Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể làm dịu tình hình Biển Đông

Peter J Brown

image Một nỗ lực chung giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhằm giảm bớt [căng thẳng] trên biển sau một loạt các sự cố hải quân, gồm một sự cố tàu Trung Quốc và trực thăng trên tàu quấy rối Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản, có thể sớm khôi phục lại sự yên tĩnh trên biển Hoa Đông.

Cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi cuối tháng, trước khi Thủ tướng Hatoyama từ chức, được cho là đã thiết lập một đường dây nóng và một khuôn khổ đối phó với các sự cố hàng hải đó trước khi biến thành một cuộc khủng hoảng [1].

Có vẻ như Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang phát triển quá thoải mái cùng với việc tập dượt để giành quyền sở hữu Biển Đông. Cùng lúc, “Hiệp định về Các sự cố trên biển” giữa Mỹ và Trung Quốc chậm thực hiện. Không như Quy tắc Ứng xử, có một nguy cơ mà bất kỳ rủi ro không quan trọng nào có thể leo thang nhanh chóng thành một cuộc đối đầu toàn diện hoặc tệ hại hơn nữa, ở vùng biển tiếp giáp với khu vực Đông Á.

Ông Eric McVadon, Thiếu tướng Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là cố vấn cao cấp về Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Phân tích chính sách đối ngoại, có trụ sở tại Virginia, nói: “Một thỏa thuận hay sắp xếp để tránh các cuộc xung đột và tránh các sự kiện leo thang là cần thiết và thích hợp. Trung Quốc muốn ngăn chặn các hoạt động thu thập tình báo của Hoa Kỳ gần Trung Quốc, và Hoa Kỳ muốn tiếp tục thực hiện việc đó để có thể hành động thật nhanh và hiệu quả trong kịch bản về một cuộc tấn công Đài Loan".

Ông McVadon đề nghị mở rộng Hiệp định Tư vấn hàng hải quân sự (MMCA) giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ năm 1998. Những người khác nhìn thấy một “Hiệp định về các sự cố trên biển” chính thức là mục tiêu quan trọng hơn.

Ông David Winkler, thuộc Naval Historical Foundation, có trụ sở tại Washington DC, nói: “Hiệp định như thế, nếu thương lượng trên tinh thần nó sẽ giúp tạo điều kiện hơn cho các mối quan hệ, có thể có giá trị. Hiệp định Tư vấn hàng hải quân sự (MMCA) thiết lập một cơ chế tham khảo ý kiến nhằm gia tăng an toàn hàng hải quân sự, nhưng thỏa thuận đã không bắt chước Hiệp định các sự cố trên biển Mỹ - Nga [được gọi là INCSEA] yêu cầu một cuộc họp đánh giá hàng năm hoặc thiết lập các tín hiệu trao đổi đặc biệt tiếp tục làm cầu nối cho các tàu chiến và tàu buôn giữa Mỹ và Liên Xô”.

Vì Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa bao giờ là đối thủ chính thức, nên căng thẳng cũng chưa bao giờ leo thang tới mức như Mỹ và Liên Xô đã trải qua trong thời kỳ chiến tranh lạnh, INCSEA đã được ký vào đầu thập niên 70, thường được xem như không thích hợp và thậm chí nguy hiểm về tác động và ý nghĩa đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Winkler nói: "INCSEA vẫn còn hiệu lực, ngay cả sau khi chiến tranh lạnh đã đi qua 20 năm. Trong khi quan hệ giữa Washington và Moscow ở những thời điểm băng giá trong qua hai thập niên, mối đe dọa có thể có về sự hủy diệt hạt nhân đã phai mờ dần. Ngày nay, hai lực lượng Hải quân cùng hoạt động trong nhiều khu vực, gần đây nhất trong chiến dịch chống cướp biển ở vùng biển ngoài khơi Đông Phi. Các cuộc đàm phán hàng năm tạo điều kiện hợp tác như thế".

Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên Xô có hiệu quả bởi vì đó là hiệp ước giữa Hải quân với Hải quân mà các nhà hoạch định chính sách cao cấp không để ý và nó có thể được lập luận rằng hỗ trợ cho nó giúp Hải quân Liên Xô mạnh hơn Hải quân Hoa Kỳ.

Ông Winkler nói: "Nó giúp cho Hải quân Liên Xô có uy tín để có mối quan hệ song phương với đối tác Hoa Kỳ trong khi Hồng quân không có bất kỳ mối quan hệ nào với Quân đội Hoa Kỳ. Tình hình đó không thể tồn tại với PLAN khi PLAN được cho là một thành phần của quân đội. Do đó, PLAN không thể có động lực chính trị nội bộ để có mối quan hệ đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ". image

Trên thực tế, các sĩ quan quân đội Trung Quốc ngày càng tức giận và thất vọng bởi vì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thăm dò bằng cách sử dụng tàu chiến và máy bay kỹ thuật hiện đại và rất tinh vi ở những nơi họ không được hoan nghênh nhất, chẳng hạn như ở vùng biển ngoài khơi căn cứ mới cho tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Hải quân Mỹ chỉ đơn giản làm ngơ với thực tế là Trung Quốc muốn tất cả các hoạt động thu thập tình báo sử dụng máy bay tuần tra trên biển và tàu của Hoa Kỳ ở gần Trung Quốc phải chấm dứt.

Ông McVadon nói: "Họ không muốn nói về bất cứ điều gì, ngoại trừ làm cho Hoa Kỳ chấm dứt. Trung Quốc phản đối cách diễn giải quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo quy định của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) cho phép các hoạt động như thế. Hầu hết các nước đồng ý với Hoa Kỳ rằng các hoạt động đó là được phép và rằng nỗ lực của Trung Quốc chủ yếu xem EEZ và vùng trởi ở trên như là vùng lãnh hải và không phận".

Một người Mỹ tham dự phiên họp hồi đầu năm nay về "các sự cố trên biển" mà nhân viên hải quân và các chuyên gia dân sự Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được thu thập, mô tả điều diễn ra như là “độc thoại”.

Trung Quốc từ chối, không chấp nhận chiến lược hàng hải của Hoa Kỳ như là điều bắt nguồn từ hợp tác quốc tế và quyền tự do đi lại trên biển bên ngoài lãnh hải [của các nước].

Ông Peter Dutton, Phó giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải, Trường cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ, nói: “Trớ trêu thay, mục tiêu và các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực cũng tồn tại trong căng thẳng gia tăng của họ với lợi ích toàn cầu. Là một cường quốc kinh tế phát triển nhanh, Trung Quốc là một trong những nước hưởng lợi chính về hệ thống ổn định toàn cầu mà chiến lược này cung cấp. Trung Quốc không thể đòi hỏi cả hai cách. Nếu Trung Quốc muốn đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu lớn hơn, họ phải chấp nhận các nguyên tắc mà hệ thống toàn cầu hoạt động. Cái giá tham gia bảo vệ quyền lợi ở nước ngoài ngày càng gia tăng của họ là chấp nhận các hoạt động hải quân của các nước khác với quyền lợi trên Biển Đông” [2].

Sự giận dữ và thất vọng gia tăng cho tới khi vụ va chạm giữa Trung Quốc và máy bay quân sự Mỹ vào năm 2001 và sự sách nhiễu của các con tàu Trung Quốc đối với tàu USNS Impeccable gần đảo Hải Nam hồi tháng Ba năm ngoái.

"Tuy nhiên, bất ngờ trong năm 2009, sự sách nhiễu dừng lại", ông McVadon nói. Chỉ có một điều đó có thể làm cho sự việc chấm dứt như thế - "Một quyết định ở cấp cao nhất của cả hai Chính phủ đã đạt được để ‘chấm dứt nó'. Điều này xảy ra khi cuộc họp quan trọng G-20 (Nhóm 20 nước) đến gần".

Phiên họp G-20 kế tiếp diễn ra ở Toronto vào ngày 26 và 27 tháng 6.

Hoa Kỳ và Trung Quốc có thấy vô lý trong việc tranh cãi trên Biển Đông khi họ cần giúp thế giới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xử lý vấn đề Bắc Hàn, chống khủng bố, giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu v.v. hay không?

Đây là một giả thuyết hấp dẫn. Tuy nhiên, ngay bây giờ Mỹ cần phê chuẩn UNCLOS, trong đó xác định vùng đặc quyền kinh tế như các đường vận chuyển quốc tế mà các tàu chiến có thể tự do đi lại. Đó là vị trí của ông Abe Denmark, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Center for a New American Security, có trụ sở tại Washington, DC. Ông cũng ủng hộ quyền tự do đi lại trên Biển Đông. Quan điểm của ông được ông Sumihiko Kawamura, Đô đốc về hưu Nhật Bản chia sẻ trong số những người khác.

Cuối năm 2009, ông Dutton nói với báo Asia Times Online rằng, luật pháp trong nước Trung Quốc đòi chủ quyền trên tất cả các đảo ở Biển Đông và cũng tuyên bố vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế xuất phát từ tất cả các vùng lãnh thổ mà họ đòi chủ quyền.

Ông Dutton nói: "Tuy nhiên, có lẽ có lợi cho Trung Quốc khi cứ giữ tình trạng mơ hồ giống hệt như các đòi hỏi pháp lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều quan trọng là việc giải quyết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ mâu thuẫn với các các yêu sách mà Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông”.

Quan điểm của Trung Quốc ở Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (Biển Đông) - những nơi gọi là " vùng biển lân cận" - như các vùng chủ đạo về quan tâm chiến lược mà Trung Quốc tìm kiếm để trở thành cường quốc vượt trội về quân sự.

Ông Dutton nói: "Các hoạt động giám sát của Mỹ giúp họ hiểu rõ hơn về việc Trung Quốc thay đổi sang sự hiện diện hải quân mạnh mẽ hơn trong khu vực. Các hoạt động cũng giúp Hải quân Hoa Kỳ hiểu rõ hơn các đặc tính về không gian đại dương có thể ảnh hưởng đến các hoạt động. Các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc xem cả hai mục tiêu của Hoa Kỳ đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, và vì vậy họ phản đối các hoạt động của Hoa Kỳ".

Trung Quốc dường như công khai các hoạt động Hải quân Mỹ trong khu vực với mục đích kích động sự phẫn nộ trong dân chúng Trung Quốc.

Ông Dutton nói: "Điều này có thể giúp ủng hộ chính sách của Chính phủ trong việc chi tiêu các nguồn tài nguyên vào việc phát triển Hải quân mạnh hơn, thay vì vào các mối quan tâm xã hội khác. Có lẽ như việc thực thi ‘quyền lực mềm’ Trung Quốc cũng hy vọng sẽ tạo ra sự phẫn nộ tương tự về sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ trong dân chúng của các nước khác trong khu vực".

Điều đó không có hiệu nghiệm, và những căng thẳng rõ ràng giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 2010 đã phản ánh thực tế này. Việt Nam có thể không chìa tay ra với Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng là không thoải mái với các hành động của Trung Quốc gần đây.

"Điều này cho thấy rằng chính sách chiến lược của Trung Quốc không phù hợp. Nếu hải quân Trung Quốc hợp tác nhiều hơn và ít đối đầu hơn trong tiếp cận các hoạt động ở khu vực, Trung Quốc có thể có được ảnh hưởng của Hải quân hơn là đánh mất nó", ông Dutton nói.

Ông Raul Pedrozo, Phó giáo sư ngành Luật Quốc tế của Trường cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ, thấy rằng các cuộc thảo luận do MMCA thực hiện là không thành công như người ta mong đợi. Có lẽ tầm quan trọng nên đặt vào Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS: Western Pacific Naval Symposium).

MMCA cung cấp một diễn đàn thích hợp để thảo luận và chế ngự các cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên biển và trên không. Thỏa thuận đặc biệt được thiết lập là để tạo điều kiện cho các tham vấn giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc với ‘Mục đích thúc đẩy sự hiểu biết chung về các hoạt động thực hiện bởi không lực và lực lượng hàng hải tương ứng của hai nước khi hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Pedrozo nói.

Tiếc thay, Trung Quốc đã thất bại trong việc sử dụng MMCA để xác định hoặc thảo luận các biện pháp an toàn thích hợp và các thủ tục sẽ được áp dụng trong các cuộc đụng độ quân sự trên biển. Thay vì tập trung vào việc "thúc đẩy sự hiểu biết chung" nhằm gia tăng an toàn trên biển và trên không, Trung Quốc đã sử dụng MMCA như một diễn đàn để tán thành sự khoa trương chính trị của Chính phủ về sự bất hợp pháp của các hoạt động của quân đội Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế.

"Đến lúc các cuộc tranh luận ‘pháp lý’ bỏ qua một bên, ít nhất là trong ngắn hạn. Điều mà MMCA cần là tập trung phát triển các biện pháp hoạt động an toàn và các thủ tục giới hạn sự quấy nhiễu lẫn nhau và không chắc chắn và tạo điều kiện giao tiếp khi máy bay và các tàu quân sự của Hoa Kỳ và PLA liên lạc trên biển", ông Pedrozo nói.

Các con tàu của Hoa Kỳ, NATO và PLAN đụng phải các vấn đề trong khi cố gắng liên lạc liên quan đến các hoạt động chống khủng bố trong thời gian gần đây ngoài khơi biển châu Phi. 

Ông Pedrozo chú ý đến Quy tắc về Các cuộc đụng độ không báo trước trên biển (CUES) do WPNS đưa ra, trong đó cung cấp các biện pháp an toàn và thủ tục cũng như một phương thức hạn chế quấy nhiễu lẫn nhau và không chắc chắn và để tạo điều kiện trao đổi khi tàu và máy bay liên lạc.

Theo ông Winkler, WPNS được thành lập năm 1988, hiện có 18 thành viên trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Năm 2000, diễn đàn đã giới thiệu CUES, cung cấp cho các bên tham gia diễn tập chiến thuật và hướng dẫn sử dụng tín hiệu dựa trên một nguyên tắc mà NATO và các lực lượng hải quân đồng minh trong Chiến tranh Lạnh sử dụng.

"Các cuộc thảo luận sau đó trên diễn đàn này đã đưa ra khả năng kết hợp các cơ cấu của INCSEA trên khắp khu vực", ông Winkler nói.

WPNS đẩy mạnh hợp tác Hải quân và tạo ra luồng thông tin và ý kiến giữa các chuyên gia hải quân, đưa tới sự hiểu biết thông thường và thỏa thuận có thể được.

Ông Pedrozo nói: "Trung Quốc tham gia vào WPNS đầy đủ. Không cần phát triển cái gì đó ‘đặc biệt hoặc độc đáo’ để tương tác với lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trên biển. Tóm lại, một sự dàn xếp hoặc một hiệp ước mới sẽ không cần thiết, chúng tôi chỉ cần sử dụng các cơ chế và thủ tục hiện hành mà họ dự định sử dụng".

Những cơ chế hiện hành khác gồm quy tắc tránh đâm va của Tổ chức Hàng hải quốc tế và quy tắc hàng không của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Trung Quốc có khả năng đổi hướng?

Hãy xem vị trí của Trung Quốc đã từng tập trung duy nhất vào lợi ích an ninh quốc gia. Đó không phải là trường hợp hiện nay.

Ông Pedrozo nói: "Nhận thấy rằng lý lẽ này không được chú ý nhiều trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận của mình vào năm 2002 với việc thông qua Luật Khảo sát và vẽ bản đồ. Mặc dù họ không từ bỏ hoàn toàn lập luận an ninh quốc gia, Trung Quốc đã bổ sung vị trí pháp lý bằng cách cho rằng các cuộc khảo sát quân sự [khảo sát thủy văn và các hoạt động giám sát quân sự] tương đương với nghiên cứu khoa học hàng hải và do đó tùy thuộc vào sự đồng ý của chính phủ các nước ven biển".

Đến năm 2009, các tàu chở hàng và tàu đánh cá Trung Quốc được sử dụng công khai để cố tình gây trở ngại cho các tàu Mỹ hoạt động trên Biển Đông.

Điều gì có thể xảy ra tiếp theo thì không hoàn toàn bất ngờ.

"Trung Quốc hiện đang cố gắng tạo ra một sự cố giữa một tàu thương mại, tốt nhất là một chiếc tàu đánh cá, và một tàu công vụ đặc biệt của Hoa Kỳ là một phần trong chiến dịch ‘thực thi luật pháp’của mình để đẩy mạnh yêu sách của họ dưới mắt của cộng đồng quốc tế rằng các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ là can thiệp vào các quyền lợi hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc", ông Pedrozo nói, đề cập đến việc [Trung Quốc] sử dụng luật pháp quốc tế tấn công một đối thủ trên cơ sở đạo đức.
Đưa ra vài tàu có trang bị laser và máy bay giám sát hoặc máy bay trực thăng, và một công thức cho thấy sự leo thang nhanh chóng xuất hiện [4].

"Một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ lo lắng vào thập niên 80 là Liên Xô nhắm laser vào máy bay Mỹ. Vấn đề đó đã được đưa trong Hiệp định Phòng chống các hoạt động quân sự nguy hiểm ký kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1989", ông Winkler nói.

Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa hề nói điều gì về việc sử dụng laser chống lại máy bay trực thăng hoặc máy bay khác.

"Sử dụng laser để làm 'mù' hoặc làm choáng váng phi công máy bay là rất nguy hiểm và có thể được xem là một sự tấn công tùy tiện, trừ khi thật sự cần thiết vì [lý do] tự vệ", ông Dutton nói.

"Liên Xô được cho là đã sử dụng nó (laser) để chống lại một vài phi công Mỹ hồi thập niên 80, nhưng việc làm đó đã bị lên án và bây giờ cần phải lên án các hành động tương tự như thế".

Sự bất lực của Mỹ và Trung Quốc để giải quyết sự khác biệt của họ trên biển, báo trước điềm không hay cho các tương tác trong tương lai, chẳng hạn như trên không phận và đó là điều thật sự đáng lo ngại.

----------

Ghi chú:

1. Japan China agree to launch hot line to avert emergencies, Kyoto News, May 31, 2010.
2. "Through a Chinese Lens," Proceedings of the US Naval Institute, April 2010.
3. Calculated ambiguity in the South China Sea, Asia Times Online, Dec 8, 2009.
4. Navy's Drone Death Ray Takes Out Targets at Sea, Wired, May 28, 2010.

Ông Peter J Brown là nhà báo tự do ở bang Maine, Hoa Kỳ.

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: Atimes

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn