NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979 ẤY

Ngô Thị Kim Cúc

clip_image002

 

Bia chủ quyền Việt Nam ở Lạng Sơn. Phía dưới là đất Trung Quốc, với đường hầm xây quy mô và xe cộ ra vào nườm nượp.

 
   

Tối 16 tháng 2, sau ba ngày đi “thực tế” ở công trường thủy nông Phú Ninh, tôi về tới Đà Nẵng. Chiều 17 là cuộc họp ngắn của tạp chí Đất Quảng- Hội Văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng. Mọi người chỉ  quan tâm chuyện Trung Quốc đã đồng loạt tấn công cả 6 tỉnh biên giới phía bắc sáng sớm hôm nay, 17 tháng 2, bắn pháo lớn, cho xe tăng và lính bộ binh tràn qua, bắt cóc và giết rất nhiều dân thường.

Dù trước đó Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố sẽ “cho Việt Nam một bài học” và chỉ mới ba ngày trước, bộ Ngoại giao Việt Nam đã gởi Bị vong lục cho phía Trung Quốc, nhưng không ai nghĩ chiến tranh đã thực sự nổ ra.

Chỉ mới bốn năm sau ngày thống nhất đất nước và Việt Nam đang bị cô lập sau khi tiến quân giải phóng Kampuchia ngày 7 tháng 1, cứu người dân khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, đệ tử trung thành của Bắc Kinh, kẻ đã xua quân sang các tỉnh Nam bộ, giết hàng chục ngàn dân thường vô tội, trong đó có rất nhiều học sinh tiểu học.

Máu tôi sục sôi trong huyết quản. Chưa bao giờ lòng căm ghét Trung Cộng lại tràn dâng đến thế. Mấy năm làm việc ở báo Phụ Nữ Việt Nam, tôi đã được nghe hàng trăm chuyện tồi tệ về người hàng xóm đáng sợ ấy. Có lẽ các đồng nghiệp đã nghĩ rằng một sinh viên Sài Gòn ra Hà Nội làm báo từ giữa năm1976 có thể mang những ảo tưởng gì đó về Trung Cộng, nên đã sớm vạch ra cho tôi thấy một bộ mặt rất quỷ ma quái gở của người “đồng chí” phương bắc này.

Chuyện Trung Cộng dàn dựng chụp cảnh người của họ nằm ngang trên đồng lúa chín để khuyên nông dân Việt cấy mạ dày đặc khiến sau đó chẳng thu hoạch đươc hạt thóc nào. Chuyện Trung Cộng sang các bản làng dân tộc Tây Bắc mua rễ và vỏ hồi giá cao. Hồi  là loại cây đặc sản quý với chất lượng tinh dầu vượt trội hẳn so với cây hồi Tàu. Và người dân tộc dễ tin đã cắt rễ và lột sạch vỏ hồi bán cho họ, làm chết đứng những rừng hồi bạt ngàn. Chuyện Trung Cộng đi thu mua mũi trâu giá cao khiến người dân tộc lại bị lừa vì nghĩ cái mũi quá nhỏ so với toàn thân con trâu, đã cắt bán cho họ, rồi sau đó không thể sử dụng trâu vào việc làm nông, vì không còn mũi để xỏ dây. Chuyện dân Tàu cái gì cũng đọc Mao tuyển: đàn bà đau đẻ, trẻ con học dốt, công nhân sản xuất kém… Khách nước ngoài đến Trung Quốc phải giơ cao Mao tuyển khi nghe người Tàu đọc. Nhiều đoàn Việt Nam khi sang Tàu đã cố tình chia hành lý làm hai, hai tay xách hai túi để khỏi phải cầm giơ Mao tuyển…

Như gần trăm phần trăm người miền Nam, tôi chưa bao giờ coi Trung Cộng là bạn. Những bài Việt sử từ thời tiểu học đã cho chúng tôi biết ai là kẻ thù luôn dòm ngó và xâm chiếm đất Việt suốt bốn ngàn năm. Chỉ mới tháng 1 năm 1974, Trung Cộng đã tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và người dân miền Nam thời ấy đã rầm rộ biểu tình lên án. Giờ thì Trung Cộng đang tấn công đất liền Việt Nam, vùng biên ải phía Bắc.

Việt Nam đang rất khó khăn: những gì còn lại sau 1975 đã dùng hết, cả ở tầm gia đình lẫn tầm quốc gia. Xăng dầu, nguyên vật liệu để sản xuất đều cạn kiệt, vậy mà phải tiến hành cuộc chiến tranh mới, với kẻ thù sát ngay bên nách.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã gởi điện khẩn cho chủ tịch Hội Đồng Bảo An, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các nước. Chính phủ Liên Xô đã ra tuyên bố lên án Trung Quốc rất gay gắt và khẳng định “Liên Xô sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên Xô và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, chấm dứt bằng câu: “Trung quốc phải cút khỏi nước Việt Nam… ”.

Ngay ngày đầu cuộc chiến, Trung Cộng đã bị diệt khoảng 1.000 tên và gần 60 chiến xa cùng một số lớn lính bị bắt sống.

Tối 18 tháng 2, đài truyền hình Việt Nam phát tuồng Thái hậu Dương Vân Nga.

Sáng 19 tháng 2, khi ngồi xe lên nông trường 29 tháng 3 trồng sắn “tăng gia”, tôi và các đồng nghiệp lắng tai nghe giọng sang sảng đầy cảm xúc của phát thanh viên đài Tiếng Nói Việt Nam đọc bài bình luận của báo Quân đội Nhân dân, gọi đích danh chúng là “bọn phản động Trung Quốc theo chủ nghĩa bành trướng Đại Hán”. Nước mắt tôi đã rơi vì đớn đau lẫn căm giận…

Tối 19, Đà Nẵng đông nghẹt người khắp các ngả đường. Mít ting và biểu tình của phụ nữ, thanh niên, công nhân, sinh viên học sinh… Tất cả mọi người đều phẫn nộ và căm thù, đều đồng lòng phải đánh cho Trung Cộng biết rằng không dễ gì đụng đến Việt Nam. Những tiếng hô khẩu hiệu như tiếng gào thét hết mức vì căm phẫn.

Ngày 20, nhiều nước lên tiếng lên tiếng phản đối Trung Quốc. Trong khi đó, đã có gần 3.500 lính Trung Cộng bị tiêu diệt và gần 80 xe tăng của chúng bị phá hủy trên biên giới.

Ở trường trung học Phan Chu Trinh-Đà Nẵng, nhiều lớp học sinh viết đơn xin tòng quân tập thể. Có em còn lấy máu viết thư xin nhập ngũ ngay lập tức.

Tối 20, đài truyền hình Việt Nam lại phát phim tài liệu về lực lượng vũ trang Liên Xô. Có một khuyến cáo ngầm trong đó: bọn Đại Hán hãy coi chừng.

***

Ngày 5 tháng 3, xã luận báo Nhân Dân đanh thép khẳng định: “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”. Ngày 6 tháng 3, lệnh Tổng động viên được công bố. Tất cả công dân, nam từ 18 đến 45 tuổi và nữ từ 18 đến 35 tuổi, đều gia nhập dân quân du kích, dân quân tự vệ và được trang bị súng.

Loa phóng thanh trên các ngả đường liên tục phát các bài tường thuật chiến trận từ các tỉnh biên giới. Các bài hát chiến đấu trở thành âm thanh quen thuộc và thân yêu nhất cho mọi người.

Tình trạng chiến tranh đã được ban bố. Cả nước chuyển sang làm việc 10 giờ/ngày để có thể đối phó với kẻ xâm lược.

Tàu khách Thống Nhất đã bị hủy, các chuyến xe ra Bắc chỉ còn là những chuyến phục vụ đột xuất. Hành khách bị kẹt lại lăn lóc khắp các nhà ga, bến xe. Không thể biết sau đó họ đã trở về nhà bằng cách nào.

Nhưng dân Việt dù đang rất khó khăn trong cuộc sống và đang phải chiến đấu chống bọn bành trướng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng bớt xén tài sản ít ỏi đang có để giúp dân Kampuchia khôi phục cuộc sống gia đình sau khi mọi sinh hoạt đã bị Pôn Pốt- Iêng Xary xóa sạch. Cứ 8 gia đình Việt sẽ giúp một gia đình Kampuchia những tiện nghi tối thiểu để họ trở lại cuộc sống bình thường: chén dĩa, nồi niêu, dao rựa, cuôc xẻng, quần áo… Nghe tội ác của Pôn Pốt- Iêng Xary, người Việt thương dân Kampuchia quá, cho gì cũng chẳng tiếc.

Tối nào Đà Nẵng cũng có những cuộc trình diễn văn nghệ chống Trung Cộng, với diễn viên là sinh viên học sinh hay cán bộ công nhân viên.

Ngày 16 tháng 3.

Tổng kết tình hình ba nước Đông Dương lúc này: Kampuchia còn 30.000 tàn quân Pôn Pốt- Iêng Xary với 0,5 triệu dân mà chúng khống chế được. 2,5 triệu dân Kampuchia khác đang trong tình trạng vô chính phủ. Lào thì đang bị 5 sư đoàn lính Trung Cộng đe dọa.

Bộ Chính trị công bố  “Cuộc kháng chiến lâu dài chống Trung Quốc” đã bắt đầu, chuyển mọi hoạt động trên khắp đất nước sang thời chiến.

Việt Nam được phân thành 3 vùng: tiền tuyến là vùng biên giới, hậu phương trực tiếp (từ Bình Trị Thiên trở ra), và hậu phương lớn (từ Quảng Nam- Đà Nẵng trở vào).

Giảm biên chế của Hà Nội và trung ương để chuyển 1/3 số người vào phía nam. Quảng Nam- Đà Nẵng sắp nhận 200.000 người, phần lớn là người già và trẻ em.

Toàn dân đã sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng sơ tán cùng những tài liệu cần thiết vào nam.

Tỉ lệ trên chiến trường hiện nay là 1 Việt đối đầu với 20 lính Trung Cộng đang có mặt trên đất Việt. Chiến thuật biển người thí quân của chúng đã không mang lại kết quả như ý muốn.

Hôm qua, một máy bay từ Hà Nội vào đã bị rơi gần núi Sơn Chà. Gần 50 người chết, trong đó có 4 thứ trưởng, 7 chuyên gia Liên Xô, 1 trung tá. Do trục trặc máy móc chưa rõ nguyên nhân.

Dân Đà Nẵng đã được huy động đóng góp vật liệu để làm hàng rào phòng thủ, đề phòng có thể bị tấn công từ hướng biển. Mỗi hộ nộp 5 mét kẽm gai hoặc 10 mét dây kẽm, 1 cây dài 2,5 mét, 4 bao cát, và cứ 3 hộ nộp 1 thùng phuy hoặc 1 tấm ri. Hạn chót là trước ngày 20 tháng 3.

Ngày 19 tháng 3, Bộ Quốc phòng ra thông cáo về “THẮNG LỢI RẤT OANH LIỆT VÀ TOÀN DIỆN - ĐÁNH BẠI 600.000 QUÂN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC”,  tít bài in chữ lớn màu đỏ nổi bật trên trang 1 báo Nhân Dân…

Ngày 28 tháng 3, thời hạn chót Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hết quân để bắt đầu đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao…

…………………………………….

***

Có vẻ như chiến tranh biên giới đã vào hồi kết. Nhưng thực ra nó chỉ chuyển sang một dạng thức khác, nguy hiểm hơn cho Việt Nam: cuộc chiến về kinh tế và văn hóa.

Hàng lậu, hàng giả đã từ Trung Cộng tràn sang, kết hợp với nhập siêu, phá hoại nền sản xuất  Việt Nam. Hóa chất độc từ Trung Cộng tự do tràn sang khắp thành thị nông thôn, đầu độc người Việt trong mỗi bữa ăn, mỗi sinh hoạt hằng ngày.

Trên thực địa vùng biên, Trung Cộng vẫn tiếp tục chiếm giữ một số vùng của Việt Nam. Tháng 7 năm 1984 chúng chiếm Lão Sơn của Hà Giang. Tháng 3 năm 1988 chúng chiếm đảo Gạc Ma của Trường Sa-Khánh Hòa. Và hiện nay, Trung Cộng đang tính chiếm toàn thể biển Đông của Việt Nam với đường lưỡi bò phi lý…

Vào ngày 19 tháng 2 năm 1979, sau khi đi mítting phụ nữ về, mẹ tôi giận dữ đòi “Bắn chết cha tụi hắn hết đi, bắt thằng tướng của tụi hắn giết đi”. Nhưng rồi sau đó mẹ lại nói bà rất buồn vì “Lâu rồi lại nghe tiếng súng”, và bà buồn vì sao cứ phải đánh giặc liên miên suốt từ khi chị cả tôi sinh ra, từ năm 1945, cho đến giờ.

Mẹ đâu biết rằng, đến tận năm 2014, tám năm sau ngày mẹ về với ông bà, cuộc chiến tranh ngày ấy vẫn âm thầm tiếp diễn, và người Việt Nam thế hệ trước đang rất âu lo cho một thế hệ trẻ không được biết đủ, biết đúng về lịch sử nước mình, để có thể yêu và bảo vệ Tổ quốc như cha ông họ từng làm, suốt bốn ngàn năm qua…

 

clip_image004

Thành phố Lạng Sơn năm 2010, nhìn từ một điểm cao.

clip_image006

Thành phố Lạng Sơn và sông Kỳ Cùng, nhìn từ quốc lộ Một.

clip_image008

Tượng đài trên ải Chi Lăng, bên tay phải đường lên xứ Lạng.

clip_image010

Tượng đài Chi Lăng, giữa rừng núi vùng biên ải, một cái tên quá quen trong sử Việt.

N.T.K.C.

Nguồn: facebook.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn