Trở lại quê nhà

1. Bốn cụ U80 và chiếc TV cũ

Nguyễn Xuân Thọ

Thời trai trẻ tôi khá quảng giao và đào hoa. Mặc dù chỉ là anh thợ điện tử ở đài truyền hình nhưng tôi kết bạn với nhiều cô gái trong giới văn nghệ sỹ, nào là nghệ sỹ piano, họa sỹ hoạt hình, diễn viên múa (và kể cả cô nàng đổ rác). Có những bạn gái hơn tôi cả về tuổi tác cũng như học vấn, nhưng có lẽ các nàng thích cái thói hài hước, nói tưng tưng của thằng thợ điện.

Năm 1975 tôi kết bạn với hai cô diễn viên múa mới ra trường về làm việc ở ban văn nghệ VTV. Tất nhiên có lúc mắt tôi liếng về bên phải hoặc về bên trái, nhưng hai em rất thân nhau, khó mà tách ra được nên tôi thân thiết với cả Ngân và Bích[1]. Hai em có chuyện gì cũng kể với tôi và đôi khi những nỗi buồn nọ kia được giải tỏa bằng những chuyện hài lếu láo. Tôi vào làm việc ở Đài truyền hình Huế, mỗi lần ra Hà Nội đều có quà cho cả hai em.

Rồi cuộc đời đã đưa chúng tôi đi ba ngả khác nhau. Cả hai người chồng của Ngân và Bích đều thân thiết với tôi, thỉnh thoảng bia bọt với nhau. Đồ điện tử, TV, radio của hai gia đình mỗi khi sinh chuyện đều do thằng thợ này lo. Các em có vé ca múa nhạc thường rủ tôi đi xem. Có lần các em rủ cả Ba Đẻn, trung phong nổi tiếng (vì lắc mông rê bóng) của đội Thể Công cùng đi xem làm tôi hơi nóng mặt. Ngân vào Qui Nhơn xây dựng đội múa cho tỉnh Bình Định vẫn đến nhà anh chị tôi ở phố Lê Hồng Phong chơi, như một đứa em gái. Vợ tôi tin tưởng cả Ngân và Bích nên mỗi khi tôi bảo đi chơi với hai em là nàng yên tâm (có thể vì cơ chế „Check and Balance“ của chế độ lưỡng đảng).

Năm 1991 tôi đưa gia đình sang Đức lập nghiệp. Bẵng đi mấy năm không biết tin nhau. Năm 2001 tôi về thăm nhà, đi xe máy qua chợ Hàng Da vẫn nhớ ngôi nhà của vợ chồng Bích nên ghé lại. Em đang ngồi bán bún chả trước cửa nhà cùng mẹ chồng. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Bích gọi cho bạn, chỉ 30 phút sau Ngân đã phóng xe máy đến.

Tôi mừng vì cả hai cô em đều có cuộc sống ổn định, con cái ngoan ngoãn. Mỗi lần tôi về nước các em lại đến nhà anh chị tôi thăm. Các em ôn lại những kỷ niệm với anh chị tôi ở Qui Nhơn.

Rồi số phận ập lên đầu Ngân một cách bất ngờ. Chồng em đột tử để lại cho em một cuộc đời còn ngổn ngang mọi lo toan. Thẫn thờ mất mấy năm rồi em cũng vượt qua.

Đầu năm 2021 tôi ra Hà Nội giới thiệu cuốn sách đầu tay Hai quê hương. Bích bận việc nhà, cứ tiếc là không đến dự được. Ngân đến Câu lạc bộ Cà phê Thứ Bảy ở ngã tư Thi Sách/Trần Xuân Soạn giúp tôi tiếp khách và lập danh sách khách mua sách. Khi đó em tuy đã ngoài 60 nhưng vẫn ăn mặc rất hợp mốt, xinh đẹp và tươi vui khiến tôi nghĩ đến cô diễn viên múa 40 năm trước. „Em lười đọc sách lắm, nhưng sách anh viết em đọc không thiếu một chữ“.

Biết vợ chồng tôi về Hà Nội lần này, hai em lại hẹn tôi đến thăm anh tôi đang bị ốm. Cả hai chúng tôi đều sốc khi thấy Ngân già sọm đi, lưng còng còng, bước đi chậm chạp như bà cụ. Tôi chạy đến ôm em hỏi:

- Bà cụ của anh, sao em lại đến nông nỗi này?

- Em bị thoái hóa cột sống nên đi thế thôi, không sao đâu anh.

Bích nhìn tôi ý tứ: Ngân khổ lắm, lúc khác em sẽ kể.

Hôm sau tôi ghé thăm vợ chồng Bích ở Time City, chân cầu Vĩnh Tuy, cả Ngân cũng đến. Mỗi lần về Việt nam tôi chỉ thích những bữa cơm nhà, vừa dễ ăn, sạch sẽ vừa yên tĩnh, không bị quấy rối bởi các tiếng nhạc quá cỡ và tiếng Dzô Dzô từ các bàn bên. Nhưng cơm nhà Bích luôn là một cái gì đó đặc biệt. Nó làm tôi nhớ đến tài nấu ăn của một cô diễn viên bỏ nghề ra bán bún chả trước cửa chợ Hàng Da.

Tôi nhớ lần trước Ngân đưa tôi đến nhà Bích ăn cơm có kể rằng „Em cũng mua căn hộ ở khu này, nhưng ở phía trong kia, hơi xa“. Sau đó tôi không còn thời gian sang thăm căn hộ của em. Lần này tôi dự định làm việc đó, nhưng Bích nói là Ngân đã bán căn hộ và nay đi thuê căn hộ nhỏ hơn để cả nhà năm người ở.

- Sao lại năm người?

- Vợ chồng con gái Ngân và hai cháu ngoại cũng về ở chung với mẹ - Bích nói.

Thì ra số phận nghiệt ngã đã đổ xuống đầu gia đình Ngân. Hai vợ chồng cô con gái vốn là nhân viên ngân hàng, có một cuộc sống ổn định, từng sở hữu một căn hộ ở Time City. Một tai nạn nghề nghiệp mà cháu chỉ là nạn nhân đã thay đổi tất cả. Tôi biết là cháu oan, vì cấp trên đã chủ mưu đưa cháu vào bẫy. Chuyện riêng tư tôi không thể kể chi tiết, chỉ biết rằng cháu đứng trước sự lựa chọn: Vào tù bỏ lại hai con thơ cho người chồng cũng mất việc, hay bán nhà để bồi thường.

Cả hai căn hộ Vinhome bán đi cũng chỉ trả được một phần. Lương hưu ít ỏi của mẹ bị ngân hàng xiết nợ hai năm nay. Cả nhà năm người phải thuê một căn hộ chật ních để ở. Hai vợ chồng cô con gái phải chạy xe ôm cho qua ngày, không biết bao giờ mới quay lại được nghề nhà bank.

Tôi đã chứng kiến nỗi khổ của nhiều người từ hồi giờ vẫn ngoi ngóp nơi tận cùng của xã hội. Giờ mới chứng kiến nỗi khổ của người từ cuộc sống bình thường bị rơi xuống đó.

Trong suốt thời gian Bích kể chuyện, Ngân ngồi buồn bã, im lặng không nói gì. Bị sốc bởi câu chuyện, tôi làm một việc hết sức lỗ mãng là vét ví còn bao nhiêu tiền đưa hết cho Ngân. Em ngạc nhiên rơi nước mắt nhìn tôi.

- Anh từng giúp nhiều người, sao lại không thể giúp em vào lúc này. Cứ cầm lấy, đừng ngại.

- Anh Thọ nói đúng đấy Ngân ạ - Bích khuyên.

….

Rời Việt Nam, tôi mang về Đức nhiều kỷ niệm của các cuộc hội ngộ, vui có, buồn có. Bỗng Ngân gọi qua mạng cho tôi:

- Anh ơi, cái TV, nguồn vui duy nhất của bà cháu em bị hỏng rồi. Em giờ đau lưng, đau chân cả ngày nằm nhà buồn lắm. Trước kia lúc nào TV hỏng là nhờ anh. Bây giờ em cũng chỉ biết hỏi anh.

- Trời đất, anh đang ở xa thế này làm sao giúp em được. Vả lại thời anh em mình thì chữa TV còn bõ, giờ toàn mạch in và chip cả, anh có đến cũng bó tay thôi.

Sau một lúc chẩn đoán, tôi biết là cái TV bị hỏng phần mạch nguồn. Tôi hứa sẽ nhờ bạn bè ở Hà Nội đến giúp em.

Tôi gọi ngay cho Hùng, vốn là một cán bộ lãnh đạo kỹ thuật của ngành truyền hình. Tôi không mong lão già U80 này có thể thay tôi chữa được cái TV, nhưng hỏi hắn liệu có thể nhờ một đệ tử nào đó nay còn làm việc ghé qua xem hộ. Hắn vẫn nhớ Ngân nên bảo tôi yên tâm, sẽ xử lý bằng mọi cách. Hùng lại gọi điện cho lão già khác là Vinh, cùng học đại học Bách khoa tại chức với tôi, vốn phụ trách một cửa hàng sửa chữa TV của công ty HANEL.

Nói là làm. Ngày hôm sau Hùng và Vinh nhờ Thanh, một bạn cũ của tôi ở VTV đem xe ô-tô chở một cái TV Sony cũ đến nhà Ngân. Ngõ nhỏ và chật nên mãi xe mới vào được trước cửa nhà. Ba lão già chắc cũng đã có mỡ trong máu hì hục khiêng cái TV nặng chình chịch lên cái thang bé xíu, dốc đứng lên gác. Toát hết mồi hôi, tim đập thình thịch, vần được cái TV lên đến nơi thì cả bốn ông bà già ngã ngửa.

Cái màn hình hỏng của Ngân là loại TV thông minh (Smart-TV). Thông minh đến mức không cần bắt sóng nhà đài qua Ăng ten hoặc cáp-VTV, mà thu qua Internet-Settop box. Youtube là nguồn giải trí của ba bà cháu chứ không phải chương trình của ban tuyên huấn.

Giờ thì khó rồi. Mà khuân lại cái TV nồi đồng cối đá nọ xuống cái cầu thang hẹp và dốc đứng kia thì cả ba lão già đều hết vía. Thế là căn phòng nhỏ 10m² lại thêm một cái TV vô tích sự làm cho chật thêm. Cả Ngân, Hùng, Vinh và Thanh đều gọi sang Đức kể về câu chuyện dở khóc dở mếu kia. Tôi nói đùa với Ngân.

- Anh Hùng ngày xưa hét ra lửa trong ngành. Giá như biết trước tình thế này thì ngày đó anh ấy đã cấm Internet-TV để mọi máy thu sẽ chỉ còn xem nhà đài và cái máy Sony nặng nề kia sẽ có ích. .

Rồi tôi an ủi Ngân: Mấy ngày rồi không có TV em có thấy cuộc đời thanh thản hơn không? Trên đó toàn chuyện tào lao, bất lợi cho não, nhất là cho hai cháu ngoại của em. Bên này TV ít nhảm nhí hơn mà lâu lâu anh mới xem thời sự, chỉ khi thế giới có biến thôi. Các cháu anh thì khỏi nghĩ đến việc xem TV.

- Em thấy hụt hững anh ạ. Em rất cần ca nhạc cho đỡ buồn vì cả ngày không ra được khỏi nhà.

Hôm qua Ngân lại gọi cho tôi:

- Lúc nãy anh Vinh thay mặt hai anh kia đem đến cho em tiền để đi mua cái TV khác. Đó là giải pháp duy nhất mà ba anh tìm ra. Em cảm động quá, không biết nói gì. Tiền bạc là một chuyện, nhưng việc các anh ấy vẫn nhớ đến em, bất chấp tuổi già để lao lực đến đây làm em phát khóc.

Trời đất! Thế là tôi lại phải lập mẹo để cuối cùng mò được tài khoản của một trong ba lão già. Nếu nói thẳng chắc sẽ không gã nào cho tôi tài khoản để trả món nợ tình nghĩa.

Nguồn: FB Tho Nguyen

[1] Tên các nhân vật đều đổi.

2. Rào cản vô hình

Tháng 11 vừa qua hai vợ chồng tôi đóng cửa công ty, nhờ các con trông hộ căn nhà để đi về Việt Nam 5 tuần. Trọng tâm của chuyến đi là về Sài Gòn giỗ má tôi lần thứ ba. Người ta gọi đám giỗ năm thứ ba là mãn tang, với tôi thì cái tang má không không bao giờ mãn. Ngoài ra vợ tôi cũng muốn đi thăm một số nơi mà tôi luôn gắn bó, rồi về quê Gò Bồi, Qui Nhơn thăm mộ tổ tiên.

Cũng như nhiều lần trước, tôi mua vé Vietnam Airlines (VNA) để bay một mạch, bất kể những than phiền về hãng hàng không nhà nước này. Tuổi già khiến tôi ngại những đường bay có nối chuyến của Qatar hay Turkish, mặc dù trong thời gian Corona tôi đã chứng kiến sự ưu việt của họ.

Cả hai chuyến đi và về (VN36 và VN31), máy bay đều bán hết vé mà 90% là khách nước ngoài. Thêm vào đó, việc VNA mở thêm nhiều đường bay sang châu Âu (riêng ở Đức đã có hai điểm đến là Frankfurt và Munich) chứng tỏ một bước tiến lớn của nó. Do đó việc hãng này luôn kêu lỗ có một uẩn khúc lớn phía sau.

Mặc dù các cô tiếp viên đều rất lẽ phép và hòa nhã, nhưng tính chuyên nghiệp của đội ngũ bay từ lâu nay vẫn dậm chân tại chỗ. Điều được góp ý nhiều lần nhưng không hề suy suyển là cách nói tiếng Anh tùy tiện của đội bay. Có lẽ du khách đã thuộc lòng nội dung các câu chào và thông báo của phi công nên dù các anh nói gì, người ta cũng chỉ đoán ra, chứ để hiểu thì hơi khó. Chuyến bay nào do phi công nước ngoài lái, người nghe cảm thấy dễ chịu hơn. Cả phi công và tiếp viên luôn hãnh diện gọi VNA là thành viên của SkyTeam và điều này không sai. Chỉ có điều cái tên Vietnam Airlines luôn bị phát âm sai thành Vietnam Airlies. (Việt Nam e lai xờ, bỏ phát âm chữ N trong Airlines).

Từ tiếng loa dưới sân bay đến các lời chào của phi công, của tiếp viên đều khiến tôi bức xúc khi nghe cái từ Airlies có tính nhục mạ này. Trong tiếng Anh, line là đường, Airlines (số nhiều) là hãng hàng không. Còn lie là nói dối. Khi bỏ chữ N đọc là Air(lies) thì có nghĩa là “những lời nói dối trong gió”. Đã vài lần tôi giải thích điều này với các cô tiếp viên. Lúc đầu các cô không hiểu, nhưng khi dùng giấy bút giải thích thì các cô đều cười vui vẻ, đồng ý. Rồi có một cô nói: “Chú nói đúng quá, nhưng tất cả mọi người đều nói vậy, sửa khó lắm”.

Có thể người ta cho là tôi chẻ chữ, nhỏ nhen. Nhưng câu nói của cô tiếp viên chứng tỏ sức ỳ của đám đông, của một hệ thống. Vietnamairlines dù có bị đọc sai thành kiểu gì vẫn là một hãng bay của người Việt mà tôi lựa chọn. Chắc chắn nhiều bộ óc thông minh ở đó thừa hiểu nghĩa của „Lines“ và „Lies“. Nhưng việc gì phải thay đổi, khi cả đám đông và hệ thống chấp nhận sai lệch đó? Điều này cùng những cái chặc lưỡi khác góp phần làm cho VNA có quyền lỗ khi đường bay vẫn cứ mở rộng.

Các sân bay Việt nam, dù là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phù Cát, Phú Bài hay Đồng Hới đều sạch sẽ, ngăn nắp. Đông hay vắng tùy thuộc vào địa điểm và mùa du lịch. Điểm ưu so với các sân bay phương tây là có nhiều nhà vệ sinh hơn. Ở sân bay Đức thì các lão già có vấn đề tiền liệt tuyến sẽ vất vả hơn để tìm nhà vệ sinh. Có lẽ điều này nằm ở đặc điểm mà từ bé tôi đã được nghe: ”Người Việt ăn nhanh, đi chậm, hay cười và hay đái vặt”.

Sân bay Ta còn hơn Tây ở trình độ chặt chém. Một chai nước Lavie mua lẻ bên ngoài chỉ khoảng 7.000 VND mà bên trong bán 2 hoăc 3USD (50.000-75.000 VND), quả là bậc thầy. Mọi thứ đều đắt hơn bên ngoài vài lần. Tất nhiên giá đó chỉ để cho ai thừa ngoại tệ không biết làm gì. Điều này khiến các cô bán hàng bên trong sân bay luôn ngồi ngáp dài, mắt không rời smartphone. Thấy bóng người đi qua là các cô mời lấy lệ, vì cũng thừa biết khó mà câu được cá. Tôi đặt vấn đề hạ giá xuống để bán được nhiều hàng hơn thì một cô nói:

- Chú ơi giá thuê mặt bằng và các chi phí trong này cao lắm ạ. Cháu làm ở đây đã đổi chủ nhiều lần, vì họ không trụ được.

Chắc chắn có nhiều ông quan thấy được vấn đề và cũng mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ trong sân bay. Nhưng thay đổi nếp suy nghĩ đã ăn sâu vào hệ thống sẽ rất khó. Việc gì phải khổ sở, nếu đám đông chấp nhận sự vô lý này?

Tuy mỗi lần đi xa là một lần phải đối phó với nhiều trở ngại. Dù mất đi các tiện nghi và nhịp sống cần thiết cho tuổi già, nhưng tôi luôn hạnh phúc khi trở về quê nhà, được gặp gỡ người thân, bạn bè và được sống với nhiều kỷ niệm cũ. Cuộc đời chỉ có giá trị nếu biết sống với ký ức.

Vợ chồng tôi về thăm xóm nhà 14 Lý Thường Kiệt mà tôi đã sống suốt 20 năm. Ngôi nhà này giờ đây là một tụ điểm ăn uống tấp nập. Một nửa cho công ty “Phở Lý Quốc Sư” thuê, nửa còn lại là quán cơm Vinh-Thu nổi tiếng Hà Nội. Trong khi sự ồn ào và mất vệ sinh của các cửa hàng khiến nhiều người không sống nổi, phải chuyển đi thì chúng lại tạo điều kiện sống cho vài gia đình trong xóm (người thì bán nước chè, kẻ cho thuê phòng ăn, kẻ trông xe đạp). Anh chị tôi già nua ốm yếu, không chịu nổi khói bụi của các bếp than và tình trạng ẩm ướt do nước rửa bát váng mỡ suốt ngày đọng trên sân nên cũng phải dọn đi.

Ngày anh chị còn ở đó, tôi hay về nghỉ và đêm đêm vẫn nghe lũ chuột đùa nghịch trên các chồng bát đũa mà trưa hôm sau các công chức quanh đó vẫn vui vẻ dùng để lùa cơm vào dạ dày.

Chúng tôi chọn lúc quán ăn nghỉ để đến thăm hai gia đình còn trụ lại ở đây. Họ là những người nghèo, không có điều kiện mua nhà chỗ khác và chỉ còn cách dựa vào quán cơm để kiếm thêm chút ít. Trước kia những hộ này chỉ ở trong diện tích của gầm và trần cầu thang, che chắn bằng gỗ. Nay các “căn hộ” vài mét vuông đó vẫn vậy và họ cơi nới thêm một số diện tích nhỏ ở khu vực nhà tắm và vệ sinh xưa kia để ở và cho các cháu từ nông thôn lên làm quán ăn thuê.

Các anh chị nay đã ngoài 80, già nua và ốm yếu, nhưng vẫn nhớ đến chú Thọ, cô Châu, những người từng chia sẻ với họ những khó khăn thời bao cấp. Chị Thảo, nay chắc chỉ còn nặng dưới 30kg, lưng còng, lê đến bắt tay tôi, luôn miệng nói: “Trời ơi, sao mà chú giống ông thế. Ông hiền lắm!”.

Anh Thấu thì đã liệt giường cả mấy năm nay. Còn chị Thấu vẫn có nụ cười hơi mếu, để lộ thêm hàm răng móm mém. Chị ôn lại với chúng tôi những kỷ niệm về hai cậu con tôi. Cả hai gia đình này nay chỉ sống bằng đồng lương hưu nhỏ nhoi. Nhỏ ở mức quá ít để sống, nhưng quá nhiều để chết đói.

Qua tâm sự, tôi biết là cái xóm nhỏ luôn quí mến nhau khi xưa, nay đang chia rẽ nặng nề.

Khu nhà rộng 600m² này, nằm giữa khu vực đất vàng của thủ đô, đang trở thành mục tiêu của nhiều đại gia. Họ muốn mua trọn toàn bộ khu nhà để xây một cái gì đó thật đắt giá. Đương nhiên là họ thương lượng bí mật với tất cả 11 hộ ở đây. Trong khi những người nghèo coi đây là cơ hội duy nhất để đổi đời thì những gia đình khác coi món tiền khủng cho thuê cửa hàng là lý do để đưa ra cái giá mà không ai mua nổi. Một số diện tích sân chung nay bị tranh chấp một cách khốc liệt. Bao nhiêu cuộc họp có mặt và vắng mặt người mua đều thất bại. Ai cũng đổ tội cho các hộ khác. Không ai còn ưa ai nữa.

Người ta hay than: “Ngày xưa sống có tình người, chứ bây giờ…”. Không phải ngày xưa con người tử tế hơn với nhau. Vẫn những con người đó, mảnh đất đó nhưng nay sự cào bằng vật chất đã biến mất. Nó biến mất nhưng tạo cho một số người cơ hội để giành sự giàu có từ những kẻ yếu. Người ta tranh thủ sự buông thả của pháp luật để giành giật, hàng xóm bất hòa, anh em chia rẽ.

Vợ chồng tôi vẫn quí mến tất cả mọi người như xưa nên đề nghị tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật toàn bộ cư dân cũ. Ai nghe tôi mời cũng rất mừng, tuy đều không tin rằng sẽ có đông người đến.

Thật không thể ngờ là cuộc họp mặt lại đông vui như vậy. Tôi nói: “Anh Thanh yếu quá rồi, cứ thuê xe tắc xi đến quán, em sẽ trả tiền cho anh cả đi lẫn về”. Nhưng anh vẫn đi bộ hai cậy số đến dự và tự đi bộ về. Tất cả mọi người đều tay bắt mặt mừng, vì xưa nay chưa bao giờ gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy.

Các cháu Khanh Linh Pham, cháu Phạm Tố Loan, cháu Hà nay đã thành đạt quyết không cho chú Thọ trả tiền bữa cơm thịnh soạn và chầu cà-phê ấm cúng. Có gia đình bất hòa đến mức anh em không muốn gặp nhau, nay đều có mặt. Tuy bố mẹ không nói chuyện với nhau, nhưng cô đã hỏi thăm cháu. Tôi nghe cô cháu tâm sự thì biết là tình cảm gia đình vẫn đó, chỉ chưa có dịp nào để vượt cái rào cản vô hình.

Một cậu em nói: "Nay mai anh chị sẽ về Đức, nhưng có lẽ chúng ta ở lại nên thường xuyên gặp nhau như thế này."

- Có khi nhờ thế mà lại bán được nhà – Tôi nói đùa.

Tất cả cười giòn giã.

(còn tiếp)

Bài trước: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/28403061515951885

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn