Những lời dạy của Phật liên quan tới bình an nội tâm

Đoàn Bảo Châu

Tổng hợp từ một số bài, tôi không phải là người nghiên cứu sâu sắc Phật giáo, chỉ là học trò đang học cho nên ngôn ngữ chắc chắn có chỗ không phù hợp với các tài liệu mọi người hay đọc.

Phật giáo đã phát triển thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, với nhiều trường phái và chi nhánh khác nhau.

Nhưng nếu chúng ta quay trở lại cội nguồn, đến với Gautama Buddha, người sinh ra là một hoàng tử và sau đó đạt được giác ngộ, được gọi là Đức Phật, chúng ta sẽ tìm thấy một bộ sưu tập các giáo lý mang tên Dhammapada.

Dhammapada chứa đựng những trí tuệ sâu sắc dành cho những ai tìm kiếm sự an tĩnh trong tâm hồn.

1. Sự ràng buộc dẫn đến đau khổ.

Một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo là: chúng ta đau khổ vì sự ràng buộc với những thứ ngoại thân, vốn về bản chất nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Khi làm vậy, chúng ta đang chống lại sự thật cơ bản về cuộc sống, ấy là sự thay đổi. Thay đổi là điều duy nhất không thay đổi hay thay đổi chính là hằng số bất biến trong cuộc sống.

Thanh xuân và nhan sắc sẽ phai nhạt theo thời gian, những người chúng ta yêu quý sẽ rời xa ta, sự thành công của chúng ta, tiền bạc, địa vị, danh tiếng... một ngày nào đó cũng sẽ kết thúc.

Chìa khóa ở đây là cần biết trân trọng sâu sắc những gì đang xảy ra "trong khoảnh khắc hiện tại" trong khi thừa nhận sự vô thường của nó và sẵn sàng buông bỏ.

Lời Đức Phật:

"Người thiện từ bỏ mọi sự ràng buộc gắn bó. Người đức hạnh không luyên thuyên về sự khao khát những thú vui. Người trí không vui mừng hay đau buồn khi chạm đến hạnh phúc hay khổ đau."

2. Khao khát đúng đắn.

Một giáo lý cơ bản khác của Phật giáo là: những khao khát quá mức, còn được gọi là tham vọng hay dục vọng, đầu độc tâm trí và làm chúng ta bồn chồn, thậm chí bệnh tật.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên hoàn toàn phá hủy mọi ham muốn.

Ngay cả các nhà sư Phật giáo cũng có ham muốn; đó là ham muốn giác ngộ sâu sắc.

Bạn có thể quan tâm đến Phật giáo vì bạn khao khát được giải thoát khỏi đau khổ.

Vì vậy, bản thân ham muốn không sai, mà điều quan trọng là khao khát những điều đúng đắn và tự trang bị bản thân trước những điều sai trái có thể làm lạc lối chúng ta.

Lời Đức Phật:

"Giống như mưa thấm qua một căn nhà dột, dục vọng thấm vào tâm trí chưa phát triển.

Nhưng giống như mưa không thể thấm qua một căn nhà kín đáo, dục vọng không thể xâm nhập vào tâm trí đã phát triển."

3. Theo đuổi khoái lạc giác quan dẫn đến đau khổ.

Theo Phật giáo, chúng ta không nên khao khát những thú vui giác quan.

Những thú vui giác quan không sai, nhưng sự lạm dụng chúng có thể trở thành nguồn gốc của tội lỗi.

Những thứ như tham lam, háu ăn, và nghiện ngập xuất phát từ việc khao khát thỏa mãn các thú vui giác quan.

Khi việc theo đuổi thú vui giác quan kiểm soát cuộc sống của chúng ta, chúng ta dễ dàng bị mê hoặc bởi một con quỷ tên là Mara, kẻ dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội ác và giữ chúng ta trong đau khổ.

Trích dẫn:

"Giống như việc cơn bão có thể quật đổ một cây yếu ớt, Mara khuất phục người sống vì thú vui, không kiểm soát được các giác quan, ăn uống quá độ, lười biếng và phóng túng."

Quỷ Mara xuất phát từ truyền thống Phật giáo và được miêu tả như một thực thể hoặc biểu tượng đại diện cho những cám dỗ, ảo giác, và trở ngại ngăn cản con người đạt đến giác ngộ.

4. Từ khổ đau nảy sinh vẻ đẹp.

Đau khổ là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Mặc dù Phật giáo hướng tới việc chấm dứt đau khổ, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn những mặt tối của cuộc sống chẳng khác nào ném đi đứa trẻ cùng với nước tắm. (Đây là một thành ngữ tiếng Anh, nghĩa rằng để bỏ đi thứ không giá trị, ta vô tình ném cả thứ quý báu, tiếng Việt mình hình như không có thành ngữ tương đương).

Chính đau khổ sâu sắc đã dẫn Đức Phật đến con đường giác ngộ, và chính đau khổ của chúng ta cũng có thể trở thành phân bón cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trích dẫn:

"Trên đống rác ven đường, bông sen nở rộ, tỏa hương thơm ngát và đẹp đẽ."

5. Người đồng hành tốt là rất quan trọng.

Giống như các nhà theo chủ nghĩa Khắc kỷ, Đức Phật khuyên chúng ta nên giao du với những người khôn ngoan và tích cực, tốt nhất là những người cũng theo con đường giác ngộ.

Đức Phật còn nói rằng, sống một mình tốt hơn là ở cùng với những người ngu ngốc hoặc có ảnh hưởng xấu.

Trích dẫn:

"Tốt hơn hết là sống một mình; không có sự kết giao với kẻ ngu.

Sống một mình và không làm điều ác; hãy sống vô tư như một con voi giữa rừng voi."

Tâm trí được rèn luyện dẫn đến hạnh phúc.

Một tâm trí được rèn luyện mang lại hạnh phúc.

Nền tảng của Phật giáo là thực hành thiền định.

Mục tiêu của thiền định là đạt được sự tự do khỏi tâm trí, vốn thường đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Chúng ta không phải là những suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, chúng ta thường tự đồng hóa mình với những suy nghĩ đó, dù chúng nhiều khí có sức hủy hoại với chúng ta.

Khi chúng ta có thể tìm được sự giải thoát khỏi việc suy nghĩ quá nhiều và không bị bất kỳ hoạt động trí tuệ nào chi phối, chúng ta sẽ hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại, không bị gánh nặng bởi ham muốn, quá khứ, hay tương lai. Làm được thế, bạn đã tìm được hạnh phúc.

Lời Đức Phật:

"Ai hoan hỷ chế ngự những ý nghĩ xấu xa, ai thiền quán về sự bất tịnh và luôn tỉnh giác –  chính người đó sẽ dập tắt được lòng tham và cắt đứt xiềng xích của Mara."

Cái ác ngắn hạn mang lại hậu quả lâu dài.

Nhiều hành động của chúng ta không gây đau khổ ngay lập tức.

Ví dụ: Việc chiều chuộng các giác quan có thể mang lại khoái lạc ngắn hạn mà không có hậu quả đau đớn tức thì.

Tương tự, nói dối, lừa gạt, thao túng, thậm chí là trộm cắp, có thể mang lại niềm vui hoặc tránh né đau khổ trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, về lâu dài, hậu quả của cái ác sẽ đến với chúng ta.

Chúng ta có thể trở nên nghiện ngập, để rồi cuộc sống bị chi phối bởi những ham muốn không kiểm soát được.

Hoặc vì những lời nói dối và sự lừa gạt, chúng ta trở nên không đáng tin cậy, không chỉ đối với người khác mà còn với chính mình.

Phật giáo tin vào luật nhân quả, nguyên tắc tâm linh về nhân và quả, cũng như luân hồi.

Nếu chúng ta không đối mặt với hậu quả của những hành động xấu trong kiếp này, chúng ta sẽ phải chịu trong những kiếp sau, có thể biểu hiện dưới dạng một sự tái sinh không tốt đẹp.

Trích dẫn:

"Kẻ làm ác có thể sống tốt đẹp miễn là nghiệp ác chưa chín muồi. Nhưng khi nghiệp ác chín muồi, kẻ làm ác sẽ thấy được (những hậu quả đau đớn) của việc làm ác."

Tóm lại, theo Phật giáo, bạn gặt hái những gì bạn gieo trồng.

Đây là phần tóm tắt:

Sự gắn bó dẫn đến đau khổ.

Khao khát đúng đắn.

Theo đuổi khoái lạc giác quan dẫn đến đau khổ.

Từ khổ đau sinh vẻ đẹp.

Người đồng hành tốt là rất quan trọng.

Một tâm trí được rèn luyện mang lại hạnh phúc.

Cái ác ngắn hạn mang lại hậu quả lâu dài.

Các bạn hiểu biết sâu sắc về Phật giáo có thể bổ sung và chỉnh sửa giúp tôi.

Chúc các độc giả của Chau Doan Readers ngày nghỉ thật vui, tôi bận nên không chia sẻ bài dạng này với các bạn. Tôi không muốn các bạn bị vướng bận những vấn đề đau đàu liên quan tới chính trị nên chỉ để ở ngoài trang Chau Doan.

May be an image of 1 person

Đ.B.C.

Nguồn: FB Chau Doan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn