Thâm nhập chốt quân sự nơi InnovGreen trồng rừng

Duy Tuấn - Hoàng Sang - Trường Giang

clip_image002  

Con đường do Cty IG tại xã Tân Minh được bắt đầu tại ngã ba Nà Pẻn - Nà Pùng. Từ đây, con đường này kéo dài qua khu vực rừng tự nhiên rồi đến sát khu vực biên giới. Nơi có chốt quân sự 558. Ảnh: Duy Tuấn

 

Phóng viên VietNamNet có chuyến thâm nhập khu vực biên giới Việt - Trung tỉnh Lạng Sơn, nơi Cty InnovGreen tiến hành làm đường trồng rừng ngay chốt quân sự 558.

Tại xã Tân Minh (huyệnTràng Định, Lạng Sơn), doanh nghiệp này đã phá bỏ 12.000m2 rừng tự nhiên (theo số liệu của cơ quan chức năng Lạng Sơn) để làm đường lên biên giới; tiến hành cuốc hố để trồng rừng ngay trên chốt quân sự 558, cạnh đó là đầy rẫy những con “đường xương cá” qua các quả đồi sát ngay biên giới Việt Trung.

Theo thông tin mà ông Trần Văn Bào, PCT UBND xã Tân Minh, thì có điểm doanh nghiệp nước ngoài này trồng rừng chỉ cách đường phân định biên giới chỉ khoảng 700m, đường chim bay.


Phá bỏ 12.000 m2 rừng, làm đường lên biên giới

Từ con đường mà Cty InnovGreen nối các khu đồi núi trong khu vực phòng thủ quân sự then chốt của huyện Tràng Định, nhóm phóng viên VietNamNet lại ngược theo tỉnh lộ 229 để đến xã Tân Minh, một xã biên giới đặc biệt khó khăn. Nơi “đất rộng, người thưa”, người dân vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Con đường tỉnh lộ này chỉ rải nhựa được khoảng 20km, khi đến khu vực xã Trung Thành nó cắt thành 2 nhánh. Một nhánh đi lên Bình Độ, còn một nhánh khác đi vào xã biên giới Tân Minh. Quả thật nói là tỉnh lộ nhưng trông “nó” không khác gì con đường mòn vào núi là mấy.

Ông Trần Văn Bào, PCT UBND xã Tân Minh tự hào nói với chúng tôi về tình hình công tác bảo vệ rừng trong những năm qua. Ông cho biết, xã Tân Minh có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, riêng về độ che phủ thì đứng nhất nhì ở huyện Tràng Định.

Niềm vui từ việc bảo vệ rừng chợt tắt ngúm khi chúng tôi hỏi về tình hình Cty IG vào thuê đất trồng rừng trong xã. Ông lắc đầu ngán ngẩm vì đã 2 năm rồi từ khi dự án này vào nhưng chưa mang lại được lợi ích gì cho bà con và địa phương.

Thậm chí cách đây 3 tháng, Cty này đã đưa hàng chục người từ địa phương khác đến lao động nhưng không có giấy tờ hợp lệ nên lực lượng biên phòng đã trục xuất ra khỏi khu vực “vành đai biên giới”.

clip_image003
Những đường xương cá do Cty IG mở, chạy song song với tuyến đường của công ty này
đi lên khu vực biên giới. Ảnh: Duy Tuấn

Địa điểm công ty có nguồn gốc nước ngoài này vào lập hồ sơ thuê đất trồng rừng bao gồm 2 thôn Nà Pùng và bản Kiêng (sát đường phân định biên giới Việt - Trung) với diện tích dự kiến là 200ha. Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất thì Cty IG đã tiến hành trồng rừng, làm đường.

“Chúng tôi chưa nhìn thấy giấy tờ thuê đất hợp lệ .Bước đầu họ đặt vấn đề là thuê đất 50 năm. Chúng tôi thấy bất ổn quá nên đặt vấn đề với công ty hạ xuống. Thực ra người dân rất lo cho tương lai con cháu. Nếu công ty sở hữu hết đất trong vòng 50 năm thì trong khoảng thời gian đó con cháu chúng tôi sẽ không có đất để sản xuất và khó mà kiểm soát. Chính vì vậy nhiều bà con đã không nhất trí”, ông Bào nói.

Nhóm P.V quyết định đi vào khu vực rừng mà doanh nghiệp này đã tiến hành trồng và làm đường. Ông Bào cũng 1 chiến sỹ biên phòng thuộc biên chế Đồn biên phòng Hàm Nghi tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi.

Từ trụ sở xã, đi tiếp khoảng 3km nữa thì kết thúc tỉnh lộ 229, đến địa bàn thôn Nà Pùng, điểm đầu tiên của khu vực trồng rừng của công ty IG. Từ khi công ty này chưa có mặt, đây vẫn là khu vực rừng tự nhiên được chính quyền và nhân dân chăm sóc bảo vệ, muốn vào rừng chỉ có những con đường mòn.

clip_image004
Khu vực trồng rừng, làm đường của Cty IG tại xã Tân Minh nằm trọn trong vành đai biên giới. Vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Thế nhưng, quá trình thẩm định, cấp phép cho dự án 50 năm này tại Lạng Sơn không có sự tham gia của các cơ quan này. Ảnh: H. Sang

Quả thật, có đi vào rừng Tân Minh mới thấy lời của vị phó chủ tịch xã nói là đúng. Rừng tự nhiên ở đây có độ che phủ khá lớn, rất ít đồi trọc, có cả những cây thân gỗ to 40-50cm.

Ông Bào tiếp tục câu chuyện: “Bắt đầu từ ngã 3 Nà Pẻn – Nà Pùng này là đường do công ty IG. Chúng tôi chưa thấy một loại giấy tờ nào hữu hiệu của cấp có thẩm quyền cho phép. Họ làm các đường xương cá đi vào các khu rừng, chặt hạ nhiều diện tích rừng tự nhiên mà chúng tôi đã bảo vệ mấy chục năm. Tôi tính phải phá bỏ mấy trăm m3 gỗ chứ không ít”.

Năm 2008, người của công ty này đã mang máy ủi, xúc vào và tiến hành làm đường mà không có sự giám sát hay đồng ý bằng văn bản nào của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bởi khi làm đường vào rừng thì cũng đồng nghĩa với việc phải phá bỏ một diện tích rừng khá lớn.

Theo một tài liệu đáng tin cậy thì khi làm đường vào rừng ở thôn Nà Pùng và bản Kiêng, Cty IG đã phá bỏ 12.000 m2 rừng tự nhiên.

Mặc dù đã hơn 1 năm nhưng trên đoạn đường này vẫn còn sót lại rất nhiều khúc gỗ lớn, có đường kính 40-50cm, rồi những gốc cây lớn nằm rải rác bên đường vào. Ông Bào xót xa nói: Họ (Cty IG) tự động đưa máy móc vào làm. Số lượng rừng bị phá khá lớn. Diện tích rừng bị phá để làm đường đều là rừng tự nhiên, gỗ thì toàn loại gỗ nhóm 4”.


“Trận địa đường xương cá” cạnh chốt quân sự 558

Một cảm giác choáng ngợp khi bắt gặp cảnh những con đường đỏ chạy khắp các quả đồi ở khu vực này. Ông Bào cho biết, những con đường này đều do công ty IG làm để đi vào khu vực trồng rừng.

clip_image005
Chốt quân sự 558 trên biên giới ở xã Tân Minh, nơi Cty IG cuốc hố để trồng cây ngay trên sườn, làm đường ở dưới chân núi. Ảnh: Duy Tuấn

Đường vào rừng không phải chỉ một đường nối các quả núi lại với nhau mà cạnh đó là những con đường nhỏ, rẽ vào các lối mà ông Bào ví von: Như kiểu trận địa đường xương cá ở khu vực biên giới.

Chỉ tay vào con đường phía đỉnh núi xa xa, ông Bào nói: Một bên là đường tuần tra biên giới, bên kia đã là đất Trung Quốc rồi. Điểm trồng rừng của Cty IG sát đường biên nhất chỉ cách độ khoảng 700m, tính theo đường chim bay.

Trên đường vào khu vực rừng của InnovGreen ở Tân Minh chúng tôi được nghe nói đến cái tên “chốt quân sự 558” nằm sát biên giới. Theo lời ông Phó chủ tịch xã Tân Minh, chốt quân sự này có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Là một lãnh đạo xã biên giới, ông Bào hiểu được sự phức tạp trong công cuộc bảo vệ biên cương, giữ từng tấc đất, cây rừng của cha ông để lại.

Chúng tôi quyết định thâm nhập “điểm cao 558” sau khi được sự cho phép của lãnh đạo xã và lực lượng biên phòng. Trước khi đi ông Bào có dặn, phải quan sát từ xa, không được leo lên đỉnh núi đấy vì có thể vấp phải vật liệu nổ còn sót lại.

clip_image006
Đường do Cty IG mở, chạy qua các đồi cao trên biên giới tại xã Tân Minh. Ảnh: Duy Tuấn

Điểm cao 558 là một đỉnh núi sừng sừng, cao nhất trong khu vực biên giới mà chúng tôi có mặt. Trên đồi chỉ có thảm cỏ xanh, ngoài ra không có cây cối gì. Sửng sốt hơn khi tiếp nhận thông tin, con đường nằm ngay dưới chân quả đồi này là do Cty IG làm. Nếu tính từ đỉnh núi xuống đường của IG thì chỉ khoảng độ 100m.

“Đứng trên đỉnh núi 558 có thể bao quát được cả xã Tân Minh, Trung Thành, Đội Cấn, Quốc Khánh và cả xã biên giới cạnh đó là Đào Viên nữa. Vì thế nó có vị trí rất quan trọng và nhạy cảm về quốc phòng an ninh, bảo vệ biên giới”, vị phó chủ tịch xã nói tiếp.

Trên đồi 558 xuất hiện những hố nhỏ, trông rất đều, thẳng hàng do con người tạo nên mà đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy. Thấy chúng tôi phân vân, ông Bào liền nói: Đó là những dãy hố do công ty IG thuê người đào để trồng cây. Nếu tính từ hàng cuối cùng lên đến đỉnh đồi chỉ khoảng 40m.

Tuy không phải là nhà chiến lược quân sự, nhưng từ sau khi được đi tham quan rừng của Cty IG ở Quảng Ninh, vị phó chủ tịch xã biên giới này tỏ ra lo lắng:

“Đỉnh núi Khau Tét ở xã Hùng Việt cao lắm, về quốc phòng rất lợi, kinh tế không lợi mấy, thế nhưng Cty IG đã tốn bao nhiêu tiền của để mở đường, cho máy móc làm thành con đường xoắn ốc lên đỉnh.

clip_image007
Rừng bạch đàn của Cty IG đã được trồng ở khu vực này. Con đường đất đó phía trên được kéo dài tới sát đường tuần tra biên giới Việt Trung. Ảnh: Duy Tuấn

Nghiệm lại Tân Minh chúng tôi Cty này nhắm vào điểm cao, là điểm tựa bảo vệ địa bàn xã này khi có biến. Tôi thấy về mặt quân sự không đảm bảo. Cty IG vào xã tôi lập hồ sơ thuê đất 50 năm, trong diện tích dự kiến thì chủ yếu là khu vực sát với đường biên, lại có cả chốt quân sự, nhiều điểm cao, nếu có tình huống gì xẩy ra thì khó mà kiểm soát”.

Ông Bào nói tiếp, chỉ 200 ha ở xã Tân Minh mà công ty đầu tư lớn để mở nhiều con đường, sát ngay biên giới. Tôi nghĩ về kinh tế thì rất nhỏ, không phải là mục đích cơ bản. Chẳng qua là lấy cớ thông qua mục đích kinh tế theo ý của họ?

Thực tế ở xã Tân Minh khiến chúng tôi nhớ lại lời của ông Lý Vì, Bí thư xã Hà Lâu (Tiên Yên, Quảng Ninh) trong lần thứ 2 quay lại. Chúng tôi có thắc mắc là vì sao công ty hứa làm đường nhưng đã 3 năm rồi vẫn chưa thấy thì ông Vì có nói: Phải được thuê với diện tích lớn họ mới mở đường, chứ ở xã này chỉ có hơn 400 ha nên chắc họ không mở.

Đối sánh với việc ở xã Tân Minh, chỉ có 200 ha dự kiến được thuê nhưng doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài này “tích cực” đầu tư làm đường, mặc dù rừng chưa trồng được bao nhiêu. Những việc làm này liệu có cơ quan nào giám sát?

Với vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng như lo ngại của lãnh đạo xã này, không biết mục đích thực sự của doanh nghiêp này có phải là kinh tế không? 

D. T. – H. S. – T. G.

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn