Lady Aung San Suu Kyi, một người đàn bà đẹp

Việt Nguyên

clip_image001

Bài học tranh đấu bất bạo động

Thein Sein và một Miến Ðiện mới

Cuộc bầu cử dân chủ thành công đầu tiên ở Miến Ðiện vào đầu tháng 4 năm 2012 vang đi khắp thế giới. Niềm hy vọng của thế giới đã thể hiện qua buổi họp thượng đỉnh kinh tế thế giới G8, Miến Ðiện là quốc gia duy nhất được ca ngợi với nỗ lực cải tổ dân chủ của Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi lãnh tụ đảng đối lập.

Con đường dân chủ của Miến Ðiện bỗng nhiên ngời sáng, chỉ trong vòng mấy tháng Miến Ðiện đã cho thế giới thấy đặc tính dân chủ đa đảng ưu việt khác hẳn các cuộc cách mạng đẫm máu ở Syria, Trung Ðông, Bắc Hàn và các nước cộng sản còn sót lại.

Miến Ðiện với tân Tổng thống Thein Sein từ hồi tháng 3 năm 2011 và tân thủ đô Naypyidaw có một bộ mặt mới nhờ bà Aung San Suu Kyi, một lãnh tụ đối lập đấu tranh không mỏi mệt trong 24 năm qua. Các lãnh tụ thế giới không biết rõ Tổng thống Thein Sein nhưng họ đã đặt hết niềm tin vào bà Suu Kyi, chính sách chống chính quyền của bà trở thành chính sách ngoại giao của Anh và Hoa kỳ đối với Miến Ðiện. Tháng 11 năm 2011 trước khi bà Ngoại trưởng Hillary Clinton viếng thăm Miến Ðiện, Tổng thống Barack Obama đã gọi điện thoại để được sự chấp thuận của bà về chính sách ngưng cấm vận của Hoa Kỳ. Thủ tướng David Cameron cũng đã gọi bà trước khi Ngoại trưởng Anh William Hague qua Miến Ðiện. Ông Hague sau buổi họp với Tổng thống Thein Sein đã nghĩ tân Tổng thống của chính quyền quân phiệt Miến Ðiện thành tâm cải tổ vì bà Suu Kyi đã cho ông Hague biết bà đã nghĩ như vậy.

clip_image002

Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein

Ðảng Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn với bà là một trong 41 tân đại biểu (tổng số 44) một phần cũng nhờ sự uyển chuyển của chính đảng Dân chủ, đảng đã thay đổi chính sách đảng trong 22 năm qua, công nhận hiến pháp mới của Miến Ðiện và Quốc hội cũng như tham gia bầu cử với ứng cử viên Suu Kyi, và cũng nhờ vậy mà kết quả bầu cử năm 2012 không bị chính quyền quân phiệt xóa bỏ như năm 1990.

Những sự thay đổi bất ngờ ở Miến Ðiện bắt đầu từ tháng 7 năm 2011, sau khi bà Suu Kyi gặp ông Bộ trưởng Aung Kyi, cho đến nay cả hai đều không cho biết rõ chi tiết buổi họp. Tháng 8, bà Suu Kyi xuất hiện trước đám đông ở Rangoon không bị bọn côn đồ của chính quyền đánh phá như năm 2003 (hơn 2.000 côn đồ tấn công đoàn xe của bà ở Depayin, âm mưu ám sát bà, giết hơn 70 người trong đoàn, bà sống sót nhờ anh tài xế cứu). Vài ngày sau bà gặp Tổng thống Thein Sein ở tân thủ đô dẫn đến nhiều thay đổi, báo chí không còn bị kiểm duyệt chặt chẽ, tin tức của đài VOA và BBC không bị chính quyền xem là tin tức láo của bọn phản động, mạng lưới thông tin không bị chặn. Chính quyền Miến Ðiện còn lập Ủy ban nhân quyền, Quốc hội cho phép thành lập nghiệp đoàn lao động và được quyền biểu tình. Bất ngờ nhất là chính quyền Miến Ðiện trở mặt với Trung Cộng, ngưng chương trình xây đập nước Myitsone ở Ðông Bắc Miến Ðiện. Tháng 10 năm 2011, thêm 100 tù nhân chính trị được thả, sau đợt 651 người vào tháng 1 năm 2011, Hiệp định đình chiến được ký giữa quân đội quốc gia Tatmadaw và quân đội kháng chiến nhân dân Karen lần đầu tiên trong 65 năm chiến tranh. Người ta vẫn không hiểu tại sao ông Thein Sein một ngày bỗng nhiên trở thành một Gorbachev của Á Châu. Những người thân cận của ông đã nghĩ là trận bão khủng khiếp Nargis vào ngày 5 tháng 5 năm 2008 giết 140.000 dân Miến Ðiện khi ông mới lên Thủ tướng một năm đã cho thấy sự bất lực của các chính quyền độc tài trước thiên tai, cũng như ảnh hưởng của ông bố, một tu sĩ Phật giáo, đã làm ông thay đổi.

Lady Aung San Suu Kyi

Giống như bất cứ cuộc cách mạng nào đã thành công trong quá khứ, phải có sự hợp tác uyển chuyển giữa hai địch thủ. Qua sự thành công của cuộc bầu cử tháng 4 năm 2012, bà Aung San Suu Kyi đã cho thấy bà là một tấm gương cho các nhà đấu tranh dân chủ bất bạo động. Con người mảnh mai, đẹp, văn hóa cao, nói tiếng Anh giỏi, linh hoạt, thông minh, lúc nào cũng có hoa gài trên mái tóc, ăn mặc quốc phục phụ nữ Miến Ðiện, gương mặt trở nên thân thuộc chẳng những trong nước mà cả thế giới, mặc dù họ không đọc được tên phiên âm của bà cũng như không rõ xứ Miến Ðiện ở đâu trên bản đồ thế giới. Bà Aung San Suu Kyi giữ được tinh thần kẻ sĩ Á Ðông “uy vũ bất năng khuất”. So với các lãnh tụ đấu tranh bất bạo động khác bà có phần hơn. Ông Nelson Madela trong thời kỳ đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc của chính quyền Nam Phi đã chấp nhận vũ trang gây đổ máu trong khi bà Suu Kyi cương quyết chống cách mạng vũ trang trong vòng 22 năm qua. Khác với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, bà Suu Kyi đã chấp nhận, không trốn tránh tù đày bắt bớ và chịu xét xử ở tòa án để cả thế giới thấy rõ bộ mặt chính quyền khủng bố độc tài thay vì sống lưu vong.

clip_image003

Máu đấu tranh có sẵn trong người bà Suu Kyi. Ông Tướng Aung San cha của bà được xem như là cha đẻ của Miến Ðiện, là một người có tài, tham gia phong trào sinh viên tranh đấu chống Nhật, chống phát xít, đồng minh với Anh, thương thuyết dành độc lập cho Miến Ðiện, ông bị ám sát khi bà mới 2 tuổi vào năm 1947.

Bà Khin Kyi mẹ bà Suu Kyi là một người đàn bà sống kỷ luật nghiêm nghị với con, thành lập đoàn thanh nữ Miến Ðiện, theo học trường Anh trong thời kỳ sáng sủa của Miến Ðiện sau thế chiến thứ hai ở Rangoon. Thời kỳ đó tương tự như ở miền Nam Việt Nam, phát triển kinh tế và tự do và cũng như Việt Nam Cộng Hòa, thập niên 1960 Miến Ðiện đã thay đổi vì đảo chính của Tướng Ne Win (phụ tá của ông Aung San). Chính quyền quân phiệt chủ trương quốc hữu hóa, kiểm duyệt báo chí, đuổi người ngoại quốc về nước, bắn giết đàn áp sinh viên biểu tình, “xã hội chủ nghĩa với đặc tính Miến Ðiện” được thành lập đi giống con đường xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Quốc! Vì thời thế, đại sứ phụ nữ đầu tiên của Miến Ðiện Khin Kyi đã sống lưu vong ở Anh, nhờ vậy bà Aung San Suu Kyi có cơ hội gặp ông Nerhu, học thơ Tagore và gặp để học được tinh thần bất bạo động của thánh Gandhi trong thời kỳ bà học tại Oxford năm 1964.

Khi học ở Oxford, bà Suu Kyi được xem là một cô sinh viên có ý chí năng động, tình cảm đầy nhiệt huyết, bạn bè cùng lớp gọi cô là Suu. Ði học cô luôn luôn mặc quần jean màu trắng, không chạy đua theo phong trào đời sống mới phóng túng tình dục, thất tình một lần với một chàng sinh viên người Pakistan, thử uống rượu đúng có một lần còn hoàn toàn giữ được tinh thần Á Ðông cổ truyền với bạn học ở Oxford đa số là người Ấn và Pakistan.

Trong 20 năm sau, bà Suu Kyi về Luân Ðôn, thời kỳ buồn vì bà không biết sẽ làm gì, sẽ đi đâu, không đạt được thành quả nào đáng kể trong nghề nghiệp cũng như học vấn cho nên khi dọn về New York bà bị bạn bè chọc ghẹo là nhờ phe đảng mà bà được làm việc ở Liên Hiệp Quốc với Tổng thư ký U Thant (bạn của ông bố). Bà kết hôn với ông Michael Aris - học giả về Tây Tạng, ông chồng không thực tế cho nên hôn nhân của bà không hoàn toàn hạnh phúc, và trong thời gian này mặc dù làm việc ở Liên Hiệp Quốc bà Suu Kyi không hoạt động chính trị và không tham gia vào cộng đồng tị nạn ở Anh cũng như ở Hoa Kỳ, cho đến khi một biến cố quan trọng đã thay đổi cuộc đời bà. Năm 1988, bà mẹ Khin Kyi bị tai biến mạch máu não, bà phải về Rangoon chăm sóc mẹ đúng thời kỳ Miến Ðiện khủng hoảng, sinh viên xuống đường chống nhà độc tài Ne Win. Miến Ðiện trong thời khủng hoảng, đối lập chia rẽ, công đoàn công nhân thiếu đoàn kết, giới trí thức cũng như giới quân nhân thiếu người lãnh đạo. Trong sáu tháng bà Suu Kyi không tham gia xuống đường biểu tình, nhưng rồi những người bạn của ông bố đã nhắc đến bố bà, một lãnh tụ với chương trình xây dựng đất nước độc lập và dân chủ dở dang, đã khiến bà đồng ý tổ chức buổi họp của các thành phần chống đối ở biệt thự của bà mẹ trong khu đại học.

Diễn văn đầu tiên trước công chúng của bà ở ngôi chùa nóc vàng Shwedagon ở Rangoon, ngôi chùa thiêng nhất, nằm trong trung tâm đất nước và con người Miến Ðiện. Ðám đông với đa số là người trẻ tuổi mang băng vàng trên tay áo tượng trưng cho lòng mong muốn dân chủ đa nguyên đa đảng. Hàng trăm ngàn người chú ý bài nói chuyện của bà, nhưng sống lâu ở nước ngoài và có chồng người Anh đã bị nhiều người đặt vấn đề: “Liệu trong 28 năm sống bên ngoài đất nước bà có hiểu rõ các vấn đề của Miến Ðiện?”. Bài diễn văn còn trên You tube cho thấy câu trả lời đầy lòng yêu nước đã thuyết phục được đám đông: “Sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng tình yêu và tấm lòng dành cho đất nước của tôi không bao giờ suy suyển. Vấn đề là: ‘Tôi biết quá nhiều!’”. Di sản và tinh thần chống thực dân của ông bố Aung San đã biểu lộ ngày hôm ấy, so với tinh thần độc tài chỉ biết quyền lợi cá nhân và quyền lợi đảng của đám quân phiệt Ne Win. Một tháng sau đó, thủ đô Rangoon gần như bị bỏ trống cho sinh viên và công nhân đấu tranh trước khi chính quyền đàn áp và tàn sát biểu tình. Ðảng Dân chủ Quốc gia của bà Suu Kyi được thành lập và bà đi khắp nước để thành lập các chi nhánh đảng ở các tỉnh nhỏ trong thời gian này.

Hình ảnh dân Miến Ðiện nhớ mãi trong thập niên 1980-1990 là bà Suu Kyi giống như chàng sinh viên Trung Hoa biểu tình ở Bắc kinh đứng trước xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ở Danubyu, thành phố đồng bằng Irrawaddy, để chống lại lệnh phải rời thành phố, bà Suu Kyi đi bộ một mình trên đường, thách đố lính đứng trước mặt bà lên đạn cầm súng bắn! Bà được xem là anh hùng nhưng bà đã nói rất thành thực và khiêm tốn khi được hỏi cảm tưởng của bà lúc ấy: “Khi đứng trước nguy hiểm, bạn phải quyết định và bạn không bao giờ biết bạn sẽ phải quyết định như thế nào”. Ðể chống lại lệnh đóng cửa báo chí và đàn áp đối lập của chính quyền Ne Win, đảng Dân Chủ tạo ra những ngày lễ: Ngày lễ nhân quyền Miến Ðiện, ngày tưởng niệm sinh viên bị tàn sát, ngày chống phát xít, ngày bất tuân dân sự, v.v.

Bà bị giam tại gia 3 năm bắt đầu từ tháng 7 năm 1989. Khác với các nhà trí thức như nhà bác học Sakharov ở Nga, Nelson Mandela ở Nam Phi hay các nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam và Trung Hoa, bà từ chối chọn cuộc sống lưu vong dù bị áp lực của chính quyền quân phiệt Miến Ðiện và áp lực của chồng con.

Bà Aung San Suu Kyi đã sống đúng với những gì bà nói. Khi bắt đầu bị giam tại nhà, Giám đốc tình báo Miến Ðiện Khin Nyunt đã mở thơ và quà của bà trong đó có son phấn, video tape tập thể thao của Jane Fonda. Ông Nyunt mỉa mai trên mặt báo, bà mệnh phụ (những người dân nghèo Miến Ðiện gọi bà là lady) đã sống khác người nghèo mặc dù lúc nào cũng nói tranh đấu cho người nghèo. Bà lập tức ngưng nhận quà, kể cả đồ tiếp liệu của chính quyền, bán bàn ghế trong nhà để mua thực phẩm. Bà sống trong nhà, làm việc nhà, tập thể dục, ngồi thiền trong 3 năm, vì vậy bà bị bệnh thiếu dinh dưỡng, bệnh thiếu sinh tố A và D nên tóc rụng và mắt mờ.

Năm 1990, đảng Dân chủ thắng 392/485 ghế ở Quốc hội nhưng bị chính quyền hủy bỏ không công nhận kết quả, ngược lại bà được giải Nobel Hòa bình năm 1991. Giống như trường hợp Lưu Hiểu Ba năm 2011, cả thế giới biết đến bà nhưng chính quyền nhất định không trả tự do.

Như những tù nhân chính trị và những người được giải Nobel Hòa bình, bà Suu Kyi đã viết những tiểu luận chính trị mặc dù bà viết ít. Bài tiểu luận nổi tiếng nhất là “Tự do không sợ hãi”: Không phải là quyền lực đã làm tha hóa con người mà chính là sự sợ hãi. Dân sợ chính quyền độc tài nhưng những kẻ cầm quyền cũng sợ mất quyền. Chính sự sợ hãi dẫn đến tham nhũng, phe đảng, bè phái, con ông cháu cha, ngu dốt và chia rẽ. Tướng lãnh độc tài cũng là người, họ không phải là thần thánh và họ cũng sợ hãi như thường dân. Bàn tay của những kẻ cầm quyền độc tài sợ nhất là những mảnh thủy tinh.

Những bàn tay thô bạo bóp bể những ly nước (tượng trưng cho dân) và những ly nước bể với những mảnh thủy tinh vụn đâm vào tay họ.

Con người nhỏ bé mảnh mai, sau khi ông chồng mất vì bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến [tuyến tiền liệt] năm 1999, vẫn cương quyết đương đầu chống độc tài. Bà được xem là mềm mỏng, uyển chuyển như nước, không nhường bước và nước Suu Kyi bén hơn mảnh thủy tinh. Sức mạnh của nước như triết lý của Lão Tử “Thủy thiên lợi vạn vật, nhi bất tranh” hay “Ngôn thiện tính” (nói biết giữ lời) với “Tâm thiện uyên, dữ thiện nhân” (xử thế hợp lòng nhân).

Cách mạng ở mỗi quốc gia có mỗi đặc tính. Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc năm 1989 nhờ ông Vaclav Havel với tinh thần bác ái của Thiên Chúa Giáo, “yêu kẻ thù”. Ðấu tranh dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thành công là nhờ cuối thời kỳ bị giam, tư tưởng triết học chính trị của bà chuyển đổi qua Phật Giáo, mấy năm bị giam của bà giống như Bồ Ðề Ðạt Ma sư tổ ngồi thiền đối mặt vào vách tường, lúc đầu bà ngồi thiền mỗi ngày để tâm định, dưới ảnh hưởng của Phật Giáo Miến Ðiện, sau đó những tư tưởng triết lý từ bi, vô úy làm đúng, nghĩ đúng, như những lời Phật Thích Ca dạy đã giúp bà nhìn thấy: “Chỉ có sự thật dẫn đến hài hòa cho mọi người, dẫn đến sự tử tế và có ích cho mọi người”. Những năm sau nhờ tư tưởng Phật Giáo bà không chủ trương dùng những lời lẽ quá khích đả phá giới quân nhân và chính quyền. Bà khuyên các đảng viên đảng Dân chủ quên đi những tổn thất trong thời kỳ cách mạng Cà sa Saffron, quên đi những xa hoa phí phạm của chính quyền khi dọn thủ đô từ Rangoon về Nayapidaw cũng như quên đi kỳ bầu cử gian lận năm 2010, nhờ vậy mà cuộc tranh đấu dân chủ ở Miến Ðiện năm 2012 khác hẳn các cuộc cách mạng bạo động ở Trung Ðông, Syria, Tunisia, Egypt, Zimbabwe.

Ngày 1 tháng 4 năm 2012, ở làng quê nghèo cạnh ven sông, Wah Theinkha, những người nghèo gồm nhiều nhóm sắc tộc đã thức dậy sớm, đi theo bà qua các địa điểm bầu phiếu. Những người nhà quê yêu bà bồng con cầu chúc “Mẹ Suu sống lâu trăm tuổi” và bà đã thắng cử nhờ tấm lòng yêu người. Miến Ðiện đi vào một thời kỳ mới nhờ bà, một phụ nữ đẹp từ trong ra ngoài mặc dù còn phải đợi đến kỳ tổng tuyển cử năm 2015 mới biết rõ sự thành thật của chính quyền quân phiệt và chúng ta mong rằng Lady Aung San Suu Kyi không lầm tin vào Tổng thống Thein Sein như Tổng thống George W. Bush đã lầm khi nhìn vào mắt nhà độc tài Vladimir Putin và tin rằng đã nhìn thấu tâm hồn ông ta!

V.N.

22 tháng 5, 2012

Nguồn: nguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn