Thỏa ước hợp tác thăm dò địa chấn biển (JMSU): Câu chuyện giải pháp song phương và bí mật trong vấn đề Biển Đông

Ernest Z. Bower

image “Chính phủ Philipine đã bị chỉ trích là đã vượt rào trong khối ASEAN, và Quốc hội Philipine bắt đầu những cuộc điều tra đối với JMSU và nêu lên nghi vấn có đúng chăng những quyền lợi an ninh quốc gia của Philipine đã bị đem làm vật trao đổi mua bán. Kết quả là Quốc hội Philipin đã thông qua Điều luật về Đường căn bản biển đảo vào tháng Hai 2010, mà đã vạch ra những quyền lợi của Philipine và quy định những hạn chế cấm Chính phủ từ nay về sau không được ký kết những thỏa thuận như kiểu JMSU mà không tuân thủ đúng qui trình minh bạch và xác thực”.

Quốc hội Philipine có thể làm gương cho QH Việt Nam trong việc giám sát và phanh phui những việc làm sai trái của Chính phủ, ở đây là một việc sai trái tày trời có khả năng làm cho Philipine mất hẳn “số đỏ” mà quốc tế cấp cho mình trên bản đồ thế giới, chỉ vì bà Tổng thống Arroyo lại bùi tai vì những “chiếc áo giấy lòe loẹt” mà tự nguyện “đi với ma”. Xin QH Việt Nam hãy học lấy làm lòng bài học đắt giá này và kiểm soát các Tập đoàn, Công ty Nhà nước Việt Nam thật chặt, chớ cho họ vẫy vùng, tự tung tự tác trong việc ký kết với “láng giềng” với bất kỳ giá nào mà có ngày chết cả nút.

Bauxite Việt Nam

Chính sách song phương, bí mật, và âm thầm gây áp lực đang phải đối đầu với chích sách đa phương, minh bạch công khai, cùng những nỗ lực kêu gọi can thiệp của luật pháp quốc tế đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông - một trong những vùng biển quan trọng nhất của thế kỷ XXI.

Trớ trêu thay, một Thỏa ước ba bên đã được ký kết tai Manila vào ngày 14 tháng Ba, 2005 là bản thỏa ước mà Trung Quốc hy vọng vẫn còn phát huy tác dụng, giúp phơi bày những khuynh hướng hành động trong khu vực. Đó là thỏa ước Hợp tác Thăm dò địa chấn biển (JMSU - Joint Maritime Seismic Understanding.). Quả cũng đáng bỏ công xem xét xem những chính khách và những nhà hoạch định chính sách tỏ thái độ như thế nào sau khi tiếp thu những kết quả của những buổi thảo luận quan trọng hồi tuần rồi tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam.

Nghị trình của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton

Trong khi những tường trình phát đi từ Hà Nội chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên và Miến Điện, một phụ đề trọng yếu cũng được công khai trình bày khi bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã đánh bạt nỗ lực vận động hành lang, tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ, của Trung Quốc nhằm không đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình chính thức của Diễn đàn khu vực ASEAN, rồi nêu lên một số quan điểm theo cách mô tả của bà là “một tiến trình phối hợp ngoại giao cho tất cả các bên tranh chấp để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không có bất kì sự cưỡng bức nào”. Việc can thiệp của bà Ngoại trưởng Clinton không gây ngạc nhiên nào cho những giới chức của những quốc gia thành viên đang có mặt tại Hội nghị: Hoa Kỳ đã cử ra những tay cự phách phụ trách về châu Á như, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách vùng Đông Á và Thái Bình Dương ông Kurt Campbell cùng với một trong những chuyên gia kiến thiết ngoại giao hàng đầu ông William Burns, Phó ngoại trưởng đặc trách Chính trị sự vụ, để trình bày và tìm kiếm sự ủng hộ trước khi những hội nghi được chính thức nhóm họp tại Hà Nội.

Giải pháp tình thế của Trung Quốc

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc ông Dương Khiết Trì, một người từng giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Washington, DC sở hữu một vốn kiến thức thuộc tầm cỡ chuyên gia về nền chính trị cũng như đường hướng phát triển chính sách của Hoa Kỳ, đã bày tỏ phản ứng qua việc trình bày lại quan điểm của quốc gia mình theo đó những tranh chấp này nên được giải quyết song phương và không công khai. Ông Dương Khiết Trì phát biểu: “Nếu biến vấn đề Biển Đông từ song phương thành vấn đề quốc tế và đa phương thì chỉ tổ khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn mà thôi”. Hy vọng của Bộ trưởng Dương Khiết Trì chỉ ra rằng nên đem vấn đề Biển Đông nhốt lại vào trong rọ y như bắt nhốt một tên phù thủy vào trong chai có lẽ có cơ sở dựa trên những thành quả trước đây đã đạt được từ kế sách song phương, âm thầm và đầy tính chất cơ hội như từ thủa ban đầu của Thỏa hiệp hợp tác thăm dò địa chấn biển mới được kí kết.

2004 – Trung Quốc làm rạn nứt nội bộ ở Manila

Eduard “Ed” Manalac, vào thời điểm đó đang giữ vị trí lãnh đạo Công ty Dầu khí Quốc gia Philippine, ý thức rõ mình có một thương vụ và biết tường tận những nhân vật tham gia cuộc chơi ngay từ thời ông còn ở Trung Quốc làm việc cho Conoco trong vị thế là một nhà quản trị người Phi lỗi lạc có trong tay một mạng lưới chân rết đáng kể ở quê nhà. Ông Manalac hiểu rõ mệnh lệnh từ Malacanang - dinh Tổng thống nằm sát cạnh con sông Pasay với dòng nước trôi lượn lờ: phải hoàn thành thương vụ với Trưng Quốc để cùng hợp tác khai thác, phân tích và phát triển nguồn tài nguyên năng lượng tiềm tàng của Biển Đông. Mệnh lệnh đó hoàn toàn trái với những quan điểm ngoại giao đang được thảo luận trong nội bộ khối ASEAN nhằm khuyến khích mười nước thành viên cố tìm kiếm một quan điểm chung làm cơ sở ngõ hầu có thể đối thoại với Bắc Kinh về vấn đề vùng biển đang tranh chấp. Trớ trêu thay, chính Philippine trước đó là quốc gia đầu tiên lên tiếng kêu gọi thiết lập sự đồng thuận, nhất trí trong khối ASEAN khi mà họ thực sự cảm thấy bị áp lực bởi sự kiện Hải quân Trung Quốc đánh chiếm vài khu vực trên dải đá Vành Khăn và những đảo nhỏ hơn thuộc vùng biển đang tranh chấp vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000.

Những bài học rút ra

Thấu hiểu được phương thức Tổng thống Gloria Arroyo-Macapagal sử dụng để bảo vệ vị thế của Philipine như thế nào trước một vấn đề tối hệ trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của bà đã minh thị cung cách Trung Quốc có thể lợi dụng tầm ảnh hưởng khu vực mới mà họ đạt được trong khi Washington đang bận bịu tập trung sức cho vấn đề Trung Đông và những ưu tiên khác – những bài học thật xứng đáng ghi nhớ khi chúng ta bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Đối với Trung Quốc, Philipine không phải là khúc xương dễ gặm. Là một đồng minh của Mỹ trong Hiệp ước về biển đảo nằm án ngự ngay trên đầu mũi trước mặt phía Đông của Trung Quốc, với chính thể dân chủ với đa số dân chúng theo Thiên Chúa giáo có thói quen bày tỏ chính kiến tại những diễn đàn ngoại giao cấp khu vực chính thức như ASEAN, ASEAN + 3, và APEC, và thường cất cao tiếng nói về những vấn đề nhân quyền (mặc dù đôi khi trớ trêu lại chính mình vi phạm), và công khai bày tỏ quan ngại trước những toan tính của Trung Quốc nhằm vào quần đảo Trường Sa, Philipine không hề là quốc gia dễ bề bị Trung Quốc uy hiếp.

Tình trạng đó kéo dài cho đến khi quan hệ Phi-Mỹ trở nên xấu đi - rất nhanh - vào năm 2004. Ngay từ thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã ôm chầm o bế lấy bà Tổng thống Arroyo, đã tỏ lời mời bà đến viếng Tòa Bạch Ốc trong một chuyến thăm cấp quốc gia hiếm hoi vào năm 2003. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên băng giá ở những cấp cao nhất khi Tổng thổng Arroyo rời khỏi “liên minh thiện chí” của Tổng thống Bush thiết lập cho cuộc chiến ở Irag, trong thời gian ông Bush đang bận vật lộn với cuộc vận động tranh cử rất cam go cho nhiệm kỳ thứ hai và sau khi ông nắm rõ những báo cáo tình báo trình bày những cáo buộc bà Arroyo đã vi phạm gian lận trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống của mình.

Trung Quốc chớp lấy thời cơ

Trung Quốc phát hiện thấy có cơ hội. Khởi đầu là từ nhân vật Đại sứ quốc tế lưu động Jose De Venecia, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hạ viện ở Philipine. De Venecia vẫn còn là đồng minh chính trị của Tổng thống Arroyo tại thời điểm ông được Đại sứ Trung Quốc ở Manila khuyến khích nên viếng thăm Bắc Kinh. Ông đã nhận lời và sau chuyến công du trở về, De Venecia báo cáo rằng Bắc Kinh luôn mong muốn mở rộng quan hệ song phương và sẵn sàng cung cấp những khoản tài trợ lớn cho những dự án phát triển ở Philipine. Ngay lập tức bà Tổng thống Arroyo trở thành vị thượng khách thường hay lui tới Bắc Kinh, và trong mỗi chuyến đi bà thường cho rất nhiều gia viên và chính khách khác tháp tùng theo phái đoàn để được hưởng những tiếp đãi hào phóng theo một số lời đồn đại. Trung Quốc tỏ ra giữ đúng lời hứa và không ngừng tăng cường viện trợ phát triển ODA cho Philipine, và nhanh chóng vươn lên trở thành quốc gia tài trợ lớn đứng hàng thứ năm, thường xuyên nhanh chóng thông qua những khoản vay mà không bao giờ kèm theo hàng lô hàng lốc những ràng buộc rắc rối đối với việc quản trị nguồn vốn. Tiền tài trợ được phân cho dự án Đường sắt Bắc Luzon – gọi là Tuyến đường sắt phía Bắc, Đường sắt Nam Luzon – Tuyến đường sắt phía Nam, và những dự án đường sắt khác cũng như dự án Mạng Băng thông rộng quốc gia tạo liên kết cho 2,295 văn phòng nhà nước và 24, 549 văn phòng cấp phường xã trên cả nước cùng sử dụng chung một nhà cung cấp viễn thông ZTE của Trung Quốc. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp người Phi gốc Hoa, và, như sau này bị phanh phui qua những cuộc điều tra của Quốc hội, đã bị cáo buộc đảm trách công việc thanh toán lại quả cho những giới chức và chính trị gia Philipine (Muốn biết thêm chi tiết cách thức những dự án do Trung Quốc viện trợ được cấu trúc như thế nào xin xem trong bản tường trình Quốc hội cho Ủy ban Hoa-Trung do cố vấn cao cấp CSIS ông Ernest Bower cung cấp vào ngày 4 tháng Hai, 2010, và đang lưu tại nối kết này http://csis.org/files/100204_bower_testimony.pdf).

Một nghi vấn có lẽ không bao giờ có câu trả lời: liệu có phải JMSU đã được thực hiện như một vật trao đổi cho những ủng hộ khác của Trung Quốc tại Philipine, nhưng mà ngày đề trên Thỏa ước - Tháng Ba năm 2005 - gợi cho chúng ta thấy rằng bản Thỏa ước đã được ký kết ngay tại thời điểm mà ảnh hưởng của Trung Quốc đạt đỉnh điểm ở Philipine.

Bản Thỏa ước được ký kết giữa một bên là PETRON, một bên là Công ty Dầu xa bờ của Trung Quốc (CNOOC – National Offshore Oil Company), và một bên là Công ty Dầu khí Việt Nam – Petro Vietnam, đối tác thứ ba mà khởi đầu tỏ thái độ không đồng thuận nhưng lại đồng ý ký kết sau sáu tháng phản đối mạnh mẽ chống lại việc cho rằng đã bị gán cho một việc đã rồi. Bản thỏa ước được thiết lập cho công việc nghiên cứu địa chấn trên một vùng trải rộng 142,886 cây số vuông nằm về phía Tây của đảo Palawan.

Những nguy cơ từ những điều khoản bất minh

Hiệp ước JMSU thoạt kỳ thủy được xem như một cuộc “đảo chánh” đối với những nhà ngoại giao Trung Quốc: Giới lãnh đạo Philipin rõ ràng đã mở ra nhiều kênh mới cho Bắc Kinh; Tổng thống Arroyo đã dựa dẫm quá nhiều vào những dự án ODA trọng điểm do Trung Quốc tài trợ để phô trương cho phát triển kinh tế nước nhà; và Trung Quốc đã chia rẽ được khối ASEAN rất hiệu quả, đạt được thỏa thuận với chính quốc gia đã từng lên tiếng chỉ trích mình mạnh mẽ nhất – Philippines – bên cạnh Việt Nam một quốc gia đầu tàu chủ trương đa phương hóa hoặc ASEAN hóa đối thoại về vấn đề Biển Đông.

Hiệp ước JMSU bắt đầu mất hết linh nghiệm khi uy tín của Tổng thống Arroyo tụt xuống dưới mức thấp so với uy tín của cố Tổng thống Ferdinand Marcos trong thời gian bị cáo buộc và luận tội tham nhũng. Giữa những cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng nhất là những thỏa thuận do Trung Quốc tài trợ, điển hình là vụ chuyển giao Mạng Băng thông rộng quốc gia (NBN- National Broadband Network) mà hẳn nhiên đã bị hủy bỏ và bị bêu lên làm tiêu đề cho những cuộc điều tra của Quốc hội. Chính phủ Philipine đã bị chỉ trích là đã vượt rào trong khối ASEAN, và Quốc hội Philipine bắt đầu những cuộc điều tra đối với JMSU và nêu lên nghi vấn có đúng chăng những quyền lợi an ninh quốc gia của Philipine đã bị đem làm vật trao đổi mua bán. Kết quả là Quốc hội Philipin đã thông qua Điều luật về Đường căn bản biển đảo vào tháng Hai 2010, mà đã vạch ra những quyền lợi của Philipine và quy định những hạn chế cấm Chính phủ từ nay về sau không được ký kết những thỏa thuận như kiểu JMSU mà không tuân thủ đúng qui trình minh bạch và xác thực.

Con đường phía trước

Một cơ hội lớn nằm sẵn trên bàn cũng giống như một rủi ro lớn. Vấn đề đặt ra là liệu con đường ngoại giao và chính sách cục diện khu vực châu Á có thành công được hay không – nghĩa là phải lôi kéo tất cả các bên cùng tham gia, chia sẻ quan điểm và quyền lợi, và tạo ra được một bộ khung mà có thể đáp ứng tất cả những đòi hỏi khác biệt đó. Thất bại trong nỗ lực này sẽ tạo ra rủi ro không thể chấp nhận nổi cho sự phát triển kinh tế đang tiếp diễn, nền hòa bình tương đối và sự thịnh vượng trong tương lai của châu Á.

Cũng thật dễ hiểu việc Trung Quốc tỏ ra quan ngại về những điều mà nó cảm nhận là không thích đáng và không được hoan nghênh trong một khu vực mà nó cho là thuộc một trong những vùng “quyền lợi thiết yếu” của nó. Những quốc gia Đông Nam Á phô bày ra một chuỗi quan điểm khác nhau – từ những nước tranh chấp trực tiếp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa như Việt Nam, Indonesia, Philipine, Malaysia, và Brunei mà những kiều dân của họ - đa số là ngư dân - đã bị hăm dọa, đánh đập, hoặc bị giết và có sở hữu tài sản quốc gia của họ trong và dưới những vùng biển này; cho đến những quốc gia không có tranh chấp trực tiếp nhưng có quyền lợi gián tiếp từ sự ổn định của khu vực, hòa bình và phát triển mà họ được thụ hưởng. Đối với Hoa Kỳ, những vấn đề này là căn bản đối với quyền lợi quốc gia của họ, kể cả những tuyến đường giao thương tự do, sự phát triển kinh tế và việc vinh danh vai trò của mình như là nhà bảo đảm an ninh khu vực ở châu Á.

Sự lãnh đạo của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton trong việc thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào trong nghị trình ở Hà Nội đã được đa số các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh một cách thầm lặng. Kể cả Philipine, quốc gia bây giờ dưới sự lãnh đạo của vị Tổng thống mới, Ông Benigno “Noynoy” Aquino, người đã học được bài học JMSU. Tổng thống Aquino và những nhà lãnh đạo ASEAN khác đã nhận ra những lợi thế to lớn của sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng cũng như trên sân khấu toàn cầu – nó đại diện cho một cỗ máy mới trong khu vực cho phát triển kinh tế và giúp thu hút chú ý của thế giới đối với vai trò trung tâm của châu Á, và những đóng góp tiềm năng của nó cho văn hóa, khoa học, và nhiều lãnh vực khác cho phát triển mà chỉ mới liệt kê sơ qua như thế. Đồng thời, tất cả các bên đều có quyền lợi trong việc thuyết phục Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng đáng kể của nó và đưa những vấn đề quyền lợi của mình ra trước những diễn đàn quốc tế theo khung quy định hợp pháp và đa phương, mà nó có thể giúp định hình nên qua những tiến trình hành pháp cai trị minh bạch. Cái thời của những chính sách chia-để-trị giống như kiểu JMSU cần phải được đẩy lùi về quá khứ bởi vì chúng đẩy châu Á đến với những rủi ro và bất định ở những cấp độ không cần thiết.

Hồ Kim Sơn dịch

Dịch từ:

CSIS

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn