Đài Loan cần phải điều chỉnh chiến lược phòng thủ để tận dụng hỗ trợ hiệu quả hơn

Masahiro Matsumura, “Taiwan must resolve its defense approach for help to be effective”, Nikkei Asia, 20/06/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Quân đội Đài Loan trong cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu tại căn cứ ở Đài Đông vào tháng 1. Hòn đảo này tự mình sẽ không bao giờ có thể sống sót sau một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc. © Reuters

Bất chấp việc phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng từ một cuộc tấn công của Trung Quốc, giới chức quốc phòng Đài Loan vẫn chia rẽ sâu sắc về chiến lược phòng thủ của hòn đảo này.

Với sự chênh lệch rõ rệt về sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan, Đài Bắc đối mặt với những lựa chọn khó khăn về mua sắm các loại vũ khí phù hợp, đặc biệt khi nguồn lực tài chính hạn chế, đồng nghĩa với việc không thể tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang toàn diện với Trung Quốc.

Câu hỏi hiện tại là nên ưu tiên chuẩn bị đối phó với một cuộc xâm lược toàn diện tiềm tàng hay chống lại các hoạt động “vùng xám” đang ngày càng gia tăng? Có nên tìm cách đáp trả đối xứng hành vi gây hấn của Trung Quốc hay tốt hơn là nên áp dụng phương pháp tiếp cận bất đối xứng? Có nên mua thêm vũ khí với trọng tâm truyền thống nhấn mạnh vào các loại vũ khí lớn hay nên để các ý tưởng trong “Khái niệm phòng thủ tổng thể” được một số nhà lãnh đạo quân sự gần đây ưa chuộng định hướng việc mua sắm?

Như đã thấy với các chiến thuật mà Ukraine đã sử dụng để đẩy lùi Nga, các cách tiếp cận phòng thủ mới hơn ưu tiên mua nhiều loại vũ khí nhỏ, phân tán, di động, có khả năng sát thương cao và rẻ tiền, tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại cho chiến tranh du kích, chẳng hạn như tên lửa Javelin và Stinger di động cũng như máy bay không người lái vũ trang.

Cách tiếp cận này sẽ hợp lý đối với Đài Loan vì Trung Quốc nắm giữ ưu thế áp đảo về số lượng tên lửa tầm xa và tầm trung cũng như các loại vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tàu hải quân lớn, máy bay chiến đấu và xe tăng chiến đấu chủ lực, và chắc chắn sẽ chiếm ưu thế trong chiến tranh tiêu hao.

Hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ phá hủy hoặc vô hiệu hóa một phần lớn các khí tài quân sự chủ lực của Đài Loan bằng cách tấn công các căn cứ hải quân và không quân bằng hàng loạt tên lửa và bom trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xâm lược nào.

Mặt khác, một thế trận phòng thủ truyền thống là cần thiết để đối phó một cách đối xứng với hoạt động “đe dọa” ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ngoài thời chiến, điều này có thể giúp Đài Bắc duy trì vùng đệm địa lý ít nhất là xung quanh đảo chính Đài Loan và ở một mức độ nào đó, xung quanh các đảo và đảo nhỏ tiền tuyến.

Cách tiếp cận như vậy sẽ hợp lý về mặt chính trị vì tính dễ nhận diện của các hệ thống quân sự lớn có thể giúp trấn an người dân Đài Loan và duy trì tinh thần của công chúng trong việc chống lại Trung Quốc. Thế bố trí quân sự này cũng sẽ phù hợp với lợi ích tổ chức của quân đội Đài Loan và ngành công nghiệp quốc phòng của hòn đảo này.

Trong những năm gần đây, Đài Loan đã phát đi những tín hiệu mâu thuẫn. Sách Trắng Quốc phòng năm 2017 và 2019 của hòn đảo này phản ánh tư duy mới về quốc phòng, nhưng phiên bản năm 2021 thì không, cho thấy quân đội có thể đã quay trở lại cách tiếp cận truyền thống.

Bài phát biểu mừng Quốc khánh năm 2022 của Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn đã nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt khái niệm của phương pháp tiếp cận quốc phòng mới. Tuy nhiên, các hoạt động mua sắm vũ khí vẫn tiếp tục đi theo cách tiếp cận truyền thống, thể hiện qua việc mua 66 máy bay chiến đấu F-16V Falcon và các chương trình chế tạo tàu ngầm lớn, tàu hộ vệ thế hệ tiếp theo cũng như nâng cấp các tàu hộ vệ hiện có.

Theo lý thì Đài Loan nên đi theo phương pháp phòng thủ mới để có thể đối phó với những tình huống xấu nhất phát sinh từ các mối đe dọa hiện hữu của Trung Quốc. Đài Loan tự mình sẽ không bao giờ có thể sống sót sau một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc, vì vậy họ phải tìm ra một cách tiếp cận tối ưu cho phép họ tồn tại cho đến khi lực lượng Mỹ có thể vượt qua trở ngại về khoảng cách địa lý để đến giải cứu họ.

Tuy nhiên, làm như vậy sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ việc cố gắng bảo vệ các đảo Ba Bình và Đông Sa trên Biển Đông cũng như các nhóm đảo Kim Môn và Mã Tổ ngay sát Trung Quốc đại lục.

Rõ ràng là Đài Loan không bao giờ có thể bảo vệ hiệu quả các đảo xa này trước các cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc. Các cam kết phòng thủ mơ hồ buộc Mỹ phải hỗ trợ Đài Bắc theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan không áp dụng cho những đảo này.

Ba Bình và Đông Sa không có dân thường sinh sống. Chúng là tàn dư của các tuyên bố chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của chính phủ Đài Loan, đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó vẫn có ý nghĩa về mặt chính trị đối với nhiều nhà lãnh đạo quân sự Đài Loan vì họ là hậu duệ của tàn dư quân đội mà Tưởng Giới Thạch đã đưa đến Đài Loan sau khi ông bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại vào năm 1949.

Kim Môn và Mã Tổ chưa bao giờ bị kiểm soát bởi cả Đế quốc Nhật Bản hay Trung Quốc cộng sản, khiến chúng trở thành những vùng lãnh thổ tinh hoa của Trung Hoa Dân Quốc. Trên thực tế, người dân địa phương ở đây vẫn giữ bản sắc Trung Quốc, chứ không phải Đài Loan. Với khả năng phòng thủ yếu ớt, người dân trên các đảo này sẽ phải di dời đến Đài Loan hoặc chấp nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc trong trường hợp xấu nhất.

Tại một thời điểm nào đó, Bắc Kinh có thể quyết định chiếm một số hoặc tất cả các đảo tiền tuyến này để có thể ghi nhận một số thành công nhất định trong việc thống nhất hai bờ eo biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có thể kiềm chế không làm như vậy vì giá trị tác chiến của chúng đối với việc xâm lược Đài Loan là không đáng kể. Thật vậy, việc tước bỏ các đảo tiền tuyến sẽ làm chính thể Trung Hoa Dân Quốc thu hẹp phần lớn chỉ còn lại đảo Đài Loan, làm tăng thêm cảm giác rằng nước này đã trở thành Cộng hòa Đài Loan.

Các cuộc tranh luận về chiến lược quốc phòng ở Đài Loan một phần phản ánh những khúc mắc về chính trị bản sắc trên đảo giữa những người đến từ Trung Quốc đại lục sau năm 1949 và những người đã đến đây từ nhiều thế kỷ trước đó.

Nhưng cuối cùng, Đài Bắc phải hiểu rằng sự tồn tại của họ như một thực thể tự trị sẽ chỉ có thể thực hiện được khi họ tự mình làm nhiều hơn để giúp đỡ chính mình. Việc Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh của Đài Loan đưa ra các kế hoạch chiến tranh khả thi để giúp Đài Loan trở nên bất khả chiến bại trước một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc thông qua chiến tranh đối xứng là điều không thể thực hiện được. Một ý thức cao hơn về lý trí quân sự phải được đặt lên hàng đầu.

M.M.

---

Masahiro Matsumura là giáo sư chính trị quốc tế và an ninh quốc gia tại Khoa Luật của Đại học St. Andrew ở Osaka và là thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đài Loan ở Đài Bắc.

Nguồn bản dịchNghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn