Một số vụ kiện lãnh đạo trên thế giới

Việc kiện một nhân vật lãnh đạo cao cấp, đương chức hay đã nghỉ hưu, là chuyện bình thường trong một nhà nước hoạt động theo nguyên tắc pháp quyền.

clip_image002

Bà Angela Merkel bị một thẩm phán ở Hamburg kiện vì tỏ ra "vui mừng" khi nghe tin Osama Bin Laden bị giết

Kiện Thủ tướng Đức

Kiện hay không một nhân vật lãnh đạo lại trở thành một đề tài đang được thảo luận sau khi một thẩm phán ở Đức hôm đầu tháng 5 đệ đơn kiện Thủ tướng Angela Merkel vì phát biểu "vui mừng" của bà khi nghe tin ông Bin Laden bị giết.

Theo các báo Đức, hiện vụ thẩm phán Uthmann ở Hamburg kiện bà Merkel dựa theo điều 140 Luật Hình sự Đức đã được chuyển lên cơ quan tư pháp ở Berlin nơi xảy ra điều mà thẩm phán này cho là "hành vi phạm tội".

Sau khi nghe tin ông Osama Bin Laden, thủ lĩnh Al Qaeda bị Hoa Kỳ bắn chết tại Pakistan, bà Merkel đã phát biểu rằng "Tôi thật vui" trên đài truyền hình.

Vị thẩm phán cho rằng Luật Hình sự Đức cấm "khen thưởng và ủng hộ" tội sát nhân, và vị thẩm phán nọ nói bà Merkel đã vi phạm điều luật có hình phạt tù lên tới ba năm, kèm theo tiền phạt.

Không ai nên bày tỏ không khai ham muốn trả thù, vì chúng ta không phải đang sống ở thời Trung Cổ.

Siegfried Kauder, Chủ tịch Ủy ban Pháp lý Hạ viện Đức (Bundestag)

Dù chưa rõ kết cục của vụ việc, nhiều nhân vật cao cấp ở Đức đã tỏ thái độ không đồng tình với bà Angela Merkel, Thủ tướng từ đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU).

Ông Siegfried Kauder, Chủ tịch Ủy ban Pháp lý của Hạ viện Đức (Bundestag), người cùng đảng CDU với bà Merkel cho rằng ông "Không thể nào nói ra như thế và không ai nên bày tỏ không khai ham muốn trả thù, vì chúng ta không phải đang sống ở thời Trung Cổ".

Một số người khác trong CDU cho rằng nếu ai đó có niềm tin Thiên Chúa giáo thì không nên tỏ ra vui mừng khi nghe tin người khác chết.

Nhưng về góc độ kiện Thủ tướng đương quyền, báo chí Đức không hề đặt câu hỏi điều này có nên hay không nên.

Là một quốc gia dân chủ, pháp quyền, việc kiện quan chức nhà nước hay các cơ quan chính quyền tại Đức là chuyện bình thường, giống như ở nhiều quốc gia khác.

Và nguyên đơn không phải lúc nào cũng là một cá nhân mà có thể là chính cơ quan nhà nước khác.

clip_image004

Ông Bill Clinton (bên trái) từng bị luận tội công khai nhưng được tha bổng

Kiện cáo và luận tội Tổng thống

Cũng như vậy, tại Hoa Kỳ, hồi đầu năm 2009 bảy tiểu bang và hai tổ chức xã hội đã kiện chính quyền của Tổng thống Bush vì một quy định ở cấp liên bang về quyền bảo hộ y tế.

Trưởng công tố bang Connecticut, ông Richard Blumenthal đã nhân danh tiểu bang ông và các bang California, Illinois, Massachusetts, New Jersey, Oregon cùng Rhode Island đâm đơn kiện Tổng thống Bush và Toà Bạch Ốc.

Theo họ, chính quyền ông Bush ra quy định "gây nguy hiểm cho phụ nữ" vì cắt giảm trợ cấp liên bang cho các bác sĩ, bệnh viện thực hiện các vụ triệt sản hay phá thai.

Hai hội đoàn khác thuộc phái ủng hộ tự do và quyền kế hoạch hóa gia đình cũng đã kiện chính quyền trung ương bằng một đơn kiện khác cùng thời gian, sau khi Bộ Y tế Hoa Kỳ ra quy định vào cuối năm 2008.

Điều đáng nói là công tố viện Mỹ cũng có thể nhân danh pháp luật chất vấn hoặc thậm chí truy tố các nhân vật cao cấp của hành pháp.

Việc duy trì căn cứ Futenma cho Hoa Kỳ vi phạm nhân quyền của dân địa phương

Thị trưởng Nhật

Trong vụ Monica Lewinsky, công tố viên Kenneth Starr, một người quá nhiệt tâm trong việc truy Tổng thống Bill Clinton, đã đem ông Clinton ra luận tội vì các tội danh "man khai" và "ngăn cản công lý".

Vụ luận tội ông Clinton hồi tháng 12/1998 trước một bồi thẩm đoàn cao cấp đã được truyền hình cho toàn dân xem.

May sao cho ông Clinton, cuối cùng ông được Thượng viện tha bổng.

Nhân quyền ở Okinawa, Nhật Bản

Việc kiện Thủ tướng, chính phủ hay chính quyền trung ương có thể diễn ra vì lý do có tính đối ngoại cũng đã diễn ra ở Nhật Bản.

Mới giữa năm 2010, khi ông Yukio Hatoyama còn làm Thủ tướng, chính phủ của ông đã bị chính Thị trưởng Ginowan là ông Yoichi Iha tỏ ý sẽ kiện, vì ông này cho là kế hoạch di chuyển căn cứ Mỹ sang một vị trí khác trên đảo Okinawa là "vi hiến".

Ông Yoichi Iha nói với báo chí rằng việc duy trì căn cứ Futenma cho Hoa Kỳ "là một gánh nặng không ngừng cho người dân địa phương" và "vi phạm nhân quyền của họ".

Là người được dân bầu lên để bảo vệ các quyền lợi của cử tri và nhân dân, ông Thị trưởng nói ông quyết định kiện chính quyền ở Tokyo trước tháng 3/2011.

clip_image006

Ông Jacques Chirac đã né tránh được nhiều vụ kiện cho tới nay

Trong lúc chưa rõ vụ kiện đi đến đâu thì ông Hatoyama đã từ chức.

Các nhà bình luận tin rằng vụ kiện đã góp phần làm chính phủ Hatoyama mất uy tín và phải xuống dù đảng Dân chủ của ông vẫn cầm quyền.

'Lấy tiền cho Đảng' ở Pháp

Nếu như tại Ý, ông Silvio Berlusconi liên tục phải chống đỡ các vụ kiện cả về chuyện làm ăn riêng và quan hệ với phụ nữ ngay khi vẫn làm Thủ tướng thì tại Pháp, Tổng thống Jacques Chirac đã tránh được luật pháp cho tới giờ.

Mới trong tháng 5 năm nay, một số tờ báo ở hai bờ Đại Tây Dương vui mừng ra mặt khi nghe tin ông Chirac cuối cùng cũng sẽ phải ra tòa.

Nhờ làm Tổng thống và sau đó về hưu nhưng vẫn hưởng quyền miễn tố (cho tới năm 2007), cựu Tổng thống cao tuổi của Pháp bị kiện vì những cáo buộc đã lâu.

Đó là chuyện người ta cho rằng ông dùng công quỹ để trợ giúp cho đảng của mình khi còn làm Thị trưởng Paris trong thập niên 1990.

Ngoài ra, công tố viện cũng muốn xem lại các cáo buộc ông và thân hữu "nhận tiền lại quả" trong nhiều năm cầm quyền.

Một trong những cáo buộc đề cập tới chuyện ông và gia đình hưởng các kỳ nghỉ sang trọng được "ai đó" trả bằng tiền mặt.

Bên điều tra cũng muốn biết vì sao thành phố Paris rút lại cáo buộc đối với ông Chirac hồi năm ngoái, sau khi có một thỏa thuận trả 2,2 triệu euro.

Quan chức tư pháp Pháp cho báo chí hay nếu bị kết án, ông Chirac có thể phải nhận án tù giam tới 10 năm và khoản tiền phạt 150 nghìn euro.

clip_image008

Ông Lý Quang Diệu từng ra làm chứng trước tòa

Các vụ kiện không phải lúc nào cũng do công tố viện hay công dân của chính nước chủ nhà nêu ra.

Được biết giáo phái Pháp Luân Công đã đâm đơn kiện tập thể với một loạt chính quyền và cá nhân trên thế giới.

Đó là Bộ Tư pháp Moldova vì đã không cho Pháp Luân Công đăng ký hoạt động.

Đó còn là vụ kiện Bộ trưởng Cao cấp Lý Quang Diệu của Singapore vì ông, theo như trang web của Pháp Luân Công, "đã công khai chỉ trích" họ.

Cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer cũng bị Pháp Luân Công kiện vì ra lệnh cấm họ "gây rối" bên ngoài một toà đại sứ nước này.

Cho đến nay, các vụ kiện này chưa đạt kết quả gì nhưng cũng không vì thế mà Pháp Luân Công "gặp vấn đề" gì nhiều hơn trước.

Dù Singapore bị một số người ở Phương Tây chê là "độc đoán", truyền thống pháp trị ở đây coi chuyện lãnh đạo ra trước toà không phải là chuyện lạ.

Ông Lý Quang Diệu hồi tháng 5/2008 đã ra trước nữ thẩm phán Belinda Ang để khai trong vụ xử liên quan đến cáo buộc bôi nhọ.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn