Một quan điểm độc hại của học giả Mỹ về Đông Thái Bình Dương

Đoàn Hưng Quốc

Trong lúc Hoa Kỳ đang thay đổi các ưu tiên ngoại giao và quốc phòng để đối phó với nhiều thử thách dồn dập tại Trung Đông, Trung Á, Đông và Nam Á thì xuất hiện một lập trường kêu gọi Mỹ triệt thoái một phần khỏi khu vực Đông Thái Bình Dương – và dù không nói ra nhưng mục tiêu nhằm chuyển sự chú ý của Hoa Kỳ vào một khu vực nào khác mà chúng ta có thể đoán sau.

Tạp chí có ảnh hưởng hàng đầu trong ngành ngoại giao là tờ Foreign Affairs số tháng 3/4 năm 2011 đăng trên trang bìa bài viết mang tựa đề “China’s Rise lead to War?” (Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có sẽ dẫn đến chiến tranh) của Giáo sư ngành Chính trị học Charles Glaser thuộc Trường đại học George Washington. Nội dung chính gồm các điểm:

1. Mỹ-Trung có nhiều khả năng chạm trán nhất là tại Nhật, Nam Hàn và Đài Loan.

2. Hoa Kỳ cần duy trì hiện diện tại Nhật và Nam Hàn. Trung Quốc sẽ không phản đối vì nhờ có Mỹ nên Nhật và Nam Hàn không ồ ạt tăng cường quốc phòng.

3. Trái lại Hoa Kỳ nên rút khỏi Đài Loan vì Hoa Lục ngày càng mạnh. Cố bảo vệ quốc đảo này có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung.

4. Bắc Kinh không có dấu hiệu về tham vọng lãnh thổ nên sẽ không lợi dụng hoàn cảnh mới để bành trướng sang các khu vực khác.

5. Dù Hoa Lục có yêu sách về đường lưỡi bò với các nước Đông Nam Á nhưng Mỹ có thể ngăn chặn bằng các hợp tác và liên minh quân sự trong khu vực.

6. Hoa Kỳ không cần giữ ưu thế quân sự ở Thái Bình Dương vì nguy cơ Trung Quốc tấn công qua đại dương không hề có.

Các điểm 3, 4, 5 và 6 trong bài viết mù mờ và mâu thuẫn. Tính chuyện rút khỏi Đài Loan ngay trong lúc đối phương còn chưa đủ mạnh là kế sách mới bị hù dọa đã chạy. Nhật, Nam Hàn và các nước Đông Nam Á không khỏi nghi ngờ về quyết tâm của Mỹ và có thể phải chọn lựa ngả theo Bắc Kinh. Nhắc đến đường lưỡi bò rồi lại cho rằng Hoa Lục không có tham vọng lãnh thổ là bất nhất. Cuối cùng, một mặt cho rằng Mỹ không cần giữ ưu thế quân sự, mặt khác lại viết Mỹ chỉ cần vài hợp tác và liên minh quân sự cũng đủ ngăn chặn Hoa Lục ở Biển Đông hoàn toàn thiếu căn cứ. Điều đáng nói là tác giả dùng cách trình bày hoa mỹ của một Giáo sư đại học nhằm đánh hỏa mù che đậy những lý luận ấu trĩ.

Chúng ta có thể đặt nghi vấn rằng mục tiêu chính của bài viết không phải về các tranh chấp Mỹ-Hoa, mà chỉ để kêu gọi Hoa Kỳ giảm hiện diện tại Thái Bình Dương đồng thời chuyển nhân tài vật lực sang một khu vực nào khác([1]).

Cần hiểu rằng một bài được chọn đăng trên tập san Foreign Affairs dù không thể hiện quan điểm nhà nước, nhưng vẫn đại diện cho một thế lực nào đó muốn thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Ngành ngoại giao của Mỹ là kết quả của những vận động hay tranh chấp giữa nhiều khuynh hướng đối thoại – chẳng hạn như Hoa Kỳ nên chọn lựa ưu tiên và bỏ tiền của hỗ trợ cho Israel hay Afganistan hay Đài Loan hoặc Đông Nam Á, nhất là trong hoàn cảnh các phương tiện của Mỹ đang eo hẹp và không thể gánh nặng mọi đầu.

Riêng để vận động hành lang (lobby) người Mỹ gốc Do Thái đi theo tiến trình nhiều bước([2]):

· Trước hết tại các viện nghiên cứu (think tank) hay các trường đại học danh tiếng đưa những quan điểm chiến lược toàn cầu – kết quả thường được trình bày trong các buổi hội thảo lớn (conferences), những bài phân tích trên các tập san chuyên môn như Foreign Affairs, cùng các sách có giá trị biên khảo.

· Kế đến là các vận động trong Chính quyền và Quốc hội để các “quan điểm” thân Do Thái chính thức trở thành “chính sách” của Hoa Kỳ.

· Đồng thời dùng các phương tiện truyền thông đại chúng như đài truyền hình CNN, CBS, … và những tờ báo lớn Washington Post, New York Times, … để gây ảnh hưởng lên quần chúng cùng các viên chức hành pháp và lập pháp

· Cuối cùng, lập quỹ hỗ trợ cho các ứng cử viên Tổng thống và Quốc hội; đề nghị những nhân vật thân thiện với Do Thái nắm giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng, Cố vấn An ninh; tạo áp lực hay thậm chí đe doạ các khuynh hướng đối nghịch.

Người Mỹ gốc Do Thái và gốc Việt cùng khoảng con số 2-3 triệu người, nhưng chúng ta hoàn toàn không có tiếng nói ở cấp bậc Liên bang, trong các viện nghiên cứu chiến lược, các trường đại học danh tiếng, các cơ quan truyền thông quốc tế và cũng không tạo được một hệ thống chọn lọc và hỗ trợ các ứng cử viên thân hữu.

Nếu xét về thứ hạng có lẽ tầm ảnh hưởng chính trị của người gốc Việt chỉ ngang hàng với người gốc Armenia và Kurdistan, mà kém các sắc dân gốc Do Thái, Cuba, Mexico, Ái Nhĩ Lan, Ý, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật, Đài Loan.

***

Báo chí và các trang mạng tại Hoa Lục đang ồ ạt phổ biến và tán thưởng bài viết nói trên của Giáo sư Charles Glaser. Trái lại nhật báo Taipei Times của Đài Loan đã đăng một bài phản bác vào ngày 7 tháng 4([3]). Người viết hy vọng sẽ có những học giả gốc Việt đưa lên báo chí quốc tế nhiều lập luận sắc bén bằng tiếng Anh – Pháp để bác bỏ luận điểm độc hại này ngay từ trong trứng nước.

Đ. H. Q.

([1]) Hoa Kỳ giữa hai chọn lựa: Trung Đông hay Đông Nam Á? Tác giả Đoàn Hưng Quốc (02/2011) http://doanhquoc.blogspot.com/

([2]) The Israel Lobby and U.S. Foreign Policy. Tác giả John J. Mearsheimer and Stephen M. Walt (Sep 2, 2008)

([3]) The US cannot appease the Chinese. Tác giả Li Thian-hok, Taipei Times (April 7, 2011)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn