Nỗi đau sông Hồng: Vấn đề thực sự rất nghiêm trọng

clip_image001

Nước sông Hồng ô nhiễm tại làng chài xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ - Ảnh: Minh Sang

 

Luật sư, TS Nguyễn Trường Giang, chuyên gia về Luật Quốc tế, tác giả cuốn sách Luật về sử dụng các nguồn nước quốc tế, trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên đã nói rằng: Sông Hồng hiện đang trong tình trạng đối mặt với nguy cơ thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả Mê Kông.

Nguy cơ khủng hoảng nguồn nước của VN hiện được đánh giá là rất nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh 63% lượng nước mặt của VN đến từ ngoài lãnh thổ. Xin ông chia sẻ những thông tin liên quan đến vấn đề này?

VN có tổng trữ lượng nước mặt khoảng hơn là 800 tỉ m3, trong đó riêng Mê Kông (Cửu Long) là 520 tỉ m3, sông Hồng khoảng 120 tỉ m3. Điều có thể thấy là lượng nước được tạo ra từ bên ngoài đổ vào VN rất lớn. Hiện tại nguy cơ đối với nguồn nước của VN bao gồm hai vấn đề từ trong và ngoài quốc gia.

Trong nội địa, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao, trong khi tình hình ô nhiễm ngày càng tồi tệ. Điều này có nghĩa là nếu tình hình ô nhiễm quá nghiêm trọng thì có nước cũng vô nghĩa vì nước đó không sử dụng được. Thứ hai, 63% lượng nước mặt của VN được sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Việc các quốc gia ở thượng nguồn sử dụng nguồn nước như thế nào cũng tạo ra những ảnh hưởng rất lớn đối với chúng ta.

   
 

Chưa có số liệu về mùa cạn

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai, VN và Trung Quốc hiện chưa có thỏa thuận hợp tác về quản lý và khai thác sông Hồng và sông Mê Kông. Sông Mê Kông chảy qua 6 nước gồm: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và VN. Hiện 4 nước đã tham gia Ủy hội sông Mê Kông, riêng Myanmar và Trung Quốc chưa tham gia. Trong đó, mới đây, thông qua sự thuyết phục của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Myanmar đã bày tỏ mong muốn gia nhập ủy hội. “Về sông Hồng, chúng ta đã nhiều lần đàm phán đề nghị phía bạn có cơ chế chia sẻ khai thác nguồn nước nhưng hiện Trung Quốc mới đồng ý cung cấp cho VN số liệu thủy văn mùa lũ, chưa cung cấp số liệu về mùa cạn”, ông Lai nói. (Quang Duẩn)

   

Chúng tôi có những thông tin không chính thức về việc Trung Quốc xây dựng những đập nước lớn ở thượng nguồn sông Hồng, có những đập thậm chí lên tới 20 tỉ m3. Chỉ cần 2-3 chiếc đập như vậy coi như sông Hồng không còn gì khi vào đến VN. Bên cạnh đó, cốt của sông Hồng rất thấp, nên khi nước ngọt tụt thì nước mặn sẽ tràn vào và tạo ra nguy cơ nhiễm mặn là rất lớn. Nếu như ở ĐBSCL khi nước mặn rút đi phải mất tới 6 tháng để rửa mặn thì ở sông Hồng khả năng nước mặn rút đi là rất thấp. Vấn đề thực sự là rất nghiêm trọng.

Thực tế hiện nay chúng ta không hề có được những thông tin chính thức về việc Trung Quốc sử dụng thượng nguồn sông Hồng như thế nào, các đập thủy điện, công trình thủy lợi, vấn đề ô nhiễm… Do không có hợp tác nên phía VN chỉ có thể tìm hiểu đơn phương, các thông tin có được chỉ mang tính đại thể và chưa hẳn có số liệu chính xác.

Vấn đề hợp tác chia sẻ các dòng sông quốc tế hiện đang được áp dụng ở sông Hồng như thế nào, thưa ông?

Một trong những vấn đề đáng lưu ý nhất hiện nay đối với vấn đề nguồn nước sông Hồng đó là hiện tại chưa có một cơ chế quốc tế nào để kiểm soát cả. Ở đây chúng ta cần phải nhắc tới những kinh nghiệm về vấn đề sông Mê Kông. Mặc dù không phải toàn bộ các quốc gia có chia sẻ chung dòng sông này đều tham gia Ủy hội sông Mê Kông (MRC - hiện gồm 4 thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và VN) nhưng với tư cách là một tổ chức, MRC cũng tạo được những sức ép và tiếng nói nhất định.

Sông Hồng, trên thực tế đang trong tình trạng không có sự phối hợp kiểm soát, quản lý, không có cơ chế chính thức để xử lý. Nguy cơ của sông Hồng ngày càng đậm nét và thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả Mê Kông. Xin nhấn mạnh rằng một con sông là một cơ thể sống, nó cần một lưu lượng nhất định để sinh tồn, để duy trì hệ sinh thái của mình. Chỉ mất đi một lượng nước nhất định cũng có nghĩa là con sông đó sẽ suy thoái và chết dần. Điều khẩn thiết hiện nay là phải có một hình thức để quản lý sông Hồng.

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền trên các sông quốc tế. Xin ông cho biết một số thông tin liên quan đến vấn đề này?

Những năm đầu thế kỷ XXI vẫn có các quốc gia ở thượng lưu áp dụng quan điểm chủ quyền tuyệt đối với nguồn nước quốc tế. Tuy nhiên quan điểm này chắc chắn sẽ bị loại bỏ do những nguy hại to lớn mà nó có thể gây ra. Quan điểm được cộng đồng quốc tế ủng hộ là quan điểm về việc sử dụng công bằng nguồn nước quốc tế. Theo đó các quốc gia có chia sẻ nguồn nước quốc tế đều phải tôn trọng quyền sử dụng và khai thác của các nước có liên quan, đồng thời có nghĩa vụ không tiến hành hoặc cho phép tiến hành những hoạt động có thể gây ra tác động bất lợi cho các quốc gia khác và cho bản thân nguồn nước quốc tế chảy qua lãnh thổ mình.

Điều đã được cộng đồng quốc tế đồng thuận đó là mỗi dòng sông quốc tế là một thể thống nhất từ thượng nguồn đến hạ nguồn, các quốc gia chia sẻ nguồn nước quốc tế đó đều có quyền sử dụng và bảo vệ nguồn nước cho sự sinh tồn của mình cũng như tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác.

Vấn đề thực tế là khá phức tạp do hiện tại chưa có các cơ chế khu vực và song phương. Song điều đó không có nghĩa là VN không có gì để bảo vệ nguồn nước của mình. Vũ khí cơ bản của VN trong vấn đề bảo vệ nguồn nước sông Hồng là những nguyên tắc căn bản nhất của luật pháp quốc tế, những trật tự pháp lý trong bảo vệ nguồn nước mà không ai có thể bác bỏ.

Suy giảm lượng nước từ Trung Quốc

Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định, chế độ vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn phía Trung Quốc đã làm căng thẳng thêm tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên các sông của VN, trong đó có sông Hồng. Các kết quả quan trắc tại các trạm thủy văn trên sông Đà, sông Lô và sông Thao cho thấy đã có hiện tượng suy giảm lượng nước từ Trung Quốc chảy vào nước ta. Cụ thể, trên sông Đà, tại trạm thủy văn Lai Châu trong các năm 2007 - 2009 đã xuất hiện các giá trị lưu lượng nhỏ nhất trong lịch sử từ năm 1957 đến nay. Lưu lượng nhỏ nhất trong tháng 1.2007 là 181 m3/giây và năm 2008 là 151 m3/giây, trong khi lưu lượng trung bình là 318 m3/giây. Lưu lượng nhỏ nhất trong tháng 3 năm 2007 là 133 m3/giây và tháng 3 năm 2008 là 103 m3/giây trong khi lưu lượng trung bình là 198 m3/giây...

Nguyên Phong (thực hiện)

Nguồn: Thanhnien.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn