Hòa giải, 1975-2015

Trần Thanh Nghị

Hòa giải là vấn đề mấu chốt của Việt Nam từ 1975 đến nay. Nó là chiếc chìa khoá thiết yếu có khả năng mở ra rất nhiều cánh cửa: dân chủ, phát triển, và nhất là đoàn kết dân tộc, trước họa mất chủ quyền trên cả lãnh thổ lẫn lãnh hải vào tay Trung Quốc ngày càng hiển hiện trước mắt. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn luôn luôn có hai cách đặt vấn đề hòa giải – một của “bên thắng cuộc”, một của “bên thua cuộc” – để rơi vào bế tắc. Như thể người Việt Nam vẫn chưa thực tâm mong muốn, chưa sẵn sàng hòa giải với nhau. 

Cách thứ nhất là kêu gọi hòa giải song song với sự từ chối công nhận cuộc chiến tranh vừa qua là một cuộc nội chiến, hay ít ra, có khía cạnh nội chiến. Bởi nếu không phải là nội chiến thì vì sao phải hòa giải, ai hòa giải với ai, và hòa giải nhằm mục đích gì? Kêu gọi kiểu đó là nêu lên một vấn đề lịch sử mà không có tác nhân lịch sử – nói theo cách trừu tượng của sử gia; nghĩa là chẳng khác nào mang vở Hamlet của Shakespeare ra diễn mà không có Hamlet, với xâu xé bi kịch “to be or not to be” của nhân vật – nói theo kiểu khôi hài của những người cùng xứ sở với tác giả. 

Cách thứ hai là đặt vấn đề hòa giải với quy chiếu về hành động đốt tráp của vua Trần Nhân Tông năm 1289 như một thí dụ mẫu mực. Bởi vì một thắc mắc chính đáng có thể là: liệu quyết định này của vị vua nhà Trần có mang một ý nghĩa nào khác chăng? Nếu diễn đạt bằng lời, thì tựu trung, hành động đốt tráp có thể được phát biểu bằng hai vế sau. Vế thứ nhất: “Bọn ngươi đều phạm tội đáng chết cả, nhưng Trẫm mở tâm từ bi mà tha cho. Chẳng những Trẫm không lôi cổ bọn ngươi ra pháp trường chém đầu, mà Trẫm còn đốt hết những tang chứng hàng giặc trong hòm này đi, để bọn ngươi khỏi phải sống nơm nớp lo sợ suốt đời”. Vế thứ hai:  “Vậy thì bọn ngươi phải biết thân biết phận, từ nay phải ăn năn hối cải, đem hết tâm trí cũng như tài sức ra mà phục vụ Triều đình, một lòng một dạ thủy chung với nhà Trần”. 

Ngày nay, vế thứ nhất vẫn dễ đạt được đồng thuận, bởi vì nó chỉ là cái nghĩa đen của “diễn từ” đốt tráp đi kèm hành động mà thôi – đúng như sự diễn giải của mọi sử gia Việt Nam, không hơn không kém. Vế thứ hai có thể khiến nhiều người khó chịu, cho là tôi đã ít nhiều “chính trị hóa”, thậm chí là “bôi nhọ”, hành động cao cả của vua Trần Nhân Tông. Xin phép tự biện bạch bằng một giải thích đơn giản: chúng ta đều có thể quan niệm một người làm chính trị mà không làm vua, nhưng ta không thể nào quan niệm một người làm vua mà không làm chính trị, dù là vua hiền Ashoka hay bạo chúa Nero. Nhận thấy trong thông điệp đốt tráp một hậu ý chính trị, do đó, không phải là một cái nhìn lệch lạc hay siêu thực, nhất là khi nó đã xảy ra trong khuôn khổ của cuộc “định công, phạt tội(1) đương thời.

*

Như vậy, liệu cái thông điệp năm 1289 này của vị vua nhà Trần có thực sự mang ý nghĩa hòa giải chăng? Để hiểu rõ hơn, hãy thử nghe một thông điệp khác. “Các anh đều phạm tội đáng chết cả, nhưng Đảng nghĩ tình đồng bào mà tha cho. Chẳng những Đảng không lôi cổ các anh ra pháp trường xử bắn, mà Đảng còn mở trại khắp nơi, đề nghị các anh vào học tập. Các anh phải tự xem như người đã chết rồi, may được Đảng gia ân ban cho một cuộc đời thứ hai. Vậy thì phải biết thân biết phận mà ăn năn hối cải: từ nay phải đem hết tâm trí cũng như tài sức ra mà thi hành mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước XHCN, một lòng một dạ thủy chung với ĐCSVN quang vinh”. Không cần phải được suy diễn từ đâu cả, đây chính là những lời đã được “bên thắng cuộc” tống phát, trắng đen, vào mặt bên thua cuộc, sau khi đã hoàn toàn làm chủ miền Nam, trong ngày mở trại khai trường – nếu lời thuật lại của kẻ từng đi “học tập” là đúng, và chúng ta đều biết là nó đúng. 

Mặt khác, chúng đã được áp dụng rất rộng rãi, không chỉ cho “ngụy quân, ngụy quyền”, từ đại thần xuống tới tiểu nhân, mà bất kể ai.

“Vách có tai, thơ có họa.

Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh?”

Hai câu thơ này của nhà thơ say, trong một lúc lỡ tỉnh để bâng khuâng về cuộc đổi đời, đã khiến Vũ Hoàng Chương được khẩn cấp hộ tống vào trại học tập, đủ lâu để khi trở về chỉ còn nằm chờ chết – có lẽ để tránh cho bộ giáo dục nhân dân cái tiếng xấu là “đi học mà cũng chết”, như bộ lao động nhân dân từng oan ức mắc phải tiếng xấu “đi làm mà cũng chết”, chỉ vì có một vài đối tượng đang sống bỗng chuyển sang từ trần, khi được công an mời lên “làm việc”.

Cách nhau gần 700 năm, hai thông điệp trên giống và khác nhau ở chỗ nào? Chúng chỉ khác nhau ở một số câu chữ, do thời đại và cả bối cảnh lịch sử cũng khác nhau, song hoàn toàn đồng dạng về nội dung và bản chất. Cả hai đều không hề có ý nghĩa hòa giải (2) – cho dù chúng ta tra từ “hòa giải” bằng bất kỳ từ điển nào, trong bất cứ ngôn ngữ nào. Nhưng cả hai đều mang một ý tưởng nào đó về sự “tha tội”, dưới cái hình thức mà thuật từ pháp lý gọi là “cải án”. Năm 1289, vua Trần Nhân Tông đã thay án tử hình bằng quyết định tha bổng một số lớn thần dân, nói theo chữ nghĩa của kẻ nắm quyền sát sinh là “ân xá”.  Năm 1975, ĐCSVN đã thay án tử hình bằng án khổ sai – nếu chúng ta không sập bẫy ngôn ngữ, hay tự bịp mình bằng danh từ. Khổ sai tuy không cao cả, đẹp đẽ bằng ân xá, nhưng khách quan mà nói và nói cho cùng, nó không hãi hùng như cái “biển máu” mà nhiều người kinh sợ, cho dù vẫn có một số người đi học tập về chủ quan nghĩ rằng“thà bị xử tử còn hơn là được đi học tập”. Nó còn một phẩm hạnh khác nữa: nó có thừa khả năng trấn an được những băn khoăn của cái gọi là dư luận quốc tế. Không xử bắn hàng loạt như thời Sukarno ở Nam Dương là quá tốt rồi. Hơn nữa, ai lại đi biểu tình chống việc giáo dục ở một quốc gia có chủ quyền bao giờ?

*

Vấn đề của mọi ý tưởng đứng trên để “bắt tội” hoặc “tha tội”, là phải vạch ra cho được, nghiêm túc, trong sáng, sòng phẳng: đây là tội gì, và ai là kẻ phạm tội, hay hỏi cách khác, ai có quyền bắt tội hoặc tha tội ai, và trên cơ sở công lý nào? 

Câu hỏi này dẫn tôi về một kỷ niệm thời trung học, khi theo học lớp Đệ Nhất C (bây giờ là lớp 12, ban Triết) năm 1963, ở trường Chu Văn An. Trong chương trình học có môn “công dân giáo dục”, thực chất là nhồi sọ chính trị, bởi vì nội dung của môn học là “Quốc sách Ấp chiến lược”. Học về cái “quốc sách” ấy năm 1963 cũng giống như học về một “quốc sách” khác sau 1975: đây là một môn học mà thầy có thể chẳng muốn dạy, nhưng trò thì chắc chắn là không muốn học, nên luôn luôn thọc vào cỗ xe chiến lược nhiều gậy gộc cản bánh. Chẳng hạn như: “Tại sao ta phải chống Cộng Sản Bắc Việt? Họ cũng là người Việt Nam như chúng ta mà thôi. Nếu ta có quyền chọn lý tưởng Tự Do, thì tại sao họ lại không có quyền chọn lý tưởng Cộng Sản”? 

Được đào tạo rất bài bản, anh cán bộ VNCH đảm trách môn học đã bất ngờ trả lời chúng tôi như sau: “Vấn đề không phải là Cộng Sản Bắc Việt, mà là Cộng Sản Trung Hoa đứng sau lưng xúi giục nội chiến. Các em đều biết rõ người Tàu. Dù theo Phong kiến, Quốc dân đảng hay Cộng đảng, họ đều chia sẻ với nhau một giấc mơ: đó là thôn tính nước Nam và đồng hóa dân Việt. Nếu các em còn muốn đất nước mình độc lập, còn muốn thấy mình là người Việt, gia đình và bản thân các em còn được sống tự do, thì phải chống Cộng Sản ngay từ bây giờ, dù nó dán thương hiệu hàng nội hay hàng ngoại” (dẫn theo trí nhớ). Đối với bọn thanh niên 18 - 19 tuổi chúng tôi lúc ấy, vốn quen thuộc với thành ngữ “đồng sàng, dị mộng” hơn là với ngụ ngôn“dị sàng, đồng mộng”, nên ẩn dụ về ba ông lĩnh tụ Tàu, tuy nằm trên ba cái giường khác nhau song đều mơ tưởng biến Việt Nam thành tỉnh lỵ, nghe như một luận điệu tuyên truyền. 

Ngày nay thì sao? Hãy nhìn về Việt Nam đi, nhìn vào những gì đang xảy ra trên lãnh thổ và lãnh hải. Rồi tự thuyết phục, rồi thuyết phục lẫn nhau, rằng những lời cảnh báo năm nào ở trên của “bọn bán nước” không phải hay chưa phải là hiện thực. Nhưng rủi nếu nó cứ là hiện thực thì sao? Thì mọi việc đều đảo lộn, xoay vần, đổi vận. Mọi quan điểm, lập trường, tuyên ngôn, chiêu bài… chính trị ở Việt Nam suốt thế kỷ XX đều bỗng đổi dấu, đổi chiều, đổi mặt: từ chính / ngụy, độc lập / lệ thuộc, công / tội; đến thắng / bại, bạn / thù, v.v. Phạm vi ngược đảo có thể lớn hay nhỏ, nhưng cái kết luận tối thiểu phải rút ra ở đây, giới hạn vào các vấn đề “tha tội” và “hòa giải”, là “bên thắng cuộc” không phải, không thể là bên có lý. 

Có lý sao được, khi ngày nay ĐCSVN đang làm chính những việc mà mới hôm qua đây họ còn kết án là “bán nước” ở địch thủ VNCH? Ở nhiều mặt còn nhục nhã, tồi tệ hơn! 

Có phải là Đảng hiện đang thực hiện lời thề “Vua Hùng xưa đã có công dựng nước, nay bác cháu ta phải hết lòng giữ nước”, nghĩa là đang gìn giữ chủ quyền, độc lập, và sự toàn vẹn lãnh thổ không? Giữ gìn kiểu chi, khi Trung Quốc lại có thể ngang nhiên lập ra những biệt khu mà cả người Việt cũng không thể bước vào, có thể mở ra những trại lính trá hình tại các điểm vốn là yết hầu chiến lược quốc gia, có thể lập ra các chợ hóa học để đầu độc nhân dân ta… ngay trên lãnh thổ [Việt Nam], đồng thời hùng hổ bắt ngư dân, cướp hải sản, đuổi đâm tàu bè ta ngay trong lãnh hải của đất nước? Giữ gìn kiểu gì khi bị “Đảng anh em” chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển mà mồm cũng chẳng dám há ra kêu, tay cũng không dám thò ra đơn kiện? Mặt khác, có phải là Đảng hiện đang “đánh cho Mỹ cút” không, khi cầu cạnh Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á, mời Mỹ can thiệp vào tranh chấp biển Đông, xin Hoa Kỳ bán vũ khí cho nhà nước CHXHCN, và nhận Việt Nam vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương? Rõ ràng là, ngày nay, Đảng đang làm in hệt các chính quyền VNCH trước kia với Mỹ, và nói cho cùng, như mọi quốc gia nhỏ nào bất kỳ, là dựa vào sức mạnh của một nước lớn để chống lại sự xâm lược của một nước lớn khác. 

Vậy thì trên cơ sở nào mà cùng một cách hành động, nếu xuất phát từ Đảng thì là “yêu nước”“chính nghĩa”, mà từ kẻ khác thì là “bán nước”, là “ngụy”? Trên cơ sở nào mà Đảng tự cho mình cái quyền tha tội hay bắt tội người khác, nếu không phải là trên cơ sở của một sự đánh đĩ ngôn ngữ, tràn lan trong mớ văn chương tuyên truyền xảo trá của Đảng, song song với cái quan điểm về công lý đã xưa cũ, xưa như cái nghề xưa nhất trái đất: “công lý là quyền lực, công lý là quyền lợi của kẻ mạnh”? Hãy có đủ lương tri và sòng phẳng để tự hỏi: trên cơ sở của một thứ công lý khác – công lý chung của loài người, cho mọi người – thì liệu ai sẽ có quyền tha tội cho ai, ai phải xin hòa giải với ai?

*

Dù tra bằng từ điển nào, trong bất kỳ ngôn ngữ nào, thì hành động chìa tay ra với Hoa Kỳ của CHXHCN Việt Nam hiện nay vẫn là một hành động hòa giải. Nó càng khiến cho sự hòa giải giữa người Việt Nam với nhau trở nên bức bách hơn. Mọi chính quyền Mỹ, Dân Chủ hay Cộng Hòa, đều luôn luôn vì quyền lợi của đất nước họ. Nếu họ đã có thể buông tay VNCH, thì họ lại càng có thể hất tay CSVN, khi quyền lợi hai bên không còn trùng hợp, hay khi bắt tay với Trung Quốc có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Chỉ có người Việt Nam là sống chết với tổ quốc của mình, nên sự đoàn kết dân tộc mới chính là chiếc nỏ thần bảo vệ độc lập; và mặt khác, trên vấn đề chủ quyền, chỉ sự độc lập với Trung Quốc mới là độc lập thực sự, bởi vì nó là cái gốc rễ, nên cũng là cái thước đo chuẩn nhất, cho mọi ý chí độc lập. 

Vấn đề là ngày nay, nếu muốn “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, thì nhất thiết phải bước qua cánh cổng “hòa giải, hòa giải, đại hòa giải”. Và không phải bằng lối úp mở đặt vấn đề, bằng các phát biểu nửa vời, bằng loại công thức “nửa chừng xuân” – “hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn” – mà ta có thể đoạn tuyệt được với quá khứ oan trái, thoát ly được bao hờn căm và thù hận đã tích lũy. Chỉ có sự công nhận tính chất nội chiến của cuộc chiến tranh, cùng những hệ lụy và hệ quả đắng cay của nó, mới có khả năng giúp những gia đình đã mất mát quá nhiều trong cảnh nồi da xáo thịt tìm lại được sự khuây khỏa bình an mà hướng tới ngày mai. 

Hòa giải hay không hòa giải? Đấy là điều kiện sống còn, là vấn đề “to be or not to be” của Việt Nam như một quốc gia. Nhưng liệu các “thế lực thù địch” cực đoan, ở cả hai bên, có đủ ý thức trách nhiệm và bản lãnh chính trị để bước qua trang sử mới chăng, hay chỉ cố tìm mọi cách để loanh quanh biện minh cho những sai lầm của quá khứ? Đâu phải vì Hồ Lĩnh tụ đã dại dột chọn một chủ nghĩa lấy hận thù và đấu tranh giai cấp làm con đường xây dựng, khiến đất nước nổ tung, mà ngày nay dân tộc này vẫn phải tiếp tục ca ngợi mọi đổ vỡ xung quanh như cận cảnh của thiên đường, làm bầy ngựa ngu xuẩn nhắm mắt lao theo con đầu đàn xuống vực thẳm? Đâu phải vì Ngô Chí sĩ đã ngô nghê đốp chát, lấy Cần Lao chọi Lao Động, đem Thượng Đế trấn Vô thần, lấy Nhân vị đả Cộng sản,… mà bây giờ ta vẫn phải tiếp tục mượn danh nghĩa chống cộng để gồng mình nâng cái chế độ độc tài gia đình trị, đảng trị, tôn giáo trị, của ông ta lên hàng “dân chủ điển hình”? – dù nói cho cùng và xét như chính thể, đúng là độc tài dẫu sao cũng ít khốc liệt hơn toàn trị. 

Lịch sử thế giới là Tòa án thế giới. Bao nhiêu đất nước đã bị hủy diệt, vì hết xứng đáng còn tồn tại như một quốc gia. Chỉ một Đại hội Diên Hồng thời nay mới xóa bỏ được Hội nghị Thành Đô hôm qua, với những hậu quả nhục nhã và nguy hại của nó. Ai cũng biết như vậy. Thế nhưng con đường từ hô hào đến hành động dường như vẫn còn bị trấn giữ bởi những kẻ thù tâm lý vô hình. Đừng nghe những gì dân Việt Nam nói mà hãy nhìn những gì người Việt Nam làm chăng? Hỏi kẻ thức thâu đêm, còn bao lâu nữa trời mới sáng?

T.T.N.

San Jose, 30-11-2015

Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/TranThanhNghi_HoaGiai.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn