Ngày 17.2 đau đớn và phẫn nộ (Mênh mông thế sự 58)

Tương Lai

ĐAU ĐỚN

Thế là chúng nó đã giữ được lời hứa với quan thầy của chúng rồi anh ạ”. Một nhà văn quen biết gọi điện cho tôi, giọng như muốn khóc. “Em tiếc là mình không làm được thơ khi mà nỗi đau trào dâng đứng nhìn Tượng Đức Thánh Trần hôm nay cô đơn đứng chỉ tay xuống Bến Bạch Đằng. Lúc này đây, thơ dễ biểu đạt hơn anh ạ. Cảnh vắng hoe. Xe cảnh sát cơ động gầm rú chạy vòng quanh khuôn viên. Cánh an ninh, dân phòng dày đặc. Một cậu nói khẽ vào tai em: ‘Chú đứng đây thôi, không vào được đâu. Mà kìa, có ai đâu, chú thấy đấy’”. Tôi cứ lẩn thẩn trong sự day dứt: liệu những người đang ngồi trên những chiếc xe cơ động gầm rú có biết Trần Hưng Đạo là ai không nhỉ. Và họ có lúc nào nghĩ rằng chính họ, ông bà, cha mẹ họ có cùng một dòng máu đỏ da vàng với ông cha mình từng phong Thánh cho vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo từng đánh tan quân xâm lược truyền kiếp phương Bắc và khuyên dạy mọi nhà cai trị anh minh trong lịch sử “phải biết khoan thư sức dân, lấy kế sâu rễ bền gốc” không nhỉ.

Nhớ lại câu hỏi của cậu an ninh trẻ kia: “Tại sao bác lại phải cứ ra nơi có tượng Trần Hưng Đạo cơ chứ?”. Chàng trai trẻ này đang cùng đồng bọn bao vây, ngăn chặn không cho tôi bước lên taxi. Đành chống gậy tập tễnh cuốc bộ nghĩ cách. Nét mặt chàng trai hiền lành, dễ ưa, cử chỉ lễ độ, lời lẽ không lấy gì thô bạo lắm tuy hơi ngớ ngẩn. Thấy tôi bước hụt suýt ngã, cậu ta vội vàng chìa tay ra đỡ, qua ánh mắt tôi hiểu cậu ta thật tình, trong bụng thấy vui vui.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Huỳnh Kim Báu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, đến thắp nhang tưởng nhớ chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược trong cuộc chiến tranh biên giới 17.2.1979, tôi dậy sớm hơn thường lệ để tiêm đủ thuốc trước khi ăn sáng. Chiếc răng hàm vừa nhổ chân đang sưng, buốt ù cả tai không nhai được nhưng không thể để bụng đói mà uống thuốc được, phải trệu trạo dằn bụng rồi đi sớm. Định sau 7g Phòng Khám Nha Khoa đã làm việc, sẽ ghé qua nhờ xem lại, chích thuốc giảm đau rồi đi đến Bến Bạch Đằng cũng vừa kịp 9g như đã hẹn.

Vừa bước xuống đường định mở cửa taxi đang đợi thì chàng trai hỏi: “Bác đi đâu đấy ạ”. Tôi đáp “Đi có việc”. Anh ta định chui vào taxi: “Cho cháu đi cùng với”. Tôi gạt ra không cho. Biết là lái xe đã bị khống chế, tôi bỏ xe này chống gậy cuốc bộ. Anh ta ra hiệu cho đồng bọn tìm cách phong tỏa mọi taxi trong khu vực. Khi tôi lên một chiếc xe khác, anh ta ập đến tức thì, rất chuyên nghiệp rỉ tai lái xe. Lại phải hủy việc đến Phòng Nha Khoa thôi.

Định vào rủ NTN cùng xuống nhà ngồi uống cà phê vì đang còn sớm, khi có điều kiện sẽ đi thẳng ra bến Bạch Đằng, nhưng gọi điện không thấy N trả lời, đành quay về tìm cách khác thì “người anh em” áp sát, nhã nhặn mời: “Bác vào uống cà phê với cháu nhé”. Lắc đầu, tôi từ chối: “Uống cà phê với cậu thì còn có cái thú vị gì, mất thì giờ”, vừa nói tôi vừa đi.

Suốt quãng đường chàng trai tỏ vẻ lễ phép và nhẫn nại, chứng tỏ anh ta đã được huấn luyện nghiệp vụ tốt để cố chịu đựng những câu hỏi dồn dập của tôi về lý do ngăn hành động yêu nước của một ông già tuổi ngoai tám mươi như tôi muốn thắp nén nhang tưởng nhớ và ghi ơn đồng bào chiến sĩ bị Trung Quốc giết hại.

Loanh quanh vẫn những luận điệu của các dư luận viên đã được tập huấn, tuy nhiên thái độ hiền lành và kiên nhẫn của anh ta, chỉ bằng tuổi cháu tôi, tôi thấy thật đáng thương hại. Gần một tiếng đồng hồ, mọi điều qua tiếng lại thật vô duyên tuy tôi đã cố kìm nén nhưng vẫn không tránh khỏi những câu khá nặng nề, nghĩ lại, tôi hơi ân hận. Giá mình mềm mỏng hơn chút nữa, may ra có thể khơi dậy chút ít những vang vọng lương tri lương năng trong tâm hồn tuổi trẻ, hiểu ra được phần nào vì miếng cơm manh áo mà buộc phải làm cái việc mà anh ta cũng biết là nhục. Nhục nhưng không thể và không dám cưỡng lệnh, qua ánh mắt và nụ cười gượng gạo đáng thương của anh ta, tôi cảm nhận được điều đó. Nhưng liệu tôi có ảo tưởng suy bụng ta ra bụng người không nhỉ? Dù sao, tin vào điều này cũng đỡ đau đớn hơn khi nghĩ về một lớp tuổi trẻ như cậu ta đang bị đầu độc bởi những thủ đoạn mà Goebel thời Hitler còn thua xa. Vậy là, đành chia tay anh bạn trẻ đáng thương này thôi.

Tôi về nhà, cắt tấm bìa viết một khẩu hiệu, vừa biểu thị thái độ để góp sức với đồng đội cũng đang bị vây ép như tôi và có khi vùng ra được như Lê Công Giàu nhờ giàu kinh nghiệm hoạt động nội thành trước 75 đã vọt khỏi vòng vây đến được điểm hẹn như lần trước. Nhưng thiết thực hơn sẽ là dịp làm một phép thử đối với chàng trai tội nghiệp bị tôi mắng mỏ suốt cả tiếng đồng hồ. Tôi gọi anh ta nhờ chụp hộ tấm ảnh tôi đang giương khẩu hiệu: “QUÉT SẠCH LŨ BÁN NƯỚC VÀ LŨ CƯỚP NƯỚC”, câu của Cụ Hồ trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II, 1951 tại Việt Bắc. (Thật ra nguyên văn thì phải viết là NHẤN CHÌM, nhưng muốn vậy thì phải lấy cả câu về “làn sóng vô cùng mạnh mẽ”, dài quá, lại đang vội, nên đành thay bằng QUÉT SẠCH cho nhanh mà cũng không sai ý).

Tôi thân mật nói với anh ta: “Cậu bảo là không dám ngăn cản lòng yêu nước của bác, nhưng sợ bác tuổi cao, ra chỗ đông người nơi tượng Trần Hưng Đạo bị đám trẻ lợi dụng, gây bạo loạn làm bác dễ bị vạ lây thì đây, tôi đứng ngay tại cổng nhà, biểu thị lòng yêu nước, lên án lũ bán nước và lũ cướp nước, đây là lời Cụ Hồ tôi chép ra đấy, chú chụp giúp tôi đi. Anh ta thật sự hoang mang, không dám cầm máy của tôi đưa để chụp, lúng túng như ngậm hạt thị, đứng như trời trồng.

Tôi nói tiếp: “Đây là tôi thử xem điều chú giải thích nãy giờ có được phần nào sự thật không đấy thôi. Nay thì tôi hoàn toàn thất vọng vì chú đúng chỉ là một công cụ mạt hạng được người ta sử dụng để đi ngăn chặn những người yêu nước già cả như tôi. Bố mẹ chú chắc sẽ buồn vì có đứa con như chú, vì miếng cơm manh áo mà phải tiếp tay cho lũ bán nước và lũ cướp nước. Và tôi, tôi cũng đau như bố mẹ cậu thôi”. Anh ta nửa cười nửa mếu, thật tội nghiệp.

Tôi nói với anh ta rằng tôi sẽ gửi tấm hình này cho Nguyễn Phú Trọng để ít ra thì cũng gợi lên trong đầu ông ta về nỗi niềm đối với đất nước của một người có học, có biết suy nghĩ như tôi về vận mệnh của đất nước mà các chú theo lệnh ông ta quyết ngăn chặn cho bằng được. Nhìn thẳng vào ánh mắt của anh ta, nhìn sang người bạn cùng nhóm của anh ta đang ngồi ăn, tôi mơ hồ cảm thấy có chút gì đó của sự phân vân rất tội nghiệp.

Trở lên nhà, đầu nặng trĩu, vết nhổ chiếc răng hàm càng buốt hơn vì cơ thể mệt nhoài mà thần kinh thì căng thẳng: Chúng nó quyết bán nước sao? Liệu chúng nó sẽ nói gì với các chàng trai trong bộ quân phục mới được phát trong ngày lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa chiếu trên tivi, các cháu sẽ được huấn luyện để hướng mũi súng vào ai đây? Chả nhẽ chĩa vào dân? Hay chĩa vào những người như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu từng vì yêu nước vì một tương lai tươi sáng cho dân tộc mà bị tù đày, tra tấn dã man chết đi sống lại nay thương tật, trọng bệnh đầy người ư?

Khi nhà báo Julius Fučík, nguời anh hùng Tiệp Khắc trong Viết dưới giá treo cổ đã cảnh báo: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác” chắc ông không biết được rồi sẽ có những thế lực còn tàn ác hơn Hitler điều động xe tăng chà nát sinh viên, thanh niên yêu nước cháy bỏng khát vọng tự do như đã diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc năm 1989.

Nhân kỷ niệm 27 năm vụ Thiên An Môn, báo chí Hồng Kông đưa ra nhiều tài liệu mật được phanh phui: “Quân đoàn 27 là đội quân đặc biệt được tuyển từ những nông dân vùng hẻo lánh, có đến 60% là mù chữ đang đóng tại Thạch Gia Trang cách Bắc Kinh 4 tiếng chạy xe, được điều động đến đàn áp “bạo loạn”. Quân đoàn 27 đã nhận được mệnh lệnh: “Không được cho bất cứ ai chạy thoát, không được cho bất cứ ai sống sót.” Khi người dân cản trở đường đi của quân nhân và xe quân đội, đội quân mù chữ Quân đoàn 27 đã chạy xe tăng lao thẳng vào các quân nhân và người đi đường, những họng súng nhắm thẳng vào người dân khai hỏa.

Bọn lính man rợ được thông báo có khoảng 1000 học sinh trốn ở gần khách sạn Bắc Kinh, khu đường Chính Nghĩa. Khi những học sinh này vừa kéo vào thì bị lính mai phục chờ sẵn và nổ súng càn quét. Ngay cả xe cấp cứu của Quân đoàn 27 đến Thiên An Môn chi viện cũng bị chính những tên đồng đội điên cuồng này xả súng vào. Khi xe bọc thép chạy vào Quảng trường Thiên An Môn đã chuyển sang lao vào các học sinh, sinh viên, phụ nữ và trẻ em, giết đến đâu thì dùng máy ủi gom thi thể đến đó và dùng lửa hỏa thiêu.

Bọn chúng ra tay khủng khiếp như thế là hoàn toàn là phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Quân đoàn 27 là đội quân được tín nhiệm và luôn biết phục tùng, tướng chỉ huy là Yang Jianhua, em trai cựu Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, còn Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là con của tướng Dương Bạch Băng, còn gọi là Dương Thượng Chính”. Tôi rùng mình: Tổng cục Chính trị!

Ấy thế mà, viên tướng Trung Quốc Lưu Á Châu, người đang được coi là cấp tiến với những ý tưởng độc đáo vì dám ca ngơi văn minh Phuong Tây, ca ngợi sức mạnh Mỹ, văn hóa Mỹ đã nhận về vụ thảm sát Thiên An Môn thế này đây: “Con mắt toàn thế giới tập trung nhìn vào quảng trường Thiên An Môn. Chủ tịch nước Dương Thượng Côn lúc đó nói: "Trên quảng trường Thiên An Môn sáng sớm hôm đó nếu có một Trung đội có vấn đề là nguy vô cùng". Thế nhưng quân đội của chúng ta là quân đội do đảng lãnh đạo. Không có Trung đội nào có vấn đề cả. Quân đội đã trải qua thử thách. Quân đội đã trả giá nặng nề cho "6-4"... có người Bắc Kinh đã hạ độc thủ để ngăn cản quân đội vào thành có một Trung đội trưởng bị đánh bị thương rồi bị đem ra thiêu sống có hai Tiểu đội trưởng sau khi bị thiêu chết rồi còn bị treo lên... Quân đội Trung Quốc đã phát huy tác dụng quan trọng trong sự kiện "6-4" ổn định giang sơn đó là một lần cống hiến của quân đội trong thời kỳ mới.”

Để cho hoàn chỉnh hơn tâm địa bành trướng của viên tướng Tàu này, xin trích tiếp lời ông ta về cuộc chiến tranh biên giới 1979: “Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. …Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa.

Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc... Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách”!

Lần này, không chỉ rùng mình, tôi thảng thốt nghĩ đến gương mặt trẻ bám theo tôi và tôi đã nhẫn nại nói chuyện với anh ta. Trong tai tôi ong ong tiếng gầm rú của xe cảnh sát cơ động chạy vòng quanh khuôn viên có Tượng Đức Thánh Trần đang đứng chỉ tay xuống bến Bạch Đằng. Liệu có còn hy vọng gì về hào khí Bạch Đằng, hào khí Đông A con lại chút gì trong những chàng trai đang là công cụ trong tay những chỉ huy đã được tập huấn tại “nước bạn” chiểu theo những văn kiện vừa được ký kết trong chuyến Tổng Bí thư được triệu tập vội sang Tàu tháng 1. 2017? Liệu ở Việt Nam nay có không những “quân đoàn 27”? Và là bao nhiêu?

Đau đớn nghĩ đến ánh mắt chàng trẻ tuổi theo bám tôi sáng hôm qua, tôi quyết phải viết tiếp phần 2 của bài Mênh mông đã khá dài những trích dẫn mà le lói trong tôi cái hy vọng hão huyền là chàng trai ấy sẽ đọc như cậu ta nói: “Bác đừng nói thế, cháu vẫn đọc đều trên mạng đấy chứ”!

PHẪN NỘ: QUYẾT KHÔNG LÙI BƯỚC (*)

Chúng cố tình ngăn chặn hành động yêu nước của chúng tôi, những người đang trĩu nặng ưu tư về vận mệnh đất nước, càng giục giã thêm ý chí quyết không lùi bước trước bạo quyền của một nhúm người đang chịu thuần phục trước áp lực của lũ bành trướng xâm lược. Sáng ngày 18.2.2017, năm chúng tôi, những người bị bao vây, ngăn chặn và cưỡng ép thô bạo không cho đi đến thắp nhang tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống cách nay 38 năm tại khuôn viên dưới chân tượng Đức Thánh Trần sáng hôm qua, cùng ngồi lại trao đổi về việc phải làm ngay.

Rất nhanh chóng nhất trí với một ý tưởng vừa đưa ra: cần kịp thời có ngay một kiến nghị gửi đến nhà cầm quyền thành phố. Lập tức một kiến nghị được soạn thảo gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung kiến nghị phải vạch trần chủ trương của ai đó đã đưa ra dưới sức ép của một thế lực nào đó đang cố tình làm vừa lòng lũ bá quyền xâm lược vốn rất sợ sự phẫn nộ của nhân dân về tội ác chúng đã gây nên cách nay đã gần bốn thập kỷ. Vạch trần tội ác đó sẽ càng nhìn rõ hơn những hành động ăn cướp trắng trợn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, và hải phận, không phận của tổ quốc ta, làm phá sản những mưu toan bành trướng được che đậy bởi những văn kiện được ký kết, những thủ đoạn lừa mị, bịp bợm đang đẩy đất nước ta lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn, bi đát hơn bao giờ hết.

Nội dung kiến nghị cũng phải nêu rõ hành động xâm phạm nhân quyền, xâm phạm quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật là không sao có thể biện hộ được bởi bất cứ lý do gì cần phải chấm dứt ngay. Thái độ trình bày phải biểu tỏ thiện chí, ôn hòa, song cũng phải thể hiện được sự phẫn nộ và kiên quyết, đưa ra được những yêu cầu cụ thể. Kiến nghị sẽ lập tức được gửi qua bưu điện theo đường chuyển phát nhanh với chi phí dịch vụ hồi âm, đồng thời sẽ đưa ngay lên mạng để tranh thủ sự đồng tình của công luận.

Kiến nghị được in ra thành bốn bản, gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và lưu lại một bản để đối chiếu. Mọi người đã ký vào biên bản.

clip_image002

Hoàn thành nhiệm vụ, văn bản đã hoàn tất đặt trên bàn

clip_image004

Huỳnh Tấn Mẫm đang xem lại các chữ ký lần cuối

Hạ Đình Nguyên có việc gấp phải đi ngay không kịp bàn tiếp những việc còn lại. Bốn chúng tôi, gồm Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu và Tương Lai trao đổi thêm về cách đưa tin lên mạng. (Mời xem toàn văn Kiến nghị đính kèm).

Để thêm phần cụ thể, chúng tôi cùng chụp tấm ảnh cả bốn người đã ký tên sau khi chụp hình Huỳnh Tấn Mẫm đang xem kỹ lại chữ ký của từng người. Để biểu tỏ ý chí và tấm lòng tri ân liệt sĩ và đồng bào trong Lễ tưởng niệm ngày 1.2.2017 mà vì bị bao vây ngăn chặn nên không đến được dưới chân tượng Trần Hưng Đạo, thì hôm nay sẽ đem hoa đến đặt dưới chân tượng, thắp nhang tỏ lòng thành kính biết ơn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống dưới họng súng của lũ xâm lược Trung Quốc.

Khi ngồi trên xe, mới biết là vẫn có hai người lạ (mà quen!) bám sát theo xe. Thì ra, họ đã theo sát chúng tôi khi biết được Huỳnh Kim Báu đi đến chỗ hẹn để cùng trao đổi về những việc cần làm do chính họ gây ra. Với kinh nghiệm hoạt động nội thành, Lê Công Giàu đưa ra đề nghị thay đổi lộ trình, vào ăn trưa trước rồi sẽ ra đặt vòng hoa tưởng niệm sau. Bây giờ mà đi đặt vòng hoa tưởng niệm thì có thể sẽ có chút phiền hà mất thì giờ đôi co với những kẻ không đáng phải đôi co làm gì.

Huỳnh Kim Báu tán thành ngay vì như thế là có dịp ngồi vào một quán ăn với nhiều gợi nhớ một thời, bởi đây là nơi Phạm Xuân Ẩn hay ngồi, cũng là nơi ghi lại nhiều cảnh trong phim Ván bài lật ngửa của anh Trần Bạch Đằng, người thủ trưởng của nhiều người ngồi trên bàn ăn hôm nay. Người lạ (mà quen) chắc bị bất ngờ vì khi chúng tôi đem vòng hoa đến thắp nhang tưởng niệm dưới chân tượng không thấy hai chàng trai kia đâu cả. Tội nghiệp! Có khi vì sáng kiến của lão tướng hoạt động nội thành Lê Công Giàu với bề dày kinh nghiệm bằng những đòn tra tấn cực kỳ dã man chết đi sống lại nhiều lần mà có, hai chú em nọ chắc sẽ bị khiển trách vì vào phút cuối đã “không hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng và vĩ đại của người chiến sĩ” đi trấn áp những người như Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu… hôm nay! Cực chẳng đã phải viết ra điều xót xa này. Nhưng vì thế xin thêm vào một đoạn vĩ thanh nhiều xúc động đáng viết hơn.

Chủ của hiệu bán hoa mà chúng tôi đến đặt vòng hoa tưởng niệm vốn là một chiến sĩ thuộc Trung đoàn 74 từng chiến đấu diệt quân xâm lược Trung Quốc tại trận địa Lạng Sơn năm 1979. Ông say sưa nói về kỷ niệm chiến đấu, “máu lũ lính Tàu ngờ nghệch chảy đỏ cả quãng sông Kỳ Cùng…”. Rồi không kìm được sự phẫn nộ đã văng ra lời mắng chửi những kẻ vô ơn bạc nghĩa đã từng hạ lệnh cấm không được nhắc đến đồng chí, đồng đội của ông đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới. Và, ông nhẹ nhàng nói, tôi chỉ lấy các bác một phần ba tiền vòng hoa tưởng niệm này, cũng là biểu tỏ một chút tình.

Đặt hoa, đứng cúi đầu tưởng niệm, chúng tôi chụp tấm hình dưới đây. Tiếc là thiếu Hạ Đình Nguyên. Vội ra xe, tôi quên chiếc gậy phải quay lại tìm. Thấy tôi loay hoay, hai vợ chồng khách du lịch người Âu có mặt tại đó chỉ cho tôi chiếc gậy. Hỏi, biết họ là người Pháp, hôm qua cũng đã đến đây, nay quay lại xem thêm nhân tiện trên đường về khách sạn gần đó. Họ rủ tôi chụp ảnh, tôi cũng nhờ họ bấm giúp một kiểu ảnh. Ông khách bình một câu thấm thía: “Những người ngăn cản các ông sẽ thất bại thôi. Tôi kính trọng thái độ của các ông, của những người hôm qua tôi thấy ở đây. Không thể ngăn chặn được lòng yêu nước!”.

Đúng vậy, tôi muốn nhắc lại câu nói mà tôi đã viết trên một tấm bìa giương ra trước mặt những người bao vây ngăn chặn tôi hôm qua đã có dịp đưa lên mạng hôm qua: “…nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”!

clip_image006

clip_image008 clip_image010

18g ngày 18.2.2017

T. L.

Tác giả gửi BVN.

(*) Phần này đã công bố trên Bauxite Việt Nam ngày 19/2/2017. Xem: http://www.boxitvn.net/bai/46953)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn