Nhấn nút và động cơ

Mạc Văn Trang

nhannut Không hiểu sao sắp đến thời điểm (chiều 19/6/2010) các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn nút về đại dự án đường sắt tàu cao tốc Bắc Nam (TCT), tôi cứ thấy thấp thỏm, bồn chồn chờ xem kết quả. Tâm lý con người quả là lạ thật. Mình không phải ĐBQH, không chắc sống đến ngày nhìn thấy TCT, chỉ là kẻ về hưu, phó thường dân, vậy sao cứ thắc thỏm!

Cũng biết rằng, những ĐBQH có cái “quyết tâm chính trị” như ĐB Trần Tiến Cảnh đã phát ngôn thì chắc chẳng quan tâm đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, vạn bài viết đăng trên các báo chí đầy đủ lý lẽ và tâm huyết của bao nhiêu nhà khoa học, nhà chuyên môn ở trong và ngoài nước đã tha thiết trình bày. Cái “quyết tâm chính trị” ấy đã thao tác hóa việc bấm nút trong tư duy rồi, chỉ chờ tín hiệu là phản ứng!

Kỳ lạ thật, chỉ một động tác nhấn nút, một động tác xảy ra trong tích tắc mà chứa đựng cả hai trường phái Tâm lý học đối lập nhau, đụng độ nhau lớn nhất của thế kỷ XX: Tâm lý học hành vi và Tâm lý học hoạt động.

Tâm lý học hành vi (Behaviourism) thì cho rằng, người ta nghĩ gì, muốn gì, thích gì, tin gì… ở trong đầu như cái hộp đen, làm sao biết được và cũng chẳng cần biết, chỉ cần khi ra lệnh (kích thích) đối tượng hành động (phản ứng) đúng như ta mong muốn là “tốt”. Cái lý thuyết kích thích - phản ứng (S-R) của J. B. Watson sau này được E. C. Tolman bổ sung, được B. F. Skinner nhấn mạnh vào hành vi tự tạo và ứng dụng vào xã hội thì về cơ bản vẫn thế. Hành vi phản ứng “tốt” được thưởng sẽ được củng cố, lần sau thấy tín hiệu kích thích là tích cực phản ứng và chờ thưởng… Phần thưởng càng lớn thì “tính tích cực” càng hăng. Phản ứng “không tốt” thì trừng phạt để răn đe. Đó là nguyên tắc huấn luyện thú làm xiếc, huấn luyện công nhân, binh lính, dạy học chương trình hóa… Nhưng phạt chưa tới ngưỡng răn đe thì không hiệu quả và phạt nhiều lần sẽ nhờn thuốc (kiểu “phạt cho tồn tại”, “kiểm điểm nghiêm khắc”, “xử lý nội bộ”…) chẳng còn tác dụng. Tóm lại, thuyết hành vi chỉ quan tâm mỗi việc: anh có nhấn đúng cái nút tôi mong đợi hay không, còn những gì đằng sau nó, ngoài nó, anh không cần quan tâm, đã có “trên” chịu trách nhiệm… Tôi vẫn nhớ câu chuyện về một phi công Mỹ minh chứng cho điều này. Viên phi công lái B52 ném bom xuống Hà Nội đêm 26 tháng 12/1972, bị bắn rơi máy bay, bị bắt. Khi bị hỏi: tại sao anh dã man, tàn bạo ném bom giết hại dân lành…? Viên phi công nhún vai, trả lời: là một quân nhân, tôi được lệnh đến tọa độ đó là nhấn nút, tôi phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, còn xảy ra chuyện gì ở dưới đất là trách nhiệm của những người ra lệnh, những nhà chính trị, tôi không quan tâm!... Nhưng sau đó những viên phi công này được dẫn đến phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai để họ thấy cái nhấn nút vô cảm của họ đã giết hại bao nhiêu đàn bà, trẻ em, bệnh nhân và tàn phá tan hoang những mái nhà dân lành như thế nào. Viên phi công nọ đã ôm mặt khóc. Họ nói, họ đã bị lừa dối để nhúng tay vào tội ác. Lương tâm họ còn bị dày vò suốt cả cuộc đời cho cái động tác bấm nút trong một tích tắc… Đó chính là điểm yếu của Tâm lý học hành vi để Tâm lý học hoạt động tấn công: con người không phải cái máy nhấn nút, nó còn có lương tâm, ý thức…

Tâm lý học hoạt động, cũng có những tên tuổi lớn như L. X. Vygoxki, X. L. Rubinstein, A. N. Leonchiep… Lý thuyết này cho rằng hành vi của người khác về chất với động vật. Cái nhấn nút là một hành vi chứa đựng cả lịch sử - văn hóa người. Đối với mỗi cá nhân, cái nhấn nút được điều chỉnh bởi toàn bộ nhân cách của người đó, mà tiêu điểm là ý thức về động cơ bấm nút. Thế động cơ là gì? Động cơ là cái vì nó mà người ta nhấn nút. Người theo thuyết hành vi liền bắt bẻ: vì cái gì mà người ta nhấn nút làm sao anh đo đếm, biết được? Anh chỉ có thể biết cái kết quả nhấn nút mà thôi! Nếu anh biết được động cơ của người ta thì chả còn ngoại tình, gián điệp, tham nhũng... Người theo thuyết hoạt động thấy bí, chỉ còn trông chờ vào cái… động cơ của người nhấn nút xem “vì cái gì” để luận bàn, dự báo…

Hơn 2500 năm trước Khổng Tử đã cho rằng: động cơ là chỗ vi diệu nhất của hành động, là sự hiện ra trước của điềm lành dữ vậy. (Cơ giả động chi vi kiết hung chi tiên hiện giả dã); động cơ là chỗ “cùng sâu”, có hiểu nó mới “thông được cái chí trong thiên hạ”... Đức Phật thì nói, bố thí có đến mười mấy loại động cơ khác nhau: bố thí vì muốn khoe của, vì sĩ diện, vì ban ơn, vì muốn làm vừa lòng người khác, vì cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, giải hạn, chuộc lỗi lầm, vân vân... Trong tất cả những động cơ của việc bố thí như vậy, chỉ có một động cơ chân chính đích thực là: bố thí vì lòng từ bi hỉ xả - thương người như thể thương thân!

Vậy các ĐBQH nhấn nút vì cái gì? Có thể vì cái “quyết tâm chính trị” nào đó; vì sức ép, lo sợ; vì lợi quyền cá nhân; vì lợi quyền phe nhóm; vì không hiểu lắm nhưng cứ nhấn; vì trách nhiệm trước nhân dân, sau khi đã lắng nghe dân, tìm hiểu kỹ các ý kiến phản biện, cân nhắc kỹ và nhấn nút… Trong các lý do trên, chỉ lý do sau cùng là động cơ chân chính, đích thực của ĐBQH. Vì cái gì mà đa sô ĐBQH nhấn nút đã báo trước điềm lành dữ của quốc gia, dân tộc.

Người ta có trăm mưu ngàn kế để che đậy động cơ bất chính, nên thật giả có thể lẫn lộn. Vì thế dân ta mới nói: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho tường”. Nhưng dân cũng mách bảo: “… /Ở lâu mới biết lòng người có nhân”, hay “Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra” và “Vải thưa không che được mắt thánh” (của nhân dân), vì dân có thể “đi guốc trong bụng” (các ĐBQH)… Dân biết mà không ngăn được thì đành: “… Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!”…

Thế đấy, nhấn nút chỉ là một động tác, trong tích tắc, nhưng vì cái gì mà ĐBQH nhấn nút lại báo trước điềm lành - dữ của cả đất nước hôm nay và mai sau!

17/6/2010

MVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn