Những tín hiệu đáng lo từ thị trường tiêu dùng 2025

Vũ Kim Hạnh

Ba ngày qua mình đi công việc gia đình, Sài n-Hà Nội-Lào Cai-Sapa-Hà Nội, mới về Sài Gòn tối qua. Nhưng hàng tuần, nhóm chuyên gia thị trường BSA vẫn gặp nhau. Và đây là vài nét chính họ trao đổi với nhau…

Mức tăng trưởng kỳ vọng 8% được chính phủ đặt quyết tâm đã mang đến những tín hiệu lạc quan về 2025. Tuy nhiên nhìn qua thực tế tiêu dùng của xã hội, thì hiện đang có những tín hiệu khá là đáng lo. Trong cơ cấu GDRP, tiêu dùng vẫn là trụ cột quan trọng, thước đo chính xác cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm.

Mời các bạn đang sản xuất-kinh doanh xem qua các tín hiệu được bạn trưởng nhóm Phạm Trng Chinh ghi nhận và xin góp những ý kiến khác…

1. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 9 năm trước

Lâu nay để đánh giá được dự báo tăng trưởng của tình hình tiêu dùng cho năm mới, người ta thường căn cứ vào các mốc sự kiện mua sắm. Từ đó sẽ đánh giá được sức mua, thực tế khả năng chi trả cũng như mức độ lạc quan của người tiêu dùng. Trong một bài viết trước đây chúng tôi cũng từng đề cập đến các mốc sự kiện này là: (1) – Tháng 9 khuyến mãi; (2) Dịp Halloween; (3) Dịp mua sắm cuối năm tháng 12; (4) Tết (để dự báo Tết thì cũng dựa vào 3 sự kiện trước đó).

Và thực tế là cả 4 mốc tiêu dùng này, vừa rồi đều rơi vào trạng thái u ám. Một tháng khuyến mãi buồn nhất, ít sôi động nhất trong nhiều năm, thậm chí không khác gì những tháng bình thường. Kế đến là một mùa Halloween mà người ta chưa bao giờ thấy không khí trầm lắng đến thế, lực lượng GenZ năm nay có vẻ thờ ơ trong physical shopping (mua sắm thực tế), chỉ chú trọng vào các hoạt động Halloween ảo. Các nhà làm nội dung tại Việt Nam trong mùa Halloween vừa rồi nở nụ cười khi họ khá thành công trong việc tạo ra lượng tương tác mạnh trên môi trường online, nhưng những cửa hàng bán các sản phẩm tiêu dùng ăn theo offline lại có một mùa méo mặt. Kế đó hết tháng 11, các doanh nghiệp sau 11 tháng làm ăn chật vật, hầu như đều đánh cược cho một tháng 12 khởi sắc, quyết tâm “hốt cú chót” để rửa mặt với ban lãnh đạo. Kết quả là cuối tháng 12, đầu tháng 1 dân trong nghề phải dùng một từ không ai muốn nhắc đến “tồn kho như núi”. 

Với tình hình như vậy thì lúc này không ai đủ lạc quan đến tin vào một mùa Tết sôi động nữa cả. Sự thật thì y chang như thế. Mặc dầu ai cũng hy vọng sẽ có bất ngờ, biết đâu đấy người tiêu dùng để dành tiền không mua tháng 12 để cho Tết Ất Tỵ thì sao. Kết quả là chẳng có bất ngờ nào hết, ế từ chợ đến siêu thị, ra cả chợ bông. Một mùa Tết buồn. 

2. Chuyện tồn kho hàng Tết khắp nơi

Hệ quả của chuyện này, không gì khác là tồn kho cao. Thông tin đánh giá sơ lược cho thấy hàng tồn kho tiêu dùng trên thị trường có thể nói là cao nhất trong các năm. Dân bán hàng lo nhất cái này khi những sản phẩm dán nhãn, bao bì Tết tồn quá nhiều, tạo áp lực khủng khiếp sau Tết. Và dân trong nghề kể nhau nghe câu chuyện xảy ra âm thầm trong năm nay: rất nhiều doanh nghiệp quan sát thấy sản lượng hàng Tết bán kém, hầu như không hẹn mà gặp đã có những giảm giá, khuyến mãi mạnh tay hơn từ khoảng 10 ngày trước Tết nhưng không ăn thua. Mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1 ở nhiều sản phẩm mà trước đây chẳng bao giờ có thì nay nhan nhản. Khổ nhất là tại các chợ, sau Tết hầu hết các tiểu thương đều rơi vào cảnh tồn kho hàng Tết nhiều mà không bán được như hàng thường. Người Việt Nam mình dù biết là hàng Tết trong ruột cũng không khác hàng thường nhưng họ cũng không chịu mua, cái gì qua rồi là qua luôn, sự “quyết liệt” này của họ khiến tiểu thương âu sầu ôm cục lỗ. Đến lúc này người ta phải cùng nhau công nhận Tết năm nay sức tiêu dùng thật sự yếu.

Giám đốc một công ty thực phẩm trong nhóm chuyên gia chúng tôi (xin được giấu tên): lần đầu tiên sau rất nhiều năm, ngành hàng thịt lạnh tăng trưởng âm trong mùa Tết, điều mà dù bi quan đi nữa cũng chưa từng nghĩ tới.

3. Sự vắng vẻ đáng ngạc nhiên của các điểm bán… sau Tết

Một giám đốc hệ thống siêu thị lớn dù oải lắm với doanh số Tết năm nay nhưng cũng nói cứng với tôi dịp Tất Niên: Tết này đã khác Tết xưa, không còn cảnh mua hàng đầy nhà như xưa nữa, nên bù lại sau Tết tình hình tiêu dùng bình thường sẽ nhanh chóng quay lại thôi. Bước vào 10 ngày cuối tháng 2, sau lễ Valentine, tôi tham vấn anh tình hình ra sao. Ảnh thở dài, dài còn hơn cầu Sài Gòn: sao mà nó vắng vẻ quá anh ơi, người tiêu dùng đi đâu hết rồi không biết. Tôi bị bất ngờ quá. 

Đâu phải anh bất ngờ, nhiều “cao thủ bán hàng” kinh nghiệm dạn dày cũng đã thở dài như anh. Nhiều anh chị em còn nói: Thôi, không dám dự đoán nữa. Mấy ngày trước báo Tuổi Trẻ cũng có một bài viết dài, điểm lại tình hình mua sắm ế ẩm sau Tết khắp nơi. Và cũng cùng chung nhận định chưa bao giờ quý 1 hằng nao mà tình hình mua sắm ế ẩm đến vậy. Tháng 1, tháng 2 coi như đã định rồi, tháng 3 cũng không có nhiều sự lạc quan. Nếu lấy “nguyên lý”: Tết ổn, quý 1 ổn, quý 1 ổn thì 6 tháng đầu năm ngon, mà 6 tháng đầu năm ngon thì cả năm không lo, để mà suy luận thì 2025 có lẽ nên khó có sự lạc quan nhiều.

4. Hiệu ứng giảm người, mất việc chưa bao giờ nhiều đến vậy

Có nhiều lý do dẫn đến sự thận trọng sau đó là việc thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Trong đó thấy rõ nhất hiện nay chính là sự lo lắng việc việc làm, thu nhập trong bối cảnh tình hình vấn đề người lao động mất việc không còn là hiệu ứng truyền thông nữa mà là chuyện đã và đang diễn ra khắp nơi. Mỗi ngày mở các trang tin điện tử, có lẽ không trang nào không nhắc đến việc đang có hàng trăm ngàn người đã và đang thuộc diện tinh giản biên chế từ khối hành chính công. Kế đó là những con số hoàn toàn thực từ các báo cáo tài chính của hàng nghìn công ty công bố sau khi kết thúc quý 4 về số lao động bị cắt giảm. Không chỉ là lĩnh vực nhiều thách thức và cạnh tranh như công nghệ, ngân hàng mà ngay cả bán lẻ, sản xuất hàng thiết yếu vốn là nơi sử dụng nhiều lao động phổ thông cũng đang có là sóng sa thải rõ rệt. Với người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ, nguy cơ mất việc, sự cạnh tranh khốc liệt để giữ, kiếm việc làm không phải là chuyện xa xôi như một năm trước mà đã ở đâu đây gần cửa sổ nhà mình. Điều này ngay lập tức tạo tâm lý thận trọng, ưu tiêu đảm bảo sự an toàn tài chính bằng cách giảm thiểu những khoản chi không cần thiết, tăng cường tiết kiệm. 

Bên cạnh hiệu ứng lay off, một tín hiệu bất an nữa đó là tiêu dùng nông thôn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong các tháng sau tới khi mà tình trạng giá gạo giảm đang thật sự nghiêm trọng. Lâu nay giá gạo luôn là thước đó quan trọng khi đánh giá sự lạc quan về tình hình tiêu dùng nông thôn, với tình hình khá u ám hiện nay, thì khó có thể hy vọng những tin tốt. Mặc dầu Việt Nam vẫn sẽ có một năm xuất khẩu nông nghiệp hoành tráng nhưng tâm lý người dân nông thôn nhìn giá gạo để mua sắm vẫn còn bị ảnh hưởng rõ rệt.

5. Sự gia tăng tốt liên tục của phân khúc hàng giá rẻ, siêu rẻ

Đây có lẽ là tín hiệu “vui” hiếm hoi. Cần phải nhấn mạnh là vui trong “…”. Bởi vì là trong sự phát triển của các ngành hàng nói chung, một khi phân khúc hàng giá rẻ, siêu rẻ phát triển mạnh hơn các phân khúc khác thì đáng lo hơn đáng mừng. Mừng, nếu có thì là người tiêu dùng vẫn giữ được sản lượng tiêu dùng, chưa đến nỗi tệ. Lo là vì đó là tín hiệu của “down-trading”, ngành hàng đang mất giá. Trong suốt 3 năm vừa qua, nếu nhìn trên khoảng 15 ngành hàng chủ lực thì hầu hết các ngành hàng đều chứng kiến sự tăng trưởng 1.2x – 1.5x của phân khúc giá rẻ, siêu rẻ so với mức bình quân chung. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra các thách thức trong năm nay cho sự gia tăng giá trị của các ngành hàng. Một số chuyên gia còn cho răng, xu hướng này sẽ tạo điều kiện cho sự quay trở lại của hàng giá rẻ Trung Quốc vốn đã “nguội” từ năm 2015 - 2020 (trước dịch). Đặc biệt trong bối cảnh thương mại xuyên biên giới đang có tốc độc tăng trưởng 30 - 50% mỗi năm trong nhóm các ngành hàng gia dụng và tiêu dùng.



V.K.H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn