Thăm đồi thông Phương Bối

Mạc Văn Trang

Được bạn Nhân và bạn Nhã rủ đi chơi thăm Đồi thông Phương Bối. Bọn mình khoái chí OK ngay!

Đồi Thông Phương Bối ở Đường Lê Thị Riêng, Thôn 2, Bảo Lộc, Lâm Đồng, một đồi thông rất đẹp, cảnh quan thơ mộng, đang hấp dẫn nhiều người đến trong những ngày nghỉ cuối tuần, nhất là các bạn trẻ.

Điều thú vị hơn, là tìm hiểu những câu chuyện về lịch sử của “Phương Bối”.

Hóa ra “Phương Bối” chính là tên thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt ra từ năm 1957 và ông đã ba năm tu tập tại đây. Thiền sư ấp ủ bao hy vọng và dường như muốn gắn bó mãi mãi với nơi này như là chốn cội nguồn tâm linh, nơi ông đã tìm ra con đường tu hành và pháp môn của mình. Thiền sư đã dành biết bao tình yêu thương để viết về nơi này trong tác phẩm “Nẻo Về Của Ý”: “Phương là thơm, là quý. Bối là lá bối đa, một thứ palmier lá dài. Ngày xưa chưa có giấy người ta viết kinh trên thứ lá ấy. Phương Bối nói lên được ý hướng quý trọng và phụng sự nền văn học đạo Phật của chúng ta”...

Thầy Thích Nhất Hạnh dự định xây dựng một trung tâm cho các Phật tử trẻ tu tập với tinh thần “Phật giáo dấn thân”, với mong muốn thanh niên Phật giáo tham gia phong trào giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và phản đối chiến tranh, vãn hồi hoà bình…

Vì những hoạt động trên, từ năm 1960 ông đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngăn cấm, khiến ông phải sang Mỹ du học, rồi trở thành giảng viên và nhà nghiên cứu ở mấy Đại học Mỹ, mà không được trở về nước.

Ông trở thành nhà nghiên cứu Phật học, Thiền sư nổi tiếng truyền bá Phật giáo vào xã hội phương Tây, nhất là việc sáng lập ra các Trung tâm Phật giáo “Làng Mai”, thu hút hàng triệu người vào tu tập. Ông được nhiều người đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma.

Năm 2005 ông mới được chính quyền Việt Nam cho về nước, với hy vọng xây dựng Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, nhưng sau đó cũng gặp trở ngại và ông lại lưu vong…

Mãi năm 2018 ông mới có thể trở về Việt Nam “để chờ chết” tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế và ông qua đời vào năm 2022 ở tuổi 95.

Năm 1960 khi Thiền sư Thích Nhất phải ra đi, đã trao cơ sở Phương Bối cho sư Thích Thanh Từ đơn độc tu tập ở đây.

Năm 1979 thi sĩ Nguyễn Đức Sơn – một trong 4 vị “Thơ ngông” của Sài Gòn, chán ngán cuộc sống đô thành, đã dẫn vợ và mấy con nhỏ lên Phương Bối, như Mai An Tiêm bị đày ra hoang đảo!

Cả gia đình thi sĩ sống trong cái “thất mini” đổ nát, có lúc phải chui vào cái bể chứa nước to đã hỏng, khô, như cái lô cốt. Cả nhà kiếm ăn kiểu hái lượm. Một đứa con trai của nhà thơ đã chết vì ăn phải rau/nấm độc.

Trong khi đó ông Sơn suốt ngày này qua ngày khác chỉ chăm lo trồng thông, đến hàng ngàn cây thông trên diện tích 25ha. Người dân địa phương gọi ông là “Sơn Núi”. Rồi ông đem cả sinh mạng của mình ra để giữ đất, giữ rừng thông. Vậy nên ngày nay mới có đồi thông Phương Bối biết bao thơ mộng.

Nơi đây vẫn còn những dấu tích cái bể nước, mấy chân cột của “thất”, một cây mít của Thiền sư Thích Nhất Hạnh; mỗi kỷ vật đều gợi nhớ biết bao về ông, ngay từ tuổi trẻ dấn thân đã vượt qua biết bao gian nan…

Thăm mộ thi sĩ Nguyễn Đức Sơn giữa đồi thông, trên bia mộ ông ghi: sinh 18/11/ 1937 - mất 11/6/2020 và câu thơ: “Ta đến đây. Khác với mây. Là ở lại”! Ngắm bức tượng, trên gương mặt ông hằn lên bao nếp nhăn nhàu nhĩ và đôi mắt thẳm sâu, gợi biết bao xúc cảm về tâm tư nhà thơ.

Thầy Thích Ngộ Chánh – con trai út của thi sĩ Đức Sơn – có rất nhiều sách quí. Chúng tôi đã được Thầy tặng tập thơ “CHÚT LỜI MÊNH MÔNG” của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn.

Trong thời gian ngắn ngủi ở Phương Bối, chúng tôi thăm bà Nguyễn Thị Phượng – phu nhân của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và hai con trai bà trong đó có tu sĩ Thích Ngộ Chánh; bà còn cô gái út có gia đình riêng, có quán ăn chay ở phía chân đồi.

Chủ yếu Thầy Thích Ngộ Chánh tiếp đón, sắp xếp chỗ ăn, ngủ và trò chuyện, hướng dẫn chúng tôi thăm các di tích ở Phương Bối.

Thấy bà Phượng và anh em Thầy Ngộ Chánh có nhiều nét “rất Tây”, hỏi ra mới biết, bà có cha là người Pháp, mẹ Việt. Sau 1954, mẹ mất, ít lâu sau cha về Pháp. Bà ở với cậu, học trường Bồ Đề rồi yêu thầy Đức Sơn dạy ở trường này...

Trước 1975 bà là giáo viên dạy tiếng Pháp, tiếng Anh ở trường Trung học.

Rồi từ 1979 cùng chồng con lên Phương Bối và sống ẩn dật tại đây. Nay Bà gần tuổi 80 với bao gian khó đã trải qua mà vẫn lưu giữ một vẻ đẹp thanh cao, toát ra từ dáng vẻ, thần thái…

Thầy Thích Ngộ Chánh có Tịnh Thất thờ Phật và nghỉ trong một “cốc” ven đồi. Thầy rất hâm mộ Thầy Thích Minh Tuệ. Tôi nói đùa, Cốc của Thầy oách hơn chòi của Thầy Minh Tuệ rồi. Thầy cười vui và tặng chúng tôi tấm hình Thầy Minh Tuệ, do một Phật tử từ Sài Gòn tặng Thầy.

Rời Phương Bối rồi mà lòng dạ cứ bâng khuâng, da diết…

M.V.T.

30/6/2024

Tham khảo:

1. https://reviewbaoloc.com/doi-thong-phuong-boi/

2.https://vi.wikipedia.org/.../Th%C3%ADch_Nh%E1%BA%A5t_H%E1...

Tác giả gửi BVN

Có thể là hình ảnh về 3 người, đền thờ và văn bản

Có thể là hình ảnh về 4 người

Có thể là hình ảnh về 1 người

Có thể là hình ảnh về 4 người và cây

Có thể là hình ảnh về 3 người

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'NGUYỄN ĐỨC SƠN chút lời mênh mông thơ THƯ VIỆN THUVIỆNHUĘQUANG HUEQUANG HUỆ QUANG NHÀ XUẨT BÀN ĐÀ NHAXUATBANĐANĂNG NĂNG'

Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về cỏ và cây

Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về cây, sương mù, đường chân trời và núi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn