Chủ đầu tư nhiều dự án nhiệt điện: Ăn 'quả đắng' nhà thầu Trung Quốc

Phạm Tuyên

clip_image001

 

Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh), nhà thầu Trung Quốc thắng thầu cung cấp thiết bị . Ảnh: L.T

 

TP - Nhờ giá rẻ nên phần lớn các dự án nhiệt điện của TKV làm chủ đầu tư đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, chính chủ đầu tư thừa nhận chất lượng các thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc thấp. Trong khi nhiều công trình, sau khi trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc thi công chậm, dẫn tới bị đội vốn.

Rẻ hóa đắt

Báo cáo mới nhất của Tổng Cty Điện lực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, trong những năm vừa qua, TKV đã triển khai đầu tư 6 dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC như: Cao Ngạn (100MW); Sơn Động (200MW); Nông Sơn (30MW); Cẩm Phả 1 (310MW); Cẩm Phả 2 (300MW); Mạo Khê (440 MW).

Việc các nhà thầu Trung Quốc chiếm tuyệt đại đa số trong các dự án điện của TKV, theo lý giải của Tổng Cty Điện lực TKV, một phần do cơ chế tài trợ vốn cho dự án chỉ giới hạn việc đấu thầu giữa các nhà thầu Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ ở dự án điện Cao Ngạn khi chỉ có 4 nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu và HPE trúng thầu.

Cùng với đó, do tính cấp bách của nguồn điện nên để thực hiện nhanh dự án, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho TKV đàm phán trực tiếp với các nhà thầu Trung Quốc (với dự án Nhiệt điện Sơn Động) và áp dụng cơ chế đặc thù (với dự án Cẩm Phả 2).

Đối với các dự án có công suất nhỏ thì chỉ có các nhà thầu Trung Quốc quan tâm (dự án Nhiệt điện Nông Sơn), các nhà thầu Việt Nam, nhà thầu các nước G7, châu Âu không quan tâm.

Ngoài ra cơ chế lựa chọn nhà thầu theo kiểu chọn giá thấp nhất đã làm các nhà thầu từ các nước G7, châu Âu, Hàn Quốc tham gia thời gian đầu nhưng ở giai đoạn sau không tham gia vì không cạnh tranh được về giá đối với các nhà thầu Trung Quốc (dự án Nhiệt điện Mạo Khê).

 

Việc hiện 90% dự án nhiệt điện hiện nay đều do Trung Quốc thắng thầu sẽ dẫn tới sự phụ thuộc, có nguy cơ mất an ninh năng lượng khi có sự cố xảy ra, vì khi đó chúng ta có cái gì làm đối trọng. Đây là điều đáng nghĩ. - GS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng 

Thực tế cho thấy, việc thi công các dự án điện của TKV, do các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, đều bị chậm tiến độ từ 1 đến 2 năm, thậm chí chậm hơn do kinh nghiệm làm tổng thầu còn ít. Đa số các nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng của Trung Quốc chỉ quen với các tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất... Điều này được thể hiện qua việc nhiều dự án điện bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành.

Trở ngại khác thường gặp trong quá trình thực hiện các dự án điện là khi thi công, nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng: thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật... Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của chủ đầu tư.

Các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu cũng gặp phải tình huống tương tự. Đặc biệt, việc đàm phán để nhà thầu EPC nộp khoản phạt chậm tiến độ là công việc rất khó khăn và thường bị kéo dài, nhất là đối với các nhà thầu Trung Quốc.

Giá rẻ, chất lượng không cao

Dù chiếm thế thượng phong về giá nhưng chất lượng các thiết bị xuất xứ Trung Quốc lại không được đánh giá cao. So sánh thực tế vận hành ở nhà máy điện Na Dương (do MC làm tổng thầu, các thiết bị chính xuất xứ Nhật Bản và các nước G7) với nhiệt điện Cao Ngạn (do HPE làm tổng thầu, các thiết bị chính xuất xứ Trung Quốc), Sơn Động, Cẩm Phả cho thấy chất lượng thiết bị xuất xứ Trung Quốc cũng như các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (hiệu suất nhà máy) thấp hơn thiết bị của các nước châu Âu, G7.

Một số thiết bị phụ của Trung Quốc như bơm, quạt, hệ thống vận chuyển than, đá vôi… trong quá trình vận hành thử bộc lộ những khiếm khuyết dẫn đến thời gian chạy thử, chạy tin cậy bị kéo dài, chậm tiến độ của hợp đồng.

Theo bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nhà thầu Trung Quốc thường mang tất cả các thiết bị, thậm chí cả phần vệ sinh công nghiệp từ nước họ sang nên hầu như không có nhà thầu Việt Nam nào tham gia được trong quá trình thi công.

"Với các công trình do PVN làm chủ đầu tư chúng tôi rất ngại việc bị bắt chẹt khi sửa chữa thiết bị. Vì vậy hầu hết các công trình điện do PVN đầu tư đều không chấp nhận sử dụng thiết bị của Trung Quốc. Việc này khiến giá thành điện của Tập đoàn sản xuất cao hơn các đơn vị khác là như vậy.

Trong các công trình như Đạm Phú Mỹ, lọc dầu Dung Quất chúng tôi đã để cho nhiều nhà thầu Việt Nam tham gia thi công. Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay là giá thành vẫn cao và việc tuân thủ tiến độ đôi khi không được đảm bảo" – bà Hà nói.

GS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng cho rằng, tẩy chay hoàn toàn thiết bị của Trung Quốc trong các nhà máy nhiệt điện là không nên. Tuy nhiên, với những dự án do Trung Quốc thắng thầu cần có quy định tỉ lệ nhất định thiết bị nhập khẩu và một tỉ lệ cố định thiết bị do trong nước sản xuất, tránh nguy cơ mất an ninh năng lượng.

Để khắc phục tình trạng các nhà thầu Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đầu tư EPC, TKV kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng lựa chọn nhà thầu EPC không nhất thiết phải có giá thấp nhất. Trong đó cần quy định rõ cách đánh giá lựa chọn nhà thầu EPC; cách xác định năng lực nhà thầu EPC để đảm bảo chọn được nhà thầu có kinh nghiệm quản lý dự án tốt, năng lực về kỹ thuật và tài chính mạnh. Đặc biệt các dự án khi nhà đầu tư nước ngoài thắng thầu phải có quy định tỷ lệ nội địa hóa về chế tạo thiết bị tại Việt Nam.

P. T.

Nguồn: Tienphong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn