Góp phần giải tỏa ba ngộ nhận về Ukraina

Trọng Thành

(a) Ukrain và Nga là hai dân tộc anh em, (b) Ukraina vốn là quốc gia độc lập lâu đời với Nga như Việt Nam với Trung Quốc và (c) Chiến tranh Ukraina và Nga do phương Tây kích động.

@@@@@

Hôm nay, 24/03/2025, là tròn 3 năm ngày Nga mở màn cuộc tấn công nước láng giềng Ukraina. Trong công chúng, có ba quan niệm khá phổ biến nêu trên (*) về lý do chiến tranh, về quan hệ Nga – Ukraina, về nhiều mặt đi ngược với thực tế lịch sử về mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa hai nước.

*

Xin giới thiệu lại với Quý vị, Quý bạn một số bài viết, chắt lọc lại từ các bài đã đăng tải từ đầu chiến tranh, để góp phần giải toả ba ngộ nhận, với các phần chính :

1/ LIÊN MINH NGA – UKRAINA HƠN 3 THẾ KỶ VÀ BÁN ĐẢO CRIMEA, “MÓN QUÀ TẨM THUỐC ĐỘC” CỦA MATXCƠVA

2/ 1991: LẦN ĐẦU TIÊN NGƯỜI UKRAINA CÓ CƠ HỘI KHẲNG ĐỊNH NỀN ĐỘC LẬP LÂU DÀI

3/ “TIỂU NGA” – “ĐẠI NGA”: QUAN HỆ BẤT BÌNH ĐẲNG TRUYỀN KIẾP

4/ NƯỚC NGA CHƯA BAO GIỜ NGỪNG LÀ MỘT ĐẾ QUỐC, KỂ CẢ SAU KHI LIÊN XÔ SỤP ĐỔ

*

Nói Nga và Ukraina là hai dân tộc anh em là đã bỏ qua mối quan hệ có phần gần gũi giữa quan hệ của ông chủ/chư hầu mà hai bên đã thiết lập từ gần 4 thế kỷ, cho đến khi Ukraina khẳng định nền độc lập sau khi Liên Xô tan vỡ.

Ngày 30/04/2024, tòa thị chính Kiev đã dỡ bỏ khu tượng đài vinh danh Thỏa ước Pereiaslav, ký kết năm 1654 giữa một đại thủ lĩnh Cossack với vua Nga Alexis đệ nhất, vốn được coi là biểu tượng quan trọng bậc nhất của sự gắn bó Ukraina – Nga (mời xem bài “Kiev dỡ bỏ tượng đài ba thế kỷ ‘‘quan hệ anh em’’ Nga – Ukraina” – chú thích 1)

Với không ít người chủ trương Ukraina độc lập, Thỏa ước Pereiaslav là quyết định nguy hiểm, biến Ukraina thành chư hầu của Nga. Đại thi hào Ukraina, Taras Chevtchenko, trong bài thơ Rozryta mohyla (tạm dịch là "Nấm mồ bị lật tung"), sáng tác năm 1843, đã mượn lời của "Mẹ Ukraina" gọi đại thủ lĩnh Bohdan Khmelnytsky là ‘‘đứa con nhẹ dạ’’ khi chấp nhận thần phục Matxcơva, ký kết Thỏa ước Pereiaslav với Alexis đệ nhất.

***

LIÊN MINH NGA – UKRAINA HƠN 3 THẾ KỶ VÀ BÁN ĐẢO CRIMEA, “MÓN QUÀ TẨM THUỐC ĐỘC” CỦA MATXCƠVA

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu không có sự góp phần của Ukraina, đế chế Nga và Liên Xô sau này có hùng mạnh được như thế hay không ?

‘‘Liên minh ba thế kỷ Nga – Ukraina’’ (1654 - 1954) đã trở thành quan điểm chính thống của giới sử gia Liên Xô, là trụ cột của Liên Xô. Thông cáo của các cấp lãnh đạo cao nhất Liên Xô thời đó nhấn mạnh đến ‘‘cuộc chiến tranh giải phóng Ukraina khỏi ách thống trị của Ba Lan’’ (1648 - 1654), dưới sự lãnh đạo của nguyên thủ quốc gia và thủ lĩnh quân sự Bohdan Khmelnitski, đã đưa Ukraina bước sang một trang sử mới.

Đến 1954, tượng đài của người được coi là thủ lĩnh quân sự lớn đầu tiên của người Ukraina đã được dựng lên khắp Ukraina như biểu tượng cho ‘‘công cuộc tái thống nhất Nga - Ukraina’’. Năm 1954 cũng là năm mà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển cho ‘‘người anh em’’ Ukraina bán đảo Crimée, vốn thuộc lãnh thổ của Nga từ cuối thế kỷ 18, điều mà nhiều người coi như một ‘‘món quà’’, nhân dịp kỉ niệm 300 năm gắn bó.

***

1991: LẦN ĐẦU TIÊN NGƯỜI UKRAINA CÓ CƠ HỘI KHẲNG ĐỊNH NỀN ĐỘC LẬP LÂU DÀI

Hiểu đúng những duyên nợ lịch sử Nga - Ukraina giúp hiểu đúng hiện tại, giảm được cái nhìn áp đặt, định kiến, dựa trên một số ấn tượng nhất thời, một số hiện tượng cục bộ. Đặc biệt là hiểu đúng được khát vọng độc lập dân tộc của người Ukraina xuyên qua nhiều thế kỷ, lần đầu tiên có cơ hội trở thành hiện thực sau khi Liên Xô tan vỡ.

Mùa hè năm ngoái, quân Ukraina vượt qua biên giới, chiếm lĩnh một phần tỉnh Kursk của Nga, trong đó có thị xã Sudzha, miền nam tỉnh Kursk. Vào thời điểm đó, Tổng thống Zelenskyi nói đến việc “giải phóng Sudzha”. Sudzha là một địa điểm cho thấy lịch sử Nga - Ukraina đan bện dằng dịt tại vùng Sudzha. Đây từng là nơi lánh nạn của dân Cô-dắc Ukraina, cách nay 4 thế kỷ, sau đó chính lực lượng Cô-dắc tại khu vực này đã trở thành “phên dậu” của đế chế Nga. Cho đến nay, ‘‘bất chấp nỗ lực Nga hóa’’, văn hóa và ngôn ngữ Ukraina vẫn chiếm ưu thế tại khu vực này, theo ghi nhận của báo chí Ukraina (chú thích 2).

***

“TIỂU NGA” – “ĐẠI NGA”: QUAN HỆ BẤT BÌNH ĐẲNG TRUYỀN KIẾP

Những quan hệ dằng dịt Nga - Ukraina, quan hệ vừa gắn bó vừa bất bình đẳng cao độ giữa Ukraina và Nga được thể hiện rõ qua ngôn ngữ.

Chuyên gia về vùng Nội Á (Asia intérieur), nhà nhân chủng học ngôn ngữ Kathryn E. Graber có một khảo cứu thú vị về chủ đề hai giới từ chỉ vị trí, địa điểm trong tiếng Nga: ‘‘B’’ (đọc là vờ”) và ‘‘HA’’ (đọc là “na”), với mục tiêu làm nổi bật xung đột sâu xa và cốt lõi này (chú thích 3).

Người Nga thường gọi ‘‘na Ukraine’’ (на Украине) đồng nghĩa với việc không thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Ukraina, không thừa nhận Ukraina như một nhà nước có biên giới, có chủ quyền. Cách diễn đạt ‘‘na Ukraine’’ càng mang nặng ý nghĩa kỳ thị hơn, nếu ta biết từ Ukraina còn có nghĩa là ‘‘vùng biên địa’’, vùng ngoại vi. ‘‘Na Ukraine’’ có nghĩa là ở một vùng đất bên lề, một vùng ngoại ô, không có chủ quyền. Một cách gọi hàm chứa sự coi thường, rẻ rúng.

Năm 1993, chính quyền Ukraina – khi vừa khẳng định nền độc lập được hai năm – đã yêu cầu chính quyền Nga chính thức từ bỏ cách dùng phổ biến lâu đời ‘‘na Ukraine’’ (có từ thời Ukraina còn thuộc đế quốc Nga), để thay bằng ‘‘v Ukraine’’ (в Украине) như với các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nay đã độc lập với Nga. Tuy nhiên, phía Nga đã không từ bỏ cách diễn đạt này.

Tổng thống Nga trong bài diễn văn dài hơn 60 phút ngày 21/02/2022, chuẩn bị cho việc phát động chiến dịch quân sự chống Ukraina, ngay câu đầu tiên đã tiếp tục sử dụng cách diễn đạt lâu đời từ thời Ukraina thuộc về đế quốc Nga, mang đầy tính khinh thị, phủ nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, vốn đã được chính Nga và cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1991 (‘‘Тема моего выступления – события на Украине и то, почему это так важно для нас, для России. Конечно, моё обращение адресовано и нашим соотечественникам на Украине’’ – trích hai câu đầu trong diễn văn của ông Putin).

***

NƯỚC NGA CHƯA BAO GIỜ NGỪNG LÀ MỘT ĐẾ QUỐC, KỂ CẢ SAU KHI LIÊN XÔ SỤP ĐỔ

Chủ nghĩa chuyên chế Nga có ảnh hưởng rất mạnh. Cho dù trong lịch sử chính trị của nước Nga, đã có một số giai đoạn mang tính “đứt đoạn” (có nghĩa là có cơ hội để ngỏ cho những cái mới), nhưng đã không đủ sâu. Những nhân vật theo đuổi tự do như Sakharov chỉ là một thiểu số. Ngay cả nhiều nhà ly khai nổi tiếng như văn hào Soljenitsyne (giải Nobel Văn học) cũng ủng hộ Putin. Họ vẫn chia sẻ chung lý tưởng về một Đại Nga, với các đất nước “anh em” như Belarus (Bạch Nga) và Ukraina (Tiểu Nga). Ông Putin, ngay từ khi lên nắm quyền năm 1999, đã chủ trương dựa vào tư tưởng đế chế (chú thích 4)

Thông điệp chung của chính quyền Putin và Giáo hội Chính thống giáo Nga là cuộc tấn công Ukraina là một chiến dịch quân sự cần thiết, để khẳng định một bản sắc Nga, tâm linh tôn giáo Nga, đế chế Nga Chính thống giáo nghìn năm tuổi, chống lại phương Tây. Quan niệm về “Một thế giới của người Nga” thống nhất mà chính quyền Putin nỗ lực truyền bá, với sự hậu thuẫn của Giáo hội Chính thống giáo Nga có thể coi là một phương tiện của quyền lực mềm để khẳng định sức mạnh của nước Nga, cũng là phương tiện để tái lập một kiểu đế chế Nga mới, với các vùng đất trước đây vốn thuộc Liên Xô cũ, hay đế quốc của các sa hoàng. Theo quan điểm này, Ukraina hay Belarus không thể là một quốc gia độc lập, mà chỉ là một bộ phận của “Thế giới Nga”: Belarus là “Bạch Nga”, Ukraina là “Tiểu Nga” (chú thích 5).

Ghi chú

(*) Tút "3 năm là bấy nhiêu ngày" của nhà văn Trần Thanh Cảnh có thể chứa đựng nhiều ngộ nhận. Đây là lý do chúng tôi trích dẫn lại trong bài này như một ví dụ minh hoạ. https://www.facebook.com/share/p/166wbtm3tE/?mibextid=WC7FNe (toàn văn đăng tải lại ở cuối bài)

1/ RFI ngày 1/5/2024 : https://rfi.my/AZ2V hay https://www.facebook.com/share/p/kcZRwzh1MHSoY5mw/

2/ SỰ THẬT và NHỮNG DUYÊN NỢ LỊCH SỬ UKRAINA - NGA: VÌ SAO ZELENSKYI NÓI '‘GIẢI PHÓNG” THỊ XÃ SUDZHA (tỉnh Kursk của Nga)?

https://www.facebook.com/share/1Aa1tkkMeF/?mibextid=WC7FNe

3/ “Vì sao hai từ “v” và “na” khiến Ukraina và Nga khó đội trời chung?” (RFI, ngày 30/10/2022) https://rfi.my/8rep (https://www.facebook.com/share/16DSoNsRFh/?mibextid=WC7FNe)

4/ Sử gia Françoise Thom: ‘‘Cho đến nay, người Nga vẫn coi nước Nga là một đế chế’’ (RFI, ngày 19/05/2022) https://rfi.my/8Qmr

5/ “Chính thống giáo Nga, thế lực hậu thuẫn cuộc xâm lăng Ukraina của Putin” (RFI, 14/03/2022) https://rfi.my/8FWj

BA NĂM LÀ BẤY NHIÊU NGÀY...

(nhà văn Trần Thanh Cảnh)

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga với Ukraine vừa tròn 3 năm. Hơn ngàn ngày trôi qua, mỗi ngày có bao sinh mạng cả hai bên đã chết? Xương đã thành núi, máu đã thành sông...

Cho dù vì bất cứ nguyên nhân nào để dẫn đến cuộc chiến, tôi [từ đầu cho đến giờ] vẫn thấy đây là một cuộc chiến cực kỳ vô nghĩa lý! Hai dân tộc, hai đất nước vốn là anh em, lại nhảy xổ vào bắn giết lẫn nhau? Vì cái gì?

Nổ súng tấn công Ukraine đầu tiên, Putin rõ ràng là một tên tội phạm chiến tranh đáng kinh tởm!

Đường lối chính trị không đủ giỏi để tránh cho dân tộc mình đổ máu, đất nước bị tàn phá tan hoang, ông Zelenskyi cũng không đáng ca ngợi![?!!!]

Các nước phương Tây, cầm đầu là Mỹ cũng chơi trò tháu cáy của con buôn: một mặt họ xúi Ukraine đánh Nga, nhưng họ lại cung cấp vũ khí nhỏ giọt và hạn chế sử dụng! Dịp gần đây, Tổng thống Mỹ ông D. Trump thậm chí gọi Zelenskyi là kẻ xâm lược [sau đã cải chính]! Thật không hiểu nổi...

Chỉ có một cách hiểu duy nhất là: họ đang buôn bán trục lợi trên xương máu của người dân Ukraine!

Việt Nam đã từng là nạn nhân, là quân cờ trong trò chơi của các nước lớn trong nhiều ván bài của họ, nên hiểu rõ điều đó!

Sau ba năm gây chiến, cả hai nước Ukraine và Nga đều đang bị sa lầy trong vũng bùn chiến tranh. Tìm một lối thoát khả dĩ cho muôn dân đỡ khổ, đó là câu chuyện cấp bách hiện nay.

Ai là người sẽ giải quyết được lò lửa chiến tranh tồi tệ này đây?

@@@@@

Ảnh trên

Tháo dỡ tượng đài thời Liên Xô tại Kiev, kỷ niệm Thỏa ước Pereiaslav năm 1645, với việc người Cossack Ukraina cam kết trung thành với Sa hoàng Nga. Việc tháo dỡ diễn ra ngày 30/04/2024

Ảnh dưới

Trái: Thượng phụ Giáo hội Chính thống giáo Nga Kirill (T) và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Matxcơva. (Ảnh chụp năm 2012) © Yana Lapikova/AP

Giữa: Ảnh minh họa. ‘‘Na Ukraina hay v Ukraina ?’’: Phủ nhận hay thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina? (nguyên văn tiếng Nga trong hình: На Украинy hay в Украинy) © copy d'ecran từ Gazeta.ru

Phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, đằng sau là chân dung Stalin và Karl Marx, cùng lá cờ của Liên Bang Nga và biểu tượng đại bàng hai đầu, lấy cảm hứng từ truyền thống các Sa hoàng.

T.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn