Khai thác tài nguyên thiên nhiên đất nước ai hưởng lợi?

Thái Bình

Bài viết của bạn Thái Bình đăng dưới đây làm ta nhớ đến một mẩu chuyện trong cuốn Việt Nam vong quốc s của Phan Bội Châu. Nhà chí sĩ họ Phan kể rằng khi người Pháp xâm lược nước ta có dụ dỗ nhân dân một vùng kia... bán trời cho họ. Dân chúng đói khổ quá đành phải cùng nhau thuận tình bán. Nhưng tiền thu được thì rẻ mạt, chỉ trong vài bữa đã hết veo, trong khi đám thực dân cáo già lợi dụng ngay chuyện ấy và đề ra một loại thuế gọi là thuế “khoảng không”, hễ ai đi ra khỏi nhà là xâm phạm vào “trời” của Đại Pháp và buộc phải trả thuế. Tất nhiên ngoài thuế khoảng không ra thì cụ Phan còn nói đến thuế... nhà xí “Thuế đinh, thuế thổ, thuế chồ mà đi” Thật cơ khổ cho người dân mất nước.

Ấy vậy mà bây giờ độc lập rồi nhưng kinh tế lại đang lao dốc, mọi nguồn thu đều không đủ cung cho những cái bao tử của đám quan tham. Vì thế, cho đến hiện nay các vị đang cầm chịch đất nước đã tính gần hết mọi thứ phí, kể cả phí rút ATM và gần đây nhất là cho đồng chí Đinh La Hét ban hành phí đường bộ dù đường chưa làm đã hỏng. Chắc chắn chỉ còn hai thứ phí duy nhất là phí không khí và phí... nhà chồ. Xin bà con hãy chuẩn bị trước đi thì vừa.

Bauxite Việt Nam

Việt Nam ta tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, một số tài nguyên trữ lượng tương đối lớn như dầu khí, quặng sắt, quặng nhôm, than đá, đất đai, rừng, biển...

Những năm qua ta đã khai thác được rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, ví dụ mỗi năm khai thác hơn chục triệu tấn dầu mỏ cùng hàng chục tỷ m3 khí đốt, vài chục triệu tấn than, về thuỷ điện khai thác hàng ngàn tỷ m3 nước làm ra hàng chục tỷ kwh điện... góp phần rất lớn tăng trưởng GDP hàng năm và đóng góp nhiều ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước.

1/Dầu và khí đốt

- Với sản lượng dầu thô khai thác được hàng năm quy ra thành phẩm xăng và dầu ta có thể gần đủ cho nhu cầu trong nước.

- Sản lượng khí khai thác sau khi phục vụ các nhà máy sản xuất điện thì còn lượng lớn khí được hoá lỏng phục vụ sản xuất công nghiệp và dân sinh gần đủ nhu cầu trong nước.

2/Than đá

-Với sản lượng một năm trên 40 triệu tấn, sử dụng trong nước không hết, xuất khẩu hàng chục triệu tấn năm.

3/Thuỷ điện

Sản lượng điện sản xuất và tiêu dùng có tỷ trọng trên 1/3 từ thuỷ điện, (với sản lượng trên dưới 100tỷ Kwh mỗi năm) thì lợi tức thu được từ thuỷ điện và nhiệt điện từ khí thiên nhiên rất lớn.

4/Đất đai

Đất đai cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước mỗi năm vài chục ngàn tỷ đồng từ tiền cho thuê đất và đấu giá đất xây dựng nhà ở các đô thị.

Và rất nhiều tài nguyên thiên nhiên khác như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm...

Lợi tức thu được từ khai thác tài nguyên thiên nhiên rơi vào túi ai?

Thứ nhất, các doanh nghiệp trực tiếp khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lương và thưởng của các quan chức và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp dầu khí, điện... cao ngất, có thể cao gấp nhiều lần so với người lao động trong các lĩnh vực khác. Theo Mác đây là khoản địa tô chênh lệch chứ không phải lợi nhuận do các doanh nghiệp làm ra, nhưng phân phối rất bất công.

Thứ hai, nộp ngân sách Nhà nước, mỗi năm lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên có thể nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tiền thu nhiều như thế nhưng với bộ máy quản lý Nhà nước quá cồng kềnh, rất lãng phí, tham nhũng, thất thoát nhiều nên hiệu quả rất thấp. Điển hình các Tập đoàn kinh tế nhà nước sử dụng vốn kém hiệu quả và thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng như Vinashin, Vinalines...; các Ngân hàng quốc doanh tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh mấy năm qua, khả năng thu hồi nợ rất khó khăn.

Thứ ba, người dân được hưởng lợi gì từ khai thác tài nguyên thiên nhiên? Có thể khẳng định người dân được hưởng lợi rất ít trong số tiền lợi tức khổng lồ khai thác tài nguyên thiên nhiên.

a/Gi gỉ gì gi cái gì cũng phải trả tiền

- Đi khám chữa bệnh (trừ trẻ em ≤ 6 tuổi)

- Đi học

- Đi công viên vui chơi giải trí

- Đi lại, người dân khi mua sắm phương tiện đã cõng đủ các loại thuế phí, mua xăng dầu cõng tương tự như sắm phương tiện, khi lưu thông trên đường cũng đủ loại các phí chính danh và không chính danh.

- Mua nhà, ngoài tiền vật liệu và nhân công, người mua phải trả tiền sử dụng đất nộp ngân sách thông qua chủ đầu tư.

- Thậm chí đi vệ sinh ở các thành phố lớn.

v.v.

Duy nhất hiện nay chỉ không khí người dân chưa phải trả tiền, nhưng rất ô nhiễm đặc biệt các thành phố lớn nồng độ các chất độc hại cao hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép. Chưa biết vào một ngày đẹp trời một Bộ chức năng dự thảo thu phí sử dụng không khí. Tôi thiển cận, bác nào biết có cái gì ngoài không khí chưa phải trả tiền mách giùm xin cảm ơn.

b/Gi gỉ gì gi cái gì cũng bằng và cao hơn giá thế giới

- Ôtô con các loại cao hơn giá gốc gần 3 lần

- Giá xăng dầu có lúc ngang Mỹ (thu nhập BQ đầu người Mỹ gấp ta mấy chục lần)

- Thuốc chữa bệnh

- Giá điện, chúng ta biết, trước hai ngày nhà máy thuỷ điện lớn nhất (theo truyền thông nhà nước) Đông Nam Á (Sơn La) rùm beng (có Thủ tướng,cựu TBT tham dự) làm lễ khánh thành thì giá điện tăng. Mà theo lẽ thông thường phải giảm vì giá thành thuỷ điện thấp hơn giá thành nhiệt điện.

- Giá gas

- Giá nhà đất

- Giá phân bón

v. v.

Công bằng thì nhà nước cũng bỏ tiền đầu tư một số trường học, bệnh viện, một số công trình giao thông nhỏ (đa số công trình giao thông là vốn vay), mua sắm một số vũ khí bảo vệ Tổ quốc..., nhưng tỷ trọng đầu tư này không lớn so với tổng thu ngân sách.

Đến lúc Quốc hội phải có luật về tổng thu ngân sách, trong đó quy định tối đa tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên. Nếu không quy định thì tương lai gần tài nguyên thiên nhiên của ta cạn kiệt, con cháu chúng ta không còn tài nguyên. Đặc biệt tài nguyên đất; hiện rất nhiều diện tích đất nông nghiệp được xếp vào hạng “bờ xôi, ruộng mật” thu hồi xong để cỏ mọc, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp thấp; đất thu hồi xây nhà ở, hiện rất nhiều khu biệt thư xây xong cách đây khá lâu không có người ở, gây lãng phí vốn đầu tư và đất nông nghiệp. Để công bằng phải khống chế mức lương thưởng của các doanh nghiệp trực tiếp khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Hà Nội ngày 10/01/2013

T.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn