Sáp nhập tỉnh thành có ảnh hưởng đến cơ cấu ủy viên trung ương Đảng?

BBC

Sau khi sắp xếp bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như các chính quyền địa phương, Đảng lại tính đến vấn đề sáp nhập tỉnh thành.

Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Buổi sáng 19/2, Quốc hội kết thúc kỳ họp bất thường lần thứ 9 về vấn đề tinh gọn bộ máy. 

Buổi chiều hôm đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú xuất hiện trên truyền thông trong vai trò người ký ban hành Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị - Ban Bí thư, yêu cầu nghiên cứu bỏ cấp huyện và sáp nhập một số tỉnh thành và bỏ cơ quan cấp huyện.

Một lần nữa, bộ máy chính quyền địa phương lại đứng trước sự thay đổi lớn.

Đổi mới và sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn đã được Đảng đưa ra từ tháng 10/2017 theo Nghị quyết 18, tuy nhiên kể từ khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng, vấn đề này được đẩy lên một tầm cao mới với tên gọi cuộc "cách mạng tinh gọn".

Ngay sau khi sắp xếp bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như các chính quyền địa phương, Đảng bắt tay vào vấn đề sáp nhập tỉnh thành và bỏ cơ quan trung gian cấp huyện.

Con số 63 tỉnh thành hiện tại sắp tới sẽ giảm đáng kể khi Đảng tiếp tục tinh gọn bộ máy. 

Điều này liệu có ảnh hưởng đến cơ cấu số lượng ủy viên trung ương Đảng khi Đại hội 14 sẽ được tổ chức vào đầu năm tới?

Tiêu chí nào cho sáp nhập tỉnh thành?

Ngày 13/2, ông Tô Lâm, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, trong buổi thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội đã đưa ra một so sánh rằng Trung Quốc có diện tích lớn, dân số đông nhưng con số tỉnh lại ít hơn Việt Nam.

"Có ý kiến còn bảo Trung Quốc diện tích lớn, dân đông thế mà số tỉnh, thành ít hơn ta. Mình diện tích, dân số cũng thua mà có đến 63 tỉnh, thành phố. Chúng tôi nói là việc này cũng phải nghiên cứu...", ông Tô Lâm nói, theo truyền thông trong nước.

Đại biểu Tô Lâm đang là Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng, vì thế lời nói của ông thường được coi là một chủ trương.

Nghị trình của kỳ họp bất thường Quốc hội lần này không có nội dung về sáp nhập tỉnh. 

Nhưng sau phát biểu của ông Tô Lâm, Đảng đã chính thức yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Kể từ tháng 8/2008, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đến nay Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đầu năm nay, khi Huế "lên trung ương", Việt Nam chính thức có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.

Con số này sắp tới sẽ thay đổi. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ các tỉnh thành nào sẽ được sáp nhập.

Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 1211/2016 đưa ra tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính. Đến năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 đã sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết 27/2022.

Theo đó, các tỉnh thành phải đảm bảo ba tiêu chí gồm quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện. 

Cụ thể, các tỉnh miền núi, vùng cao phải có dân số từ 900.000, diện tích 8.000 km2 trong khi các tỉnh thành còn lại phải có dân số ít nhất là 1,4 triệu và diện tích 5.000 km2 trở lên. 

Đồng thời, tỉnh thành phải có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.

Theo Tổng cục Thống kê, xét theo các tiêu chí này, hiện tại có 21 tỉnh thành không đáp ứng được tiêu chuẩn cả về diện tích lẫn dân số, trong đó 8 tỉnh miền núi và 13 tỉnh không phải miền núi. 

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, 10 tỉnh dân số ít nhất là Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang, chỉ dao động từ 314.000 – 733.000 người.

Về diện tích tự nhiên, 10 địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước là: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình.

Chính phủ trong năm 2022 cũng đã đưa ra một chương trình hành động về việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong đó nêu vấn đề "nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương".

Cuối năm 2024, khi cuộc "cách mạng tinh gọn" về sắp xếp bộ máy được phát động, dư luận dấy lên nhiều thông tin các tỉnh thành được sáp nhập, đổi tên.

Tuy nhiên, ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết "Trước mắt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành ngay".

Khi chuyện "trước mắt" đã thực hiện xong, việc sáp nhập tỉnh thành đang được chuẩn bị triển khai.

Bao nhiêu tỉnh thành là phù hợp?

Theo giáo sư Trần Ngọc Đường, việc sáp nhập tỉnh là "phù hợp", và việc thực hiện trước Đại hội 14 của Đảng cũng là "thời điểm chín muồi".

Hàng loạt tờ báo đưa tin về cuộc trao đổi với ông Đường, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, rằng "phải làm từng bước".

Cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận việc nghiên cứu sáp nhập tỉnh là "tất yếu", theo báo chí trong nước đưa tin ngày 20/2.

Theo ông Dĩnh, việc sáp nhập không chỉ nên dựa vào ba tiêu chí nói trên mà còn cần tính đến "những yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử", theo báo Thanh Niên

Một trong những câu hỏi được đặt ra là số lượng các tỉnh thành sau sáp nhập bao nhiêu là phù hợp. 

Theo giáo sư Đường, "trước đây có thời kỳ chúng ta chỉ có 38 tỉnh, thành thôi nhưng có thể sẽ còn gom nhỏ hơn nữa để tạo ra vùng có thế mạnh liên kết với nhau".

Trong khi đó ông Dĩnh cho rằng "trở về con số như cũ, 35 đến 38 tỉnh, thành là phù hợp".

38 tỉnh thành là con số địa phương của Việt Nam thời điểm năm 1976.

1975: Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong đó miền Bắc là 25 và miền Nam 47.

Việc sáp nhập được tiến hành năm 1976, số lượng giảm còn 38.

1978, tỉnh Cao Lạng tách thành Cao Bằng và Lạng Sơn, con số tỉnh/thành lên 39.

Một năm sau, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập, tương đương cấp tỉnh, nâng con số lên 40.

1989, Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh, trong khi Nghĩa Bình tách làm đôi, và tương tự là Phú Khánh. Con số tỉnh thành lúc này là 44.

1991, hàng loạt tỉnh lại tiếp tục được chia tách. Hà Tây và Hòa Bình tách ra từ Hà Sơn Bình, cùng lúc Nghệ Tĩnh chia thành Nghệ An và Hà Tĩnh, còn Hà Nam Ninh trở thành Nam Hà và Ninh Bình.

Hoàng Liên Sơn thành Lào Cai và Yên Bái, Hà Tuyên thành Hà Giang và Tuyên Quang, Gia Lai và Kon Tum cũng thành hai tỉnh.

Thuận Hải mất tên trên bản đồ để thành Ninh Thuận và Bình Thuận, tương tự là Cửu Long thành Trà Vinh và Vĩnh Long, còn Hậu Giang lại chia thành Cần Thơ và Sóc Trăng. 

Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được giải thể, nhưng thay vào đó là một tỉnh mới thành lập: Bà Rịa - Vũng Tàu.

Con số đơn vị hành chính cấp tỉnh lúc này là 53.

1997, một loạt các tỉnh khác tiếp tục chia tách. Bắc Thái tách đôi thành Bắc Kạn và Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh hình thành từ Hà Bắc. Tỉnh Nam Hà lại tiếp tục chia nhỏ hơn nữa khi thành Nam Định và Hà Nam. Hưng Yên và Hải Hưng hình thành từ Hải Hưng.

Tổng cộng con số đã lên 61.

2004, thêm ba tỉnh mới lại hình thành nâng số tỉnh thành lên 64. Hậu Giang tách ra từ Cần Thơ trong khi đó Đắc Nông rời khỏi Đắc Lắk còn Điện Biên lìa khỏi Lai Châu.

2008, Hà Tây về Hà Nội để hình thành con số 63 tỉnh thành cho đến hiện nay.

Số lượng ủy viên trung ương có giảm?

Chụp lại hình ảnh, Một lễ hội tại Bắc Ninh - nơi từng được sáp nhập với Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc, sau đó lại được tách ra, trở lại thành tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang như cũNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Một câu hỏi được đặt ra: Với sự thay đổi trong bộ máy chính quyền trung ương, và sắp tới là sáp nhập các địa phương, số lượng ủy viên trung ương Đảng có thay đổi hay không?

Trong ba nhiệm kỳ gần đây, với 63 tỉnh thành, 22 bộ ngành, cơ cấu ủy viên trung ương Đảng là 200, gồm cả chính thức lẫn dự khuyết.

Các ủy viên trung ương này sẽ là lãnh đạo ở các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan của Đảng và Quốc hội.

"Nếu không còn 63 tỉnh thành nữa thì việc cơ cấu ủy viên trung ương, bố trí lãnh đạo cũng sẽ khác. Có thể theo tiêu chí địa bàn, lĩnh vực, ngành nghề", báo Pháp luật TP HCM dẫn lời Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim.

Cũng theo ông Kim, việc sáp nhập tỉnh có thể chia thành bảy vùng và một số thành phố lớn, khu vực đặc biệt trực thuộc trung ương. 

Tổng cộng, ông Kim cho rằng "chỉ cần hơn 10 vùng là được", và "một vùng có vài ba ủy viên Trung ương. Rồi ngành, lĩnh vực cũng nên có ủy viên trung ương. Lãnh đạo chính trị đương nhiên phải có những lãnh đạo là ủy viên trung ương ngành chè, ngành boxit… rất cần thiết. Nếu là ủy viên trung ương thì có thể trực tiếp làm, triển khai, không phải đi báo cáo nhiều lần", vị Đại biểu đoàn Nam Định nói.

Trên thực tế, công cuộc "đốt lò" mà Đảng thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giúp "tinh giản" một số lượng rất lớn các ủy viên trung ương.

Tháng 1/2021, Đại hội 13 bầu ra ban chấp hành có 200 ủy viên, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 dự khuyết.

Đến tháng 1/2025, con số này giảm 16%, chỉ còn 168, trong đó 29 ủy viên bị kỷ luật, thôi chức, và 3 người đã mất.

Những vấn đề bất cập

Ngay sau khi Đảng công bố định hướng sáp nhập các địa phương, truyền thông trong nước đồng loạt đăng bài của Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng đây là "thời điểm chín muồi", và có thể "tạo ra động lực phát triển".

Vị cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng tinh giản bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là vấn đề liên quan trực tiếp của con người, rất phức tạp, do đó "phải làm bài bản, chuẩn bị công phu, cộng với quyết tâm rất lớn".

Nhưng các cuộc sáp nhập sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về tổ chức, nhân sự, và đặc biệt là việc thay đổi địa giới hành chính kéo theo việc cấp lại giấy tờ như căn cước công dân, hộ khẩu, giấy phép kinh doanh, gây tốn kém và mất thời gian.

Chẳng hạn, những ai sinh sống ở Hậu Giang từ năm 1975 đến nay hẵn sẽ chứng kiến nhiều lần đổi giấy tờ.

Năm 1975, Hậu Giang hiện tại thuộc tỉnh Cần Thơ. Đến 1976, tỉnh Cần Thơ nhập với thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng để thành tỉnh Hậu Giang. Đến năm 1991, tỉnh Hậu Giang lại chia đôi thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, với phần Hậu Giang lại trở về tỉnh Cần Thơ. Tháng 11/2003, tỉnh này lại chia một lần nữa, trong khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, phần còn lại là Hậu Giang hiện tại. 

Với diện tích chỉ 1.600 km vuông, dân số khoảng 733.000 người, Hậu Giang không đáp ứng được hai tiêu chí về diện tích lẫn dân số, do vậy địa phương này rất có thể một lần nữa lại đứng trước cuộc sáp nhập.

Không chỉ thế, việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, chính sách và quy hoạch cũng thay đổi theo khiến cho các dự án bất động sản như Lê Trọng Tấn - Geleximco bị chậm lại và trì hoãn kéo dài do phải rà soát và điều chỉnh để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030.

Hàng loạt các dự án bất động sản bị treo, hoặc bỏ hoang, là hệ quả của chính sách đó.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn