Những tù nhân của lợi ích trước mắt

Vương Trí Nhàn

image Triều Nguyễn nổi tiếng với việc cấm đạo. Người ta cắt nghĩa đó là tại Nho học đã thấm quá sâu, khiến vua chúa sinh ra bảo thủ. Nhưng một người tôi quen bảo có gì đâu, tại các bà phi tần cả. Vua mà đi lễ nhà thờ thì phải theo chế độ một vợ một chồng, và tam cung lục viện không biết chừng giải tán hết (?!). Nên các bà vừa nghe phong phanh đã không thích đạo và bảo nhau nằn nì xin vua cấm đạo bằng được.

Suốt thời Trung đại Việt Nam không chế được ra thứ văn tự riêng của mình, trong giấy tờ hành chính, trong trước tác và nói chung trong tư duy phải dùng chữ Hán. Chữ Nôm sớm được nghĩ ra, nhưng ác một nỗi là phải giỏi Hán thì người ta mới giỏi Nôm được. Tại sao có tình trạng đó? Cũng như trường hợp trên, ở đây có một cách giải thích mà tôi chưa chứng minh được, nhưng cảm thấy có lý: Chính các nhà nho xưa muốn thế. Nếu có một công cụ mới quá thuận tiện, ai cũng học được, thì còn đâu là đặc quyền của lớp người có học trong xã hội. Tìm ra thứ chữ dễ học? Trao cần câu cơm cho người khác à? Có đâu dễ thế!


Cái gì là động cơ thúc đẩy con người trong lịch sử? Chúng ta hay giải thích bằng những cái lý lớn: vì họ hiểu ra thế này, vì họ nhận thức được điều kia. Nhưng trong thực tế, nhiều khi lại chỉ thấy có những nguyên cớ rất thiết thực. Với phần lớn người đời, phải nói chúng ta thường xuyên là tù nhân của những lợi ích trước mắt.
Hai mẩu chuyện trên đây là bằng chứng cho thứ lý thuyết mà tôi vừa nêu. Nó có vẻ chỉ thấy con người ở góc độ chật hẹp. Nhưng sao tôi thấy nó đúng với nghĩa giúp tôi giải thích nhiều sự việc kỳ cục. Cả với nhiều chuyện hôm nay cũng đúng.
Như chung quanh câu chuyện gần đây thiên hạ hay bàn là vấn đề cải cách giáo dục.
Ai cũng thấy là giáo dục quá ư xập xệ. Không ngại mang tiếng ác khẩu, có người còn bảo là suy đồi, là vô phương cứu chữa. Điều có thể nói chắc là, nói theo ngôn ngữ hàng hóa, thì một tỷ lệ lớn sản phẩm - tức những thanh niên mà hàng năm chúng ta cho ra lò - so với tiêu chuẩn hiện đại, chỉ là loại thứ phẩm, không đào tạo lại không dùng được.
Trừ người đã mất hết lý trí, tôi tin ai cũng thấy là cần phải thay đổi.
Nhưng thay đổi thế nào bây giờ? Liệu sau những năm chiến tranh, ai là người hiểu biết về giáo dục hiện đại để đề ra một đề án thích hợp? Rồi ngay cả khi có phương án đúng, thì lấy đâu ra tiền của để thực hiện? Tiếp tục xếp sang một bên câu chuyện tiền của đi nữa. Ta sẽ có trường sở đàng hoàng. Ta sẽ có chương trình đi sát yêu cầu kiến thiết đất nước. Vâng, không thiếu gì cả. Thì tới câu hỏi cuối cùng, lấy đâu ra thầy và trò để lấp đầy cái nhà trường đó?
Và trước tiên, điều vướng mắc nhất, đó là những người bấy lâu trong nghề giáo dục - các thầy các cô hiện nay - sẽ đi đâu làm gì?
Đào tạo lại ư? Lâu nay họ đã là máy cái rồi, có thứ máy cái nào khác đào tạo họ được?
Đặt địa vị mình cũng là một người đang làm trong nghề, không muốn dối lòng, hẳn tôi phải nói rằng chính tôi ngại lắm! Chẳng phải chỉ các quan chức trong ngành muốn duy trì hiện trạng, mà ở chỗ thâm sâu trong lòng mỗi người, chúng tôi đều lờ mờ e ngại rằng trong mọi sự thay đổi, đâu có dễ tìm ra chỗ của mình.
Vậy thì kêu lên cho phải phép thôi, chứ bàn chuyện thay đổi đến cùng sao được!
Không ai tự nguyện chặt chân mình. Đời sống đã quá phiền toái rồi, không ai muốn tự làm phiền thêm nữa.
Ở đâu tôi cũng quan sát thấy sự có mặt của cái chân lý chết tiệt đó!
Như mấy ngày đầu tháng Sáu này, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa được tiến hành trên phạm vi cả nước, báo chí phải có bài đánh giá. Trên tờ báo nọ, người ta thấy một bài phỏng vấn, một phóng viên hỏi có phải năm nay Bộ chủ trương tháo khoán không, mà nghe thấy tình hình suôn sẻ thế, rồi một quan chức của Bộ thì trả lời rằng đâu có, mọi chuyện được tiến hành nghiêm túc lắm, không có chuyện Bộ để cho địa phương làm đẹp kết quả.
Hẳn nhiều bạn đọc chỉ thoáng nghe qua là đoán được tình hình thực hư thế nào rồi. Nhưng tôi cho là phải thông cảm với vị quan chức kia mới được. Ai ở địa vị một quan chức đương quyền cũng phải nói kiểu ấy. Chứ “lạy ông tôi ở bụi này” để làm gì? Để chứng tỏ rằng cái Bộ của mình có tổ chức mấy kỳ thi cũng không nên thân à? Đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm ra ai khờ khạo thế.
Người ta sẽ nói chẳng có gì mới nếu bảo rằng trong khi ở ta, ai bây giờ cũng khôn ngoan cũng giỏi tính toán cho mình, thì trên con đường đi vào tương lai, cả xã hội lại đang bước những bước thật là dại dột. Ta đang cho thuê đất thuê rừng lấy vài đồng rẻ mạt. Ta đang khai thác bừa bãi khoáng sản để lấy tiếng là có xuất khẩu và có vốn liếng làm những cuộc hội hè tốn kém. Ta để cho bao nhiêu học sinh giỏi giang ra nước ngoài học bảo nhau không thể quay về vì quay về không có chỗ để làm việc… Như thế là tự mình đào móng ngôi nhà đang ở, mình chặt chân mình, chứ có gì khác. Cứ mỗi trường hợp có sự mâu thuẫn xung đột giữa hiện tại với tương lai thì chúng ta đều lấy tương lai hy sinh cho hiện tại.

VTN

Nguồn: Vuongtrinhan Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn