Tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Châu Âu về hoà đàm Ukraine: Nguyên nhân và Hậu quả

Đỗ Kim Thêm

25-2-2025


clip_image002

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin về việc xúc tiến hoà đàm cho Ukraine, tình hình chung thay đổi toàn diện, cụ thể là chính giới Ukraine cũng như châu Âu bắt đầu hoang mang về việc an nguy trước mắt.

Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Ngoại trưởng Nga Lavrov đã gặp nhau tại Riyadh để thảo luận về các biện pháp chuẩn bị cho một cuộc họp mặt giữa hai Tổng thống Trump và Putin. Cả hai Ngoại trưởng cho biết là mọi diễn tiến dự liệu sẽ không cần có sự tham gia của châu Âu, nhưng quyết định này tất nhiên sẽ có nhiều tác động nhất định đối với mối quan hệ lâu đời giữa châu Âu và Mỹ.

Trong cuộc đàm phán tại Ả Rập Xê Út về khả năng chấm dứt cuộc chiến Ukraine, hai Tổng thống Trump và Putin thực sự muốn đạt mục tiêu gì và sẽ có ảnh hưởng nào đối với châu Âu?

Nhìn chung, trong nhiều thập niên qua, mối quan hệ Mỹ và châu Âu là thân thiết. Cả hai hợp tác nhau trong niềm tin hỗ tương, nhất là cùng chia sẻ một giá trị chung về an ninh phòng thủ, tự do dân chủ, thượng tôn pháp luật và kinh tế thị trường. Thí dụ điển hình là hiệp ước an ninh hỗ tương trong khuôn khổ khối NATO.

Nhưng gần đây nhất, thông qua Hội nghị An ninh Munich, một sự rạn nứt đã thực sự bắt đầu thành hình và làm cho mối quan hệ cố hữu trở nên lung lay. Trong một bối cảnh đầy biến động hiện nay, vấn đề quan trọng được đặt ra là liệu Mỹ có tiếp tục hợp tác với châu Âu không, nếu không, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho châu Âu?

Nguyên nhân

Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu hiện nay đang rất căng thẳng. Ngay sau khi nhậm chức, Trump đã quyết định áp thuế đặc biệt đối với tất cả thép vá nhôm nhập khẩu.

Nhưng quan trọng hơn là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ J. D. Vance tại Hội nghị An ninh Munich. Vance đã kịch liệt phê phán tình hữu nghị mà Mỹ và châu Âu cùng theo đuổi trong những thập niên qua. Theo Vance, hiện nay các giá trị chung không còn nữa và châu Âu trở thành đối thủ của Mỹ, lý do chính là vì châu Âu không còn tôn trọng các giá trị cao cả về tự do ngôn luận. Chính giới và công luận châu Âu không thể tin vào tai của họ khi nghe lời chỉ trích này; ngược lại, Trump sau đó lại ca ngợi là "xuất sắc".

Điểm đặc biệt nhất của Vance là công khai lên tiếng can thiệp vào cuộc vận động tranh cử đang diễn ra tại Đức. Trước đó, Elon Musk, cố vấn cho chính phủ mới của Mỹ, đã vận động cho AfD, một đảng cực hữu. Vance cho là chính giới Đức nên hợp tác với tất cả các đảng phái. Ông đã khéo léo tìm cách thúc đẩy lợi ích của các tỷ phú công nghệ, những người tham gia hàng đầu trong lễ nhậm chức của Trump. Trong số này có Musk, chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội X và cũng là nhân viên đặc biệt của chính phủ mới. Từ lâu, Musk tỏ ra không thích việc Liên Âu muốn kiểm soát các hoạt động của X một cách chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, khi điện đàm với Putin để thảo luận về việc chấm dứt chiến cuộc Ukraine, Trump đã không tham khảo ý kiến của đồng minh, điều này là một sự kiện hoàn toàn bất thường. Trump nói rõ rằng Mỹ không muốn bảo vệ hòa bình cho Ukraine bằng cách gửi quân đội của Mỹ. Trump thừa nhận với Nga rằng Ukraine không được tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán và Liên Âu không đóng vai trò chính trong cuộc đàm phán. Điều này có nghĩa là chính giới châu Âu và Ukraine phải chấp nhận kết quả của những gì mà Mỹ và Nga đàm phán.

Hậu quả

Mục tiêu của Mỹ

Nhìn chung trong toàn cảnh, theo quan điểm của Mỹ, Trump cần phô trương là tạo được một hoà ước thành công để chứng minh cho công luận thấy về một thành tích ngoại giao trong nhiệm kỳ hai và có thể so sánh tương tự với thỏa thuận Gaza trước đây.

Lý do thật đơn giản là vì trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump không có một thành quả nào đáng kể để phụng sự cho hoà bình thế giới mà chỉ là tạo ra một cơn sốt nhất thời trong trong truyến thông đại chúng. Tất cả nỗ lực ồn ào của Trump không mang lại một giài pháp thực chất nào. Thí dụ điển hình là Trump đã ký một hiệp ước với Taliban ở Qatar về các con đường dẫn đến hòa bình ở Afghanistan. Kết quả là quân đội Mỹ sau đó thời Biden vội vã rút khỏi Afghanistan trong cảnh hỗn loạn. Một báo cáo về sau kết luận là Trump phải chịu trách nhiệm chính cho thảm hoạ này. Thậm chí cho đến nay tình hình Afghanistan vẫn còn bấp bênh.

Các cuộc gặp gỡ giữa Trump và Kim Jong-un tại khu phi quân sự, rồi đến hội nghị Singapore (2018) và Việt Nam (2019) không đạt được một thoả thuận nào vể việc ngăn chận vũ khí hạt nhân.

Còn Iran, Trump cũng lâm vào cảnh tương tự. Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA, 2018) chỉ làm cho Iran gia tăng vị thế chiến lược với số lượng Uranium nhiều hơn. An ninh khu vực càng suy yếu, trong khi các đồng minh Anh, Pháp Đức cũng không giải quyết được vấn đề.

Thỏa thuận Hòa bình Abraham mà Trump đứng vai trò trung gian giúp Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập nhưng lại không tham khảo ý kiến với Palestine. Hệ quả là tranh chấp leo thang và cuộc chiến Israel - Hamas cuối năm 2023 bùng nổ mà cho tới nay là một thảm hoạ tàn khốc cho khu vực.

Trước tình hình mới, Trump sẽ tìm cách tương nhượng nhiều hơn để đáp ứng các yêu cầu của Putin trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Thí dụ như Mỹ đã nói rằng Ukraine sẽ không được gia nhập NATO và các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng sẽ vẫn theo nguyên trạng. Điều này cũng đã được Nga tái khẳng định tại Riyadh.

Nền an ninh chung tại châu Âu đang bị đe doạ. Nguyên trạng này cuối cùng sẽ dẫn đến một viễn cảnh là một cuộc chiến tiếp theo sẽ bùng nổ tại châu Âu. Nếu Nga có đủ khả năng từ quân cụ và quân số để đạt được mục tiêu xâm lược, Nga sẽ tìm cách thực hiện.

Mối đe dọa đối với châu Âu

Mối lo ngại của châu Âu là chính đáng vì trong tương lai gần Putin sẽ gây nhiếu bất lợi cho châu Âu và Ukraine. Nhiều lần trước đây, Nga nêu rõ mục tiêu là Nga không muốn Ukraine là một quốc gia độc lập. có nghĩa là, Nga muốn bãi bỏ nền độc lập của Ukraine và biến thành một quốc gia chư hầu cho Nga.

Nga cũng muốn thay đổi các quy tắc về nền an ninh chung, tức là phương cách mà chính giới châu Âu lo tổ chức an ninh chung cho châu Âu. Ví dụ như Nga sẽ tạo ra một vùng đệm giữa Nga và khối NATO cũ. Các quốc gia thành viên mới, chẳng hạn như các quốc gia Baltic và Ba Lan, không còn được khối NATO bảo vệ.

Phản ứng của châu Âu

Các nguyên thủ quốc gia trong Liên Âu đã họp tại Paris hôm thứ Hai để thảo luận về việc đối phó với tình hình an ninh ở châu Âu và không có kết quả. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho là kết quả của các cuộc hoà đàm không thể đạt được được nếu không có tiếng nói của người Ukraine.

Do đó, Scholz cũng phản đối Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Starmer đã vội vã lên tiếng sẵn sàng gửi binh lính đến Ukraine nếu cần thiết. Pháp cũng được cho là đã bày tỏ sự sẵn sàng gửi quân. Ngoại trưởng Jean-Noël Barrot nói về "ba đội quân lớn" – từ Pháp, Anh và Ba Lan – được cho là đảm bảo một "hòa bình lâu dài" ở Ukraine.

Trong khi đó, người dân Đức đang lo lắng vì chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc theo cách mà người Mỹ muốn trong đó có việc người Mỹ đang loại trừ người châu Âu. Mọi người hoàn toàn ngạc nhiên với tính cách bốc đồng của Trump vì quyết định của Trump là một rủi ro quá lớn trong địa chính trị cho châu Âu.

Việc tái áp dụng nghĩa vụ quân sự cho giới trẻ tại Đức cũng là một mối lo khác. Yêu cầu quân đội Liên Âu đến Ukraine trong khuôn khổ của Uỷ ban Kiểm soát Đình chiến theo mô hình đội quân mũ xanh của Liên Hiệp Quốc mang lại một cảm giác bất thường cho dân chúng.

Có nhiều đề xuất cho rằng Nga nên giữ 20% các vùng lãnh thổ chiếm đóng trước đây ở miền đông Ukraine và quân đội Liên Âu nên đảm bảo hòa bình trên 80 % phần còn lại. Việc nhượng lại các vùng lãnh thổ là một giải pháp bất đắc dĩ, vì không còn bất kỳ một cách nào khác tốt hơn là khả thi, bởi vì thực ra Nga còn rất mạnh và châu Âu không có khả năng để bảo vệ Ukraine.

Cập nhật diễn biến

Các cuộc đàm phán trực tiếp được dự trù giữa Trump và Putin về việc chấm dứt cuộc chiến Ukraine diễn ra trong tháng Hai này đang trở nên có nhiều khả năng hơn. Sau khi Trump lên tiếng ủng hộ, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cũng xác nhận nguồn tin này.

Trước đó, tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, Trump cho biết là rất tin tưởng về một nền hòa bình sẽ tái lập tại Ukraine. Trump gián tiếp đổ lỗi cho Zelensky về việc tiếp tục cuộc chiến với Nga. Trump nói rằng giới lãnh đạo Ukraine đã cho phép một cuộc chiến không bao giờ nên xảy ra. Thay vào đó, Ukraine lẽ ra phải thực hiện một thỏa thuận. Trump không hề đề cập đến việc Nga là kẻ xâm lược.

Trump cũng cho biết là không phản đối việc lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu có thể đóng quân ở Ukraine. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ không tham gia vào việc này. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố là sẽ có các cuộc đàm phán tiếp theo với đại diện của các nước châu Âu và các nước khác sau cuộc họp của tại Paris hôm thứ Hai. Các nước Na Uy, Canada, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Phần Lan, Romania, Thụy Điển, Bỉ và các quốc gia Baltic sẽ tham gia cuộc họp này. Sau đó, Macron sẽ hội kiến với Trump để thông báo kết quả và tham khảo ý kiến.

Theo Bộ Ngoại giao Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã thông báo kết quả cho các đồng nghiệp châu Âu sau cuộc họp với phái đoàn Nga tại Riyadh, Ả Rập Xê Út. Liên Âu và Tổng thống Ukraine Zelensky đã chỉ trích Mỹ đơn phương tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga. Zelensky nói trong chuyến thăm thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Ký là lại một lần nữa, vấn đề Ukraine được thảo luận mà không có tham khảo ý kiến của Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đề nghị rằng các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra ở đất nước Thổ và với sự tham gia của Kiev.

Theo Rubio, cuộc gặp gở tại Riyadh giữa hai ngoại trưởng có mục đích nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga. Điểm thoả thuận chính của hai bên là hai đại sứ quán sẽ bố nhiệm lại các nhân viên thường trực. Trong những năm gần đây, trong thời kỳ đóng băng ngoại giao, các đại sứ quán Washington và Moscow đã hạn chế phạm vi hoạt động.

Trước các diễn biến mới nhất, Moscow cho biết là Putin tỏ ra hài lòng, nhất là việc Trump giúp cho Nga thoát khỏi tình trạng cô lập quốc tế.

Quân đội châu Âu

Liệu châu Âu có thể tự vệ về mặt quân sự khi không có Mỹ? Theo một phân tích của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức và Viện Nghiên cứu Bruegel, Brussels, châu Âu sẽ cần thêm 300.000 binh sĩ, hàng ngàn xe tăng mới và rất nhiều tiền.

Theo các tác giả, châu Âu sẽ phải tự trang bị vũ khí trên quy mô lớn và thành lập thêm khoảng 50 lữ đoàn. Việc tân trang này sẽ đòi hỏi ít nhất 1.400 xe tăng loại mới và 2.000 xe chiến đấu dành cho bộ binh. Dự kiến này vượt quá kho dự trữ hiện tại của toàn bộ lực lượng bộ binh Đức, Pháp, Ý và Anh. Ngoài ra, châu Âu sẽ phải sản xuất khoảng 2000 máy bay không người lái tầm xa hàng năm.

Tuy nhiên, riêng tại Đức, việc thiếu binh sĩ là vấn đề chính. Trong một thời gian dài, quân số Đức đã không thể thoả mãn nhu cầu đòi hỏi và quân số còn đang khiếm khuyết và vẫn cần bổ sung thêm 20.000.

Để tài trợ cho khả năng quốc phòng độc lập của châu Âu, Liên Âu cần có công chi khoảng 250 tỷ euro mỗi năm, có nghĩa là, châu Âu đang chi từ 2% trong hiện tại lên đến 3,5 đến 4% tổng sản phẩm quốc nội. Đối với Đức, khoảng chi từ 80 lên 140 tỷ euro, tương ứng với 3,5% GDP.

Thực ra, các khoản chi phí bổ sung này ít hơn nhiều nếu so với khoản chi cho cuộc khủng hoảng trong đại dịch Covid.

Tuy nhiên, sự phối hợp quân sự chặt chẽ ở châu Âu cũng là trở lực chính. Trong khi quân đội Mỹ hoạt động thống nhất, quân đội châu Âu được chia thành 28 lực lượng khác nhau. Từ việc trang bị quân dụng cho đến điều hành hoạt động phải được ban hành trong khuôn khổ chung, thực tế này sẽ gây nhiều khó khăn hơn nếu so với Mỹ.

Còn Nga? Nhìn chung, bất chấp tổn thất lớn tại chiến trường Ukraine, Nga đang tiếp tục tăng cường đáng kể năng lực quân sự. Nhờ thế, Nga có thể sẽ đủ sức mạnh để tấn công Liên Âu trong 3 đến 10 năm tới. Đây là một mối nguy hiểm thực sự.

Đ.K.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn