khai với công luận không? 

Thật ra ở Tây Nguyên khó lòng xảy ra động đất 9 độ Richter. Các nghiên cứu địa chất đã chỉ ra có thể chỉ từ 7 độ Richter trở lại. Nhưng tôi muốn phân tích để mọi người thấy rõ, đã nói dối cái này được thì nói dối cái khác được. Vì vậy chúng ta cũng khó tin rằng hồ chứa bùn đỏ Tây Nguyên kháng được động đất 7 độ Richter. Vì các vị nói lấy được ngày hôm nay, hàng chục năm sau mới xảy ra động đất. Khi đó quý vị đã về hưu hết rồi, còn ai ngồi đó mà chịu trách nhiệm? Cho nên ở đây đòi hỏi sự thành thật, vì đất nước này, sông núi này là của chúng ta, của tôi, của quý vị, của con cháu quý vị. Đừng nên nói lấy được, đừng lừa dối Đảng, Nhà nước, Quốc hội, lừa dối Nhân dân.

2. NƯỚC MƯA, NƯỚC THẢI NHIỄM ĐỘC CHẢY ĐI ĐÂU SAO KHÔNG THẤY NHẮC ĐẾN?   

Trong các công trình xử lý chất thải, vấn đề nan giải nhất là xử lý nước mưa. Với một công trình khổng lồ đến 250 ha thì không thể làm mái che. Ngay một bãi rác của thành phố vài ha đã không làm nổi mái che rồi. Mặt khác, các hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên hiện nay do nằm trong vùng trũng nên nó còn nhận nước mưa ở nơi khác tràn về. Lượng nước sẽ rất lớn. Tôi không thấy công bố lượng nước tràn vào các hồ chứa mỗi năm là bao nhiêu. Nước này sẽ “chiết” các hóa chất độc hại trong bùn đỏ mà nhiều nhất là xút tàn dư, sẽ chảy đi đâu sao không thấy nói đến?

Tôi cho rằng, quý vị đang tính chuyện để cho nó chảy tràn ra sông suối, hòa vào 2 hệ thống sông Đồng Nai và Mê Kông để xuống phía hạ lưu, hủy diệt hàng loạt vùng đất phía Nam. Đó là điều chắc chắn xảy ra.

Ngoài nước mưa, thì lượng nước sản xuất khổng lồ cũng chứa đầy xút và các hóa chất độc hại khác cũng chảy ra sông suối mà thôi. Chứ nó biết chảy đi đâu?

3. CÁC TẦNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT CHẮC CHẮN BỊ NHIỄM BẨN

Trước hết tôi xin khẳng định ngay từ đầu, nước dưới đất cũng được coi là tài nguyên thiên nhiên. Bây giờ tôi không nói đến động đất 9 độ Richter thuộc loại “khoa học viễn tưởng” của quý vị Bộ Công thương nữa, tôi chỉ nói từ 7 độ trở xuống thôi. Và tôi giả định rằng quý vị đã thiết kế các bờ bao tốt để nó không bị vỡ làm tràn bùn đỏ ra môi trường, tôi xin nêu 2 vấn đề sau đây:

+ Động đất khoảng 7 độ Richter, có thể gây sụt lún, nứt nẻ đáy hồ, quý vị xử lý thế nào?
+ Động đất nhỏ hơn 7 độ, sự rung chuyển có thể làm đứt các lớp vải kỹ thuật chống thấm lót đáy hồ, quý vị xử lý thế nào?

Tôi cho rằng quý vị khó lòng xử lý được ô nhiễm các tầng nước dưới đất trong trường hợp nêu trên.
4. KHÔNG CẦN ĐỘNG ĐẤT, KHÔNG CẦN THỜI TIẾT BẤT THƯỜNG, MÔI TRƯỜNG VẪN BỊ HỦY HOẠI

Nói động đất cấp này cấp nọ là nói cho hết ý. Tôi cho rằng trong điều kiện bình thường nhất, không cần động đất, không cần mưa bão lớn, thì hàng triệu mét khối nước chứa đầy xút và các hóa chất độc hại khác mỗi năm sẽ hủy diệt tôm cá, thực vật thủy sinh trên hai hệ thống sông Đồng Nai và Mê Kông, biến các vùng đất ven sông thành đất chết trong tương lai gần.

Tôi mong quý vị lãnh đạo Bộ Công thương hãy bình tâm mà xem xét.

T. Đ. T.

Nguồn: TrannhuongBlog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn