Trung Quốc “đầu tư” vào Cămpuchia và Lào – hàng trăm ngàn ngưởi dân Cămpuchia và hàng ngàn người dân Lào bị đuổi khỏi nơi cư trú Hàng trăm ngàn dân nghèo Cam Bốt bị mất đất theo nhịp đầu tư của Trung Quốc

Phạm Phan / Tú Anh

clip_image001

Một góc phố được xây cất lại ở thủ đô Phnom Penh (DR)

Theo hãng tin AsiaNews, khoảng 150 ngàn dân xứ Chùa Tháp sẽ bị mất trắng nhà cửa trong năm nay. Mỗi tuần, người dân oan xuống đường phản đối, nhưng quyền lợi của dân bị đặt xuống hàng thứ yếu do chính sách hợp tác với Trung Quốc và đặc lợi của thành phần lãnh đạo đầu cơ địa ốc. Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường thuật.

Thông tín viên Phạm Phan, Phnom Penh

11/04/2011

Một sự phát triển nghịch chiều, khi Trung Quốc gia tăng đầu tư tại Cam Bốt thì ngày càng có nhiều người dân nghèo mất đất, mất nhà và rơi vào cảnh sống tạm bợ không nơi nương náu… Sự đầu tư trong phạm vi kinh tế của Trung Quốc hay nói cho chính xác hơn tầm ảnh hưởng Trung Quốc ở xứ Chùa Tháp vẫn là sự kiện được báo chí khu vực Đông Nam Á và Phnom Penh chú ý đến.

Tập đoàn đầu tư Erdos Hongjun Nội Mông của Trung Quốc đầu tư 3 tỷ Mỹ Kim vào lĩnh vực phát triển bất động sản, chế biến kim loại, và sản xuất điện. Trung Quốc là một trong những nước có đầu tư trực tiếp nhiều nhất tại Cam Bốt, theo thống kê, họ đã chi 8 tỷ Mỹ Kim vào 360 dự án trong 7 tháng đầu năm nay. Thương mại hai nước đã tăng đến 42,1 % vào năm 2010 với số tiền 1,12 tỷ Mỹ Kim.

Quan điểm của chính quyền Cam Bốt tỏ rõ cho công luận thấy, họ muốn mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và bất chấp chỉ trích, tháng 12/2009 Trung Quốc yêu cầu Cam Bốt giao trả 20 người tỵ nạn thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ về lại Trung Quốc, Phnom Penh đáp ứng ngay, chỉ hai ngày sau, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Phnom Penh và ban thưởng bằng cách ký 14 hiệp định thương mại.

Cam Bốt cần nhiều đầu tư của nước ngoài để phát triển, nhưng đầu tư của Trung Quốc đã mang lại tác hại nhiều hơn là ích lợi của phát triển, đây là thực tế không giống như sự tuyên truyền của nhà nước. Hai mặt tương phản, khi nhiều nhà cao tầng, các khu đô thị mới mọc lên thì đi liền theo đó nhiều gia đình cư dân gặp phải thảm kịch đau khổ vì bị chính quyền xô đuổi khỏi nơi cư trú lâu năm.

Đứng trước tình hình ngày càng tồi tệ thêm, tuần vừa rồi các nước cấp viện nói phải giữ lại số tiền viện trợ cho Cam Bốt cho đến khi nào tình hình được cải tiến mới cung cấp tiếp. Tuy thế, chính quyền ông Hun Sen dường như bất chấp đe dọa và muốn đi theo phía Trung Quốc với mức viện trợ khá hào phóng và không đi kèm bất cứ điều kiện nào như cải cách kinh tế, chính trị và tôn trọng nhân quyền.

Cư dân bị cưỡng bức trục đuổi

Một trong những khu vực dân cư rộng lớn tại Phnom Penh rơi vào cảnh bị cưỡng bức trục đuổi, đó là hồ Boeng Kak, tình hình tại đây tại tiếp tục gây nhiều tranh cãi, làm công luận xôn xao nhưng nhà nước vẫn tiến hành…

Địa danh hồ Boeng Kak được báo chí nói nhiều trong một năm trở lại chỉ vì địa phương này xảy ra cảnh xô đuổi dân nghèo để lấy đất bán cho nhà đầu tư Trung Quốc. Khu dân cư này nằm bên trong đại lộ Monivong, một đại lộ dài và lớn nhất ở thủ đô Phnom Penh. Với diện tích khoảng 140 mẫu đất bị nhà nước đưa vào dự án phát triển khu đô thị mới, nên dân cư trong vùng đối diện với tình trạng hiểm nguy vì bị mất nhà, mất đất.

Trong nhiều vụ trục đuổi thì chỉ có vụ hồ Boeng Kak là dây dưa, kéo dài, do vì đây là khu đất rộng lớn nhất trong thủ đô, và vì dân cư địa phương thấy tương lai đen tối khi phải đồng ý đi đến khu kinh tế mới nên quyết liệt biểu tình chống lại.

Cho đến lúc này có hơn 2.600 gia đình bị trục đuổi. Trong số này có 1.500 gia đình không đồng ý nhận số tiền đền bù 8.500 Mỹ Kim do chính quyền cung cấp, lý do bởi vì nó không có giá trị bằng với diện tích thổ cư cùng căn nhà cũ của họ đã bị đập phá. Và 1.500 gia đình này tự động tổ chức biểu tình mỗi ngày yêu cầu chính quyền phải thỏa mãn quyền lợi chính đáng của họ. Theo nhận định của các nhà quan sát tình hình Cam Bốt thì có thể chính quyền phải đối phó với sự nổi dậy của dân chúng vì tình trạng bất công và đàn áp.

Nhiều cư dân tại khu vực hồ nói chính quyền xây dựng dự án phát triển đô thị mới chỉ dựa trên lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài chứ không dựa vào nhu cầu của dân. Bà Tep Vanny, đại diện cho cộng đồng cư dân hồ Boeung Kak nói dân xin 15 mẫu đất trong số gần 140 mẫu của hồ để làm nơi trú ngụ, nhưng người đứng đầu cơ quan hành chính thành phố Phnom Penh là Kep Chuktema không đồng ý. Bà cho biết thành phố đã giao đất cho công ty Shukaku do Thượng nghị sỹ Lao Meng Khin, thuộc Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền. Bề nổi thì công ty Shukaku của Lao Meng Khin, nhưng bên trong là nhân vật có thế lực mạnh trong chế độ hiện nay mới bắt tay được với nhà đầu tư Trung Quốc trong dự án xây dựng đồ sộ như hồ Boeung Kak.

Theo cư dân hồ Boeung Kak, ông lão Hun Neang quê tỉnh Kampong Cham, cha của Hun Sen đã chết vợ và cưới thêm vợ khác. Bà vợ hai này có phần hùn làm ăn trong vài dự án phát triển bất động sản nhưng chưa rõ có chân trong dự án hồ Boeung Kak hay không.

Hồi cuối tháng 1/2011, gần một trăm dân cư tại hồ kéo nhau tới Tòa Đại Sứ Trung Quốc trên đại lộ Mao Trạch Đông để biểu tình phản đối dự án của công ty Shukaku. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra, bà Kong Chantha, người từng tham gia biểu tình và bị lực lượng an ninh của chính quyền đánh đập, bà nói hiện nay trong mình bà còn mang thương tích tuy nhiên bà vẫn tiếp tục tham gia biểu tình phản đối, bà chỉ trích chính quyền đã dùng bạo lực thay vì thương thảo. Hiện nay trong khu vực hồ còn gần 4.000 gia đình không chịu ra đi.

Chính quyền vẫn nói họ đang lo cho dân

Để chứng minh các chỉ trích chính quyền là thiên vị, đài truyền hình nhà nước TVK cho thực hiện một phóng sự nói về nhiều gia đình cư dân tại hồ Boeung Kak vui vẻ chất tủ, bàn, ghế, giường, quần áo lên xe tải của chính quyền cung cấp để rời khỏi khu vực hồ và đi tới địa điểm sinh sống mới do nhà nước cất nhà cho. Khuôn mặt người dân cười vui, phấn khởi, hân hoan khi bị trục đuổi. Khu nhà mới khang trang, ngăn nắp, nhà gạch mới xây, khu đất mới dọn nên chưa có bóng cây. Tuy nhiên số căn nhà đẹp do chính quyền cấp cho dân trong phóng sự đài TVK là không có nhiều.

Trong khi đó một câu chuyện khác của tổ chức nhân quyền địa phương trình bày cho biết, khu vực mang tên “Ổ Chim” cách thủ đô 25 km, nơi dành cho người dân bị trục đuổi thì không khác gì “Vùng kinh tế mới” ở Miền Nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975, nó tạm bợ, hoang vắng, xiêu vẹo, không điện, nước, trường học...

Theo nguồn tin của tổ chức độc lập mang tên “Lực lượng Chăm sóc Quyền có nhà ở của dân” thì trong năm ngoái có 30.000 bị trục đuổi so với con số 27.000 người năm 2009. Trong năm nay có đến 150.000 bị trục đuổi, riêng chỉ ở Phnom Penh đã có tới 80.000 người bị nhà nước xua đuổi.

P. P. / T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Dự án đường sắt của Trung Quốc làm hàng ngàn dân Lào phải bỏ nơi cư trú

Tú Anh

clip_image004

Bến xe đằng sau nhà ga Vientian (DR)

Dân làng Bopiat, miền bắc nước Lào là những nạn nhân đầu tiên của dự án đường sắt nối liền tỉnh Côn Minh đến Singapore. Bị đuổi khỏi quê hương vào năm 2005 nhường chỗ cho Trung Quốc xây sòng bạc, hàng ngàn dân làng này lại phải khăn gói dời nhà để Trung Quốc xây đoạn đường xe lửa từ Côn Minh đến thủ đô Vientian.

Trong bài phóng sự, hãng tin AFP tường thuật thảm cảnh của hơn 1000 dân làng Bopiat trường hợp tiêu biểu của một dân tộc thấp cổ bé miệng. Năm 2005, khi chính phủ Lào cho Trung Quốc xây khách sạn và sòng bạc tại Boten sát biên giới thì dân làng bị trục xuất khỏi quê quán.

Ba năm sau mỗi gia đình được đền bù một số tiền từ 5 đến 7 triệu kip, khoảng từ 500 đến 700 đôla. Dân làng có phương tiện xây nhà tại khu định cư mới cách làng cũ 10 km nhưng ngược lại không có đất canh tác. Bây giờ, họ được lệnh phải bỏ làng mới đi nơi khác để cho Trung Quốc thực hiện dự án đường xe lửa nối Côn Minh với Singapore ngang qua Vientian.

Lần này chính phủ Lào chỉ mới hứa hẹn đền bù nhưng chưa có gì cụ thể. Nhưng chưa chi mà công nhân Trung Quốc đã khởi công đào xới ngay giữa ngôi làng, chuẩn bị đặt đoạn đường sắt đầu tiên. Theo AFP, nhiều người dân lo ngại cho tương lai nhưng dường như họ chấp nhận số phận hẩm hiu.

Một nhà quan sát quốc tế thẩm định là dân làng Bopiat, cũng như đồng bào của họ bị trục đuổi di dời nhường chỗ cho các công trình xây dựng đập thủy điện, một con đường do Trung Quốc hay Việt Nam đầu tư đều không có cách nào phản đối. Vì phản đối là họ sẽ “gặp vấn đề”.

Tuy nhiên nhà nhân chủng học Olivier Evrade dự báo dự án đường sắt “bất chợt” này có thể gây ra nhiều xáo trộn “xã hội” trong một số làng mạc. Theo báo chí chính thức Lào thì tuyến đường xe lửa cao tốc này dài 421 km nối liền Côn Minh với Vientian được khởi công trong tháng này và hoàn tất năm 2015.

T. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn