Việt Nam: Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi bị tạm giam lan rộng

Công an đánh chết người dẫn đến biểu tình

SEPTEMBER 22, 2010

image Tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống.

Ông Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu

(New York) - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa ra tuyên bố trong ngày hôm nay rằng chính quyền Việt Nam cần nhanh chóng mở các cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về hàng loạt ca tử vong do công an sử dụng vũ lực chết người gây nên, và xử lý những cán bộ có trách nhiệm trong việc này.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận được 19 trường hợp bạo hành của công an, dẫn đến cái chết của 15 người, do báo chí thuộc quản lý nhà nước đưa tin trong 12 tháng vừa qua. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chính phủ Việt Nam cần công khai thừa nhận vấn đề này và ban hành luật quy định rõ hành vi lạm quyền của công an ở mọi cấp bậc đều là phạm pháp, đồng thời khẳng định rõ bất kỳ cán bộ công an nào bị phát hiện vi phạm đều phải chịu kỷ luật, và truy tố hình sự nếu cần thiết.

"Tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống," Ông Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu.

Trong một số vụ việc, nạn nhân tử vong do bị đánh trong khi đang bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở chỗ đông người do công an sử dụng bạo lực được ghi nhận là quá mức cần thiết. Nhiều cái chết như thế đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng khắp Việt Nam trong năm vừa qua.

Những ca tử vong trong khi bị công an giam giữ hoặc chết dưới tay của công an được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành, từ khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Giang và Thái Nguyên, đến các thành phố lớn như Hà Nội và Đà Nẵng, tới Quảng Nam ở ven biển miền Trung, hay Gia Lai ở vùng cao nguyên hẻo lánh, cho tới các tỉnh Hậu Giang và Bình Phước ở miền Nam.

Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong tại nơi giam giữ bị bắt vì những vi phạm nhỏ. Ví dụ, ngày 30 tháng Sáu năm 2010, Vũ Văn Hiền ở Thái Nguyên chết trong đồn công an sau khi bị bắt vì xô xát với mẹ mình. Kết quả pháp y cho thấy nạn nhân tử vong vì xuất huyết não, đa chấn thương, vỡ xương hàm và gãy xương sườn. Ba tuần sau đó, vào ngày 23 tháng Bảy, cuộc biểu tình đông người nổ ra ở Bắc Giang sau cái chết của Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi. Anh Khương chết chỉ vài giờ sau khi bị công an bắt vì tội đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Tin tức về những vụ việc này trên báo chí địa phương rất thất thường, làm gia tăng mối quan ngại vốn có về sự kiểm soát của chính quyền đối với báo chí ở Việt Nam. Trong một số trường hợp, tin tức đăng tải trên báo chí đã châm ngòi cho các cuộc điều tra về sự bạo hành của công an từng bị bưng bít trước đó. Ví dụ, loạt bài đăng tải trên tờ Gia Đình và Xã Hội trong tháng Hai đã khiến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hải Dương yêu cầu điều tra làm rõ về cái chết tại nơi giam giữ đầy nghi vấn của Đặng Trung Trịnh vào ngày 28 tháng 11 năm 2009, mà trước đó hồ sơ công an đã khép lại với kết luận "chết do bệnh lý".

Mặt khác, một số vụ việc then chốt khác lại hầu như không được đề cập tới trên báo chí địa phương, ví dụ như cái chết của Nguyễn Thành Năm ở Giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng. Sau khi đưa một đám tang ở Cồn Dầu ngày 4 tháng Năm tới một nghĩa địa nằm trên khu đất tranh chấp vì chính quyền có kế hoạch mở dự án phát triển, ông Năm bị công an gọi lên làm việc, thẩm vấn và đánh đập nhiều lần. Ngày 2 tháng Bảy, trong khi bị dân phòng tạm giữ, ông Năm bị đánh trầm trọng và bị trói ngoài ruộng. Ông chết tại nhà vì chấn thương vào ngay ngày hôm sau, mồng 3 tháng Bảy.

Những người dân địa phương do Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc qua điện thoại cho biết rằng họ sợ nói về vụ việc này, nhất là về nguyên nhân cái chết của ông Năm. Chính quyền chối bỏ trách nhiệm của bên công an, và tuyên bố rằng ông Năm chết do đột quỵ. Gia đình ông đã phản bác giải thích của chính quyền, kể cả khi anh trai ông Năm ra điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ vào ngày 18 tháng Tám.

"Thay vì bịt miệng báo chí hoặc chỉ cho phép phóng viên đăng bài sau khi được bật đèn xanh, chính quyền Việt Nam nên lùi lại và cho phép báo chí tiến hành phóng sự điều tra về các vấn đề như thế này," Ông Robertson tuyên bố. "Báo chí độc lập có khả năng đưa ra ánh sáng những vụ việc lạm quyền mà công an và chính quyền địa phương muốn ỉm đi."

Trong cả 19 vụ việc về công an bạo hành được ghi nhận kể từ tháng Chín năm 2009, chưa có báo cáo nào cho thấy công an bị tòa kết án vì hành vi của mình. Đa số các trường hợp, cấp trên của họ đưa ra các hình thức kỷ luật nhẹ, như yêu cầu cán bộ vi phạm phải xin lỗi gia đình nạn nhân, buộc thuyên chuyển đơn vị, hoặc viết kiểm điểm về sự vụ để cấp trên xem xét. Trong một vài trường hợp, việc cá nhân cán bộ công an gây bạo hành bị buộc tạm thôi việc, và/hoặc bị tạm giữ để điều tra, như vụ việc ở Bắc Giang, có vẻ nhằm đối phó với sức ép từ các cuộc biểu tình của người dân phản đối công an bạo hành, và thông tin trên các trang mạng độc lập lột tả hành vi vi phạm qua lời kể từ các nhân chứng, ảnh chụp, video và các bài viết trên blog.

"Phần nhiều trong số các vụ việc nhức nhối này không còn trong vòng bí mật nữa, và vấn đề còn lại là quyết tâm điều tra của các Bộ, ngành trong chính phủ và Quốc hội Việt Nam," Ông Robertson kết luận. "Chừng nào mà công an chưa nhận được thông điệp từ mọi cấp chính quyền rằng họ sẽ bị truy cứu và trừng phạt, có rất ít đối trọng để ngăn họ không tiếp diễn các hành vi lạm quyền, bạo hành kiểu này, kể cả đánh người đến chết."

Phụ Lục

Thông tin về các vụ việc bạo hành của công an tổng hợp từ báo chí Việt Nam

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tìm hiểu chủ yếu căn cứ trên tin, bài về các vụ việc lạm quyền của công an được đăng tải trên phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý, bao gồm cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, quân đội, công an, Tòa án tối cao, Thanh tra Nhà nước Việt Nam, cùng báo chí và các trang tin trên mạng được đăng ký chính thức tại Việt Nam và vận hành dưới sự kiểm soát của chính quyền, ví dụ như Nhà Báo & Công Luận, Gia Đình & Xã Hội, Vietnam Net, Pháp Luật Việt Nam, Pháp Luật TP HCM, Đời Sống & Pháp Luật, Dân Trí, Lao Động, Người Lao Động, Đại Đoàn Kết, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Nông Nghiệp, Dân Việt, Đất ViệtVN Express. Các nguồn báo chí bên ngoài Việt Nam, bao gồm chuyên mục tiếng Việt của đài BBC, Đài Á Châu Tự Do, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và các trang mạng cũng như blog tiếng Việt cũng được tham khảo, tuy với mức độ hạn chế hơn.

* Ngày 9 tháng 9 năm 2010: Trần Ngọc Đường, 52 tuổi, chết trong khi bị công an tạm giữ tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chỉ trong vài giờ sau khi khi bị bắt vì cãi cọ với hàng xóm. Công an thông báo với gia đình nạn nhân rằng ông treo cổ tự tử. Vợ nạn nhân không tin nguyên nhân dẫn đến cái chết của chồng bà là do tự tử. Bà cho biết ông Dương bị phát hiện chết trong tư thế ngồi, với sợi thắt lưng da cuốn quanh cổ nhưng không có vết hằn trên cổ. Được biết vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Nguồn:

· Giáng Hương, "Một người đàn ông treo cổ trong trụ sở UBND xã", Bee.net.vn, ngày 13 tháng Chín năm 2010.

· Vĩnh Minh, "Một người đàn ông chết tại UBND xã", Viet Nam Net, ngày 13 tháng Chín năm 2010.

* Ngày 8 tháng 8 năm 2010: Trần Duy Hải, 32 tuổi, chết trong khi bị công an giam giữ ở tỉnh Hậu Giang, sau khi bị bắt một hôm trước do tình nghi cướp giật sợi dây chuyền vàng của một phụ nữ. Ngày 12 tháng Tám, giám đốc công an tỉnh Hậu Giang tuyên bố rằng giám định pháp y kết luận Hải chết vì treo cổ tự tử. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi chết, thi thể nạn nhân được hỏa táng, khiến không thể điều tra gì thêm nữa. Trên báo chí không có thông tin gì về việc nhà chức trách phản ứng ra sao đối với khiếu nại của gia đình nạn nhân đã được chuyển đến công an tỉnh và Viện Kiểm sát.

Nguồn:

· Quốc Huy, "Hậu Giang: một người dân chết tại trụ sở công an" Dân Việt, ngày 11 tháng Tám năm 2010.

· Quốc Huy, "Vụ công dân chết ở trụ sở công an: Viện kiểm sát sẽ vào cuộc", Dân Việt, ngày 12 tháng Tám năm 2010.

· Quốc Huy, "Gia đình nạn nhân chết ở trụ sở công an khiếu nại"; Dân Việt, ngày 13 tháng Tám năm 2010.

· V.D, "Trần Duy Hải chết trong Trại tạm giam do treo cổ tự sát", Công An Nhân Dân, ngày 16 tháng Tám năm 2010.

* Ngày 6 tháng Tám năm 2010: Hoàng Thị Trà, 20 tuổi, bị cảnh sát giao thông mặc thường phục bắn bị thương ở tỉnh Thái Nguyên khi ngồi sau xe máy của bạn trai. Hai cảnh sát mặc thường phục đi chung xe gắn máy đuổi theo đôi trai gái không đội mũ bảo hiểm, và bắn Trà vào đùi sau khi xe mô-tô của họ bị đổ nghiêng. Trà phải qua 1 cuộc phẫu thuật kéo dài năm tiếng đồng hồ để lấy viên đạn ra. Trước phản ứng lan rộng của công chúng, vào ngày 11 tháng Tám, giới chức công an tuyên bố đình chỉ công tác ba tháng một thiếu úy công an, một trong hai người liên quan đến vụ nổ súng, để điều tra tiếp. Phó giám đốc công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Như Tuấn, phát biểu với báo Nông Nghiệp: "Sự việc này người dân đã biết, có nhiều người chứng kiến nên không thể lấp liếm, giấu diếm".

Nguồn:

· Khắc Nguyễn, "Đi chơi với bạn trai bị bắn thủng đùi", VN Express, ngày 8 tháng Tám năm 2010.

· Nhóm PV, "Thông tin mới vụ "uẩn khúc nữ sinh ở Thái Nguyên bị bắn", Pháp Luật Việt Nam, ngày 10 tháng Tám năm 2010.

· Thái Uyên & Minh Đức, "Bị bắn do không chấp hành hiệu lệnh CSGT?", Thanh Niên, ngày 11 tháng Tám năm 2010.

· "Vụ nữ sinh bị bắn: Chưa cần thiết phải nổ súng: Cả 2 chiến sỹ CA nổ súng đều có quan hệ ruột thịt với những cán bộ ngành CA Thái Nguyên", Nông Nghiệp, ngày 12 tháng Tám năm 2010.

* Ngày 30 tháng Bảy năm 2010: Sau khi Nguyễn Văn Trung, 46 tuổi, có vụ cãi nhau nhỏ trong nhà hàng với một công an cấp xã ở tỉnh Bình Thuận, cán bộ này liền gọi dân phòng, lực lượng an ninh tình nguyện thuộc quản lý của UBND phường và thường phối hợp với công an địa phương. Bốn thành viên tổ dân phòng đến và dùng dùi cui đánh Trung nhiều lần vào đầu và cổ đến khi Trung ngất đi. Sau đó, nhóm dân phòng này dùng xe gắn máy chở ông Trung về trụ sở công an, và còng tay ông lại. Công an "vừa văng tục vừa đấm đá vào người ông" làm ông "nhổ ra máu", theo tin của Pháp Luật TP HCM. Sau khi gia đình ông Trung đến trụ sở công an và hô hoán ầm ĩ, công an mới để cho họ đưa ông đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Ông Trung bị sưng nề khắp lưng, bụng, một bên mắt thâm tím, và nhiều vết rách trên đầu phải khâu nhiều mũi. Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin rằng vào ngày 1 tháng Tám, trưởng và phó công an xã đến thăm ông Trung tại bệnh viện. Họ gây sức ép để vợ ông không nộp đơn khiếu nại về vụ việc, hứa sẽ thanh toán viện phí và ngỏ ý sẽ buộc các công an viên vi phạm phải có lời xin lỗi.

Nguồn:

· Nguyễn Phú Nhuận, "Bị đánh ngất xỉu vì nhắc chuyện lót tay", Pháp Luật TP HCM, ngày 5 tháng Tám năm 2010.

· "Bình Thuận: bị công an đánh trọng thương", Đại Đoàn Kết, ngày 6 tháng Tám năm 2010.

* Ngày 23 tháng Bảy, 2010: Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, bị đánh chết trong khi bị công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tạm giam vì vi phạm giao thông. Sau cuộc biểu tình khổng lồ ở Bắc Giang, một cán bộ công an đã bị bắt vì tội "làm chết người trong khi thi hành công vụ" theo điều 97 Bộ luật hình sự. Ba cán bộ công an khác bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, nhưng không có tin tức gì thêm về diễn tiến của cuộc điều tra này trên các phương tiện truyền thông.

Nguồn:

· "Bắc Giang thông tin về vụ gây rối ở trụ sở UB tỉnh", Lao Động, ngày 27 tháng Bảy năm 2010.

· "Bắt giam thiếu úy công an đánh chết người tại Bắc Giang", Lao Động, ngày 6 tháng Tám năm 2010.

· "Khởi tố Thiếu úy làm chết người", Công an Nhân dân, ngày 6 tháng Tám năm 2010.

· Hà Linh, "Vụ công dân chết tại trụ sở Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang): Bắt tạm giam một thiếu úy công an (10/8/2010)", Đại Đoàn Kết, ngày 10 tháng Tám năm 2010.

* Ngày 21 tháng Bảy năm 2010: Công an xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội - trong đó có phó trưởng công an xã, chặn xe tải của Nguyễn Phú Sơn, lôi anh ra khỏi xe và dùng dùi cui điện đánh vào đầu và người anh tới tấp. Báo Pháp Luật & Xã Hội đưa tin người cha của Sơn đến đồn công an và thấy con mình "mặt mày bầm tím, tay bị còng vào thành ghế". Phó công an xã tuyên bố với ông, "Tôi là người đang thi hành nhiệm vụ nên có quyền đánh con ông. Tôi thách ông đi kiện. Ông muốn đi đâu kiện thì cứ việc..." Sơn phải nhập viện ngay hôm sau, theo Nhà Báo & Công Luận, và hồ sơ bệnh án ghi anh "bị chấn thương toàn thân bầm tím, nhất là vùng hạ sườn, chấn thương nặng vùng đầu, ngực." Sau đó, phó công an xã, người đã tham gia trong vụ đánh người này, được yêu cầu báo cáo sự việc với cấp trên. Không có thông tin gì về việc liệu các bước điều tra khác có được tiến hành hay không.

Nguồn:

· Vũ Anh Minh, "Hà Nội: Cần sớm làm rõ một vụ người dân bị đánh tại xã La Phù", Nhà báo & Công luận, ngày 30 tháng Bảy năm 2010.

· Nhật Minh, "Tôi có quyền đánh người (!?)", Pháp luật & Xã hội, ngày 1 tháng Tám năm 2010.

* Ngày 3 tháng Bảy năm 2010: Nguyễn Thành Năm, 43 tuổi, chết sau khi bị công an và dân phòng đánh ở Đà Nẵng. Theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước, Ủy ban Tôn giáo Đà Nẵng và nhà cầm quyền tỉnh phủ nhận rằng các tin tức về việc ông Năm bị lực lượng an ninh đánh đến chết là "hoàn toàn bịa đặt", đồng thời tuyên bố rằng ông chết tại nhà do bị đột quỵ. Năm là thành viên nhóm trợ tang trong một đám tang gây nhiều bức xúc vào ngày mồng bốn tháng Năm ở nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu nằm trên vùng đất bị chính quyền quy hoạch sử dụng làm khu vực phát triển kinh tế. Trong đám tang, công an sử dụng gậy và dùi cui điện để đánh những người đưa đám, và bắt giữ hơn 60 người, theo lời kể của những người tham dự trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do. Hầu hết những người bị bắt đều được thả sau đó. Vào giữa tháng Năm, sáu người trong số những người từng bị bắt giữ đã bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng. Do từng bị công an đánh thẳng tay trong hai lần bị gọi lên đồn để thẩm vấn, Nguyễn Thành Năm đi trốn khi bị gọi một lần nữa vào ngày 2 tháng Bảy. Đêm hôm đó, ông đã bị dân phòng địa phương bắt, trói và dẫn ra một ruộng lúa gần đó. Khi vợ ông tới nơi, bà thấy ông vẫn bị trói, người đầy máu và bùn đất. Ông chết tại nhà do bị chấn thương. Cho đến nay, không hề có thông tin gì về việc điều tra vụ việc gây chết người này.

Nguồn:

· J.B. Nguyễn Hữu Vinh, "Cồn Dầu ký sự - Kỳ IV - Cái chết của anh Toma Nguyễn Thành Nam" -  băng ghi hình cuộc phỏng vấn vợ anh Nguyễn Thành Năm, Nữ Vương Công Lý, ngày 22 tháng Tám năm 2010.

· "Phủ nhận lời cáo buộc của Nghị sĩ Hoa kỳ về việc đánh người ở Việt Nam," Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày 20 tháng Tám năm 2010.

· "Công an tấn công xe tang, cướp quan tài ở Cồn Dầu", RFA, ngày 4 tháng Năm năm 2010.

· Việt Long, "Công an Việt Nam khởi tố sáu giáo dân Cồn Dầu", RFA, ngày 18 tháng Năm năm 2010.

· Mặc Lâm, "Vợ một giáo dân Cồn Dầu kể về tình cảnh của chồng ở trong tù", RFA, ngày 5 tháng Chín năm 2010.

· Gia Minh, "Đại diện Đại sứ quán Mỹ đến Cồn Dầu tìm hiểu cái chết của giáo dân", RFA, ngày 6 tháng Chín năm 2010.

* Ngày 30 tháng Sáu năm 2010: Vũ Văn Hiền, 40 tuổi, chết hai ngày sau khi bị bắt và tạm giữ tại trụ sở công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Báo Pháp Luật đưa tin khi công an đưa ông Hiền đến bệnh viện huyện ngày 29 tháng Sáu, ông đang trong tình trạng hôn mê và bị đa chấn thương. Em vợ nạn nhân kể với báo Pháp Luật rằng  "Tại Bệnh viện huyện Đại Từ, tôi thấy anh Hiền bất tỉnh, miệng đầy máu, chân tay bầm tím, trầy xước." Giám định pháp y cho thấy ông bị vỡ xương hàm, rạn xương sọ, phổi tụ máu, gãy bốn xương sườn và xương cẳng tay. Tại thời điểm được chuyển lên bệnh viện tỉnh, ông Hiền đã có lúc ngừng thở và bác sỹ kết luận đã chết. Trong khi bên công an tuyên bố rằng ông Hiền có biểu hiện "loạn thần kinh" và đâm đầu vào tường hai lần tại nơi giam giữ, báo Pháp Luật, trong số ra ngày 26 tháng Bảy đưa tin, "điều tra của PLVN online cho thấy, nhiều khả năng anh Hiền đã bị đánh chết." Báo Lao Động, sau khi ghi lại kết quả pháp y và kiểm tra hồ sơ bệnh án của ông Hiền tại bệnh viện, đã kết luận trong một bài báo ra ngày 13 tháng Tám rằng "Với những thương tích như trên, có thể khẳng định rằng Vũ Văn Hiền đã bị đánh chết." Cho tới cuối tháng Chín, không có thông tin nào cho biết liệu có công an viên nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cái chết này.

Nguồn:

· Thiên Minh, "Một công dân tử vong sau khi rời trụ sở công an", Pháp Luật Việt Nam, ngày 26 tháng Sáu năm 2010.

· Chí Tùng & Thu Huyền, "Ba con vịt nuốt một mạng người", Lao Động, ngày 13 tháng Tám năm 2010.

* Ngày 7 tháng Sáu năm 2010: Đến hiện trường sau khi nhận được tin báo về một vụ đột nhập tư gia, hai công an đã đánh chết Nguyễn Phú Trung, 41 tuổi, ở làng Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Theo tin, bài của VN Express VTC News, các cán bộ công an cùng với hai thường dân đã đánh ông Trung bằng dùi cui điện, khóa số 8 và gậy gỗ, sau đó vứt nạn nhân bên lề đường, nơi dân làng phát hiện thấy vào ngày hôm sau. Một tháng sau đó, bốn người, trong đó có hai cán bộ công an từng tham gia vào vụ đánh người, bị bắt và khởi tố điều tra.

Nguồn:

· Trọng Hiếu, "Hai công an viên tham gia đánh chết người", VN Media, ngày 8 tháng Bảy năm 2010.

· Nam Anh, "Hai công an bị điều tra về nghi án đánh chết người", VN Express, ngày 10 tháng Bảy năm 2010.

· Uy Vũ, "Nghi án phó công an xã đánh chết người rồi vứt ra đường", VTC News, ngày 10 tháng Bảy năm 2010.

* Ngày 25 tháng Năm năm 2010: Một cán bộ công an nổ súng bắn chết  Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, bắn bị thương Lê Hữu Nam, 43 tuổi, dẫn đến cái chết của nạn nhân 5 ngày sau đó, và Lê Thị Thanh, 37 tuổi, trong một cuộc biểu tình đòi đất ở Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, theo tin tức từ báo chí Việt Nam, đài BBC và Đài Á Châu Tự Do. Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, trang mạng chính thức củaThanh Tra nhà nước có đăng tải một bài báo về vụ việc này, nhưng bài báo sau đó đã bị gỡ bỏ. Ngày 28 tháng Năm, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tuyên bố một công an viên bị bắt và bị truy tố về tội "làm chết người trong khi thi hành công vụ", đồng thời sẽ tiến hành điều tra hình sự về hành vi phạm pháp của những người biểu tình.

Nguồn:

· Văn Thanh "Thanh Hóa: Súng nổ, 3 người chết và bị thương", Thanh Tra, ngày 25 tháng Năm năm 2010; và Văn Thanh, "Thông tin tiếp về vụ nổ súng, 3 người chết và bị thương ở Thanh Hóa - Người nổ súng gây cái chết oan nghiệt cho cháu Dung là công an", Thanh Tra, ngày 26 tháng Năm năm 2010 (Cả hai bài trên trang mạng của Thanh Tra, do HRW truy cập ngày 31 tháng Năm năm 2010 đều bị gỡ xuống từ tháng Sáu).

· Triệu Long, "Súng nổ ở KTT Nghi Sơn: 3 người chết và bị thương", Nông Nghiệp Việt Nam, ngày 27 tháng Năm năm 2010.

· Hoàng Lâm, "Khởi tố, bắt tạm giam người nổ súng", Tiền Phong, ngày 29 tháng Năm năm 2010.

· "Vụ công an nổ súng ở Nghi Sơn: nạn nhân thứ hai đã chết", Pháp Luật TP HCM, ngày 31 tháng Năm năm 2010.

* Ngày 7 tháng Năm năm 2010: Võ Văn Khánh, 29 tuổi, chết khi bị tạm giữ tại trụ sở công an huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, theo tin của báo chí Việt Nam và BBC. Trong một đợt kiểm tra giao thông thường kỳ trước đó mấy ngày, công an đã thu giữ chiếc xe gắn máy của Khánh vì không mang đủ giấy tờ. Ngày 7 tháng Năm, Khánh đến đồn công an để lấy lại xe. Cùng ngày hôm đó, công an gọi đến gia đình báo tin Khánh chết, và tuyên bố rằng anh đã treo cổ bằng sợi dây giày sau khi bị tạm giam vì tình nghi ăn trộm. Gia đình nạn nhân không chấp nhận kết luận pháp y và cho rằng cái chết của Khánh là do công an đánh, với lập luận rằng khi thi thể được trả về, gia đình phát hiện thấy có xương sườn bị gãy, mặt bị trầy xước, có vết bầm tím ở ngực và mạng sườn, trên người có vết giày. Giám định pháp y của chính quyền tỉnh Quảng Nam và của Đà Nẵng kết luận rằng nguyên nhân cái chết là do tự tử, rằng những vết bầm là do những nỗ lực cấp cứu, còn xương sườn bị gãy trong khi mổ pháp y. Theo một bài báo ngày 9 tháng Năm trên tờ Người Lao Động, công an nói rằng các chấn thương trên cơ thể Khánh là do các biện pháp cấp cứu thực hiện trong nỗ lực cứu sống nạn nhân. Gia đình Khánh phủ nhận lời giải thích của chính quyền và từ chối kết quả giám định pháp y. Hơn bốn tháng sau, vẫn không có tin tức gì về việc bất kỳ một cán bộ công an nào phải chịu trách nhiệm, hoặc bị điều tra về cái chết của Khánh.

Nguồn:

· Q. Châu, "Một người chết khi bị tạm giam", Người Lao Động, ngày 9 tháng Năm năm 2010.

· Q. Châu "Gia đình nạn nhân yêu cầu giám định lại tử thi", Người Lao Động, ngày 9 tháng Năm năm 2010.

· Q. Châu, "Vụ chết khi tạm giam: Công an đưa 10 triệu cho gia đình nạn nhân", Người Lao Động, ngày 10 tháng Năm năm 2010.

· H. Tạo & H. Sơn, "Kết quả giám định vụ treo cổ tự tử tại CA huyện không thay đổi", Đất Việt, ngày 21 tháng Năm năm 2010.

* Ngày 24 tháng Tư năm 2010: Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triệu Phạm Tuấn Hưng, 37 tuổi, để thẩm vấn vì tình nghi ăn cắp một máy điện thoại di động. Tại đồn, công an "lấy còng treo tay anh lên cửa sổ và dùng gậy đánh nhiều lần làm anh ngất xỉu", theo tin của báo Pháp Luật. Khoảng 2 giờ sáng, công an thả Hưng ra. "Về nhà với tinh thần hoảng loạn và cơ thể bầm tím, anh Hưng nằm liệt giường, không ăn uống được," cũng theo tin của Pháp Luật. Khi thấy tình trạng Hưng - vốn có chứng động kinh - không cải thiện, và vẫn bị chảy máu từ mũi và miệng, đồng thời bị nhiều cơn ác mộng và lên cơn động kinh, anh được đưa đi bệnh viện ở Đồng Nai. Báo Lao Động đưa tin, khi nhập viện, anh có "dấu hiệu chấn thương phần đầu và nhiều chấn thương phần mềm khác, tinh thần hoảng hốt suy sụp." Cán bộ xã đã xin lỗi gia đình nạn nhân và chi trả một phần viện phí. Chính quyền huyện tuyên bố rằng những cán bộ công an tham gia đánh đập nạn nhân sẽ bị "xử lý theo quy định", theo tin đã đưa của báo Người Lao Động. Tới nay, chưa có thêm tin tức gì mới về vụ việc này trên báo chí.

Nguồn:

· Sơn Khê & Minh Hiếu, "Một người tâm thần bị đánh nằm liệt giường", Pháp Luật TP HCM, ngày 1 tháng Sáu năm 2010.

· "Công an xã đánh dân phải nhập viện vì nghi trộm điện thoại", Lao Động, ngày 12 tháng Năm năm 2010.

· "Sẽ xử lý theo quy định", Người Lao Động online, ngày 10 tháng Bảy năm 2010.

* Ngày 24 tháng Tư năm 2010: Một cảnh sát giao thông và một công an xã ở tỉnh Khánh Hòa truy đuổi và đánh trọng thương Huỳnh Tấn Nam, 21 tuổi, vì không đội mũ bảo hiểm, sau đó để mặc anh bên lề đường "trong tình trạng nguy kịch" với nhiều chấn thương, theo tin của VN Express và các nguồn báo chí khác của chính phủ Việt Nam. Anh bị "chấn thương nặng ở đốt sống cổ, lún xương thái dương phải, vỡ xương bướm và cung gò má phải, giập tủy, đứt dây chằng dọc trước, phù nề mô mềm trước cột sống và phía sau." Công an huyện Diên Khánh sau đó đã đưa cho gia đình nạn nhân một số tiền để bù chi phí thuốc men. Viên cảnh sát giao thông vẫn được giữ lại trong ngành, nhưng thuyên chuyển từ vị trí điều khiển giao thông sang một nhiệm vụ khác. Báo chí không cho biết liệu công an xã, người được cho là có tham gia vào vụ đánh người, có phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào hay không.

Nguồn:

· Huyền Trân, "CSGT, công an đánh người thương nặng rồi bỏ chạy", Viet Nam Net, ngày 25 tháng Tư năm 2010.

· Kiều Mi & Tường Vi, "Trọng thương vì bị cảnh sát truy đuổi", VN Express, ngày 26 tháng Tư năm 2010.

* Ngày 21 tháng Giêng năm 2010: Nguyễn Quốc Bảo, 33 tuổi, chết trong khi bị tạm giữ tại trụ sở công an quận Hai bà Trưng, Hà Nội. Theo các nguồn báo chí chính thức, trong đó có VN ExpressLao Động, Viện Pháp y Quân đội đã giám định và kết luận Nguyễn Quốc Bảo bị thương nặng ở đầu, bị nhiều vết thương ở cổ tay và mắt cá tại thời điểm tử vong. Ngày 27 tháng Ba, báo Lao Động đăng bài với tiêu đề "Trong khi bị công an tạm giữ: Nạn nhân chết do bị đánh vào đầu." Bảy cán bộ công an bị đình chỉ công tác, chờ điều tra. Tuy nhiên, tám tháng sau vẫn không có tin tức gì thêm về việc những người này có bị bắt hoặc truy tố vì sự việc trên hay không.

Nguồn:

· "Uẩn khúc sau cái chết của nghi phạm tại công an Hà Đông", VN Express, ngày 15 tháng Ba năm 2010.

· "Trong khi bị công an tạm giữ: Nạn nhân chết do bị đánh vào đầu", Lao Động, ngày 27 tháng Ba năm 2010.

· "Người đàn ông 33 tuổi chết tại công an quận", VN Express, ngày 29 tháng Ba năm 2010.

· Nam Anh, "Người đàn ông chết tại công an quận có dấu hiệu bị nhục hình", VN Express, ngày 30 tháng Tư năm 2010.

· Trần Quyết, "Gõ cửa nỗi đau của người cha có con bị chết tại trụ sở công an quận", Đời Sống & Pháp Luật, ngày 8 tháng Năm năm 2010.

* Ngày 22 tháng Mười Hai năm 2009: Nguyễn Văn Long, 41 tuổi, chết tại trụ sở công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Theo các nguồn báo chí truyền thông nhà nước, khi vợ Long tới thăm chồng vào buổi tối ông bị bắt, ông nói với vợ mình bị đau vì bị đánh rất dữ và cần uống thuốc. Tờ báo mạng Việt Nam Net cho biết, tại trụ sở công an xã sáng hôm sau, vợ ông Long được công an thông báo là chồng bà đã "tự tử". Theo VnExpress, giới chức công an cho biết họ tiến hành hỏi cung ông Long vào ngày 22 tháng Mười Hai nhưng vì ông không chịu thú nhận nên đã ngừng lại. Sáng hôm sau thì công an phát hiện ông Long đã chết, theo tin trên Pháp Luật TP HCM. Vào ngày 23 tháng Mười Hai, hàng trăm người tụ tập tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã phản đối. Chín tháng sau, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Nguồn:

· Thủy Nguyên, "Chết bất thường trong trụ sở UBND xã", Viet Nam Net, ngày 24 tháng Mười Hai năm 2009.

· Băng Phương, "Bình Phước: Một nghi can chết tại trụ sở công an", Pháp Luật TP HCM, ngày 27 tháng Mười Hai năm 2009.

* Ngày 28 tháng 11 năm 2009: Đặng Trung Trịnh, 32 tuổi, chết trong khi bị công an tạm giam sau khi va chạm với anh họ ở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Công an tuyên bố anh Trịnh chết do sơ gan, nhưng theo Dân Trí, kết quả giám định pháp y huyện trước sự chứng kiến của công an huyện và người nhà nạn nhân cho thấy anh bị gãy rạn xương sườn và có nhiều vết thâm tím khắp người. Vào ngày 22 tháng Một năm 2010, công an huyện ra quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sau loạt bài trên báo Gia Đình và Xã Hội, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tứ Kỳ hủy quyết định không khởi tố. Vào ngày 30 tháng Sáu, văn phòng điều tra công an huyện ra quyết định 27/QĐ khởi tố vụ án với tội danh "bắt giữ người trái pháp luật," chứ không phải tội gây chết người, mặc dù tin tức trên báo chí nhà nước không cho biết ai là người bị khởi tố.

Nguồn:

· Bình Minh, "Một người dân chết tại trụ sở công an xã" [Mot nguoi dan chet tai tru so cong an xa],Gia Đình & Xã Hội, ngày 1 tháng Hai năm 2010.

· Bình Minh, "Tiếp bài ‘Một người dân chết tại trụ sở công an xã': Bị đánh hay bệnh lý?", Gia Đình & Xã Hội, ngày 3 tháng Hai năm 2010.

· Minh Hằng, "Hồi âm loạt bài ‘Một người dân chết tại trụ sở Công an xã: Viện KSND huyện yêu cầu giám định bổ sung", Gia Đình & Xã Hội, ngày 15 tháng Ba năm 2010.

· Nguyễn Hằng, "Vụ ‘Một người dân chết ở trụ sở CA xã: Hủy quyết định ‘không khởi tố vụ án'", Gia Đình & Xã Hội, ngày 28 tháng Năm năm 2010.

· Bình Minh, "Diễn biến mới vụ ‘một người dân chết tại trụ sở công an xã'", Gia Đình & Xã Hội, ngày 7 tháng Bảy năm 2010.

· My Thường, "Hải Dương: Một người dân chết bất thường tại trụ sở ủy ban xã", Dân Trí, ngày 14 tháng Ba năm 2010.

* Ngày 21 tháng Mười Một năm 2009: Nguyễn Mạnh Hùng, 33 tuổi, chết trong khi bị tạm giữ tại công an quận Hà Đông, Hà Nội. Kể từ khi bị tạm giam vào ngày 10 tháng Mười Một, Hùng không được liên lạc với gia đình trong suốt 11 ngày. Theo VnEpress, công an cho biết vào ngày tử vong, Hùng có biểu hiện tức ngực và khó thở nên họ đưa Hùng vào viện. Công an tuyên bố Hùng chết tại bệnh viện, còn giám đốc bệnh viện lại nói rằng khi đến bệnh viện Hùng đã chết. Người cha của Hùng cho VnExpress biết thân thể con trai ông "khô đét lại, mười đầu ngón tay chân bầm tím... Từ 1/3 đùi trở xuống đến bàn chân phù nề và thâm tím." Cơ quan cảnh sát điều tra của công an Hà Nội bác bỏ đơn khiếu nại của cha của Hùng, với căn cứ công an bắt giữ Hùng trái luật, không báo cho gia đình về việc tạm giam và dùng nhục hình dẫn đến cái chết của Hùng. Viện dẫn kết quả giám định pháp y và lời khai của các phạm nhân giam chung với Hùng cho biết không có dấu hiệu Hùng bị nhục hình, cơ quan cảnh sát điều tra kết luận Hùng chết do thiếu máu cơ tim cấp.

Nguồn:

· "Uẩn khúc sau cái chết của nghi phạm tại công an Hà Đông", VN Express, ngày 15 tháng Ba năm 2010.

· Phan Ngọc, "Vụ nghi can chết tại Công an quận Hà Đông: Không có dấu hiệu của tội phạm hình sự",Quân Đội Nhân Dân, ngày 26 tháng Năm năm 2010.

* Ngày 14 - ngày 17 tháng Chín năm 2009 (hai người chết): Trần Minh Sỹ, 23 tuổi, chết vào ngày 17 tháng Chín trong khi đang bị công an tỉnh Gia Lai tạm giữ. Sỹ là một trong hơn 75 người bị bắt vào ngày hôm trước, khi hàng ngàn người tụ tập biểu tình phản đối trước cái chết của Phạm Ngọc Đến, 29 tuổi, tử vong vào ngày 14 tháng Chín trong khi bị cảnh sát giao thông Gia Lai truy đuổi vì không đội mũ bảo hiểm. Theo Tuổi Trẻ, công an tuyên bố Trần Minh Sỹ chết vì bệnh tim phổi. Tám cán bộ công an bị kỷ luật hoặc khiển trách do hành vi của họ trong cuộc biểu tình ở Gia Lai, nhưng không có ai trong lực lượng công an bị trừng phạt vì cái chết của Trần Minh Sỹ trong khi tạm giam hoặc cái chết của Phạm Ngọc Đến trước đó, vốn là nguyên nhân gây ra biểu tình. Ngược lại, 15 người tham gia biểu tình đã bị kết án tù vào tháng Năm năm 2010.

Nguồn:

· B. Trung & Hoa Lư, "Náo loạn tại thị xã An Khê, Gia Lai", Tuổi Trẻ, ngày 17 tháng Chín năm 2009.

· B. Trung & Hoa Lư, "Vụ náo loạn tại thị xã An Khê, Gia Lai: Một trường hợp tạm giam đã chết vì bệnh", Tuổi Trẻ, ngày 20 tháng Chín năm 2009.

· "Gia Lai nỗ lực đảm bảo trật tự an ninh ở An Khê", Vietnam News Agency, ngày 19 tháng Chín năm 2009.

· Lê Anh, "Bản án thích đáng cho những đối tượng gây rối tại thị xã An Khê", Gia Lai, ngày 29 tháng Năm năm 2010.

· "Xử 15 người vụ ‘gây rối' ở Gia Lai", BBC Vietnamese Service, ngày 30 tháng Năm năm 2010.

Nguồn: HRW

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn