Gạo Việt Nam ‘ngoắc ngoải’ vì chính sách nhà nước

clip_image002

Hình minh họa: JAY DIRECTO/AFP/Getty Images

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Cả lượng gạo lẫn giá gạo xuất cảng của Việt Nam cùng giảm liên tục. Điều đó không chỉ làm nông dân thua thiệt, khốn cùng và thêm một lần nữa, các chuyên gia công khai kết tội chính sách.

Theo báo điện tử VnEconomy, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo “Rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo” hôm 17 tháng Ba, tại Hà Nội, về những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp và xuất cảng gạo.

Nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo của CIEM chỉ ra rằng, giá gạo xuất cảng của Việt Nam giống như tự nguyện bù lỗ: Trong vài năm vừa qua, giá gạo xuất cảng (từ 5 đến 7 triệu tấn) luôn thấp hơn giá gạo bán lẻ trong nước, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác.

CIEM đã phân tích để chứng minh sự phi lý ấy xuất phát từ chính sách.

Năm 2009, Chính phủ Việt Nam ban hành một nghị quyết (63/2009/NQ-CP) để “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia,” buộc phải duy trì diện tích trồng lúa ở mức 3.8 triệu héc ta, trong đó có 3.2 triệu héc ta mỗi năm trồng ít nhất hai vụ lúa. Nghị quyết này xác định phải duy trì sản lượng lúa ở mức đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất cảng 4 triệu tấn gạo/năm.

Từ đó đến nay, nghị quyết đó trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động nông nghiệp nói chung, cũng như sản xuất và xuất cảng gạo nói riêng.

Theo CIEM, do nhu cầu về gạo (cả tiêu dùng lẫn xuất cảng) không lớn như dự báo nên sản lượng lúa - gạo trở thành dự thừa. Chính sự dư thừa này làm giá gạo xuất cảng giảm, cả nông dân lẫn quốc gia cùng thua thiệt. Nếu cứ tiếp tục duy trì diện tích trồng lúa và ép nông nghiệp phải đạt sản lượng như Nghị quyết 63 đề ra từ 2009, mức độ thua thiệt sẽ càng ngày càng lớn.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh, phải xóa bỏ những ám ảnh của thời kỳ thiếu đói để đa dạng hóa lĩnh vực nông nghiệp. Việc khăng khăng duy trì diện tích trồng lúa và tiếp tục áp đặt về sản lượng lúa khiến lúa gạo dư thừa, nông dân làm việc cực nhọc mà vẫn không đủ sống nên thi nhau bỏ hoang ruộng đất. Trên thị trường gạo thế giới, dư thừa làm gạo Việt Nam mất nhiều lợi thế, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với lượng gạo xuất cảng vốn càng ngày càng cao của nhiều quốc gia khác. Đó cũng là lý do gạo xuất cảng của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Do quá chú trọng vào sản xuất và xuất cảng lúa gạo, các lĩnh vực khác của nông nghiệp Việt Nam không được đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng nên tiếp tục “giậm chân tại chỗ”. Sử dụng đất đai trở thành thiếu hiệu quả, không thu hút được đầu tư vào nông nghiệp.

Cũng theo báo điện tử VnEconomy, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng nếu thay đổi từ 10 đến 15 năm trước thì sản xuất và xuất cảng lúa gạo của Việt Nam không trở thành tệ hại như hiện nay.

CIEM đã đưa ra nhiều khuyến cáo, theo đó, không cần phải duy trì đến 3.8 triệu héc ta đất chỉ để trồng lúa. Hủy bỏ hạn điền (bỏ giới hạn về diện tích trong sử dụng đất - hiện đang khống chế không được quá 33 héc ta). Hủy bỏ các quy định khiến giới đầu tư hoang mang vì quyền tài sản đối với đất nông nghiệp mập mờ (khống chế thời hạn sử dụng, nếu bị thu hồi thì chỉ được bồi thường với giá rất thấp…).

Đối với xuất cảng gạo, CIEM khuyến nghị bỏ các đặc quyền trước nay vẫn dành cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khiến VFA giống như một cơ quan công quyền, tái tổ chức để VFA trở thành một hiệp hội doanh nghiệp như mọi hiệp hội khác để tất cả các thành phần trong chuỗi lúa gạo, đặc biệt là nông dân có thể tham gia.

Sự bi đát của nông nghiệp và nông dân Việt Nam kèm với các khuyến cáo vừa kể của CIEM khiến một số người tin rằng, dù muốn hay không, chính quyền Việt Nam cũng đang bị đẩy đến chỗ phải xem xét, thừa nhận quyền tư hữu đất đai, bởi vì đó là con đường duy nhất giúp nông nghiệp và nông dân Việt Nam tồn tại.

G.Đ.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chinh-sach-san-xuat-gao-viet-nam-ngac-ngoai/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn