VIẾT NHANH MẤY CẢM NGHĨ VỀ BÁO “LỀ TRÁI”

Hải Hồ

clip_image001

“Báo chí Việt Nam là một biệt lệ chăng khi tất cả im phăng phắc trước một sự thật không lồ có quan hệ đến tồn vong của đất nước? Vì lý do gì vậy? Vì không dám nhìn chính xác sự thật? Vì không biết ủng hộ biểu tình hay chống lại biểu tình là công bằng? Vì không thể tường thuật sự thật một cách khách quan?”

Ấy là lời chua xót của ông Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập báo Lao động khi thấy báo lề phải vào ngày 6-6 đưa một mẩu tin sai sự thật về cuộc biểu tình 5-6-2011 của nhân dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc gây hấn trên vùng biển của Việt Nam, và ngày 12, 13-6-2011 thì không đưa một dòng tin nào cũng về cuộc biểu tình của hai thành phố nói trên.

Mà thực ra chẳng riêng gì sự kiện trên, biết bao sự kiện quan trọng liên quan đến chủ quyền đất nước chỉ có thể tìm trên báo lề trái.

Thuật ngữ lề trái ra đời từ bao giờ? Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ khi ông Bộ trưởng TTTT Lê Doãn Hợp (khoảng đầu năm 2009) khuyên báo chí chính thống, rằng muốn an toàn cứ đi theo lề phải. Lề phải ở đây không phải là đúng luật báo chí mà là theo cái gậy chỉ huy từ bên trên, nhưng nhiều khi cũng không biết thế nào mà lần, mà đoán ý cấp trên. Có lẽ vì thế nên báo lề phải luôn bị trống trang, và do đó cứ phải đăng các chuyện cướp - giết - hiếp cho đầy mặt báo.

Vì vậy, muốn có thông tin chẳng có cách nào khác là vào các trang mạng cá nhân, một thứ báo mà lẽ ra chỉ đăng những chuyện của cá nhân thôi, nhưng lại làm nhiệm vụ đăng những chuyện quốc gia đại sự nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đặc biệt là những người quan tâm đến tình hình đất nước (trong tình hình hiện nay có lẽ phải nói là quan tâm đến số phận đất nước). Và báo này bỗng nhiên được mang tên là báo lề trái.

Tuy báo lề trái luôn luôn trong tầm ngắm của ngành an ninh như là những đối tượng nguy hiểm nhưng tôi lại thấy công lao rất lớn của báo lề trái.

Quan sát trong khoảng hai năm vừa qua thôi, chưa kể công lao khai thông dân trí do những bài viết đầy chất trí tuệ và dũng cảm của các cộng tác viên, chỉ tính riêng phần thông tin do báo lề trái đem lại đã cực lớn. Ở đây cũng chỉ kể những thông tin đã giúp chính phủ và các cơ quan công quyền xử lý, đáp ứng được quyền lợi của nhân dân và dân tộc. Ví dụ:

Vụ website điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tin Trung Quốc tập trận trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (tháng 8-2009), một bản tin rất có hại cho chủ quyền Việt Nam, vì lấy nguyên vẹn bản tin của báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mà không có chú nguồn dẫn và lời bình luận nào. Sau khi các các blogger phát hiện, website điện tử trên phải vội rút bài xuống, còn ông Đào Duy Quát, tổng biên tập, sau đó phải kiêm điểm và bị Bộ TTTT phạt 30 triệu (quá nhẹ).

Việc bắt giữ, đâm chìm tàu của ngư dân, gần đây báo chí lề phải đã dám đưa tin ít nhiều, chứ trước 2009 thì hầu như đều phải làm ngơ (có lẽ sau vụ đình chỉ báo Du lịch và cách chức tổng biên tập của báo đầu năm 2009 do đăng bài về Hoàng Sa, các báo lề phải đều sợ hãi). Tháng 8/2009, có một vụ bắt giữ ngư dân cực lớn của Trung Quốc: 200 ngư dân với 17 con tàu vào tránh bão tại quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc cướp hết hải sản, máy móc, xăng dầu, lại còn bị đánh đập dã man, thế nhưng không một báo lề phải nào lên tiếng. Cho đến khi một số trang mạng đăng lại tin của nước ngoài thì Hội Nghề cá Việt Nam mới có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc.

Vụ Hội Địa lý Hoa Kỳ ghi tên Hoàng Sa,Trường Sa bằng tên Trung Quốc và chú dưới là của Trung Quốc, nếu tôi không nhầm thì sự phát hiện bắt đầu từ kiều bào mình ở nước ngoài, được đưa lên các trang mạng cá nhân (khoảng tháng 3-2010) sau đó mới được báo lề phải đăng, rồi chính phủ ta có công văn đề nghị Hội Địa lý Hoa Kỳ sửa lại và họ đã tiếp thu, sửa chữa.

Cũng khoảng thời gian trên, có vụ cô Đỗ Ngọc Bích, nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ đã viết trên BBC Việt ngữ một bài xuyên tạc lịch sử Việt Nam, có lợi cho Trung Quốc, các blogger cùng các cư dân mạng phản đối dữ dội và BBC phải có lời đính chính. Tương tự vụ cô Đỗ Ngọc Bích, đầu năm nay, GS. Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Trung Quốc học, cũng có một bài trả lời một báo của Trung Quốc, với nhiều phát ngôn sai về lịch sử Việt Nam và bất lợi cho tình đoàn kết dân tộc. Blogger Nguyễn Xuân Diện và nhiều blogger đã lên án mạnh mẽ. Chính qua những vụ việc này, sự hiểu biết và ý thức dân tộc trong mỗi người Việt Nam được bồi dưỡng, kiểm chứng, thử thách, và bất cứ một sự mù mờ, gian lận, đánh tráo, xuyên tạc nào đều làm tổn thương đến tình cảm dân tộc và đều bị lên án.

Khoảng đầu năm 2010, việc phát hiện hàng loạt tỉnh biên giới cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, trong đó có những điểm cao chiến lược cũng bắt đầu từ báo lề trái (vụ này cũng nên rất hoan nghênh báo lề phải Vietnamnet sau đó có loạt bài phóng sự phản ánh cụ thể, sinh động hiện tượng trên ở nhiều tỉnh), và cuối cùng Thủ tướng chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm dừng việc cho nước ngoài thuê rừng.

Vụ lụt ở Nghệ Tĩnh cuối tháng 9 năm ngoái, cũng là lúc chuẩn bị bắn pháo hoa tại Hà Nội mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long, không khí tang thương ở miền Trung và không khí tưng bừng ở Hà Nội trở thành một nghịch cảnh cho các chủ blog và cư dân mạng. Blog Quechoa có những dòng cay đắng: “Hãy bắn pháo hoa đi để thấy dân Miền Trung đang ngoi ngóp trong lũ lụt,  20 ngàn hộ dân lũ cuốn, thiệt hại hơn 2 ngàn tỷ. Ok, ok không sao, không sao, hãy bắn đi để ngợi ca đất nước”. Trong bối cảnh tưởng như sắp loạn trong lòng người ấy, trên Trannhuong.com của nhà thơ – họa sỹ Trần Nhương bỗng cất lên lời khẩn thiết đề nghị bỏ bớt nhiều điểm bắn pháo hoa để lấy tiền ủng hộ động bào bị lũ lụt. Đề nghị nhanh chóng được chấp nhận. Cư dân mạng hoan hô ngay chính quyền thành phố Hà Nội.

clip_image002Vụ phim Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long, có lẽ bắt đầu “khới chuyện” là báo lề phải (nếu tôi không lầm thì bài đầu tiên là bài trả lời phỏng vấn của họa sỹ Phan Cẩm Thượng trên tạp chí Hồn Việt, tháng 6/2010) nhưng báo lề trái lại thu hút dư luận nhiều hơn bởi có sự tham gia của các cư dân mạng thông qua các comments. Vụ này có hai đợt tiến công của báo chí: đợt một vào trước dịp diễn ra Đại lễ nghìn năm Thăng Long, khiến cho phim phải hoãn phát sóng để chỉnh sửa; đợt 2, vừa mới đây, sau khi có lịch phát sóng của VTV, định bắt đầu chiếu vào 30-6-2011. Có lẽ trong đợt hai này, những người quyết tâm chiếu phim đã hoàn toàn đắc thắng sau khi có sự đồng ý của Cục Điện ảnh. Nhưng báo lề trái không chùn bước. Ban đầu gần như một mình TS. Nguyễn Xuân Diện “tuyên chiến” với Cục Điện ảnh và VTV. Được sự ủng hộ của GS. Lê Văn Lan, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Vĩnh và đông đảo cư dân mạng, phong trào phản đối bộ phim xuyên tạc lịch sử dân tộc do Trung Quốc đạo diễn lan sang cả báo lề phải (báo Người Lao động đăng lại bài trả lời của GS. Lê Văn Lan và cả một số comments trên blog Nguyễn Xuân Diện), và do đó lịch chiếu vào 30-6 lại được VTV “tạm hoãn”. Trong vụ này cũng có phần may cho báo lề trái (và không may cho Cục Điện ảnh và VTV) là nó xảy ra đúng lúc Trung Quốc gây hấn và phong trào tẩy chay Trung Quốc dấy lên, cùng với vụ tham nhũng lớn 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh bị lộ tẩy, đã làm nản lòng những ai còn muốn bênh vực cho bộ phim. 

Vụ lớn gần đây nhất là vụ Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta (26-5 và 9-6-2011) trên Biển Đông. Ban đầu một số báo lề phải như Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet cũng phản ứng rất hăng hái, nhưng sau đó giảm dần. Liền sau đó là mấy vụ biểu tình tự phát nhưng mạnh mẽ của nhân dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phản đối Trung Quốc nhưng chẳng báo nào dám đưa tin. Riêng lần thứ nhất, hôm sau các báo lề phải có đưa tin nhưng lại lấy nguyên tin của TTXVN, một bản tin nông choèn về mặt thông tin và sai sự thật, làm tổn thương tình cảm yêu nước của người tham gia biểu tình nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Trong khi đó báo lề trái liên tục cập nhật tin tức, đưa những hình ảnh vô cùng cảm động về lòng yêu nước của nhân dân ta. Người viết bài này đang lúc hoang mang về số phận dân tộc, khi xem những hình ảnh đó đã chảy nước mắt và bỗng thấy dân tộc Việt Nam lúc nào cũng vẫn là dân tộc anh hùng. Ôi, nếu nhà nước đừng ngăn cản mà còn nhân những tấm lòng yêu nước và dũng cảm kia thì dân tộc ta chẳng những không dễ bị bắt nạt mà còn ngẩng cao đầu trước người láng giềng to lớn và tham lam.

Thử tưởng tượng cuộc sống hôm nay sẽ thế nào nếu thiếu báo lề trái? Mọi thông tin sẽ trở nên u u minh minh, đặc biệt là vấn đề chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, tức cũng là vấn đề sống còn của đất nước trong hoàn cảnh nước lớn phương Bắc liên tục dùng thủ đoạn và gây sức ép mọi mặt lên dân tộc ta.

Mà kỳ lạ số “tờ báo” lề trái (ở đây chỉ giới hạn số báo quan tâm đến tình hình đất nước) chỉ đếm trên đầu ngón tay: Bauxite Việt Nam, Quechoa, Basam, Nguyenxuandien, Nguyentrongtao, Trannhuong, Phamvietdao,… Và mỗi “tờ báo” chỉ có một ông chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm phóng viên, kiêm biên tập viên, kiêm kỹ thuật viên. (Trong khi đó nghe nói báo lề phải là khoảng 500 tờ và số nhân viên cứ cho tối thiểu là 20 người/ một tờ thì số người làm báo lề phải ít ra phải 10.000 người. Họ lại được ăn lương, được ưu đãi về điện nước, phương tiện, trụ sở,…)

Điều kỳ lạ nữa là dù kiêm bấy nhiêu “chức” nhưng các chủ báo này vẫn phải lao động kiếm sống như tất cả mọi người. Cái phần tay ngang làm báo không được hưởng một đồng xu nhỏ nào, mà chỉ có mất vào những chi phí cho phương tiện kỹ thuật và tiền điện, tiền mạng. Và các cộng tác viên viết cho các lề trái này cũng chẳng bao giờ có nhuận bút.

Nhưng tất cả những điều trên chưa là gì so với các nguy hiểm luôn rình rập các chủ blog cũng như các cộng tác viên của họ. Đã có không ít blogger và cộng tác viên bị bắt giữ, bị đi tù, nếu không chí ít cũng bị “để ý”, lườm nguýt và đánh phá về mặt kỹ thuật. Không ít lần cư dân mạng phát hoảng khi bỗng nhiên trang blog quen thuộc của mình bị biến mất, kèm theo nỗi lo lắng: không hay chủ nhân của nó đã bị “mời” đi làm việc rồi.

Nhưng hình như tất cả các khó khăn và tai ương rình rập đó không làm nản lòng các blogger và độc giả của họ. Cũng như gần 90 triệu con Hồng cháu Lạc sinh sống trên dải đất hình chữ S này vẫn đi lên phía trước.

H. H.

Nguồn: xuandienhannom.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn