Những bước đi oái oăm của lịch sử



Tương Lai

Lịch sử là con người nhân với thời gian. Mà thời gian thì không ngừng cuộn chảy, cuốn theo những biến động dữ dội. Trong dòng chảy ấy, thời gian đã xóa nhòa biết bao những điều cứ ngỡ như mãi có giá trị, nhưng lại làm nổi bật lên những giá trị không sợ sự khảo nghiệm nghiêm khắc của thời gian. Lại cũng chính thời gian đang kết nối quá khứ với hiện tại. Một quá khứ gần và một quá khứ xa đang hòa quyện, trộn lẫn với nhau trong những biến động của thời cuộc, chất chứa bao câu hỏi cần phải có câu trả lời. Ấy vậy mà, câu trả lời gần với sự thật hơn cả, tiệm cận được với chân lý, thì cũng lại phải cậy vào thời gian. Và rồi, cũng chính thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, của ý chí mà từ đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại.

lịch sử không mấy khi đi một lèo theo con đường thẳng tắp, mà thường khấp khểnh, gập ghềnh tựa như như dòng sông uốn lượn theo địa hình mà nó chảy qua.những đoạn sông gấp khúc, lại có lúc tưởng như sông chảy ngược, nhưng thật ra sông vẫn xuôi về biển cả. Vì rằng lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra song vẫn không là phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân họ. Phải chăng vì thế mà Hegel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, xét đến cùng, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc để viết nên những trang hào hùng chính là những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ để tạo ra những đột phá thúc đẩy cuộc sống đi tới. Đó mới chính là đáp số cuối cùng của lịch sử.
Nói như vậy vì tiến hóa là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp cái toàn thể của hệ thống, bằng việc làm nảy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm nhiều khả năng xuất hiện những thuộc tính hợp trội mới. Các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, là sản phẩm từ dưới lên chứ không phải chỉ là do từ trên xuống. Vấn đề là làm sao để sức mạnh từ dưới lên ấy tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy ý chí và quyết tâm của bộ phận đang nắm quyền nhận ra và tìm cách phát huy sức mạnh hợp trội ấy. Dù tự giác nhận ra hay buộc phải nhận ra, nếu biết cách làm bừng nở những nhân tố hợp thành sức mạnh hợp trội ấy thì một cục diện mới sẽ mở ra. Khó để đoán trước được hết độ phức tạp nhưng cũng có thể là sự giản đơn đến bất ngờ của những gì sẽ được mở ra đó, ngoại trừ điều mà Nelson Mendela tiên đoán sự việc đều tưởng như bất khả thi cho tới khi nó được hoàn thành”.
Thì chẳng phải thế sao? Có mấy ai đoán được những gì đã xảy ra sau khi bức tưởng Berlin bị đạp đổ ngày 9.11.1989 và rồi hơn hai triệu người từ Đông Berlin thăm Tây Berlin vào cuối tuần đó để tham gia ăn mừng trong một sự kiện được mô tả là “lễ hội đường phố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới”? Theo Sarotte trong The Collapse: The Accidental Opening of the Berlin Wall” (“Sự sụp đổ tình cờ của Bức tường Berlin”), bức tường ô nhục đó đổ là nhờ “một tập hợp khác thường của những con người và các sự kiện ngẫu nhiên” vào tối ngày 9/11 “đã hội tụ theo một trình tự chính xác nhưng hoàn toàn không định trước”. Nếu không có chuyện “nhỡ miệng” của Günter Schabowski, Bí thư Đông Berlin trả lời các phóng viên về thời điểm có hiệu lực của quyết định cho phép mọi công dân rời Đông Đức thông qua mọi cửa khẩu: “Theo tôi biết là ngay lập tức, không chậm trễ” thì trung tá Harald Jager đã không ra lệnh mở cửa cho người dân băng qua. Những cửa khẩu khác nhanh chóng bắt chước Jager và hàng ngàn người Đông Đức băng qua Tây Berlin, trong số đó có cả Thủ tướng sau này của nước Đức thống nhất, người phụ nữ được bình chọn là có quyền lực nhất thế giới hôm nay, bà Angela Merkel (theo The Washington Post). Đó là thời điểm kỳ diệu của lịch sử! Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph sau 25 năm, Jager cho biết ông đã khóc sau khi ra lệnh mở cửa. “Thế giới của tôi sụp đổ… Một mặt tôi vô cùng thất vọng song mặt khác cũng khuây khỏa vì nó đã kết thúc trong hòa bình”. Thế nhưng, cũng theo The Washington Post, Gorbachev, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã trấn an Krenz vào buổi sáng hôm sau: “Ông đã có quyết định đúng đắn vì làm sao ông có thể bắn vào những người Đức băng qua biên giới để gặp những người Đức khác”. 
Ngày 9.11.1989, người Đức đập vỡ bức tường ô nhục.
Đưa ra ví dụ trên chỉ nhằm nói lên một sự thật: trong những bước đi oái oăm của lịch sử, nhân tố ngẫu nhiên có vai trò đặc biệt của nó. K. Marx có lý khi chỉ ra rằng lịch sử sẽ mang tính chất thần bí nếu tất cả những cái ngẫu nhiên không có tác dụng gì cả. Những ngẫu nhiên này chính là một bộ phận trong tiến trình phát triển. Sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào cái ngẫu nhiên, kể cả những cái ngẫu nhiên rất nhỏ mà những mẩu chuyện vừa nêu cho thấy điều đó. Điều này không bác bỏ lập luận của Hegel nêu trên, mà ngược lại, càng chứng tỏ cái được gọi là ngẫu nhiên đó luôn ẩn giấu cái tất yếu. Nói cách khác, cái tất nhiên phải thông qua cái ngẫu nhiên để biểu hiện ra. Và sự trớ trêu của cuộc sống thường hiện diện trong mối quan hệ mà thoạt nhìn có vẻ bí ẩn đó. Vì thật ra sự nhỡ miệng của Schabowski dẫn đến quyết định của Jager là những ngẫu nhiên đã ẩn giấu trong đó quy luật không thể đảo ngược của sự vận động. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn và hình thức thể hiện mà thôi.
Chẳng thế mà các cụ ta xưa nói một cách dung dị nhưng mang ý nghĩa đúc kết rất hàm súc: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”! Voltaire thì diễn đạt ý này trong một khái quát về những oái oăm của lịch sử bằng một mệnh đề mà càng nghĩ càng thấy cuộc sống đầy rẫy những nghịch lý: Tội ác có anh hùng của nó, sai lầm có tử sĩ của nó! Thậm chí, ông còn chua chát nói về sự oái oăm đó trong một nhận định, mà để hiểu được chiều sâu ý tưởng của nhận định này, có lẽ phải nghiền ngẫm kỹ về biểu tượng so sánh đậm chất hài hước của nhà triết học Pháp: Thường những kẻ côn đồ giống các vĩ nhân”.
Vĩ nhân chỉ có thể trở thành vĩ nhân khi biết khơi dậy, phát huy và biết cách nương theo sức mạnh như triều dâng thác đổ của quần chúng nhân dân được khởi động để cùng họ tiến tới mục tiêu. Không hiểu được về sức năng động tự thân của khối nhân quần đang tỉnh thức, không thể trở thành vĩ nhân! Cho nên, sự tranh cãi triền miên không sao có hồi kết về “anh hùng tạo thời thế” hay “thời thế tạo anh hùngvẫn mang tính cập nhật.
 Hãy chỉ nói một ví dụ: Tại thời điểm chín muồi thể hiện rõ biện chứng của sự phát triển vừa nói trên, Hồ Chí Minh là biểu tượng sống động của nguyên lý đó, một nhân tố không thể không có để đẩy tới sự thành công của Cách mạng Tháng 8, 1945. Cũng không ai khác, Hồ Chí Minh là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho mối quan hệ Việt-Mỹ rồi hơn nửa thế kỷ sau mới có sự kiện đột phá mang tính biểu tượng của việc Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng! Chắc ai cũng biết, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là câu bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ ít người biết chính Hồ Chí Minh đã yêu cầu phi công Mỹ thả dù xuống chiến khu Việt Bắc một nguyên bản của văn kiện lịch sử này vào thời điểm cận kề khởi nghĩa Tháng 8, 1945. Đơn vị “Con Nai” của OSS đã thực thi sứ mệnh độc đáo ấy!
Rồi trong vòng hai tháng sau đó, vị Chủ tịch của nước Việt Nam vừa tuyên bố độc lập cần tranh thủ sự ủng hộ của thế giới đã gửi 8 lá thư cho Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng không có một hồi âm. Đơn giản chỉ vì người Mỹ không tìm thấy được chút lợi ích nào trong chuyện chìa tay ra với Hồ Chí Minh của Việt Nam ở sát mép nước Biển Đông tít tắp bên kia bờ Thái Bình Dương mênh mông sóng vỗ. Nhưng rồi 70 năm sau thì chính những con sóng Biển Đông dồn dập ấy đang giục giã người Mỹ xoay trục sang châu Á vì chính lợi ích của mình trước một siêu cường côn đồ đang thách thức thế giới, mà trước hết là thách thức người Mỹ. Và thế là Tổng thống Obama chìa tay ra với Nguyễn Phú Trọng, bỏ qua những thông lệ ngoại giao.
Cũng chính vì vậy mà đừng quên rằng, những người có tầm nhìn xa, có trí tuệ mẫn tiệp đã hiểu thấu lòng dạ bành trướng của người bạn láng giềng cùng chung ý thức hệ mà Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt là những biểu tượng sáng ngời, từng quyết liệt đẩy tới mối quan hệ Việt-Mỹ đã bị những “ngu trung” với tầm mắt thiển cận và trí tuệ lú lẫn chỉ thuộc lòng một mớ giáo điều đã bị cuộc sống vứt bỏ tìm mọi cách ngăn cản. Đó cũng là ví dụ điển hình cho những oái oăm lịch sử khiến đất nước phải chậm bước không chỉ 20 năm do mối quan hệ lệ thuộc vào “người cùng chung ý thức hệ” mà tệ hại nhất là sa vào cái bẫy Thành Đô. Nói là oái oăm là vì chuyện chui đầu vào cái bẫy ô nhục đó lại được dẫn dắt bởi tính “kiên định và sáng tao” của Nguyễn Văn Linh: “Tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa”.
Với định hướng sai lầm tệ hại đó, một bộ phận những người cầm quyền “kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa” ngày càng bị trói chặt vào cái bẫy đó mà không chịu tìm cách thoát ra như lời cảnh báo của Phạm Văn Đồng, một người cũng từng bị lôi vào cái bẫy ấy: “Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy”. Như Trần Quang Cơ nhận định, Việt Nam-Trung Quốc “không phải là bình thường hóa quan hệ, mà là phụ thuộc hóa quan hệ” (theo Hồng Khiêm, nguyên Tham tán Bộ Ngoại giao, “Đọc lại Hồi ký Trần Quang Cơ”). Thật ra, cái gọi là cùng chung ý thức hệ chỉ là vỏ bọc ngoài cái ghế quyền lực đang lung lay. Phải chăng vì vậy mới có cung nhạc dạo đầu tuyên truyền rầm rộ cho người chủ xướng của thảm hoạ Thành Đô như một khúc “prelude” của bản hợp xướng công du Mỹ quốc nhằm trấn an “người đồng chí cùng chung ý thức hệ”. Đồng thời cũng để, nói như Lê Mai, cố Thứ trưởng Ngoại giao, một trong những người dũng cảm vượt qua những rào cản để thiết lập mối quan hệ Việt - Mỹ: “hoá giải những cái đầu nóng” của một bộ phận vẫn nhìn Mỹ như là “kẻ thù chiến lược” khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam (theo Lê Thọ Bình, “Việt Nam: Đất nước, chứ không phải cuộc chiến”). Quả thật, chính những bước đi oái oăm của lịch sử đòi hỏi những người tử tế muốn giữ cho mình cái thiên lương, thiên năng để không bị rối trí thì phải tỉnh táo nhớ lại khuyến cáo của Einstein: Hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ”.

T. L.
Tác giả gửi BVN.


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn