Nhiều câu hỏi cần giải đáp

Nguyễn Gia Hảo

imageNgười viết bài này hoạt động dưới tầng thấp vi mô lại muốn bàn về những chuyện vĩ mô trong kinh tế, quả là uống thuốc liều. Nhưng với sức ép của cung cách quản lý vĩ mô như bấy lâu nay làm cho vi mô bị bóp méo nên buộc phải lên tiếng tham gia luận bàn.

Mỗi lần kinh tế trong nước gặp khó khăn, lại một lần kinh tế thế giới có khó khăn “theo” và vì vậy không thiếu những người cho nguyên nhân gây ra khó khăn trong nước chủ yếu là do ảnh hưởng tình hình chung của thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và rộng như hiện nay.

Trong bối cảnh khủng khoảng toàn cầu hiện nay, xu hướng chung của nhiều nền kinh tế là (i) giá giảm;(ii) thuế giảm;(iii) lãi suất giảm; (iv) đồng USD mất giá so với nội tệ. Trong các chính sách kinh tế đều nổi lên những điểm chung chủ yếu là (i) kích thích tiêu dùng; (ii) cải cách cơ cấu, về mặt vĩ mô chủ yếu, là trông chờ vào chính sách tài khóa và chính sách tài chính-tiền tệ; (iii) an sinh xã hội và (iv) chuẩn bị cho việc thích ứng với thời kỳ phát triển mới.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ở ta lại có xu thế ngược lại: giá tăng tới mức “bão”; thuế, tính theo thu nhập, cá nhân hay doanh nghiệp, tăng; lãi suất tăng và tỷ giá giữa USD và Việt Nam đồng vẫn không ngừng tăng… Cái “giá của vốn” cao là vậy, chênh lệch giữa lãi suất vay và cho vay lớn là vậy sao mà có thể duy trì được nhịp độ phát triển 7-8% như mong muốn, lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với nhiều nước khác…

Phải chăng trong việc điều hành vĩ mô chưa nhịp nhàng đồng bộ, điển hình lớn nhất là sự “vênh váo” giữa chính sách tài chính và tài khóa nên trong 7 biện pháp Chính phủ mới nêu ra để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định mới thấy dáng dấp “giảng hòa” giữa “ông chẳng, bà chuộc”, người nọ lấn sân người kia, giữa tài chính và tài khóa. Phải chăng Bộ Tài chính đứng ngoài cuộc, nếu không nói là bất lực trong việc bơm tiền đúng nơi, đúng chỗ khi cải cách cơ cấu mới chỉ là định hướng, mới chỉ là khẩu hiệu, chưa ai biết rõ là ngành gì, nghề gì, dự án nào, ở đâu… còn đang bị những “bàn tay vô hình” (xin đừng đổ oan tất cả cho thị trường mà vì căn bệnh cũ “duy ý chí” thì ít mà “nhóm lợi ích” mới thì nhiều) để cho hai ông liên quan chính tới tiền tệ-tài chính cứ đấu nhau trong khi bộ chủ quản mất kiểm soát với các tập đoàn, tổng công ty trong hệ thống tổ chức của mình… và dửng dưng “không chịu trách nhiệm” khi có vụ việc đổ bể (điển hình là vụ Vinashin vì chẳng tìm được một “Vina-cho”!).

Nợ công chiếm tới hơn 40% GDP, cao là vậy, sao mà không lo? Cứ tiếp tục mua sắm “dự án” và tiêu dùng mà thất thoát ngoài lên tới 30% như có đại biểu đã nói trong Quốc hội, hệ số ICOR (hiệu quả tăng vốn đầu tư trên tăng GDP) vượt ngưỡng con số 8 thì sao còn hiệu quả, kiểm toán vẫn xào xáo số liệu trong “hộp đen” để dễ bề mua thành tích, tạo ra những viên thuốc “an thần” cho xã hội… để cuối cùng… một màn đồng ca… “bão giá”… Không “kiểm kê, kiểm soát” thực mà sao có được quản lý(1), đơn giản là bài toán “con gà và quả trứng”, trong tin học là hệ quả giữa đầu vào và đầu ra (đúng hay sai giữa đầu vào và đầu ra, input right, output right, ngược lại input wrong, output wrong).

Lãng phí và tham nhũng đang là vấn đề lớn, ở một chừng mực nhất định, nếu không nói là chủ yếu (chưa ai đánh giá chiếm tỷ lệ bao nhiêu), đang đẩy giá thành tăng lên và làm yếu năng lực cạnh tranh của hàng hóa của ta trong và ngoài nước. Lãng phí và tham nhũng có mối quan hệ tương hỗ với nhau, lãng phí để tham nhũng, tham nhũng để lãng phí…

Chính sách tài khóa phải rõ ràng, phải “hy sinh” những dự án chưa thực sự cần thiết, nhất là chỉ có tính chất “trang trí”, phô trương, thấy người khác có mình cũng phải có, không loại trừ là chỉ cần có dự án để có lợi ích kèm theo; dự án nào sẽ không làm, dự án nào sẽ ngưng thi công, của ai, ở đâu, bao giờ… cần công bố công khai để ngăn chặn tình trạng “đâm lao phải theo lao”. Cần phải xem lại việc rót vốn vào những khu vực, những địa phương làm ăn không hiệu quả cho dù họ có bứt đầu, bứt tai mè nheo xin vốn, xin bảo lãnh vay nợ, bởi với họ “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

Trong Đại hội Đảng lần thứ XI, nhiều đại biểu đã nói lên tinh thần “xả thân”. Tinh thần đó phải thể hiện cụ thể từ trên xuống dưới trong việc hạn chế chi tiêu công. Năm 2011, sau Đại hội Đảng sẽ đến bầu cử Quốc hội, thay đổi cán bộ ở từng cấp, ở từng địa phương. Người cũ không chịu rời nhiệm sở, vòi thêm lợi ích trước khi “hạ cánh”, người mới không chịu dùng vật dụng, xe cộ của người tiền nhiệm, rồi “tướng số”, “phong thủy”… dẫn đến thay đổi đồ đạc, sắp xếp cơ ngơi… mua sắm cứ thế mà tăng lên. Mong rằng mọi cấp hãy “xả thân”cụ thể trong việc giảm chi tiêu công, trong việc tiết kiệm từ trong công sở cho tới ngoài đường phố, bởi lẽ đóng một cái đinh lên cây để treo một cài biểu ngữ, giăng qua phố một cái băng-drôn… nhất nhất là tiền, người nước ngoài nhìn thành phố của ta trong những ngày lễ cứ tưởng như nước khác thời “cách mạng văn hóa”, cờ xí lòe lọet, loa nói oang oang… Đừng coi thường việc tiết kiệm từ việc nhỏ này, bởi người đóng đinh, giăng dây được chẳng bao nhiêu mà những người vẽ ra chuyện đó thì được nhiều hơn, và, cứ thế, cứ thế, họ cũng chẳng cần biết đến tác dụng của việc mình làm trong cái xã hội hiện nay với nhiều công cụ truyền thông hiện đại có hiệu quả cao hơn.

Cũng cần phải kiềm chế lại tiêu dùng của một bộ phận người có thu nhập cao, nếu không nói là Nhà nước cần phải có chính sách, chủ yếu thông qua thuế, phân bổ lại thu nhập. Không thể hiểu nổi một nước mới “thoát nghèo”, thu nhập bình quân mới ở mức 1.050 USD (cuối hạng thu nhập trung bình) mà trong một năm 2010 bỏ hẳn 10 tỷ USD ra nhập đồ xa xỉ. Một Giám đốc người Anh của một Công ty liên doanh nói rằng đơn đặt hàng của Việt Nam trong năm ngoáí về các xe loại “khủng” của Anh được xếp loại dài nhất thế giới. Nếu quả đúng như vậy, tiêu xài sang như vậy thì cũng xin đừng trách Chính phủ Anh mới ra quyết định đưa nước ta ra khỏi danh sách các nước cần viện trợ hàng năm. Cũng cần lưu ý một thực tế là trong số những người có “thu nhập cao” để có thể xài “hàng hiệu”, xe “khủng”…, có nhiều “đại gia” mới phất lên, nhiều “thiếu gia” sinh sau đẻ muộn, rất nhiều người không hoạt động trong các lĩnh vực có thu nhập ngoại tệ, …

Nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, nhiều ngành, kể cả những ngành trực tiếp xuất khẩu, ngành làm ra ngoai tệ, phàn nàn rằng họ phải bán ngoại tệ cho các ngân hàng với tỷ giá quy định và khi cần họ không mua được theo giá nhà nước ban hành, họ phải chi trả các loại phí ngoài không hạch toán được vào mục nào hoặc phải mua ở thị trường ngoại tệ ngoài nhà nước… Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường bên ngoài lại “dư dật” ngoại tệ như vậy, cách hành xử và chênh lệch lớn trong thời gian qua giữa giá mua và bán ngoại tệ, như có tờ báo đã nói, vô hình trung (hay ai đó cố ý) đã biến ngân hàng không chỉ dừng ở mức “tiếp tay” mà thực sự trở thành “chợ đen” buôn bán ngoại tệ. Chênh lệch đó đi về đâu? Ai được hưởng? Chắc chỉ có ngân hàng mới có lời giải đáp đích thực. Cũng xin nói nhỏ một điều, chắc nhìn thấy nếu không xử lý khéo mọi chính sách trong khủng khoảng mà khâu đột phá là tài chính - tiền tệ thì ngân hàng có thể vừa là ngành dễ đổ bể, vừa là ngành dễ “đục nước, béo cò” nên một trong những việc làm ngay sau khi nhậm chức khi phải đối mặt ngay với khủng khoảng bắt nguồn từ tài chính, Tổng thống Mỹ Obama đã có quyết định kiểm soát ngay hệ thống lương và thưởng của ngân hàng.

Nhà nước kêu rằng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước chỉ đủ cho mấy tuần nhập khẩu trong khi ngoại tệ của các doanh nghiêp, chủ yếu là các tập đoàn và TCty nhà nước tại các ngân hàng lên tới hàng tỷ, dự trữ trong dân, theo con số dự đoán, cũng không nhỏ; vàng tích trữ trong dân chắc cũng không thua kém và có khi hơn cả của Nhà nước, nhập vào bao nhiêu là hết bấy nhiều cho dù giá vàng ở Việt Nam vẫn cao hơn giá thế giới, kể cả khi giá thế giới giảm thì giá vàng Việt Nam vấn tăng… Rồi thị trường chứng khoán, cái phong vũ biểu của nền kinh tế cũng không phản ảnh đúng tình hình và trở thành sân chơi điều tiết bởi các “bàn tay ma” khiến nhiều nhà “đầu tư” khốn đốn, thay vì đầu tư dài hạn thì chuyển sang “lướt sóng” là chính, và, không rõ liệu có tới được 20% vốn của thị trường này quay lại phục vụ cho xản xuất/kinh doanh hay không (?). Nghịch lý nữa là nhiều tập đoàn Nhà nước, nhiều TCTy thành lập ra công ty chứng khoán của mình nhưng hoạt động của nhiều công ty này cũng không phục vụ việc huy động vốn cho chính tập đoàn/TCTy mẹ của họ mà lao vào vòng xoáy “đầu cơ, trục lợi” để mặc mẹ luôn ngửa mặt lên trời kêu hoài về lỗ dài và thiếu vốn! Vì vậy, chứng khoán chỉ là một thị trường ảo nhiều hơn thực (?).

Phải chăng do mất niềm tin vào Việt Nam đồng trong suốt một thời gian dài nên ngoại tệ (chủ yếu và chỉ biết có USD) và vàng đã thoát khỏi chức năng “thước đo giá trị” mà chỉ còn lại là “vật tàng trữ”, “vật giữ dưới gối” (chứ không phải gửi ở ngân hàng) để tự điều tiết khi có khó khăn, điều dễ gây ra ảo ảnh đối với một số người cho rằng ảnh hưởng của khủng khoảng đối với ta không lớn như đối với các nước khác và thậm chí ngộ nhận rằng các biện pháp của ta là đủ liều lượng và có hiệu quả hơn, đủ tầm để đi rao giảng với người ngoài!

Thử vẽ sơ đồ đường đi của ngoại tệ mới có thể thấy bức tranh thực giải thích tại sao người làm ra ngoại tệ (xuất khẩu) lại thiếu ngoại tệ khi cần để nhập khẩu, phải chăng nó rơi vào những “thùng không đáy” của cái “bong bóng” bất động sản, rơi vào túi những kẻ tham nhũng…(?) . Do bỏ nhà công vụ mà tỷ lệ người sở hữu bất động sản ở Việt Nam cao hơn nhiều nước, nên chung cư xây bao nhiêu cũng “thiếu” vì không đủ cung cấp cho một số đầu nậu đầu cơ, mua đi bán lại ăn chênh lệch và chuyển chênh lệch đó sang vàng và USD để tàng trữ.

Không có chính sách tài khóa và tài chính thích hợp, công khai và minh bạch được giám sát bởi công luận và người dân (người đóng thuế) thì khó mà có thể huy động được vốn của toàn xã hội vào sản xuất và khó có thể sớm giảm lạm phát mà ngược lại sẽ rơi vào vòng xoáy vô tận.

Trong khi chờ đợi chỉ giáo của các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô và vi mô, người viết thiển nghĩ cần phải có ổn định trong chính sách dài và trung hạn thay cho những “giật cục” riêng rẽ ngắn hạn, “đá” lẫn nhau, gây tác động tiêu cực lan tỏa. Cải cách cơ cấu không dừng lại ở khẩu hiệu hô hào, chủ trương này như đã nêu ra từ nhiều năm nay, ngay từ đầu khi mới nảy sinh những dấu hiệu ban đầu của khủng khoảng (2007) nhưng rồi không rõ theo hướng nào, bớt gì, bỏ gì, dừng gì, ở đâu và khi nào (?); phát triển khu vực nào thực sự làm ăn có hiệu quả, hạn chế khu vực nào đồng vốn bỏ vào không hoặc sinh lời quá kém, chớ vì “con đẻ” (Nhà nước), “con nuôi” (tư nhân), “con ngoài giá thú” (FDI) mà đối xử không bình đẳng; phải chống đầu cơ, chống cửa quyền (vì được độc quyền); lấy lại lòng tin nói chung và lòng tin vào Đồng tiền Việt Nam, nói riêng, kiên quyết chống Đô la hóa ngay trong Nhà nước với con mắt rộng rãi hơn khi nhìn các ngoại tệ trong cùng một giỏ; chỉ bao giờ “giá của vốn” (lãi suất) thấp hơn lãi trong sản xuất, kinh doanh thì mới thu hút được đồng tiền vào sản xuất/kinh doanh, còn không, tiền, tốt nhất, là chỉ để cho vay kiếm lời là chính, vàng và ngoại tệ cứ tiếp tục nằm trong tay một bộ phận bên ngoài như một phương tiện tích trữ mà thôi; với tinh thần “xả thân”, Nhà nước, cán bộ Nhà nước từ mọi cấp hãy gương mẫu trong tiết kiệm chi tiêu “của công” (tiền thuế của dân), chống lãng phí và tham nhũng thực sự và triệt để hơn(2).

Mong rằng chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển, xin chớ nói “hy sinh phát triển để ổn định”, vì chỉ có ổn định thì mới có phát triển bền vững. Mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, sẽ không còn chỉ là chủ trương, sẽ không chỉ là quyết liệt của trên mà là hành động cụ thể của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương… Muốn làm được như vậy thì không thể thiếu công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc và kiểm tra chặt chẽ.

Mong “cơn bão” sớm qua để trời lại sáng!

N.G.H.

(1) Lê nin nói : Không có kiểm kê, kiểm soát, không có quản lý.

(2) Tin đồn có tài khoản cá nhân lên tới 260 triệu USD đang gửi ở ngân hàng trong nước đã được cải chính là chỉ có 260.000USD thôi. Xin thưa bọn tham nhũng không để tiền ở ngân hàng trong nước đâu vì làm như vậy chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Giá mạng Wikileak lại coi Việt nam là một đối tượng cần phanh phui để đưa lên mạng nhứng người có tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài hay những giao dịch liên quan tới chuyển tiền/rửa tiền thì chắc Ủy ban chống tham nhũng của ta đỡ vất vả!

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn